Thursday, December 8, 2011
Những bất cập trong quy định "CSGT TP HCM không được mang quá 100.000 đồng"
Công an TP HCM vừa mới ra văn bản số 346 quy định Cảnh sát giao thông TP HCM không được mang quá 100.000 (một trăm ngàn) đồng. Đây là một quy định mang tính nội bộ trong phạm vi lực lượng CSGT TP HCM trong khi làm nhiệm vụ.
Cơ sở để ra quy định này là CSGT trong khi làm nhiệm vụ thì không cần phải tiêu tiền và để ngăn ngừa cảnh sát viên nhận tiền chung chi của phương tiện vi phạm luật lệ giao thông.
Việc công an viên giao thông nhận tiền mãi lộ của giới vận tải cũng có mặt tích cực của nó, một là những phương tiện không sẵn sàng nộp tiền mãi lộ sẽ không dám vi phạm quy định về pháp luật giao thông; hai là trong những năm qua công an viên giao thông đã mẫn cán làm việc công bất kể giờ giấc đêm cũng như ngày.
Với một người làm công ăn lương kiếm sống bằng cách di chuyển ngoài đường, 100 ngàn đồng tương đương với 5 lít xăng hoặc 3 tô phở loại thường hoặc 1 ly cafe với 1 lát bánh ngọt tại Cafe Highland hoặc 1/10 tô phở bò kobe. Thực tế người ta không chỉ tiêu tiền cho duy nhất một món mà nhịn các món khác hoặc không bao giờ người ta tiêu hết sạch số tiền trong túi. Một công an viên giao thông cũng thi hành công vụ trên đường nhưng lại tuyệt đối không tiêu đến tiền.
Trong suốt thời gian thực hiện nhiệm vụ, cảnh sát viên cỡi xe công vụ, xăng đủ dùng trong suốt hành trình và nếu có hư hỏng đột xuất thì gọi cứu hộ chứ cảnh sát không bao giờ phải tự dắt xe đi sửa. Trong điều lệnh cũng cấm cảnh sát ăn quà vặt hay ghé hàng quán trong thời gian làm nhiệm vụ. Về lý thuyết, trong giờ làm việc cảnh sát viên không cần phải tiêu tiền do đó giới hạn 100 ngàn đồng được xem là hợp lý.
Một chi tiết thừa trong quy định đó là trường hợp cảnh sát viên phải chi tiêu một số tiền lớn hơn 100 ngàn đồng thì phải niêm phong và báo cáo lãnh đạo. Vì cảnh sát viên đi xe riêng từ nhà tới đội, cất tiền trong tủ cá nhân, rồi mới từ đội cỡi xe công vụ đi tuần tra hay bám chốt. Hết ca làm việc, lái xe công vụ trở lại đội, lấy tiền đi lo việc riêng. Việc niêm phong và cáo cáo lãnh đạo trở nên thừa.
Cơ sở lý luận tương đối hoàn hảo. Tuy nhiên biện pháp thực hiện lại phát sinh nhiều vấn đề
Thứ nhất, phải thành lập một lực lượng để thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện quy định này. Lực lượng kiểm tra điều lệnh vốn đã bận rộn trước khi có quy định này nên không thể nhận thêm công tác mới. Còn nếu lấy một phần lực lượng CSGT để làm nhiệm vụ mới sẽ làm cho lực lượng CSGT vốn đã mỏng nay còn mỏng hơn, khó duy trì được trật tự giao thông.
Thứ hai, thực hiện bằng cách ngụy trang thành dân thường theo dõi, thấy có dấu hiệu thì ập vào để kiểm tra, hay nói cách khác sử dụng nghiệp vụ công an mật. Cảnh sát giao thông là công an, họ cũng được đào tạo nghiệp vụ an ninh, kể cả nghiệp vụ bí mật nên họ cũng theo dõi hoạt động khả nghi của lực lượng thanh tra. Việc theo dõi lẫn nhau này tuy tạo điều kiện nâng cao nghiệp vụ an ninh nhưng lại làm sao nhãng nhiệm vụ giữ trật tự giao thông.
