Tuesday, May 31, 2011

Thương mại mật thiết Việt - Trung phát triển bền vững

Tóm tắt thông tin về thương mại Việt - Trung từ khi bình thường hóa quan hệ cho đến nay từ bài báo Choáng ngợp với nhập siêu từ Trung Quốc

Giai đoạn 1996-2000, tỷ trọng giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 5,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam,

Giai đoạn 2001-2005, tỷ trọng này đã tăng lên 13,4%.

Năm 2008 tỷ trọng giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 19,8% tổng kim ngạch

Năm 2009 tỷ trọng giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc tăng lên 25% .

Năm 2010 , Việt Nam chi 19.1 tỷ USD để mua hàng nhập khẩu từ TQ, trong khi xuất khẩu đối ứng 6,4 tỷ USD.

4 tháng đầu năm 2011, nhập khẩu từ TQ 7 tỷ đô (tính tròn) , xuất khẩu 2.98 tỷ đô, nhập siêu 4 tỷ đô

Năm 2000, ta đạt thặng dư thương mại với Trung Quốc 135 triệu USD

Năm 2001, thâm hụt trong cán cân thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc 200 triệu USD.

Năm 2007, nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam là 9,145 tỷ USD, tổng kim ngạch 15 tỷ đô

Năm 2008, đó là con số 11,16 tỷ USD

Năm 2009, con số này đã tăng lên 11,532 tỷ USD,

Năm 2010, nhập siêu từ Trung Quốc đạt 12,7 tỷ USD

Năm 2011 dự tính tăng lên 17 tỷ đô

Những con số trên nói lên:
1. Kim ngạch buôn bán hai chiều năm sau tăng hơn năm trước, bình quân 40%/năm
2. Tỷ trong kim ngạch buôn bán với TQ so với tổng số ngày càng lớn.
3. Đồng thời lượng xuất siêu và tỷ trọng xuất siêu ngày càng lớn

Trong khi tình hình kinh tế trong nước:

1. Lạm phát 19.78% tháng 5/2011

2. Ngân hàng nâng lãi suất nhưng không huy động được như mong muốn lên đẩy lãi suất vượt trần.

3. Thị trường chúng khoán đi xuống mỗi ngày, lãnh đạo các công ty chứng khoán bỏ trốn hoặc từ nhiệm,

4. Thị trường BĐS không tăng trưởng, có dấu hiệu sụt giảm, có nghĩa là luồng vốn chuyển đi ra khỏi thị trường này

Đầu tư nội địa giảm sút trong khi thương mại Việt - Trung tăng trưởng vượt bậc. Có thể phát biểu mà không sợ sai rằng vốn liếng trong nước đã đổ vào thương mại Việt - Trung.

Vậy đồng tiền nào giữ vai trò trao đổi trong thương mại song phương ngoài Yuan của TQ? Một thương gia Việt nhập hàng từ TQ, anh ta phải mang VND đến ngân hàng đổi ra đô la hoặc Yuan, tức là anh ta mua hàng bằng VND, ngoại tệ chỉ là trung gian và ngân hàng làm dịch vụ đổi tiền hưởng phí hối đoái. Có thể bỏ qua vai trò của ngân hàng đổi tiền bằng cách mua hàng từ TQ bằng VND. Được chứ sao không, ở đây vai trò của VND không phải dùng để thanh toán mà chỉ dùng để trao đổi.

Câu hỏi đặt ra là, trong tình trạng nhập siêu, thương nhân TQ xử lý đồng tiền không có giá trị quốc tế là VND như thế nào.

1. Là thành viên chủ chốt của Ngân hàng Phát triển Á châu ADB, nhà thầu TQ tham gia vào thi công các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng của VN. Họ được thanh toán bằng USD từ nguồn ADB nhưng lại chi tiêu tại VN bằng VND.

2. Ngân hàng Nhà nước VN hạn chế giao dịch trong nước bằng đô la và vàng khiến đô la và vàng không có nơi tiêu thụ "rẻ" đi so với giá trị của nó. Những đồng VND thặng dư kia dùng để thu gom lượng đô la và vàng "dư" trên thị trường.

Câu hỏi khác đặt ra là một số nơi nhân dân hết tiền mua gạo như là 94,996 người đói tại Yên Bái, 241,558 người đói gay gắt tại xứ Thanh, hơn 90% số dân trong xã Đa Lộc huyện Hậu Lộc đối mặt với đói. Ai là người tiêu thụ số hàng nhập siêu kể trên.

Nhìn qua bên kia đại dương, nước Mỹ cũng lâm vào cảnh nhập siêu từ TQ năm sau cao hơn năm trước như ta, họ cũng in bạc để bù vào ngân sách như ta. Vừa rồi báo Mỹ vạch trần thủ đoạn của doanh nhân TQ vượt hàng rào thuế quan Hoa Kỳ bằng cách mạo danh hàng hóa chế tạo tại VN.

Kết luận: Thương mại Việt - Trung hôm nay và ngày mai gắn bó chặt chẽ bất chấp những hô hào, khích động mang danh nghĩa bảo vệ Chủ quyền.

Sunday, May 29, 2011

Định hướng kinh tế đang được thay đổi

Mấy ngày gần đây, tin tức kinh tế trái chiều dồn dập.
Chứng khoán đổ dốc cả chục phiên mất gần trăm điểm, bỗng nhiên tăng 3-4% liên tiếp 2 phiên, trong khi khối ngoại bán ròng, ngày 26/5 là bước ngoặt.
Mới hôm trước còn nói nguy cơ giải chấp, nợ xấu các ngân hàng gia tăng hôm sau im bặt
Giám đốc, Chủ tịch ôm bạc trăm tỷ ... biến mất
"Tin đồn" ông chủ ngân hàng Phương Nam bỏ trốn
Lãi suất qua đêm giảm, lãi suất cho vay có dấu hiệu giảm
Giới tài chính nước ngoài dọn đường: VN sẽ phá giá tiền đồng nay mai
Vậy chuyện gì đang diễn ra sau lưng chúng ta vậy?

Trong điều kiện ngân hàng lãi to năm ngoái và lãi cũng không kém trong năm nay, nhưng luôn luôn thiếu tiền phải nâng lãi suất huy động. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất thiếu vốn, giảm sản lượng dẫn tới giá tăng hoặc phải được "bình ổn". Với thực trạng như thế ngân hàng có đồng nào phải lập tức cho vay ngay để kiếm lời nên không dự trữ nhiều tiền mặt. Cái mà ngân hàng sở hữu nhiều nhất lại là các "giấy tờ có giá", mà một trong những thứ đó là chứng khoán.

Chính sách siết chặt tiền tệ đã đi đến cuối con đường của nó. Một ngân hàng mất thanh khoản sẽ là hiệu ứng đô mi nô ảnh hưởng lên các ngân hàng khác làm mất tác dụng của chính sách chống lạm phát. Giả pháp khả thi là ngân hàng nhà nước lặng lẽ bơm vốn vào khâu yếu nhất tức là thị trường chứng khoán. Các tổ chức tài chính nước ngoài đánh hơi được điều này nên kín đáo cảnh báo NHNN sẽ phá giá tiền đồng lần nữa. Giá xăng tăng sẽ là dấu hiệu.

