Monday, February 27, 2012

Gọi "thằng" Vươn, thì đã sao

Trong buổi nói chuyện với các lão thành cách mạng trong Câu lạc bộ Bạch Đằng, đồng chí bí thư Hải phòng khi đề cập tới vụ Tiên Lãng đã nhấn mạnh chi tiết "thằng Vươn". Cách gọi đối tượng của mình bằng "thằng" đã được quán triệt ngay từ khi đảng ta mới thành lập. Những phát biểu như đồng chí Thành không mới mà chỉ là phát huy tinh thần ấy. Sau đây là những thí dụ cụ thể minh họa.


Phát biểu của đồng chí Thành, đương kim bí thư tỉnh ủy Hải Phòng

Trong Văn kiện Đại hội I năm 1935, mục III- Chính sách mới của đế quốc Pháp và mưu mô mới của bọn thống trị bản xứ, viết về đương kim Hoàng đế Bảo Đại:

"Trả quyền cho thằng bù nhìn Bảo Đại, "cải cách" Nam triều, lập Nguyên lão viện..." hết trích

Viết về những người yêu nước đương thời:

"Bọn quốc gia cải lương như Bùi Quang Chiêu, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Bội Châu..." hết trích

Trong cuốn “Tự Phán”, cụ Phan Bội Châu có thuật lại việc cụ bị bắt rồi đưa ra Hội Đồng Đề Hình để xét xử. Ra tòa, quan Tây ngồi ghế chánh án, ông Bùi Bằng Đoàn - nguyên phó chủ tịch quốc hôi khóa 1, người được Bác Hồ trân trọng gọi là Bùi Công, thân phụ ông Bùi Tín - làm thông dịch viên, sau này ông lên đến chức Thượng thư Hình bộ Nam Triều.

Quan Tây hỏi: “Comment vous appelez vous?”
Ông Bùi Bằng Đoàn đã dịch sang tiếng Việt: “Mày tên gì?”

Ai cũng biết chữ "vous" trong tiếng Tây là Đại danh từ ngôi thứ hai số nhiều, dùng để xưng hô trịnh trọng.

Trong tác phẩm Cọng rêu dưới đáy ao, đã mô tả một cán bộ tuyên huấn giảng bài về nông thôn mới và hiện đại hóa nông nghiệp cho nông dân gia nhập hợp tác xã:

"...Nhà của ta ở hiện nay sẽ phá sạch sành sanh, phá sạch không còn một dấu vết gì của nghèo nàn lạc hậu. Tất cả mọi nhà đều xây thành nhà cao tầng. Từ nhà đi ra đồng có ô tô đưa đi. Làm ruộng mệt mỏi thì ngừng tay xem xi-nê... Tôi nói một việc này các đồng chí sẽ vô cùng ngạc nhiên. Các đồng chí có biết việc gì không? Mỗi gia đình trung nông sẽ giàu hơn tài sản thằng Bảo Đại... Tài sản thằng Bảo Đại sẽ thua kém tài sản một trung nông...".

Vũ Thư Hiên trong Đêm giữa ban ngày

Trong tiếng Việt của ta cách xưng hô thật phong phú. Vào Hỏa Lò tôi mới biết ở đây, hay nói cho đúng trong ngành công an, có lệ bất cứ ai bị bỏ tù đều là thằng hết, còn ai chưa bị bỏ tù, nhưng có thể bị bỏ tù, thì gọi tên không. Cách gọi thằng, con trong ngôn từ chính trị có cội nguồn của nó. Nó xuất hiện vào cuối cuộc kháng chiến chống Pháp. Chính ông Hồ Chí Minh dùng cách gọi này trong những cuộc nói chuyện với cán bộ và trong những bài viết trên báo Cứu Quốc: thằng Mỹ, thằng Pháp, thằng Xihanúc, thằng Lý Quang Diệu, thằng Măng-đét Phrăng…”

Cách gọi như thế được coi như sự khẳng định lập trường chính trị, cho nên trong các văn bản hay văn học đều nói và viết theo tinh thần ấy. Vũ Thư Hiên viết tiếp: “Theo gương ông, về sau người ta gọi kẻ thù nào cũng bằng thằng hết: thằng Bảo Đại, thằng Diệm, thằng Khánh, thằng Kỳ, thằng Thiệu…” hết trích

Sách của Tô Hoài cũng dùng chữ "thằng Bảo Đại"

Cho đến nay "nhân dân" miền Bắc vẫn quen gọi những lãnh tụ quốc gia là thằng Bảo Đại, thằng Diệm, thằng Thiệu ...

