Tuesday, July 5, 2011

Bất động sản góp phần tăng trưởng

Thị trường bất động sản (BDS) trầm lắng cả năm nay, có nhiều nguyên nhân trong đó có những nguyên nhân như tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, thay đổi cơ cấu cho vay, hạn chế cho vay BDS, xem đầu tư BDS là phi sản xuất, và nhất là do báo chí định hướng nhà đầu tư rời bỏ thị trường. Tất cả những yếu tố đó có nguy cơ làm suy thoái TT BDS.

Những nguyên nhân tích cực được xem là biện pháp của chính phủ nhằm ổn định vĩ mô, đem lại sự tin tưởng cho nhà đầu tư. Mặt khác, những thông tin tiêu cực từ báo chí lại có vấn đề, làm u ám thực trạng kinh tế, có nguy cơ xóa sạch thành quả tăng trưởng mà toàn bộ hệ thống chính trị ra sức cổ vũ. Những thông tin đó là 70% người mua nhà là đầu cơ, hay là thị trường BDS đóng băng sàn đóng cửa, hay là nhà đầu tư mắc kẹt với BDS và nhiều tin khác, những thông tin từ xấu đến rất xấu làm nản lòng nhà đầu tư.

Trong giai đoạn điều chỉnh theo chu kỳ của thị trường BDS, bộ Xây dựng có sáng kiến đề xuất với ngân hàng nhà nước Tăng hạn ngạch cho vay đối với người mua nhà. Không hiểu sao qua báo chí lại bị chế biến thành Chuyển nợ từ nhà đầu tư sang người mua nhà. Tiêu đề bài báo tiêu cực trên trở thành đề tài châm chích của báo chí, đó là Cứu thị trường BDS bằng cách đẩy khó khăn cho dân. Bộ XD chỉ đề nghị NHNN cho người mua vay tiền để mua nhà, người mua nhà có quyền chọn vay hay không vay sao cho có lợi, sao lại bảo là "đẩy khó khăn cho dân".

Thành quả đạt được từ khi đổi mới đến nay đó là thành tích tăng trưởng GDP với tỷ lệ hàng năm trên dưới 10%. Ai cũng biết công thức tính GDP bao gồm Chi tiêu + Đầu tư + Xuất khẩu - Nhập khẩu. Trong đó nhập siêu năm sau nhiều hơn năm trước; chi tiêu chính phủ thì không phải là không có giới hạn, khống chế bội chi không quá 5%; chi tiêu của dân chúng mỗi năm mỗi giảm do lạm phát, thu nhập thực tế năm sau ít hơn năm trước. Vậy tăng trưởng GDP với tốc độ cao nằm ở đâu, nằm ở Đầu tư chứ đâu, nêu bật bản chất tiết kiệm chi tiêu phục vụ nhu cầu cá nhân của dân ta, tất cả cho Đầu tư. Xứ ta danh bất hư truyền với chỉ số ICOR cao thuộc hàng top của thế giới.

Những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc về chi tiêu chính phủ nên không tính vào khoản đầu tư. Mà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực sản xuất không có tăng đột biến, thậm chí còn giảm như là chuyển từ gia công lắp ráp sang nhập khẩu nguyên chiếc. Và cuối cùng lĩnh vực đầu tư tư nhân quan trọng nhất và góp phần chiếm tỷ trọng lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế chính là đầu tư vào BDS. Hay nói cách khác sự tăng trưởng của TT BDS tạo ra sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.

Bao năm nay nhà nước không đánh thuế BDS với chủ đích là để dân chúng dồn hết vốn liếng vào thị trường này với danh nghĩa đầu tư. Với sự tấn công dồn dập của báo chí mang tính định hướng dư luận có nguy cơ gây đổ vỡ thị trường BDS, tạo điều kiện cho suy thoái kinh tế, gây mất ổn định chính trị.

Những tòa nhà chọc trời mọc lên như nấm sau mưa, đã chứng tỏ một nền kinh tế phồn vinh tuy có phần giả tạo, đã hình thành nên một thị trường BDS có sức sống, góp phần tỷ trọng cao vào tăng trưởng GDP. Thực là bất công với những đóng góp của TT BDS vào sự phát triển của đất nước.

27 comments:

lvdunght said... (1)

Rất cảm ơn bài viết của chú Lý. Cháu đã học được rất nhiều kiến thức về kinh tế từ các bài viết của chú.

Hieu said... (2)

Vượt qua sự bất công với những đóng góp của TT BĐS, GDP năm nay nhẽ giảm (do đầu tư BĐS giảm)?