Kết luận: người ta đang biến Nghị quyết 11 với chủ trương Thắt chặt tiền tệ trở thành NỚI LỎNG TIỀN TỆ.

Vinashin và Petro Vietnam, ai thắng ai

Tin nổi bật ngày 27 tháng 5 năm 2011, huy động toàn bộ hệ thống chính trị lên án sự kiện 3 tàu chiến của TQ phá hoại thiết bị và đe dọa tàu thăm dò Bình Minh 02 của Petro Vietnam (viết tắt là PVN) vào lúc 5:30 sáng ngày 26/5/2011 trong vùng biển cách bờ biển Phú Yên 120 dặm (xin lỗi độc giả vì một câu quá dài).

Những bài viết đanh thép tố cáo TQ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền tại điểm cách bờ 116 dặm. Đường cơ sở ven bờ lục địa mà những bài báo đó dẫn chứng chỉ bao gồm Mũi Đại Lãnh và 10 đảo ven bờ như Lý Sơn (Quảng Ngãi), Hòn Nhạn (Kiên Giang), Hòn Đá Lẻ (Cà Mau), Cồn Cỏ (Quảng Trị). Còn những đảo và quần đảo khác không thấy nhắc tới như thể khẳng định phía bạn toàn quyền hành động bên ngoài giới hạn 200 dặm.

Về mặt thiệt hại kinh tế, sự gián đoạn công việc đã được tiếp tục một ngày sau đó, chi phí phục hồi đoạn cáp cảm biến mà phía bạn làm đứt không lớn, tất nhiên là không nhiều đến mức 60 triệu đô. Về căn bản ta không có khả năng ứng chiến với lý do chủ yếu là ta không có tàu đủ sức đáp ứng với tàu bạn. Việc đóng tàu chiến để bảo vệ quyền lợi trên biển lại nằm trong tầm tay của Vinashin, cho thấy vai trò quả đấm thép của tập đoàn này về an ninh quốc phòng.

Cũng như Vinashin, PVN là một tập đoàn kinh tế nhà nước, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Về nguyên tắc lẽ ra cả hai được sự quan tâm như nhau, nhưng trên thực tế lại khác.

Vinashin được sự bảo lãnh của chính phủ, đã vay của nước ngoài số vốn quy nợ 600 triệu đô cam kết trả dần trong 10 kỳ mỗi kỳ 60 triệu đô. Đến kỳ trả nợ đầu tiên 20/12/2010, Vinashin với tư cách là một con nợ đã khước từ. Bên cạnh đó chính phủ làm ngơ không can thiệp, cho rằng đây là vấn đề doanh nghiệp tự chủ giải quyết.

Sao lại bên trọng bên khinh như thế. Cùng là tập đoàn kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, Vinashin lẽ ra phải được hệ thống chính trị hậu thuẫn tương đương. Việc chính phủ có thái độ ứng xử rất khác nhau đối với 2 tập đoàn đã có tác dụng xấu:

1. Không tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Không được các hãng thông tấn lớn trên thế giới đưa tin sự kiện trên,
2. Quần chúng không biết giới hạn lãnh hải của ta đến đâu để mà đấu tranh bảo vệ chủ quyền,
3. Nhà đầu tư hoang mang không biết nên tiếp giữ cổ phiếu Vinashin hay PVN.

***
Chính ông Phó Tổng PVN thừa nhận chuyện "cắt cáp" đã diễn ra nhiều lần.

Saturday, May 28, 2011

Người may mắn trong vụ chìm nhà hàng Dìn Ký?

Xin chia buồn và cầu mong hương hồn của 16 nạn nhân siêu thoát.

Vụ chìm nhà hàng Dìn Ký tạm thời quy lỗi thuộc về mấy người: Tài công (không bằng) và quản lý nhà hàng. Ngoài ra còn đề cập đến những kẻ liên đới xa lắc đó là chính quyền địa phương. Do việc quy lỗi cho chính quyền địa phương là một việc làm rất vu vơ, nên đối tượng này không bàn tiếp ở đây.

Nhà hàng nổi Dìn Ký vốn là một chiếc ghe - loại đáy nhọn - chức năng đi đường dài, được cải tạo cơi nới làm nhà hàng. Theo thông tin báo đăng thân ghe rộng 4.6m - được hiểu là chỗ rộng nhất của ghe. Phần nhà hàng 2 tầng, mỗi tầng có trang tí ốp trần, chiều cao mỗi tầng 3m, sàn tầng trệt cách mớn nước 2m. Vị chi từ mặt nước đến nóc tầng trên có chiều cao 8m, với chiều cao xem như gấp đôi chiều ngang, nhà hàng - ghe này lật là một tương lai chắc chắn.

Chiều cao gấp đôi chiều ngang, đáy rỗng

Ta lần lượt xét từng người liên đới tới chiếc ghe - nhà hàng định mệnh này.

Anh tài công, theo giới thiệu của ông chủ Dìn Ký là "dù không có bằng lái nhưng là một lái tàu giỏi, có nhiều kinh nghiệm", suy rộng ra anh này mà có bằng lái thì không có chỗ cho Phạm Tuân. Dám ôm vô lăng khi chưa có bằng, phạm pháp mười mươi rồi, không oan.

Theo bản tin của VTC đã loan, ngoài tài công còn có 2 anh với chức danh 1. quản lý nhà hàng và 2. quản lý tàu du lịch, tạm gọi anh thứ hai này là trưởng tàu (ghe). Chưa có dịp tìm hiểu kỹ, người viết tạm hiểu anh trưởng tàu không kiểm soát quá tải, không bắt buộc khách mặc áo phao trong khi ăn tiệc, tức là không làm tròn trách nhiệm của một anh chủ đò. Còn lại anh quản lý nhà hàng vi phạm điều gì, người viết không nghĩ ra.

Tuy không bị khởi tố, nhưng liên quan tới cái nhà hàng nổi này là một người rất quan trọng mà báo chí tránh né nhắc tới, đó là ông chủ Dìn Ký. Ông chủ Dìn Ký liên quan gì? Quả là câu hỏi ngớ ngẩn, câu hỏi mà bản thân câu hỏi đã là câu trả lời: ông chủ.