Và trong tù thì quản giáo cai tù đều gọi tù nhân bằng thằng bất kể già hay trẻ, đó là luật bất thành văn. Và ông Đoàn Văn Vươn hiện đang ở tù tuy chưa phải tù chính thức.

Tài liệu tham khảo:
Văn kiện đảng
Võ Văn Trực - Cọng rêu dưới đáy ao
Vũ Thư Hiên - Đêm giữa ban ngày

Chú thích:
Bùi Quang Chiêu - dân biểu Nam kỳ, người được vinh dự được Trần Dân Tiên đưa vào tác phẩm Những mẩu chuyện ...
Huỳnh Thúc Kháng - Phó chủ tịch nước, người ký lệnh cho Công an khám xét trụ sở đảng Đại Việt và thủ tiêu đảng trưởng Trương Tử Anh
Nguyễn Văn Vĩnh - học giả, là cố ngoại của MC Lưu Minh Vũ
Phan Bội Châu - nhà cách mạng, người chủ xướng phong trào Đông du.
Bảo Đại - tên cúng cơm là Nguyễn Phước Vĩnh Thụy - Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn Gia Miêu gọi tắt là Nam Triều.

Monday, February 20, 2012

Có cần phải thiệt mạng vì lý do "Công vụ"

CSGT bị thương "trong khi làm nhiệm vụ"

Lâu nay, không hiếm người dân đi xe gắn máy bị tai nạn chết người do bị cảnh sát giao thông rượt đuổi. Nhưng cảnh sát bị tai nạn dẫn đến mất mạng trong khi rượt đuổi người vi phạm, là lần đầu. Tiếp tục thực hiện nghiệp vụ truy đuổi thì những cái chết vì công vụ sẽ không phải là cuối cùng.


Không gian làm việc nguy hiểm

Quy trình thường thấy của cảnh sát giao thông (CSGT) là: lập chốt - chặn - gọi người đi xe vào lề đường - xử lý vi phạm. Các đồng chí CSGT đã làm tốt công việc này với đa số công dân vị phạm luật giao thông đường bộ. Tuy nhiên, có một số người vi phạm không nghe theo hiệu lệnh dừng xe của CSGT, họ đã bỏ chạy.


Viên cảnh sát mẫn cán cố gắng giữ xe tải

Những vi phạm loại này không phải thuộc về Hình sự mà là vi phạm Hành chính - Dân sự. Theo luật Dân sự, cảnh sát viên ghi lại số xe của người vi phạm, gửi giấy phạt đến nhà. Người vi phạm trong một thời hạn theo quy định phải đến Kho bạc Nhà nước để nộp tiền. Quá hạn mà người vi phạm không nộp thì phải hầu tòa. Nếu không hầu tòa sẽ chuyển sang án hình sự, tức là người vi phạm sẽ bị truy nã.

Quy trình thực tiễn ở ta lại khác. Khi người có dấu hiệu vi phạm bỏ chạy, sẽ bị các đồng chí CSGT trực chốt xem như tội phạm hình sự. Họ sẽ lên xe công vụ, rượt đuổi xe vi phạm và cố gắng bắt sống. Quá trình rượt đuổi này không phải lúc nào cũng thành công, dẫn đến hậu quả là:

hoặc người đi đường không có liên quan bị va chạm gây thương tích
hoặc kẻ chạy trốn bị tai nạn
hoặc viên CSGT bị tai nạn

Tai nạn có thể làm cho người bị nạn chấn thương hoặc có thể tử vong. Chấn thương nhẹ thì trầy da, nặng hơn thì gãy xương, tàn phế. Nếu tử vong, gia đình sẽ mất một người thân, còn có thể là trụ cột gia đình. Nếu bị chấn thương, sẽ tốn phí những khoản chi dẫn đến nợ nần. Mà mới đây Bộ Y tế đã đề xuất mức giá viện phí mới tăng từ 3 đến 10 lần so với mức cũ và đã được Chính phủ đồng ý. Đây là lời cảnh báo có thể làm khánh kiệt những ai bắt buộc phải nằm bệnh viện.

