Nguyễn Xuân Nghĩa & Đinh Quang Anh Thái - "Giờ Giải Ảo" ngày 20100802
Quan công, ông là ai?
ĐQAThái: Như
mỗi tối Thứ Ba, đây là chương trình Giờ Giải Ảo của kinh tế gia Nguyễn
Xuân Nghĩa, phát thanh trên làn sóng 1190AM của đài NVR và trên mạng
lưới điện toán toàn cầu kxmx.com cùng trang nhà của nhật báo Người Việt.
Chúng tôi là Đinh Quang Anh Thái, xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa.
Thưa
ông Nghĩa, trong một chương trình trước đây, ông có nhắc đến nhân vật
Quan Công của truyện Tam Quốc Chí khiến nhiều thính giả lấy làm thú vị
và còn yêu cầu ông vui lòng khai triển thêm. Ông nghĩ sao về lời yêu cầu
này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đây là một chuyên vui buồn lẫn lộn.
- Vui vì một nhân vật lịch sử lại được coi như ông Thánh nhờ sự tô vẽ của một cuốn tiểu thuyết cực hay là Tam quốc chí Diễn nghĩa.
Nó cho thấy sức mạnh của nghệ thuật! Nhưng hơi buồn vì một ông thánh
thật của ta, là Đức Thánh Trần, tức là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn,
nhân vật lịch sử và anh hùng của dân tộc lại không được nhiều người
trong chúng ta sùng bái như vậy! Chìm sâu bên dưới là tâm lý lãng mạn
của dân mình. Nhưng nói đến điều này thì cũng nên cẩn thận vì chúng ta
không nên xúc phạm vào đức tin của người khác. Vì vậy, tôi xin đề nghị
là chúng ta xét lại thực chất của nhân vật Quan Công thôi. Còn lại thì
mọi người đều có quyền tự do chiêm bái!
ĐQAThái:
Ông thận trọng giao hẹn như vậy rồi thì ta bắt đầu tìm hiểu hành trạng
và sự nghiệp của nhân vật Quan Công, hay Quan Vân Trường... Như ông vừa
nói, đấy là một nhân vật lịch sử, tức là một người có thật?
Nguyễn Xuân Nghĩa: -
Đấy là nhân vật có thật vào cuối đời Đông Hán bên Tầu và có góp phần
xây dựng lên một trong ba nước của thời phân tranh Tam Quốc - từ năm 220
đến 280. Trong thời kỳ đó, nước ta vẫn còn bị ách Bắc thuộc và thực tế
bị cai trị bởi nhà Đông Ngô của Tôn Quyền, một chế độ cai trị thuộc loại
hà khắc nhất khiến Bà Triệu đã khởi nghĩa. Bà Triệu có lẽ sinh vào năm
225 và khi khởi nghĩa thì bị Tôn Quyền sai Lục Dận là cháu Lục Tốn sang
làm Thứ sử Giao Châu với quân binh qua tiêu diệt sau sáu tháng giao
tranh. Bà Triệu phải tự trầm vào năm 248, ở tuổi rất trẻ là 23. Chúng ta
đọc Tam Quốc mà ít liên hệ đến chuyện đau thương của đất nước mình vào
giai đoạn ấy.
-
Trở lại Quan Công, ông ta có thể sinh năm 162 tại tỉnh Hà Đông, nhưng
chắc chắn là mất vào năm 220, là khi cục diện tam phân vừa mới bắt đầu.
Quan Công có tên tự là Vân Trường hay Trường Sinh, thiếu thời là nhà
nghèo, đi bán đậu phụ kiếm sống, nhưng giỏi võ và có tinh thần nghĩa
hiệp. Chính là vì tính nghĩa hiệp ấy nên đã giết người và đi trốn. Trong
lúc đi trốn tại huyện Trác ở tỉnh Hà Bắc, ông gặp Lưu Bị là người có họ
rất xa với Hoàng đế nhưng nhà cửa sa sút nên làm nghề đan dép và bện
chiếu để kiếm ăn. Người thứ ba là Trương Phi, cũng sinh tại huyện Trác
và là tay khá giả nhất trong ba anh em kết nghĩa ở vườn đào, mà vườn cây
trồng đào này nằm trong trang trại của Trương Phi.
ĐQAThái: Như vậy, trong ba anh em kết nghĩa, hai người anh là Lưu Bị và Quan Công đều nghèo cả và khá giả nhất chính là Trương Phi?
Nguyễn Xuân Nghĩa:
- Ông ta tánh tình bột trực, nhưng không phải là vô mưu và cũng là
người đề nghị lập bàn thờ kết nghĩa anh em. Sau khi kết nghĩa, họ hưởng
ứng lời kêu gọi của triều đình mà đi dẹp loạn Khăn Vàng và dần dần nổi
tiềng từ đó. Truyện Tam Quốc dựng ra thành tích đầu tiên của Quan Công
là chém tướng Hoa Hùng của Đổng Trác thật ra là chuyện hư cấu. Lưu Bị
không dự hội nghị các chư hầu do Viên Thiệu triệu tập để đánh Đổng Trác
và Quan Công cũng không tham dự trận này mà Hoa Hùng chết vào tay Tôn
Kiên. Chuyện sai khác giữa lịch sử và tiểu thuyết thì nhiều lắm, ta
không thể bàn hết ở đây mà chỉ nên tập trung vào con người của Quan
Công.