Là chủ hệ thống nhà hàng Dìn Ký, chủ hệ thống Dìn Ký Bình Dương, lẽ dĩ nhiên ông phải là ông chủ của nhà hàng nổi cùng tên Dìn Ký. Là chủ một nhà hàng nổi - phương tiện kinh doanh có lãi, ông có những mối liên hệ về lợi ích như sau:

1. Là người đề ra ý tưởng hay ít ra là người chấp thuận ý tưởng cơi nới một con đò ọp ẹp thành một nhà hàng sang trọng. Một nhà hàng giống như vậy của chủ nhân khác sẽ được dư luận cho là "Chôm ý tưởng của Dìn Ký",
2. Ông là chủ sở hữu, là người có quyền định đoạt việc tuyển dụng và khai thác nhân sự phục vụ nhà hàng,
3. Ông là người nắm trọn vẹn lợi nhuận phát sinh từ nhà hàng nổi, không chia sẻ với ai,

Theo quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ được pháp luật hiện hành bảo hộ, ông chủ nhà hàng nổi Dìn Ký phải chịu những trách nhiệm sau:

1. Là người khai sinh, ông phải có trách nhiệm khai tử nó,
2. Nhân viên phục vụ nhà hàng không tuân lệnh ông, sẽ bị sa thải. Họ không có con đường nào khác phó thác cho sự may mắn và luôn luôn cảnh giác đề phòng với con đò ọp ẹp. Bằng chứng là khi tai nạn xảy ra, nhân viên bỏ nhiệm vụ, và toàn bộ đã thoát hiểm thành công.
3. Tiền lãi ông bỏ túi, lao lý người làm công lãnh.

Tình tiết tăng nặng: ông mướn nhân viên tạp vụ (có thể hiểu là người chỉ có thể làm những việc phổ thông như lau bàn ghế và rửa chén), tiền công lái không phải trả, ông hưởng lãi ròng từ tiền lương vị trí tài công. Một người chủ bình thường mướn tài xế không bằng khi tai nạn xảy ra chủ xe hoàn toàn chịu trách nhiệm vì đã trao tay lái cho người mà mình biết chắc chưa được luật pháp công nhận. Báo chí rất khéo léo nhắc đến chi tiết anh trưởng tàu là người điều động anh tạp vụ cầm vô lăng.

Tình lý như vậy, cho đến nay ông vẫn vô can. Quả thật ông là người may mắn, chúc mừng Lucky Dìn.

Friday, May 27, 2011

Ngân hàng đang tiến về phía trước

Năm 2010 đầy khó khăn cho các doanh nghiệp. Riêng các ngân hàng lại lãi to, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng lần lượt là:

VietcomBank 5.5 ngàn tỉ đồng,
VietinBank 4.5 ngàn tỉ đồng,
Ngân hàng ACB 3.1 ngàn tỷ đồng,
Techcombank 3.0 ngàn tỷ đồng,
Sacombank 2.4 ngàn tỉ đồng,
Eximbank 2.4 ngàn tỉ đồng,
NH Quân đội 2.1 ngàn tỉ đồng,
Maritime Bank 1.7 tỉ đồng,
NH Liên Việt trên 800 tỉ đồng,
NH Đại Dương (OceanBank) 691 tỉ đồng,
NH An Bình 638 tỉ đồng,
HD Bank hơn 300 tỉ đồng,
SHB hơn 600 tỉ đồng,
NH Đại Tín 302 tỉ đồng

(Để độc giả dễ hình dung, tạm tính 100 tỷ đồng tương đương 5 triệu đô la Mỹ, 1 tỷ (*) đồng tương đương 50 triệu đô la Mỹ)

Theo các chuyên gia ngành ngân hàng, trong năm 2010 lợi thế của các NH quốc doanh là nắm nhiều giấy tờ có giá. Nhờ loại tài sản nhẹ mà có giá trị cao này ngân hàng thương mại dùng nó thế chấp để vay vốn của NH Nhà nước với giá rẻ, sau đó cho vay lại trên thị trường liên NH theo lãi suất qua đêm thỏa thuận. Một đầu ra trọng điểm trong năm 2010 là Đại lễ 1000 năm Thăng Long, các nhà thầu tự ứng vốn sau đại lễ sẽ được thanh toán từ ngân sách.

Trên đây là những nét phác họa bức tranh xán lạn của ngành ngân hàng VN vào năm ngoái, khi mà lãi suất còn ở mức thấp. Năm nay, với nguồn lực dồi dào được tích lũy từ năm ngoái cộng với lãi suất cao không thể tưởng tượng hiện nay, cùng với cơn khát vốn không dứt của BĐS và chứng khoán, hứa hẹn ngành ngân hàng thu được thành quả vượt bực, góp phần hoàn thành tốt chỉ tiêu tăng trưởng GDP mà chính phủ đề ra.

* Xin đọc lại là 1 ngàn tỷ đồng (lỗi do tớ đánh máy)

Thursday, May 26, 2011

Thông tư 20 đóng góp tích cực cho ngân sách

Các doanh nghiệp tư nhân buôn bán ô tô nhập khẩu tiểu ngạch hùn hạp với nhau cùng khiếu nại lên bộ Công thương với danh nghĩa kiến nghị sửa đổi Nội dung một văn bản điều chỉnh phương thức nhập ô tô nguyên chiếc. Văn bản đó là Thông tư 20/2011 TT-BCT gọi tắt là Thông tư 20 hay TT20. Báo chí trong nước cho rằng TT20 nhằm giảm nhập siêu, chống lạm phát, thực hành nghị quyết 11. Tất cả họ nhầm, quyết định của bộ Công thương không nhằm giảm nhập siêu mà chỉ là gom việc nhập ô tô vào một số ít đầu mối thống nhất, chống thất thu thuế.

Nội dung thông tư 20 có gì mới làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà buôn tiểu ngạch, chúng ta cùng tìm hiểu cơ cấu giá thành một chiếc ô tô nhập khẩu. Để thành một chiếc xe thương phẩm cái gọi là car từ nước ngoài phải đóng 3 thứ thuế sau:

1. Thuế nhập khẩu 82%
2. Thuế Tiêu thụ đặc biệt 50%
3. Thuế VAT 10%

(ghi chú: thuế suất trên là minh họa và không khác mấy với thực tế.)

Theo biểu thuế trên, mỗi đơn vị mua từ nhà cung cấp nước ngoài, người mua xe để sử dụng phải đóng 2 đơn vị tiền thuế mới đủ điều kiện để mang xe đi đăng ký lưu hành. Hoặc nói ngắn gọn là giá xe ô tô ở VN gấp 3 lần giá xe bên Mỹ quốc.

Kỹ thuật để tạo ra chiếc xe giá gấp 3 lần nước ngoài, bộ Tài chính đã co kéo các con số thuế suất để sao cho tổng số thuế gấp 2 lần giá bán. Nếu chỉ quan tâm đến thuế so với giá bán thì các thuế suất kia lần lượt là:

1. Thuế nhập khẩu 82%
2. Thuế Tiêu thụ đặc biệt 91%
3. Thuế VAT 27.3%
Cộng: 200.3%

Kinh tế học chỉ ra rằng lạm phát là do chi vượt quá thu nên phải NHNN phải in tiền chi tiêu gây nên lạm phát. Mặt khác chính đồng chí cựu Thống đốc NHNN đã phân tích tuy VN nhập siêu nhưng cán cân ngoại tệ vẫn cân bằng, thực tế dòng ngoại tệ đi vào lớn hơn dòng ngoại tệ đi ra. Trong khi mỗi chiếc ô tô nhập khẩu đem lại cho ngân sách tiền thuế tương đương 2 chiếc ô tô. Phân tích trên đây để chỉ ra rằng, việc nhập ô tô không những không gây ra lạm phát mà trái lại còn bình ổn ngân sách, giúp ngân sách dư tiền để tài trợ cho các tập đoàn kinh tế chủ đạo.