Thứ ba, việc bắt quả tang và khám xét tang vật lại đụng đến riêng tư và có những điều bất tiện. Nếu cảnh sát viên giấu tiền trong người thì phải khám xét những chỗ kín. Như trên đã nói, cảnh sát viên cũng có nghiệp vụ để phát hiện người theo dõi mình, và khi biết được thì họ sẽ động tác giả để đánh lừa thanh tra. Nếu khám xét chỗ kín mà không thấy cất tiền thì sao, thanh tra CSGT có phạm tội lạm dụng chức quyền không.
Thứ tư, thanh tra CSGT có quyền yêu cầu công an viên giao thông và người tham gia giao thông có liên quan về công an phường gần nhất để viết tường trình và kiểm tra hành chính. Xin nói rõ quy định 346 là văn bản nội bộ của công an địa phương TP HCM mà biện pháp thực hiện của nó lại ảnh hưởng bất lợi đến sinh hoạt của người tham gia giao thông.
Thứ năm, lực lượng thanh tra này cũng là công an nên có đầy đủ đặc tính của công an nhân dân như công an giao thông. Vậy ai sẽ kiểm tra lực lượng thanh tra CSGT để bảo đảm chính họ không mang quá 100 ngàn đồng trong người.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
13 comments:
Nhân dân xứ Giao Chỉ mỗi năm đều được tham gia đóng góp ý kiến vào các dự luật, dự thảo, các nghị định. Công cuộc này rất sôi nổi, dân chủ và bình đẳng với mọi thành viên mong muốn xây dựng đất nước. Thể hiện đặc biệt tính ưu việt của chế độ ta, không như tư bản giãy chết mấy thứ kia toàn là các nhà lập pháp ngồi trong phòng lạnh làm. Bên ta có đầy đủ các ban, ngành đại điện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thế nên các quyết định thường nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Giao chỉ có một rừng luật, sống trong rừng luật phải dùng luật rừng.
cháu có sáng kiến:
cho thường dân đóng giả công an để đi kiểm tra CSGT tăng thu nhập!
mạo muội spam bác Lý
bài bác Lý chuẩn không cần chỉnh. Theo đề xuất của tôi thì sau này nên lập ra một đội "Thanh tra" để "Thanh tra các Thanh tra CSGT" vì khi mà đến thời điểm Thanh tra CSGT làm luật đối với các CSGT thì phải nên làm vậy thôi hehe.. lúc này có nhiều cái dzui đây.
Một điều luật rừng thì vào rừng sống thôi kaka..
Khoai Tây này phản động nhỉ. Có biết giả danh công an là tội gì không, chế tài bao lâu. Như tớ đã nói trong bài, công an giao thông cũng có nghiệp vụ công an, không qua mặt họ được đâu.
@ Củ Chuối,
Cái đó rõ như ban ngày. Thậm chí quốc hội An Nam còn lắng nghe những tiếng nói trên mạng internet. Điển hình là quốc hội đã bấm nút bác đề án Đường sắt cao tốc vào năm ngoái.
@ Từa Lưa,
Tớ viết bài này để cảnh báo giới vận tải, rằng sắp tới phí mãi lộ sẽ tăng lên.
Theo tính đảng thì việc ra văn bản quy định số 346 không nhằm làm giảm hối lộ CSGT mà là để "tái cấu trúc" lực lượng CSGT. Trước đây đ/c Thượng tướng Lê Thế Tiệm từng băn khoăn “không hiểu ngoài đường có cái gì mà ai cũng xung phong ra đứng đường”
Hình như qui định nội bộ này đã có từ trước lâu rồi, áp dụng một thời gian bất khả thi, không hiệu quả , rồi cũng quên đi luôn, nay lại mang ra nhắc lại ! Thực tế có thời gian Cao bồi đã thấy các anh CSGT trước đây đã vô hiệu hóa qui định này rất dễ dàng và đơn giản như sau : Sau khi CSGT thỏa thuận xong với người vi phạm giao thông về số tiền làm luật, chung chi.. thì chính nguuời vi phạm sẽ đưa tiền chung chi cho anh xe ôm, hay bà bán thuốc lá ngồi gần đó để kiểm đếm lại và giữ giùm luôn. Sau khi hết ca trực, chính anh CSGT trở lại hay cho người quen đến anh xe ôm, chị bán thuốc lá để lấy số tiền làm luật trong suốt ca, và không quên để lại cho anh xe ôm, chị bán thuốc từ 5% đến 10% số tiền làm luật.
