Friday, December 28, 2012

Vấn đề nổi bật năm 2012


Xem trước:
- Bất động sản góp phần tăng trưởng

Năm 2012 qua đi với bao niềm trăn trở của các cấp lãnh đạo Đảng. Và Chính phủ đã phát huy mọi nỗ lực trong việc điều hành kinh tế đất nước. Các quyết sách được đưa ra ngày càng mạnh dạn, quyết đoán và với tần suất cao. Từ thay đổi lãi suất, đến bơm hút tiền tệ, từ chính sách quản lý ngoại tệ đến dán nhãn cho vàng quốc gia.

Thành tích định lượng tốt nhất là hãm cơn lạm phát tiền tệ của kinh tế. Lạm phát giảm liên tục từ đầu năm từ con số 17.27 % đầu năm giảm còn 5.35% vào tháng 7 và ổn định từ giữa năm xung quanh 6%, chốt lại 6.81% vào tháng cuối năm.

Chỉ số lạm phát tại các thời điểm trong năm 2012

Thursday, December 20, 2012

Đề phòng kẻ thù cướp sổ hưu

Một bài giảng cho cán bộ trung cao của một tay giáo viên mang quân hàm Đại tá (*) đã đem đến sự chú ý của dư luận nhiều hơn mong đợi. Nội dung bài giảng ấy không mới, tức là kiên định lập trường lãnh đạo của đảng, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bài giảng ấy nói lên quan hệ đối ngoại giữa đảng và nhà nước ta với các nước khác trên thế giới. Nó không thay đổi thể hiện trong những tư tưởng sau:

Một là, nước Mỹ là kẻ thù chiến lược. Điều này được ghi trong Hiến pháp 1982, được gỡ bỏ cùng với điều: Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp, nguy hiểm. Độc giả đừng cười khi hiến pháp VN lại chọn 2 nền kinh tế thứ nhất và thứ nhì thế giới để làm kẻ thù.

Tuesday, December 11, 2012

Đừng quên Chức năng của báo chí cách mạng là tuyên truyền

Xem trước:
Báo chí cách mạng: Hồng và Chuyên

Chức năng quan trọng và sống còn của báo chí cách mạng là Tuyên truyền. Nếu không vì mục đích tuyên truyền thì Luật báo chí đã không cấm tư nhân phát hành báo chí.

Tuyên truyền nghĩa là chỉ tường thuật một phần của sự thật, còn lại được biên tập theo ý đồ của nhà cầm quyền. Loa phường là một thứ tuyên truyền, hàng ngày nó nhét thông tin miễn phí vào tai mọi người. Một hình thức tuyên truyền khác là chế độ đọc báo buổi tối trong các đơn vị quân đội.

Xin đơn cử thí dụ về tuyên truyền. Khi khan hiếm lương thực, phải độn ngô (bắp) thì GS Từ Giấy phát biểu luận thuyết về "Ngô bổ hơn gạo" hoặc "Lá sắn giàu đạm như thịt bò".

Hồi máy bay Mỹ đánh phá cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa. Một dân quân tên là Ngô Thị Tuyển được đơn vị pháo cao xạ đề cử tuyên dương anh hùng vì có thành tích vác được một lúc 2 thùng đạn mỗi thùng 50kg. Một nhóm phóng viên từ Hà Nội được cử vào chiến trường để tìm hiểu thực tế. Trước ống kính của phóng viên, cô Tuyển cố gắng cũng không thể vác quá một thùng đạn 50kg (*)

Mới đây, có người cho rằng, cần phải thu tiền báo online để bù đắp chi phí và làm cho tòa soạn có lãi. Lập luận đó dựa trên cơ sở là trên thế giới có nhiều báo mạng thu tiền như: Nhật báo Phố Tường, Tạp chí kinh tế Viễn Đông, Thời báo Eo Biển etc.

Xin nói lại cho rõ, những tờ báo trên là báo tư nhân, họ thu tiền để đổi lấy thông tin hữu ích cho độc giả. Còn ở ta, chức năng chính của báo chí là tuyên truyền. Hệ thống báo chí thuộc quốc doanh, do ban Văn hoá tư tưởng Trung ương thống nhất quản lý về nội dung, bộ Văn hoá thông tin quản lý về thủ tục..

Thực ra, độc giả chỉ mong được trả tiền để biết sự thật. Cuốn sách của tác giả Huy Đức (**) lên cơn sốt gần đây là bằng chứng của khát khao sự thật trong quần chúng, mà không biết có bao nhiêu % sự thật trong đó. Nội dung cuốn sách nói về những sinh hoạt chính trị sau 1975 .

Tuy nhiên, các đơn vị phát hành báo mạng vẫn có thể thu tiền ngay và luôn bằng cách: thu tiền từ các Nhà cung cấp dịch vụ internet tức các ISP.