Phân tích giá thành một chiếc xe Toyota Venza, một loại xe phổ thông, tính bằng đơn vị đô la
Giá mua từ nhà cung cấp: $24,000 (lấy tròn)
Thuế nhập khẩu: $19,680
Thuế Tiêu thụ đặc biệt: $21,840
Thuế Giá trị gia tăng: $6,552

Cộng giá thành: $72,072

Trong các khoản, Thuế nhập khẩu $19,680 phải nộp cho Hải quan để làm thủ tục thông quan, đây là điều kiện tiên quyết. Hai khoản còn lại là thuế TTDB và VAT tổng cộng $28,392 do nhà bán lẻ nộp vào cuối kỳ quyết toán thuế. Như vậy là chỉ có khoản $19,680 chắc chắn được nộp vào ngân sách, khoản $28,392 thu về ngân sách không tương ứng với khoản thuế nhập và số lượng xe đã lăn bánh. Về phía người mua xe, phải trả hết một lần - hiện đang chào bán giá $72,500 - mới được đem xe về để đăng ký.

Nguyên nhân thất thu là, lợi dụng kẽ hở này, gần đây có hiện tượng các salon bán lẻ ô tô sau khi bán hết xe rồi tuyên bố lỗ, đóng cửa doanh nghiệp. Họ thu tiền chiếc xe đã bao hàm đầy đủ các sắc thuế trong đó và đóng cửa ôm theo toàn bộ số tiền thuế TTDB và thuế VAT mà lẽ ra họ phải đóng. Số tiền này không nhỏ bằng 118.3% giá gốc của chiếc xe, chiếm 40% giá bán chiếc xe tại VN.

Để chống lại thủ đoạn này của gian thương, bộ Công thương đã ra thông tư 20 quy định việc nhập khẩu ô tô về các đầu mối, các hình thức nhập tiểu ngạch khác được xem là bất hợp pháp. Thông tư 20 không ảnh hưởng tới lợi ích của người mua xe. Ta thành công trong việc điều hành nhập xăng dầu thì sẽ thành công trong việc nhập ô tô.

Chính quyền của ta là chính quyền của Dân , do Dân và vì Dân. Chúng ta hãy vì lợi ích của người mua xe và vì lợi ích của Ngân sách hãy kiên quyết chống mọi hành vi gian lận thương mại thông qua nhập khẩu ô tô tiểu ngạch.

Wednesday, May 25, 2011

Thị trường Chứng khoán Việt chưa lớn đã già

Lẽ ra giữa thời lạm phát hai con số, chứng khoán phải được các nhà đầu tư nhỏ lẻ quan tâm mới phải. Do mua trước bán sau nên hoạt động sản xuất kinh doanh không những không bị thiệt hại bởi lạm phát mà còn có cơ hội kiếm lời từ lạm phát. Thực tế, từ tay to cho đến các nhà đầu tư cò con đều muốn rút vốn ra khỏi thị trường để gửi tiết kiệm với lãi suất cao ngất ngưởng được mời mọc từ ngân hàng. Giống như dòng vốn đưa vào khi thị trường lên, nay dòng vốn rút ra khỏi thị trường đang gặp nhiều ách tắc từ những quy định, mà những quy định đó nhằm hạn chế sự xuống dốc của thị trường.

Ảnh có tính chất minh họa, không nhằm mô tả cá nhân

TTCK Việt Nam 11 năm tuổi, mà không lớn. Với những quy định cứng nhắc như là biên độ, T+4, cấm hedge nhằm tích lũy doanh thu cũng như lợi nhuận cho các công ty chứng khoán trong buổi đầu thị trường non trẻ. Sau một thời gian ngắn được UBCKNN nâng đỡ, các công ty chứng khoán, với con chim đầu đàn là Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã mau chóng tích lũy lợi nhuận thành những con khủng long, tranh mua tranh bán với các nhà đầu tư, chiếm một tỷ trọng lớn trong sức Cầu của thị trường. Những lúc thị trường đi lên, tuần tự như tiến chỉ số thị trường tăng điểm ngày nào cũng như ngày ấy một tỷ lệ nhỏ hơn biên độ 5% một chút xíu. Những khi bảng điện tử rực rỡ một màu xanh, quyền mua lại ưu tiên cho các tay to, kế đến là Tự doanh của công ty chứng khoán. Đối với nhà đầu tư nhỏ, mua được chứng khoán từ những tay môi giới quả thật là qua khe của hẹp, được chăng hay chớ được mã nào hay mã ấy, những mảnh rơi vãi (lô lẻ).

Màu của sự may mắn?

Ai tạo ra cái cửa hẹp ấy, và tạo ra để làm gì để đến hôm nay. Những ngày thị trường xu hướng giảm, số điểm mất không nhiều, không vượt quá 5% nhưng lại ít cơ hội để nhà đầu tư bán tháo. Tình trạng khổ đau này dân buôn chứng gọi là bị kẹp, tức là muốn bán rẻ hơn biên độ cũng không được, phải chờ cho nó rẻ hơn rồi không biết có bán được không. Và thị trường đi xuống từng bước một chắc chắn như khi nó đi lên.

Trong tâm lý người xứ ta, một quán ăn tốt không phải vì có món ăn ngon hay vì phục vụ chu đáo mà bởi vì nó đông khách (có thể không chính xác nhưng là một quan niệm phổ biến). Bệnh viện tốt phải là bệnh viện bác sĩ làm không hết việc, 2-3 bệnh nhân nằm chung một giường (cũng không hẳn đúng nhưng là một sự thật). Thị trường chứng khoán không nằm ngoài quy luật ấy, và nó được các công ty chứng khoán triệt để tận dụng và lợi dụng.

Công ty chứng khoán lấy doanh thu môi giới làm phương tiện và hoa hồng môi giới làm mục tiêu, còn chức năng được gọi là tự doanh là phụ. Tự doanh có nhiệm vụ thu tiền thù lao bằng chứng khoán (không phải tiền mặt) từ những doanh nghiệp mà công ty chứng khoán tư vấn; cân đối cung - cầu trên sàn giao dịch; mua bán những lô lẻ đáp ứng nhu cầu nhỏ nhất của nhà đầu tư. Trên thực tế, tự doanh lại là "nhà đầu tư" trên cả thực thụ, có quyền ưu tiên (vì là người nhà), không cần tiền mặt (vì dùng vốn của công ty). Mảng tự doanh này đem lại tỷ trọng đáng kể trong tổng lợi nhuận của công ty chứng khoán.