ĐQAThái: Ông thấy Quan Công không được ở những điểm gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa:
- Mùa Thu năm 198, Tào Tháo và Lưu Bị hợp quân đi đánh Từ châu để trừ
Lã Bố. Quan Công dự trận bao vây này và trong bước đường cùng, Lã Bố
dâng vợ mình cho Quan Công để lấy lòng và nhờ ông nói giúp với Tào Tháo.
Quan Công ngờ nghệch hỏi Tháo rằng mình có được nhận người đàn bà ấy
không, Tào Tháo bảo là được. Nhưng vì thấy Quan Công cứ hỏi thêm mấy lần
nữa, Tào Tháo bèn để ý và sai ông mang vợ Lã Bố tới xem mặt. Thấy nàng
đẹp quá, Tào Tháo giữ lại cho mình!
- Chúng ta
đều hiểu là trong chiến tranh thời cổ, đàn bà chỉ là chiến lợi phẩm mà
phe chiến thắng có thể chiếm đoạt. Nhưng cách Quan Công xử trí với vợ
của Lã Bố thì cũng hơi lạ, cũng háo sắc và ngây thơ khi để nàng lọt vào
tay Tào Tháo! Chuyện này cũng vui đấy chứ và có được chép trong bộ sử
nhà Thục là Thục chí! Những chuyện lặt vặt ấy có nhiều lắm, nhưng
cho thấy con người đạo đức đạo mạo đầy khí tiết của Quan Công khi đốt
đuốc suốt đêm đọc kinh Xuân Thu bên ngoài phòng của Nhị Tẩu, hai bà Cam
và My phu nhân của Lưu Bị, thì hơi nặng phần trình diễn!
ĐQAThái:
Quý thính giả đang theo dõi chương trình Giờ Giải Ảo với ông Nguyễn
Xuân Nghĩa. Nói về Quan Vân Trường, người ta ngợi ca lòng trung dũng
nghĩa hiệp, nhưng một kỳ trước ông lại nói đến khí độ kiêu mạn hẹp hòi
của nhân vật này. Ông nêu ra vài thí dụ được không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: -
Phe Tây Thục của Lưu Bị có ngũ hổ tướng là Quan Vũ, Trương Phi, Triệu
Vân, Hoàng Trung và Mã Siêu, mà Quan Vũ là người đứng đầu vì vừa giỏi võ
vừa là em kết nghĩa của Lưu Bị. Nhưng thật ra, nói về tài năng quân sự,
chưa chắc ông đã vượt nổi Triệu Tử Long là tay có võ công rất cao mà
cực kỳ gan dạ và mưu lược khi thất thế và phải phá vòng vây. Trong suốt
câu chuyện, ta không hề thấy Triệu Tử Long kèn cựa với ai, nhưng thấy
Quan Công háo thắng và khinh người, kể cả với Triệu Vân mà Triệu Vân vẫn
nhịn được. Chính Triệu Tử Long mới xứng đáng là một danh tướng kiệt
xuất và có đức độ.
- Về phần
Quan Vân Trường, khi nghe tin Mã Siêu đến hàng Lưu Bị ở Tây Xuyên, con
người khí độ hẹp hòi ấy lập tức viết thư hỏi Gia Cát Lượng, rằng tài
năng Mã Siêu có thể so sánh với ai. Gia Cát Khổng Minh bèn trả lời: "Mã
Siêu chỉ có thể sánh với Trương Phi chứ không thể siêu phàm như ngài
được!" Quan Công rất khoái và đem thư khoe mọi người! Khi Lưu Bị tự xưng
là Hán Trung Vương và phong lão tướng Hoàng Trung làm Hậu tướng quân
thì Tiền tướng quân là Quan Vũ bất mãn không nhận ấn tín vì nghĩ rằng
mình bị coi như ngang hàng Hoàng Trung!
ĐQAThái: Đó là chuyện bên trong, với bên ngoài, Quan Vụ còn phạm những sai lầm gì khác?
Nguyễn Xuân Nghĩa: -
Khổng Minh Gia Cát Lượng có người anh cả là Gia Cát Cẩn làm quan bên
triều Đông Ngô. Lúc khởi nghiệp, Lưu Bị chiếm lấy Kinh Châu của Đông Ngô
và hẹn là sẽ trả lại sau khi lấy được Tây Xuyên. Sau này, Ngô Tôn Quyền
thấy phe Bắc Thục quá mạnh nên sai Gia Cát Cẩn qua gặp trấn thủ Kinh
Châu là Quan Vũ để kết thông gia. Gia Cát Cẩn dâng đề nghị của Tôn Quyền
là xin con gái của Quan Công lấy con trai của mình. Quan Công ngắt lời:
"Con gái ta là hổ nữ làm sao có thể phối hôn với con trai Đông Ngô
là khuyển tử được? Ngươi chớ nói thêm, nếu ta không nể ngươi là bảo
huynh của quân sư Gia Cát Lượng thì ngươi ắt là mất đầu!" Quan Công
quên mất Tôn Quyền thuộc loại thế gia vọng tộc đất Giang Đông khi mình
còn đẩy xe đi bán tầu hủ, và càng quên là Tôn Quyền cũng là anh vợ của
Lưu Bị chứ có hèn kém gì?
