Thông tin về thăm dò và khai thác dầu khí ngoài biển là một loại bí mật nhà
nước. Phóng viên không được phép tiếp cận các hoạt động thăm dò dầu
khí ngoài biển. Thông tin nếu có chỉ có thể từ những người giữ trọng trách trong ngành Dầu khí. Về nguyên tắc, trong đất liền không thể biết được các
hoạt động ở ngoài khơi xa nếu không có nguồn tin tin cậy cung cấp. Nguồn
đáng tin ở VN chỉ có thể được bảo chứng bởi TTXVN.
Tuy nhiên, sự kiện
tàu Bình Minh bị "cắt cáp" gần đây nhất đã được lan truyền trong công
chúng ngay từ trưa ngày 30 tháng 11. Về căn bản, khi chưa có nguồn cung
cấp tin là TTXVN xác nhận thì tin "cắt cáp" chỉ có thể là tin đồn hoặc
tin giả. Loại tin này đã nhiều lần gây hoang mang dư luận và lần lượt
được các cơ quan chức năng bác bỏ từng phần hay toàn bộ.
Xin
đơn cử 2 trường hợp tin không chính thống điển hình. Trường hợp 1, anh Nguyễn Công Nhật bị công
an khảo cung đến chết tại đồn công an vì bị nghi ngờ ăn cắp lốp thành
phẩm ở nhà máy chế tạo vỏ xe Kumho. Trường hợp 2, ông Trịnh Xuân Tùng bị chết
trong đồn công an do bị cán bộ công an mạnh tay khống chế. Tin tức chính thức từ
báo chí nhà nước về 2 trường hợp này là: anh Nhật vì xấu hổ nên tự tử chứ không phải bị bức
cung và ông Tùng không may chết do xô xát với lực lượng trật tự bến xe.
Phân
tích để thấy những thông tin không được kiểm duyệt rất có hại, gây
hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín của đảng và nhà nước đối với quần chúng vốn đã xuống
rất thấp trong thời đại ngày nay. Quần chúng hiện tại cho rằng "Ai mà vào đồn công an thì sẽ ra bằng nghĩa địa".
Riêng loại tin "cắt cáp" nó còn có "yếu tố nước ngoài" là thủ phạm. Việc tùy tiện loan tin có ảnh hưởng rất xấu đến quan hệ đối ngoại, nhất là những nước trong cùng hệ thống XHCN. Việc này dễ
bị những thế lực thù địch lợi dụng để kích động quần chúng biểu tình làm
ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị tuy đẹp đẽ cờ hoa nhưng chỉ là phồn vinh
giả tạo.
Quay lại với sự kiện "cắt cáp" đã xảy ra vào buổi trưa ngày 30 tháng 11. Báo "ngoài lề" đưa tin ngay sau khi
sự việc xảy ra trong khi Petrotimes, cơ quan ngôn luận của Vietnam
Petro khẳng định tin đồn đó là chính xác sau đúng 3 ngày 3 đêm. Những công việc về an ninh quốc phòng như tái phối trí lực lượng vũ trang và khí tài trên biển cũng sẽ dễ dàng bị rò rỉ theo cách này. Sự kiện này cho
thấy lỗ hổng rất nghiêm trọng về an ninh quốc gia.
Tại Hội
nghị Trung ương 6 vừa mới diễn ra tại Hà Nội, công tác bảo mật cũng đã
được thực hiện. Theo đó mỗi cán bộ dự hội nghị (đều là các Ủy viên Ban CH TƯ
Đảng CSVN) đều phải cam kết thực hiện không mang vào hội nghị những
thiết bị ghi âm, ghi hình, thiết bị chuyển thông tin ra bên ngoài. Ai vi
phạm sẽ phải chịu hình thức kỷ luật nặng nhất là khai trừ*.
Dẫn
ra quy tắc bảo mật trên để thấy, việc giữ bí mật nhà nước không loại
trừ ai, kể cả những người giữ trọng trách lớn nhất của đất nước cho đến những nhân viên làm việc chuyên môn và không ngoại
lệ.
Nguồn rò rỉ thông tin là từ những cán bộ làm việc
trên tàu thăm dò hay trên tàu "bảo vệ" tàu thăm dò, là tàu hải quân trá hình.
Không khó để tìm ra tung tích kẻ đã tiết lộ tin tức về đất liền. Cần
truy tố và
nghiêm trị thủ phạm làm lộ bí mật công tác để làm gương, để
chủ động phòng ngừa nguy cơ
tiết lộ bí mật nhà nước.
Chú thích:
(*) bên ngoài đồn rằng mỗi Trung ương ủy viên ra vào đều phải bị lục soát. Tin đồn này không có cơ sở vì Trung ương đảng là bộ máy quyền lực cao nhất nên không có ai có quyền cao hơn để được phép lục soát một UV TƯ.
Tham khảo:
Chương 20 Bộ luật Hình sự nước CH XHCN Việt Nam quy định:
Điều 263. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước, thấp nhất là 2 năm tù, cao nhất là 15 năm tù
Điều 264. Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước, thấp nhất là cải tạo không giam giữ, cao nhất là 7 năm tù.