Thế là vui vẻ cả làng : người vi phạm không bị phạt theo khung phạt quá cao, anh CSGT có tiền làm luật, anh xe ôm và chị bán thuốc có thêm khoản hoa hồng (có khi cao hơn cả ngày chạy xe ôm, bán thuốc lá), cấp trên của anh CSGT cũng vẫn được chia chác mà không mang tiếng là bao che cho lính ...
Chỉ có thêm hậu quả là anh CSGT phải tìm cách chặt chém người vi phạm nhiều hơn nữa để bù đắp cho khoản hoa hồng chi cho người trung gian giữ tiển giùm . Qui định chả có tác dụng hạn chế tiêu cực của anh CSGT, mà có khi lại làm tiêu cực nhiều hơn.
Chuyện thật 100%. Cao bồi mà nói xạo thì nguyện kiếp sau (hoặc ngay kiếp này) sẽ bị trời phật đày làm CSGT để cho bà con mình chửi rát mặt !
Dear Cao Bồi,
Văn bản quy định này ra cách nay cả năm rồi, cũng giống như nghị định 95 về cấm giao dịch vàng công bố 1 tháng sau ngày ký.
Kỳ này họ công bố nhằm một là để xoa dịu dư luận; hai là "tái cấu trúc" lực lượng CSGT, địa chủ trong ngành CA.
Xã hội được hưởng gì sau biến cố này. Trực tiếp là giới vận tải sẽ phải tăng phí mãi lộ trong thời gian sắp tới. Gián tiếp là toàn xã hội sẽ chịu giá cước tăng.
Chiêu xe ôm, thuốc lá có lâu rồi chứ. Vai trò chính của họ là làm broker do sự tế nhị về giá cả. Sau này CSGT làm ăn trắng trợn nên không cần broker nữa.
Bác để ý mấy trạm cân.
1500000đ đến 3000000đ một lần báo luật.Tiền này chủ hàng phải trả.Các đ/c TTGT cần biết không lại hớ để trung gian ăn mất.
@Lý Toét: Sao không nghĩ rằng nhờ qui định này mà CSGT sẽ làm nghiêm hơn, nhờ đó an toàn giao thông sẽ tốt hơn? Việc toàn XH chịu cước tăng do xe không dám chở quá tải, chạy quá ẩu thì mức chi phí đó là chấp nhận được. Xem thêm về luật chống tham nhũng mà chỉ cần tham nhũng 50 triệu sẽ bị tử hình đã làm giảm số lượng tham nhũng ở nước ta đến mức nào (tham khảo báo cáo trước quốc hội gần đây)
2m này phản động quá thể, sao lại nhận định rằng cảnh sát giao thông từ trước tới nay khi chưa có quy định này thì làm việc không nghiêm.
Qui định này có liên quan gì đến 50 triệu nhỉ, khó hiểu quá. 2m bắt đầu giống Đậu Tương rồi.
@Lý Toét:
- Nghiêm hơn tức là đã nghiêm rồi (Gu gồ Hoàng Hữu Phước: cao nhất, cao hơn, cao ...)
- Vụ cấm CSGT mang quá 100.000 cũng tương tự như việc tham nhũng không được quá 50 triệu, nhờ vậy mà tham nhũng giảm (số liệu báo cáo quốc hội mới nhất) nên chắc chắn việc cấm này cũng sẽ có hiệu quả tương tự với CSGT
Nhắc nhở: nên học cách đọc kỹ, gợi ý: tập đọc và hiểu nghị quyết TW Giao Chỉ
Bắt quả tang đ/c 2m hoặc ngụy biện, hoặc mắc chứng alzheimer tức lẫn. Mới vừa mới kết luận Hoàng Hữu Phước phản động nay lại lấy lời HHP làm kinh điển.
Người ta nói: Hết khôn dồn đến dại. Quản lý kiểu này xem chừng có thể áp dụng cho lĩnh vực nông nghiệp. Các bác nông dân nhà mình nghiên cứu và vận dụng được.
http://langsontour.blogspot.com/p/vui-ngo-nghinh.html
Đá Tai Mèo viết ngắn gọn đến mức gần như là spam.
Post a Comment