- Quan
trọng nhất, Quan Công quên hẳn chiến lược hòa Ngô để cự Ngụy do Gia Cát
Lượng vạch ra, lại còn nhục mạ Tôn Quyền và hăm dọa Gia Cát Cẩn! Ông đã
vì tánh kiêu mạn gây bất mãn cho một đồng minh và quả nhiên là làm Tôn
Quyền nổi điên nên kết hợp với Tào Tháo và dụng mưu cho Quan Công khinh
địch mà vào tròng và để mất Kinh Châu. Và mất mạng. Sau đấy, đến lượt
Lưu Bị thiếu sáng suốt, quên hẳn chuyện lớn là diệt Bắc Ngụy để khôi
phục nhà Hán. Ông ta cho rằng Quan Công đã chết thì mình chẳng còn thiết
gì đến phú quý vinh hoa - chẳng hóa ra là muốn làm thiên tử thì vì phú
quý chứ không vì bá tánh - lại nhất định cầm quân đánh lại Đông Ngô để
trả thù rồi cũng mất mạng! Gánh giang sơn vì vậy lại trút trên vai Gia
Cát Lượng!
ĐQAThái: Thưa
ông, một trong những lời phê phán nặng nhất về Quan Vân Trường là ông
ta đã để thất thủ Kinh Châu và làm hại cho sự nghiệp của Lưu Bị. Như ông
vừa trình bày thì đúng như vậy. Nhưng ai là người đề ra chiến lược này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trong bộ Tam quốc, ta biết Lưu Bị đã ba lần tìm tới Khổng Minh qua chuyện "tam cố thảo lư"
tức là Lưu Bị ba lần thăm lều cỏ để mời Khổng Minh ra giúp mình, và ta
để ý tới sự sốt ruột và kiêu căng của Quan Vũ và Trương Phi. Thật ra,
theo bộ sử Thục chí thì chính Khổng Minh ở tuổi 27 tìm đến Lưu Bị đã 47 tuổi để đề nghị chiến lược đời sau gọi là "Long Trung quyết sách".
- Long
Trung là tên đất ngụ cư của Khổng Minh khi ông nghiền ngẫm cục diện tan
nát của nhà Hán và đề ra chiến lược là giúp Lưu Bị củng cố sức mạnh tại
đất Thục thành một trong ba lực lượng, sau ta gọi là Ngụy-Thục-Ngô với
chủ trương là hòa với phe Đông Ngô của Tôn Quyền để đương cự địch thủ
chính và mạnh nhất là phe Bắc Ngụy, của Tào Tháo. Sau trận Xích Bích thì
cục diện ấy thành hình, nhưng lại sớm tan vỡ sau khi Khổng Minh giúp
Lưu Bị chiếm được gần trọn vẹn đất Tây Xuyên. Sai lầm lớn nhất là giao
cho Quan Công trấn giữ Kinh Châu, đó là sai lầm của Khổng Minh vì ông
biết rõ tính tình của Vân Trường. Nhưng bản thân Khổng Minh phải đi vào
Tây Xuyên nên không thể giao cho ai khác và trước khi đi căn giặn mãi mà
không có kết quả cũng vì sự kiêu căng nông nổi của Quan Vân Trường. Đời
sau thì nói là vì trời không tựa nhà Hán, thực sự thì vì người chứ
không vì trời!
- Trong một kỳ
khác, ta sẽ tìm hiểu vì sao Quan Công lại được sùng bái như vậy. Khôi
hài nhất là Việt Nam có nhiều nơi thờ Quan Thánh Đế Quân mà cũng chẳng
phải là do người Hoa lập ra. Thí dụ như:
1. Đền Ngọc Sơn hồ Hoàn Kiếm trước đây từng là nơi thờ Quan Thánh.
2. Đền Quan Công ở bến Tây Luông, cách cổng thành Thăng Long 2 dặm.
3. Miếu Quan Đế do Bỉnh Trung Công thời Hậu Lê xây dựng ở phường Hà Khẩu, nay là phố Nguyễn Trung Trực ở Hà Nội.
4. Miếu Quan Thánh ở xã Năng Tịnh, huyện Mỹ Lộc tại Nam Định
5. Đền Quan Đế ở xã Vân Trai, huyện Ngọc Sơn ở Thanh Hoá
9. Đền Quan Công ở Hội An, tỉnh Quảng Nam
11. Đền thờ Quan Thánh tại Vũng Tàu.
1 comment:
The content shared is very useful, please refer to my content:
các vị trí đau lưng nguy hiểm ,
cách chữa đau vai gáy của người nhật ,
đồ dùng cho người già
Post a Comment