Rất may là viên cảnh sát chỉ bị trầy da

Theo phân tích trên, đã rõ thiệt hại nhiều mặt do truy đuổi nghi can vi phạm luật giao thông . Và nhất là không để đồng chí của mình phải mất mạng vì lý do "công vụ". Đề nghị Bộ Công an không tiếp tục duy trì quy trình truy đuổi để bằng mọi giá bắt người tham gia lưu thông.

Nguồn tham khảo
Không đội mũ bảo hiểm, bị đánh đến tàn tật
Bị đánh gãy cổ vì không đội mũ bảo hiểm
Truy đuổi xe vi phạm, một thiếu úy CSGT hy sinh
Viện phí mới sẽ tăng giá như thế nào?

Friday, February 17, 2012

33 năm Trung quốc xâm lược Việt Nam



Ngày này 17 tháng 2 năm 1979 diễn ra cuộc tổng tấn công của Giải phóng quân TQ trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung. Chiến dịch mang tên "Dạy cho Việt Nam một bài học". Phía Việt Nam gọi là "Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc" để phân biệt với "Cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam". Sau 3 tuần lễ, Giải phóng quân TQ ngưng tiến quân tại Hữu Lũng cách Hà Nội 60 Km.

Số liệu công bố được nhiều người thừa nhận, phía TQ tổn thất 60 ngàn quân trong đó thiệt mạng 26 ngàn. Số liệu phía Việt Nam như thông lệ thường công bố giảm, số lính chết khoảng 10 ngàn người. Nhưng theo báo Nhân Dân, số thường dân chết lên tới 100 ngàn người.

Tấm bia ghi lại "chiến tích" thảm sát đàn bà và trẻ em của Quân giải phóng TQ
(nguồn: Huy Đức)

Hôm nay, 33 năm ngày TQ xâm lược Việt Nam, mọi chuyện đã trở nên quên lãng. Báo chí chỉ quan tâm đến Người đi chợ tìm chỗ gửi xe ở đâu, hay Nữ sinh nhảy lầu, hay Chưa tìm thấy tài năng tại Vietnams Got Talent.

Không một dòng tưởng niệm.

Nguồn
http://en.wikipedia.org/wiki/Sino-Vietnamese_War
http://www.globalsecurity.org/military/library/report/1999/ocp28.htm

Friday, February 10, 2012

Sau một tuần lễ "đổi giờ"

Cảnh kẹt xe thường gặp

Thực hiện "sáng kiến" "đổi giờ làm, giờ học" của Bộ trưởng GTVT, sau một tuần lễ thử nghiệm, đã gây ra hậu quả nặng nề. Cả người lớn lẫn trẻ em bội phần mệt mỏi. Sở GTVT Hà Nội nhận thức được đây là một thất bại trầm trọng.

Thông thường, những quyết định trước khi đưa ra thực hiện thường được mổ xẻ bàn luận và phản biện. Có những dự án bị bác bỏ sau khi dư luận không đồng tình như là Dự án Lát đá vỉa hè Hồ Gươm. Có những dự án được dư luận đồng tình tuy có ý kiến cho rằng hơi lãng phí như dự án Phân làn giao thông.

Lần này, trái với thông lệ, dự án "Thay đổi giờ học, giờ làm" lại bị dư luận thờ ơ tuy ai cũng biết nó sai cả về lý luận và thực tiễn. Về lý luận kẹt xe là do phương tiện di chuyển cá nhân chứ không phải vấn đề giờ giác. Về thực tiễn, trên thế giới chưa ở đâu làm như vậy cả. Và trên hết, thực tiễn Việt nam, những thử nghiệm thường được làm nháp ở TP HCM chứ không phải ở Hà Nội.

Sự thờ ơ của dân chúng đối với một quyết sách của chính quyền cho thấy:

Một là, dân chúng biết sai nhưng không phản đối, nó cho thấy một Phép thử của chính quyền đã bị dân chúng vô hiệu hóa. Là khẳng định Trí tuệ của lãnh đạo không còn ở Đỉnh cao nữa.

Hai là, chính quyền Hà Nội "thử nghiệm" cho Bộ trưởng làm thay công việc của Sở GTVT Hà Nội, qua đó làm mất uy tín của một vị Bộ trưởng mẫn cán và quyết liệt.