Thời chứng khoán lên hương cũng là thời mà thị giá chứng khoán của những công ty chứng khoán lên như diều, những broker qua đào tạo vội được các giới khác ngưỡng mộ. Lợi thế tự doanh của công ty chứng khoán nó có nguyên nhân và kết quả từ những quy định biên độ, quy định T+4 và quy định chống hedge.

Cần trẻ hóa UBCKNN (hình minh họa)

Muốn thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại, cần loại bỏ những hạn chế về biên độ, không cần sáng tạo mà chỉ cần làm những gì như thông lệ quốc tế như là bán trước - mua sau (nghĩa là T-), mua bán kỳ hạn, magin (đòn bẩy - cái này đã ngầm cho phép). Tức là trả lại cho thị trường những gì thuộc về thị trường, mời những công ty chứng khoán có danh phận trên thế giới vào làm công tác môi giới.

Monday, May 23, 2011

Tiền đi đâu thời lạm phát

Tiền ở đây không phải tiền chung chung như vàng hay đô la, mà là tiền cụ thể - nội tệ. Lạm phát xứ ta, khỏi chứng minh ai cũng biết. Chỉ số CPI năm, tháng 4 vừa rồi là 17.5%. Nguyên nhân lạm phát là do nhà nước phải in tiền để bù phần bội chi, để trả nợ đậy cho những tập đoàn kinh tế nắm quyền chủ đạo.

Trong điều kiện tiền mất giá hàng tháng hàng ngày, không ai muốn giữ tiền mà náu thân vào những thứ tiền được bảo đảm giá trị khác như là vàng hay đô la. Tiền mặt là thứ có tính thanh khoản mạnh nhất nhưng ai cũng muốn tống khứ nó đi. Vậy nó đi đâu khi mà thị trường luôn luôn khan hiếm tiền mặt, ngân hàng phải nâng cao lãi suất huy động vượt trần. Ai là người giữ tiền? Câu trả lời là: chính chúng ta - những nạn nhân của nạn lạm phát.

Chuyện kể cách nay không lâu lắm, khoảng cuối thập niên '70 cho tới '80, thời ấy máy thu truyền hình gọi bằng ti vi (chữ là TV - television) là một tài sản có giá trị đến mức không phải gia đình nào cũng có. Có thể cả một khu phố mới có một chiếc tivi đen trắng mua từ Đông Âu về. Sau 75 nguồn tivi từ miền Nam dồi dào hơn nhưng khác hệ phải điều chỉnh linh kiện đôi chút.

Khi đó tivi là một gia tài, chỉ những gia đình khá giả, nhà rộng, làm nghề có thu nhập cao như buôn bán hoặc lái xe mới mua được. Nhà nào có tivi đến chương trình chiếu phim hay văn nghệ cả xóm già trẻ lớn bé kéo nhau sang xem đông vui như ở đình làng. Đi xem nhờ tivi nhà hàng xóm là một quyền đương nhiên được dư luận thừa nhận, ai cũng có thể đến lót dép ngồi mà không cần xin phép.

Ảnh dựng, thực tế đông hơn

Tuy nhiên tivi là một máy điện tử có tuổi thọ nhất định và thường hay hỏng vặt. Sắm được cái tivi tốn một mớ bạc nên chủ nhân phải quan tâm đến tuổi thọ của nó. Có người đi học ở Đông Âu về đưa ra lập luận Nếu một người xem tivi bền tới 10 năm thì 10 người xem tivi chỉ thọ được một năm. Với trình độ nhận thức như hiện nay, ai cũng biết không phải như vậy, tất nhiên tuổi thọ tivi không phụ thuộc vào số người xem nó.

Việc sử dụng tiền trong xã hội cũng giống như xem tivi vậy. Tiền biến thành vốn tức là được ký thác ở ngân hàng, hiệu quả sử dụng của nó sẽ được tăng lên gấp bội, tức là cùng lúc được nhiều doanh nghiệp sử dụng. Một quá trình đơn giản nhất từ nguyên vật liệu đến tiêu dùng trải qua các công đoạn cơ bản sau: Mua vật liệu - Chế tạo sản phẩm - Bán buôn - Bán lẻ - Người tiêu thụ cuối cùng, quá trình trên gồm 5 giao dịch. Nếu không có tín dụng, tức là phải dùng vốn tự có, cả 5 giao dịch trên mỗi giao dịch sẽ phải chuẩn bị một lượng tiền mặt tương đương giá trị sản phẩm, nghĩa là số tiền mặt cần thiết gấp 5 lần giá trị hàng hóa. Mặt khác nếu có tín dụng, ở đây có thể là vay bảo lãnh hoặc trả chậm, số tiền mặt cần thiết là số tiền mà người mua cuối cùng phải trả, chỉ bằng 20% so với giả thiết ban đầu. Trên thực tế, chuỗi vận động của hàng hoá cần phải có sự tham gia của nhiều hơn 5 chủ thể.

Do tác động của yếu tố lãi suất cao, các bạn hàng không cho nhau trả chậm, mà bắt buộc phải tiền trao cháo múc. Nói theo thuật ngữ của dân tài chính là Tiền không chịu biến thành Vốn, cho nên hiểu theo đúng nghĩa là Vốn thì thiếu nhưng Tiền thì quá nhiều (không hề thiếu tiền, mà chỉ là Tiền không thành Tư bản).

Tiền dằn túi

Mặt khác, do giá cả hàng hóa tăng, người tiêu thụ phải giữ trong tay một lượng tiền nhiều hơn trước, số lượng tiền cần thiết phải có trong tay nhiều hơn cả số giấy bạc mà nhà nước đã in ra vô tội vạ.

Ngày trước, đi xem nhờ tivi nhà hàng xóm, ai cũng cảm thấy như thế là đủ. Ngày nay, không nhà nào không có tivi nhưng hầu như ai cũng thấy thiếu, sao không đặt tivi ở nhà bếp, thiếu tivi ở nhà tắm.

Saturday, May 21, 2011

Hưởng ứng bầu cử


Ngày mai là ngày bầu cử, Quốc hội hay hội đồng nhân dân, khóa mấy không quan trọng, ai là ứng cử viên cũng không quan trọng, quan trọng là dứt khoát phải nô nức đi bầu.

Luật pháp công nhận công dân VN từ 18 tuổi có quyền (lưu ý chữ quyền) đi bầu cử. Băng rôn cổ động bầu cử giống như động viên nộp thuế đều có chung một khẩu hiệu: Bầu cử là quyền lợi và nghĩa vụ công dân hay câu chữ đại ý như vậy.

Việc đi bỏ phiếu bầu là việc gạch đi một hoặc vài tên người ghi trong phiếu. Thực ra trong danh sách đó - gọi là ứng cử viên - ta bầu ai cũng được hay nói cách khác là ai cũng xứng đáng cả vì hầu hết cử tri không có biết những người này. Các ứng viên này không qua giai đoạn xin chữ ký cử tri, không nộp đơn xin ứng cử mà được mặt trân tổ quốc lựa chọn. Mặt trận có quyền to thế cơ à, tất nhiên là không phải rồi, có những ban bệ hay cá nhân to hơn mặt trận quyết định những việc này. Mặt trận chỉ là người thực hiện việc yết tên các ứng viên.