Chú thích:
* Sau này, cô dân quân Ngô Thị Tuyển có thừa nhận rằng cố gắng vác 2 thùng đạn 50Kg mà không thành công, đã để lại di chứng ở cột sống đến ngày nay.
** Tựa sách là: Bên thắng cuộc

Tham khảo:
1. Dân trí - Gặp lại nữ anh hùng trong chiến thắng Hàm Rồng năm xưa
http://dantri.com.vn/xa-hoi/gap-lai-nu-anh-hung-trong-chien-thang-ham-rong-nam-xua-388062.htm
2. VNN- Thu phí đọc báo online là bắt buộc
http://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe-thong-tin-vien-thong/100464/thu-phi-doc-bao-online-se-la-bat-buoc.html
3. CPV - Báo chí cách mạng là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước
http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=410565&co_id=30296# 
4. Minh họa của Dân luận

 

Tuesday, December 4, 2012

Tội làm lộ bí mật nhà nước

Thông tin về thăm dò và khai thác dầu khí ngoài biển là một loại bí mật nhà nước. Phóng viên không được phép tiếp cận các hoạt động thăm dò dầu khí ngoài biển. Thông tin nếu có chỉ có thể từ những người giữ trọng trách trong ngành Dầu khí. Về nguyên tắc, trong đất liền không thể biết được các hoạt động ở ngoài khơi xa nếu không có nguồn tin tin cậy cung cấp. Nguồn đáng tin ở VN chỉ có thể được bảo chứng bởi TTXVN.

Tuy nhiên, sự kiện tàu Bình Minh bị "cắt cáp" gần đây nhất đã được lan truyền trong công chúng ngay từ trưa ngày 30 tháng 11. Về căn bản, khi chưa có nguồn cung cấp tin là TTXVN xác nhận thì tin "cắt cáp" chỉ có thể là tin đồn hoặc tin giả. Loại tin này đã nhiều lần gây hoang mang dư luận và lần lượt được các cơ quan chức năng bác bỏ từng phần hay toàn bộ.

Xin đơn cử 2 trường hợp tin không chính thống điển hình. Trường hợp 1, anh Nguyễn Công Nhật bị công an khảo cung đến chết tại đồn công an vì bị nghi ngờ ăn cắp lốp thành phẩm ở nhà máy chế tạo vỏ xe Kumho. Trường hợp 2, ông Trịnh Xuân Tùng bị chết trong đồn công an do bị cán bộ công an mạnh tay khống chế. Tin tức chính thức từ báo chí nhà nước về 2 trường hợp này là: anh Nhật vì xấu hổ nên tự tử chứ không phải bị bức cung và ông Tùng không may chết do xô xát với lực lượng trật tự bến xe.

Phân tích để thấy những thông tin không được kiểm duyệt rất có hại, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín của đảng và nhà nước đối với quần chúng vốn đã xuống rất thấp trong thời đại ngày nay. Quần chúng hiện tại cho rằng "Ai mà vào đồn công an thì sẽ ra bằng nghĩa địa".

Riêng loại tin "cắt cáp" nó còn có "yếu tố nước ngoài" là thủ phạm. Việc tùy tiện loan tin có ảnh hưởng rất xấu đến quan hệ đối ngoại, nhất là những nước trong cùng hệ thống XHCN. Việc này dễ bị những thế lực thù địch lợi dụng để kích động quần chúng biểu tình làm ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị tuy đẹp đẽ cờ hoa nhưng chỉ là phồn vinh giả tạo.

Quay lại với sự kiện "cắt cáp" đã xảy ra vào buổi trưa ngày 30 tháng 11. Báo "ngoài lề" đưa tin ngay sau khi sự việc xảy ra trong khi Petrotimes, cơ quan ngôn luận của Vietnam Petro khẳng định tin đồn đó là chính xác sau đúng 3 ngày 3 đêm. Những công việc về an ninh quốc phòng như tái phối trí lực lượng vũ trang và khí tài trên biển cũng sẽ dễ dàng bị rò rỉ theo cách này. Sự kiện này cho thấy lỗ hổng rất nghiêm trọng về an ninh quốc gia.

Tại Hội nghị Trung ương 6 vừa mới diễn ra tại Hà Nội, công tác bảo mật cũng đã được thực hiện. Theo đó mỗi cán bộ dự hội nghị (đều là các Ủy viên Ban CH TƯ Đảng CSVN) đều phải cam kết thực hiện không mang vào hội nghị những thiết bị ghi âm, ghi hình, thiết bị chuyển thông tin ra bên ngoài. Ai vi phạm sẽ phải chịu hình thức kỷ luật nặng nhất là khai trừ*.

Dẫn ra quy tắc bảo mật trên để thấy, việc giữ bí mật nhà nước không loại trừ ai, kể cả những người giữ trọng trách lớn nhất của đất nước cho đến những nhân viên làm việc chuyên môn và  không ngoại lệ.

Nguồn rò rỉ thông tin là từ những cán bộ làm việc trên tàu thăm dò hay trên tàu "bảo vệ"  tàu thăm dò, là tàu hải quân trá hình. Không khó để tìm ra tung tích kẻ đã tiết lộ tin tức về đất liền. Cần truy tố và nghiêm trị thủ phạm làm lộ bí mật công tác để làm gương, để chủ động phòng ngừa nguy cơ tiết lộ bí mật nhà nước.

Chú thích:
(*) bên ngoài đồn rằng mỗi Trung ương ủy viên ra vào đều phải bị lục soát. Tin đồn này không có cơ sở vì Trung ương đảng là bộ máy quyền lực cao nhất nên không có ai có quyền cao hơn để được phép lục soát một UV TƯ.

Tham khảo:
Chương 20 Bộ luật Hình sự nước CH XHCN Việt Nam quy định:
Điều 263. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước, thấp nhất là 2 năm tù, cao nhất là 15 năm tù
Điều 264. Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước, thấp nhất là cải tạo không giam giữ, cao nhất là 7 năm tù.