Ba là, sáng kiến tăng trưởng kinh tế của Bộ trưởng GTVT đang manh nha có nguy cơ chết yểu.

Thế là, ngày mai lại bắt đầu bằng ngày hôm qua.

(kỳ sau: Bài toán "Đổi giờ làm, giờ học" của Bộ trưởng GTVT)

Saturday, February 4, 2012

Vụ "cưỡng chế" Tiên Lãng có đúng luật không?

Tan hoang sau "cưỡng chế"

Sự kiện anh Vươn (hỗn danh Vươn Hoa Cải) đến nay đã được sự quan tâm của các bộ ngành trung ương và cả thủ tướng chính phủ. Vươn và các anh em cháu đã dùng bom tự tạo và súng bắn đạn ghém (súng hoa cải) kháng cự lại lực lượng an ninh được trang bị bằng vũ khí sát thương sẵn sàng nhả đạn (trên thực tế đã nhả đạn rồi nhưng chỉ trúng tường gạch) và công cụ đàn áp dưới sự chỉ huy trực tiếp của Giám đốc công an tỉnh Hải Phòng.

Dân ta có tập quán làm nông lâu đời nhưng chỉ chuyên sâu về trồng lúa. Trước khi có kỹ thuật nuôi thủy sản, những mảnh đất ven biển hoặc là rừng ngập mặn hoặc là bỏ hoang. Và nó cũng được để hoang từ ngàn đời nay.

Từ thập niên '70 của thế kỷ trước, đã có người nuôi thủy sản nhưng do không có thị trường và chưa có kỹ thuật nông nghiệp nên những bãi bồi chủ yếu để bỏ hoang, nếu có canh tác thì chưa có giá trị thương mại.

Cho tới thập niên giữa '90 nước ta mới có kinh tế thị trường, đất nước mở cửa, các địa phương cần vốn để phát triển. Lúc này những nông dân Tiên Lãng mới bắt đầu nuôi thủy sản thương phẩm và có lãi. Đồng thời địa phương cũng tranh thủ kiếm thêm thu nhập cho ngân sách bằng cách lập thủ tục cho các nông dân "thuê".

Do điều kiện thiên nhiên không thuận lợi nên chính quyền địa phương đã cho thuê với giá rẻ để thu hút đầu tư còn hơn là bỏ hoang không thu được gì. Giá "cho thuê" của năm 2000 là 140 ngàn đồng mỗi mẫu trong một năm.

Để so sánh vào năm 2010 người ta cho nước ngoài thuê đất trồng rừng với giá 180 ngàn đồng mỗi mẫu một năm. Cá biệt ở Quảng Nam người ta cho Đài Loan thuê đất trồng rừng với giá 27.500 đồng một mẫu. Số liệu để cho thấy giá cả mà huyện Tiên Lãng cho nông dân "thuê" không phải là rẻ.

Trở lại việc cho "thuê" đất bồi ven biển Tiên Lãng. Kể từ khi ký hợp đồng đến nay đã gần 20 năm. Trong suốt 20 năm ấy người "thuê" đã đầu tư sức người, sự cần kiệm của cả gia đình, vay mượn và cả máu để biến vùng đất hoang thành trang trại nuôi thủy sản có giá trị.

Vào lúc này các cán bộ địa phương nhận thức được rằng "giá cho thuê" như vậy là quá rẻ. Với hạ tầng đã được đầu tư hiện có, họ có thể cho người khác thuê với giá vừa có lợi cho ngân sách mà lại vừa có "hoa hồng" bỏ túi. Cơ hội cho những quan chức này đã đến, đó là thời hạn hợp đồng đã hết và họ cho rằng họ làm như vậy là đúng luật.

Vì "Cho rằng đúng luật" nên họ đã huy động được cả giám đốc công an tỉnh cầm đầu một lực lượng vũ trang được trang bị vũ khí quân dụng và đầy đủ phương tiện đàn áp như lựu đạn cay, súng phun lửa. Và tự tin hơn nữa là họ còn điều động được cả quân đội là lực lượng chống ngoại xâm. Chắc chắn việc huy động này không thể là quyền lực của chủ tịch huyện, thậm chí chủ tịch tỉnh cũng không thể điều động cả giám đốc công an và bộ đội tham gia.