Nếu bầu ai cũng thế vậy tại sao ta phải đi bầu cho mất thì giờ. Việc cử tri đi bầu không phải thể hiện ý chí hay nguyện vọng của họ mà chỉ thể hiện tinh thần phục tùng đến đâu mà thôi. Cho nên yếu tố quyết định thành công của cuộc bầu cử không phải công bằng hay dân chủ mà là tỷ lệ cử tri tham dự. Và chưa đi bầu cũng biết chắc chắn rằng tỷ lệ cử tri đi bầu chiếm xem như 100% cử tri. Viết 100% để nói lên rằng tỷ lệ cử tri đi bầu còn cao hơn cả hàm lượng vàng trong vàng lá Thụy Sỹ.

Kinh phí cuộc bầu cử kỳ tới được công bố là 700 tỷ đồng cho 91 ngàn khu vực bỏ phiếu và huy động 300 ngàn cán bộ phục vụ công tác bầu cử. Chia bình quân số cán bộ trên khu vực bầu cử là 3.3 người, thực tế số lượng người hiện diện tại phòng phiếu gấp 5 lần số này, nếu tính cả những người có liên quan ít nhất 10 lần con số này. Tốn phí thực tế là con số không công bố nhưng sẽ lớn gấp 3 lần con số này, đó là chi phí tiền lương, chi phí tiền điện và những chi phí khác do doanh nghiệp chi để cổ động bầu cử. Chí phí này chỉ bàn đến chi công mà không tính đến hao phí cá nhân như tiền xăng xe của cử tri đi bầu cử.

Để bảo đảm việc thực hiện tỷ lệ 100%, công tác bầu cử đã trở nên khuôn mẫu. Khi rời phòng phiếu cử tri sẽ được đóng dấu son ĐÃ ĐI BẦU vào thẻ cử tri đánh dấu việc hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời là một dấu mark vào bản danh sách cử tri. Đến 11 giờ, tại khu vực bầu cử sẽ soát lại số cử tri chưa bầu và nhất quyết tổ bầu cử không bỏ qua số người này. Điều kiện lý tưởng là khu vực bầu cử công bố: đến 12 giờ trưa 100% cử tri đã đi bầu, thành công tốt đẹp.

Bước thứ nhất, tổ trưởng hoặc phó dân phố sẽ đến nhà cử tri để mời, không nhất thiết phải vào nhà, có thể gióng ở ngoài của hay cổng.

Sau bước thứ nhất, cử tri có tên vẫn chưa đến phòng phiếu, tổ dân phố sẽ có thêm người hỗ trợ, lần này có thể là dân phòng hay hội phụ nữ, đến nhà tận trong nhà để mời. Nếu xác định cử tri không đi được do ốm đau bệnh tật, Tổ sẽ mang hòm phiếu tới tận nhà như những người khuyết tật khác để cử tri tự tay gạch phiếu, tự tay bỏ vào hòm phiếu.

Bước thứ ba dành cho những kẻ cố gắng thực hiện Hiến pháp - thể hiện quyền đi bầu bằng cách cố ý không đi bầu, đó là đoàn công tác bao gồm cán bộ phường xã, công an tổng số khoảng trên dưới 10 người đến nhà cử tri để thuyết phục. Thông thường bước thứ ba này ít khi phải sử dụng đến.

Thực hiện bước thứ ba nghĩa là cử tri này được xếp vào loại ngoan cố và được vinh dự ghi vào sổ, sau này sẽ gặp khó khăn trong hành chính và hộ tịch, nói chung là sẽ khó sống. Tuy nhiên bước thứ tư vẫn được thực hiện, đó là tên cử tri đó vẫn được đánh dấu bầu rồi và tất nhiên là có phiếu bầu bỏ vào hòm.

Cử tri biết việc đi bầu là tốn xăng tốn thời gian nên đã không đối phó mà phó mặc. Họ tiết kiệm thì giờ và tiền xăng bằng cách một người bầu cho cả họ. Tuy nhiên đó là cách thể hiện tiêu cực vì không phản ánh được ý chí và nguyện vọng của mình vào trong lá phiếu. Cách làm tích cực như thế nào, ông bà ta đã thể hiện trong truyện Thừa Giấy Vẽ Voi.

Ghe tàu chìm khơi khơi (1)

Truyện dân gian kể rằng, có hai anh em cọc chèo (hay cột chèo?) tranh luận về tính nổi. Người em học trò nói, con vịt nó nổi vì Đa mao thiểu nhục tắc phù. Người anh phản biện, cái ghe nó không có lông sao lại nổi? Ghe thì nổi, tất nhiên là có ghe chìm. Nó nổi nó chìm do nó có nhiều lông hay vì một nguyên nhân nào khác.

Nước có tính đặc nên phần lớn vật liệu đều nổi dưới nước. Không chỉ cây cầu thép được bọc ny lông chắc chắn sẽ nổi, mà cầu bê tông bọc kín không để nước lọt vào bên trong cũng có thể nổi dưới nước. Cái phao là một đặc trưng của sự nổi, cứ bọc kín lại, khắc nổi. Cơ thể người cũng vậy, nếu không uống nước hoặc không để lọt nước vào phổi thì không thể chìm được.

Đóng ghe dễ lắm, không cần học nhiều, chỉ cần bảo đảm nước không vô, là nổi. Nếu nước vô, gọi là bị phá nước, chỉ cần tát nước ra ngoài kịp với tốc độ nước chảy vô là không chìm. Bọn Tây phương đào tạo ra cái gọi là kỹ sư Tàu thủy, bọn này chỉ có ăn và mỗi việc là tính toán tọa độ trọng tâm của tổng trọng lượng thân tàu + hàng hóa + thủy thủ, rồi so sánh trọng tâm ấy với tọa độ của một cái tâm khác đó là tâm nổi (không biết chữ này có chính xác không, đó là trọng tâm của lực đẩy Archimetre). Nuôi bọn kỹ sư này tốn cơm là phải, vì tọa độ trọng tâm luôn luôn thay đổi và tâm nổi lại thay đổi theo trọng lường tổng được kể ra phía trên.

Kể lể rắc rối vậy chứ thực ra đơn giản sao cho trọng tâm kia trùng phương thẳng đứng với tâm nổi (làm cho ghe đứng thẳng) và luôn luôn nằm phía dưới tâm nổi. Bình thường một vật nổi dưới nước, tự nó đã bảo đảm hai điều kiện trên, nhất là điều kiện thứ hai.

Dễ dàng đóng một phương tiện vận tải thủy như thế này

Vật thể trong hình minh họa trên gọi là Trẹt, nó có thân rộng nên rất khó lật trừ khi chất hàng nặng quá cho chìm luôn. Trên thực tế, thân những con đò qua bắc Vàm Cống cũng có hình dạng như trên nhưng được đóng bằng thép và lắp chân vịt cố định.

Câu hỏi đặt ra là không cần tính toán nhiều, tính kháng lật cao nhưng hình dạng này lại không được ứng dụng nhiều trên thực tế. Xin thưa, kháng lật tốt đồng thời cũng kháng việc di chuyển tốt, tức là có sức cản cao. Muốn bơi nhanh phải có thân hình thuôn và mảnh dẻ như thế này.

Ghe ngo ở miền Tây, bơi Trải cũng tương tự như vậy

Được cái này lại mất cái kia, thử kết hợp cả hai thì ra cái này, vừa ít sức cản, chạy nhanh, lại kháng lật tốt.

Đò hai thân

Tàu chống buôn lậu

(Còn nữa, cớ sao ghe ở ta hay lật)

Saturday, May 14, 2011

Máy ATM đem lại lợi ích gì?

ATM là viết tắt của chữ Automated Teller Machine nghĩa là Máy Giao dịch Tự động. Sự ra đời của máy xuất phát từ việc các ngân hàng nghỉ giao dịch vào 2 ngày cuối tuần mà người ta vẫn phải tiêu tiền mà thậm chí nhiều hơn ở vào 2 ngày này. Do đó mà đối với những ai không có nhu cầu giao dịch vào cuối tuần, máy ATM là việc vô tích sự và có thể gây ra phiền toái.

Sẽ có người hỏi lại rằng ngoại trừ giới doanh nhân phần lớn những người làm công ăn lương không có nhu cầu giao dịch với ngân hàng thường xuyên. Thực tế là ở những xứ tư bản thối nát không những máy ATM không bị chết yểu mà ngày càng phát triển. Cở sở lý luận ở đây là mọi người dân trong đó có bà nội trợ không giữ tiền trong túi mà họ ký thác cho ngân hàng, bất cứ khi nào cần thì ra ngân hàng giao dịch với ... máy.

Lại hỏi tiếp, lãi năm vài phân lãi ngày được mấy li mấy lai? Mấy li mấy lai cũng là tiền, đồng hồ điện ở nhà quý vị cũng đếm tiền bằng ly bằng lai đấy chứ, nó có đếm từng đô la đâu. Sự ra đời của máy ATM là kết quả của việc cạnh tranh giữa các ngân hàng nhằm giành khách hàng, nếu không có máy ATM thân chủ sẽ chạy sang ngân hàng khác . Và như mọi khoản đầu tư khác, đầu tư vào máy ATM phải thực sự đem lại lợi nhuận cho ngân hàng. Vậy ngân hàng đầu tư máy ATM là vì lợi ích của ngân hàng chứ không phải vì lợi ích của người ký thác.

Thẻ từ dùng để tương tác với máy ATM có nhiều loại nhưng tựu trung chỉ có 2 loại, một loại ghi Có hay còn gọi là tài khoản tiết kiệm (Saving account), một loại ghi Nợ gọi là thẻ tín dụng (Credit account). Ở ta gọi thẻ ghi Có là thẻ ATM, cách gọi này không hẳn sai nhưng không chính xác, nó không nói lên được chủ thẻ là người ký thác tiền gửi cho ngân hàng, đã có sẵn tiền trong tài khoản, không phải là con nợ của ngân hàng. Máy ATM không khuyến khích rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng nên sẽ thu phí với loại thẻ này, và đặc biệt là không thu phí với thẻ tiết kiệm vì đây là đối tượng kinh doanh của ngân hàng và là lý do ra đời của máy ATM. Cho nên từ đây về sau nói đến thẻ tức là chỉ nói đến thẻ Tiết kiệm hay thẻ Ghi Có hay Saving account.

Mỗi ngân hàng có hệ thống máy ATM của riêng họ, ngân hàng A cho phép chủ thẻ của ngân hàng B rút tiền mặt tại máy của A thì sẽ thu phí. Tuy nhiên nếu ngân hàng A và B có sự hợp tác miễn phí lẫn nhau thì tự nhiên só máy của A hoặc của B sẽ là số lượng tổng A và B, điều này làm giảm phí đầu tư mà hiệu quả lại tăng lên. Do đó mà trên thực tế các ngân hàng liên kết với nhau và những máy ATM cho phép rút tiền sẽ không thu phí với thẻ Tiết kiệm với lý do phân tích ở trên.

Tiền công, tiền lương được trả vào Saving account, qua đó cơ quan quản lý nắm được thu nhập của từng cá nhân. Và cũng thông qua thông tin này nắm luôn những khoản phải nộp của doanh nghiệp cho bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Với chủ thẻ, ngoài lợi ích tiện lợi, muốn rút tiền bất kỳ lúc nào máy ATM còn là người giữ giùm. Thí dụ đi một mình nơi vắng vẻ, ta có thể gửi nhờ những món đồ quý vào máy ATM để hôm sau đến ngân hàng nhận lại. Ở máy ATM ngoài màn hình và phím bấm giao dịch còn có một cái cửa có thể bỏ tiền hay tài sản vào trong đó mà không lấy ra được. Người viết chưa từng thấy máy ATM nào ở VN có cái cửa này.

Ở VN, sự có mặt của máy ATM cũng bất ngờ như sự có mặt của điện thoại di động nhưng kém hữu dụng hơn nhiều. Người lãnh tiền thường rút tiền một lần ngay sau khi kế toán công ty báo có. Thực tế là máy ATM chỉ nhộn nhjp vào cuối tháng và thường là quá tải và ... hết tiền. Ở đây lại phát sinh ra cái điều bất tiện của máy ATM đó là máy không giao dịch được. Chủ thẻ chỉ có nhu cầu rút một lần nhưng lại mất nhiều lần ra máy ATM để giao dịch. Với ngân hàng lợi ích thu được từ số dư của chủ thẻ không bù được chi phí vận hành máy. Đến đây sự tồn tại của máy ATM mang màu sắc Việt Nam trở nên khiên cưỡng với cả chủ thẻ lẫn ngân hàng chủ máy.

Và điều gì đến sẽ đến, đó là ngân hàng lần thứ tư đề nghị thu phí giao dịch. Mở ngoặc thêm là tuy chủ thẻ không bị thu phí mỗi lần rút tiền nhưng chủ thẻ vẫn phải đóng niên liễm 50 ngàn đồng mỗi năm, nếu chủ thẻ nào không phải đóng khoản này nghĩa là được ngân hàng khuyến mãi khoản này. Với người lao động, khoản phí rút tiền sẽ là khoản chi vô lý đối với người làm công và sẽ không được chấp nhận, đơn giản là sẽ đòi kế toán trả lương bằng tiền mặt.

Không có lý do để tồn tại, máy ATM ở VN sẽ cáo chung như số phận của buồng điện thoại công cộng.