Đặc điểm của kinh tế XHCN là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, cho nên từ "thuê đất" ở đây không giống với nghĩa nguyên thủy của nó - tức là của một cá nhân sở hữu cho người khác sử dụng tài sản của cá nhân đó trong một thời hạn để thu một số tiền nhất định theo giao kèo cụ thể. Người lãnh đạo chính quyền địa phương không phải là chủ nhân mà chỉ thay mặt dân quản lý mảnh đất đó.

Thực chất của việc "thuê đất" dưới chế độ XHCN là người nông dân đóng góp vào ngân sách theo một giá trị tiền nhất định và được sử dụng mảnh đất đó để đầu tư kinh doanh sinh lợi.

Luật lệ làm ra là để lợi ích của xã hội tăng trưởng theo thời gian. Giá trị mảnh đất tăng lên là do năm tháng tích lũy của người nông dân đầu tư, giá trị này dễ dàng được đánh giá bằng tiền và người đầu tư có quyền nhận lại giá trị này.

Mặt khác chính quyền đang nắm luật lệ trong tay, có thể làm tăng khoản thu bằng cách:

hoặc Thương thảo lại giá cho thuê đất
hoặc Thu thuế lợi tức hoa lợi sinh ra trên mảnh đất đó
hoặc Bồi hoàn thỏa đáng tiền đầu tư

Đằng này chính quyền lại lạm dụng luật lệ do họ đặt ra, huy động lực lượng vũ trang được trang bị vũ khí đến tận răng hòng cướp không tài sản do mồ hôi nước mắt của nông dân để giao cho nông dân khác để cho một số quan chức trục lợi từ giá trị tăng lên của mảnh đất.

Dù tìm kế sinh nhai vẫn không quên ơn đảng ơn chính phủ

Nguồn tham khảo:
180 ngàn đồng một hectare rừng
2.75 đồng (chưa đến 3) một mét vuông đất hay 27 ngàn 500 đồng một hectare (chưa mua được tô phở)

Friday, February 3, 2012

Giá của tấm bằng khen

Vì sợ mà phải nhận "Bằng khen"

Lực lượng công an đồng bộ với công tác an ninh chính trị và quyết liệt trong các cuộc hành quân "cưỡng chế" đất đai, kém mật thiết với quần chúng nên đã có phần lơi lỏng đối với các loại tội phạm ăn cướp vặt. Nhân dân đã phát huy quyền làm chủ bằng cách tự bảo kê hoặc truy bắt cướp thay cho công an hoặc tự mình bắt cướp để bảo vệ tài sản.

Chuyện hai người phụ nữ truy đuổi kẻ gian để giành lại tài sản từ tay kẻ cướp có kết cục bi thảm, con bị mất mạng, mẹ bị thương nặng. Chia buồn với gia đình người bị nạn là nghĩa cử nên làm, nhưng mang bằng khen tới tặng trong tang gia lại là chuyện khác. Trao bằng khen kịp thời như thấ này nhằm động viên, khích lệ và khuyến khích tinh thần tự tay bắt cướp.

Ông bà ta dạy: người làm ra của chứ của không làm ra người. Từ nhỏ đã được thầy cô giáo dạy rằng: con người là vốn quý nhất.

Nếu bị bắt, kẻ gian sẽ phải chịu chế tài gấp nhiều làn giá trị tài sản mà họ cướp được. Cho nên, trước khi hành động họ đã có phương án tẩu thoát, lập vật cản hoặc che tầm nhìn và nếu không thoát được thì biện pháp chống trả quyết liệt sẽ được ưu tiên hơn là bó tay chịu trói.

Tên cướp trong thế chủ động, trong khi người bị hại ở thế bị động cộng thêm thiếu kiềm chế. Nên khi đương đầu người bị hại sẽ ở trong thế yếu. Hơn nữa có bắt kịp tên cướp cũng không dễ dàng khống chế. Việc truy đuổi cướp đê giành lại tài sản chỉ đơn thuần vì động cơ tiếc của nên có hành động dại dột và cuối cùng chuốc lấy kết quả thương đau.

Phân tích như trên để thấy rằng trước hành vi manh động quyết liệt của kẻ cướp, ta không nên tạo điều kiện để của cải đắt tiền ở nơi dễ thấy cho kẻ gian ra tay và nhất là không vì tấm bằng khen từ Sở công an mà cố gắng rượt đuổi để hy sinh anh dũng.