Friday, May 6, 2011

Chỉ số CPI, giá cả tăng và thu nhập thực tế

Lạm phát, nghĩa là Nhà nước in tiền vượt quá nhu cầu trao đổi và lưu thông tiền tệ trên thị trường, là một khái niệm rắc rối đòi hỏi một chuyên môn nhất định và phải có một số cơ sở dữ liệu được cung cấp bởi những cơ quan trực thuộc chính phủ. Cho nên phạm vi bài viết này không đề cập đến lạm phát, một khái niệm vĩ mô không thiết thực, là phương tiện mị dân của chính trị gia.

Khái niệm dễ hiểu với mọi người là Chỉ số giá tiêu dùng viết tắt là CPI (Consumer Price Index). CPI được định nghĩa là mức độ tăng giá bình quân gia quyền của một "Rổ" hàng hóa đại diện trong một kỳ thống kê, thông lệ là một năm. Nhiều người đặt câu hỏi xăng tăng giá những 30% (thực tế có thể hơn), mớ rau trái dừa tăng gấp đôi, tô phở tăng gấp rưỡi, sao nhà nước công bố CPI chỉ là con số đẹp 11.75%.

Trong khái niệm CPI bên trong nó có hai nội dung chính nhưng lại rất mập mờ đó là "rổ" hàng hóa và sản lượng của những loại hàng tham gia rổ. Có thể là trong cái "rổ" đó có những món hàng mà cả đời ta chẳng khi nào mua, thí dụ ô tô; hoặc là có những thứ hàng hóa chiếm tỷ trọng cao trong chi tiêu hàng ngày nhưng lại không được tính vào rổ, như là xăng với lý do là giá xăng bên Mỹ giao động nhiều nên họ không tính vào do nó có thể gây nhiễu.

Thông thường người ta tính CPI theo năm, nghĩa là CPI tháng Năm nghĩa là so với tháng Năm năm 2010, còn ở ta CPI theo tháng, CPI tháng Tư nghĩa là so với tháng Ba năm 2011.

Trong kinh tế thị trường, lao động là hàng hóa chứ không phải là cái gì cao quý như đã từng được tuyên truyền, và tất nhiên nó cũng tuân theo qui luật thị trường, nghĩa là lương cũng có tăng, nhưng chậm hơn nhiều so với hàng tiêu dùng.

Trước hết phân loại hàng tiêu dùng, hàng tiêu dùng là hàng hóa và dịch vụ thỏa mãn nhu cầu ăn, mặc, ở và đi lại của con người. Theo mức độ cấp thiết của tiêu dùng mà người ta phân ra hàng nhu yếu phẩm và hàng xa xỉ. Việc phân loại cũng chỉ mang tính tương đối, xăng là nhu yếu phẩm lại được phân thành hàng xa xỉ, kim cương là hàng xa xỉ mà không chịu ngay cả thuế giá trị gia tăng.

Phạm vi bài viết này đề cập tới đối tượng là những người quan tâm đến giả cả, vì nếu không họ có thể hết tiền trước khi đến kỳ lãnh lương, hay nói cách khác là nhóm người trực tiếp làm ra sản phẩm cho xã hội hay nói theo dân dã là nhóm "Ráo mồ hôi ráo tiền".

Những mặt hàng đưa vào rổ hàng hóa để tính CPI gồm 3 nhóm chính:
1. Nhóm thực phẩm: gạo, rau, thịt, cá ...
2. Nhóm hàng công nghiệp điện máy: TV, tủ lạnh, DVD ...
3. Hàng xa xỉ: bài lá, vàng mã, rượu tây ...

Quy luật giá hàng hóa là: những món hàng rẻ tăng nhanh nhất, nhóm hàng thực phẩm tăng nhiều nhất, hàng công nghiệp điện máy có tăng mà tăng ít, chỉ tăng theo giá nhập, hàng nhập cao cấp chỉ phụ thuộc vào giá đô mà thôi.

Hàng hóa nhóm 1 được tiêu thụ nhiều nhất chiếm quá bán khoản thu nhập, là khoản chi hàng tháng. Nhóm 2 ít được mua sắm hơn, tính bằng hàng năm. Nhóm 3 có thể nói là không có nhu cầu mua để dùng. Với giới thu nhập cao thì ngược lại chi tiêu của họ cho hàng xa xỉ chiếm tỷ trọng lớn.

Chỉ số CPI lại tính cho hàng hóa ở cả 3 nhóm, nên những món hàng đắt tiền giá cao giá tăng ít có tác dụng kéo CPI xuống thấp. Do đó chỉ số giá của nhóm hàng nhu yếu phẩm gấp từ 2 đến 3 lần chỉ số CPI tính toán theo cái gọi là "rổ hàng hóa" kể trên. Đối với giới lao động, hàng hóa họ tiêu thụ chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm nên họ phải trả giá tăng lên gấp từ 2 đến 3 lần so với CPI. Thông thường cùng thời gian hệ số lương của họ tăng ít hơn so với CPI từ 2 đến 3 lần. Đây là quy luật mà Mác gọi là Quy luật Bần Cùng Hóa giai cấp vô sản.

* Theo biểu đồ ở trên CPI tháng 4 năm 2011 khoảng 17%, nghĩa là thực tế cùng thời gian giá chợ tăng từ 30% đến gấp rưỡi.

Thursday, May 5, 2011

Chốn nghỉ mát Abbottabad (Pakistan)

Thủ lãnh al Qaida Osama bin Laden bị hạ sát vào ngày 1/5/2011 vừa rồi tại nơi ẩn náu nhiều năm là ngôi nhà riêng ở Abbottabad, một thành phố có khí hậu ôn đới phía Đông Bắc xứ Tây Hồi.

Abbottabad được Đại tá James Abbot phát hiện năm 1953, một khu rừng có khí hậu ôn đới giữa xứ sa mạc Ấn. Nơi này về sau được đặt theo tên ông được dùng làm nơi nghỉ dưỡng cho sĩ quan mẫu quốc và thuộc địa giữa xứ sở Ấn độ nóng nực. Cần nhắc lại là Pakistan thuộc Ấn độ và đã được người Anh chia ra theo khu vực tôn giáo trước khi trao trả độc lập cho xứ này.

Trên độ cao 1,260m nhiệt độ không quá cao mà không quá thấp tập trung trong khoảng 12 đến dưới 30 độ C. Do có khí hậu mát mẻ nên ngoài chức năng làm nơi nghỉ mát giữa mùa hè, Abbottabad còn là nơi huấn luyện binh lý tưởng.

Ở nước ta cũng có vùng đất tương tự như vậy, Đà Lạt được bác sĩ Alexandre Yersin phát hiện năm 1890. Ông đề nghị thành lập thành phố phục vụ nhu cầu nghỉ mát cho xứ Nam kỳ và đã được Thống đốc Paul Doumer chấp thuận. Kiến trúc sư Ernest Hébrard được giao việc thiết kế tổng thể đô thị.

Thành phố Đà Lạt là những ngôi biệt thự kiểu Thụy Sĩ lấp ló trên những sườn đồi thông ở độ cao 1,500m. Sân golf sớm nhất Đông Dương và có thể nói cả Á châu được xây dựng ở đây. Võ bị Quốc gia được thành lập năm 1950