Không vay được nhiều tiền của tư bản giãy chết (giảm).

Lý Toét said... (3)

Dear all,
Nội dung của bài viết này nói lên nền tảng tăng trưởng của VN là gì, đó chính là sự tăng giá của BDS. Do đó mà thị trường BDS suy giảm sẽ không thể có tăng trưởng.

Sự phồn vinh của xứ ta dựa vào cái gì, dựa vào các tòa nhà cao tầng sang trọng vật liệu nhập từ nước ngoài. Một sự phồn vinh ... giả tạo.

Cùng với giá ô tô đắt gấp 3 lần, bi kịch giá nhà đã dẫn đến việc vốn điều lệ của các công ty phần lớn nằm ở BDS và xe cộ, vốn lưu động chiếm tỷ trọng thấp.

Thứ nữa, các ngân hàng lãi to, giàu có nhưng thiếu thanh khoản, nguyên nhân tại đâu, tài sản của họ nằm trong BDS.

May thay, BDS không thể bể bong bóng được, đơn giản đó vừa là sự đầu tư vừa là của để dành. Những người làm chính sách sẽ bằng mọi cách để giữ giá BDS bất chấp việc in tiền gây ra lạm phát.

Meo Luoi said... (4)

Việc in tiền này cũng phải đến hồi kết chứ bác Lý. Các quan thầy cũng phải hiểu điều đó. Năm nay chi tiêu cho lương thực, thực phẩm là 70% của tổng thu nhập thì năm sau sẽ là 80%, dần dần đến 100% thì còn đâu cho BĐS. Vậy chỉ 5-10% những người giàu nhất nước nắm giữ BĐS này thì thị trường đâu có bền vững được. Mặt khác, tiền của những người giàu đó lấy từ: bán nguyên liệu thô (dầu mỏ, khoáng sản, nông sản phẩm hoặc kinh doanh trên xương máu đồng bào). Đồng bào trơ thịt rồi thì kền kền kiếm ăn ở đâu?

Lý Toét said... (5)

@ ML,
Tất nhiên là quy luật kinh tế rất khắc nghiệt, nó sẽ cuốn phăng tất cả những trở ngại trái quy luật.

Để xem người lao động được hưởng bao nhiêu chỉ cần hỏi kế toán công ty, chi lương chiếm bao nhiêu phần trăm doanh thu.

Tuy nhiên khả năng con người lại là vô hạn. Dù thu nhập thực tế có giảm bao nhiêu đi nữa vẫn còn room, đơn giản là người ta không thể tiêu quá số tiền được lãnh.

Lạm phát và thu nhập thực tế giảm ảnh hưởng trực tiếp đến người lãnh lương lại không ảnh hưởng gì đến TT BDS cả, vì TTBDS không phải dành cho họ. Có điều để giữ ổn định TT BDS người ta phải rút từ hầu bao của người lao động thông qua lạm phát.

Meo Luoi said... (6)

Điều mà Mèo vẫn cảm thấy chưa được thỏa mãn đó là ai cũng nhìn thấy các biện pháp hiện tại chỉ là giật gấu vá vai hay nói cách khác là ngắn hạn, cùng lắm có thể tác dụng trong vòng 1-2 năm. Về lâu dài thì kinh tế Việt Nam sẽ thế nào? Không một nước nào có thể phát triển nếu chỉ dựa vào thị trường bất động sản vì đó có khác gì lấy tiền từ túi kẻ này sang kẻ khác. Các nguồn cung tiền để đầu tư/đầu cơ bất động sản sẽ hết, lúc đó thì Việt Nam sẽ trôi về đâu? Chẳng nhẽ các quan không hiểu điều đó?
Người ta nói kinh tế TH sẽ sụp đổ trong vài năm tới, vậy VN thì sao?
Mặt khác, đúng là khả năng của người dân là vô hạn, những nước nghèo đói nhất con người vẫn tồn tại được.

Lý Toét said... (7)

ML còn ngây thơ nhỉ, đến vàng và đô la nằm trong tay mình còn chưa chắc đã là của mình, làm sao nghĩ được đến kinh tế quốc dân.

Nếu nghĩ được vì quyền lợi của nhân dân thì người ta đã không nhận vũ khí của TQ để đánh miền Nam. Chiếm được miền Nam thì mất luôn Biển Đông.

Luật pháp do giai cấp thống trị đặt ra để bảo đảm lợi ích và quyền cai trị của giai cấp thống trị. Tất cả các biện pháp điều chỉnh kinh tế lâu nay đểu nhằm việc giữ gìn tài sản của giai cấp thống trị.

Chúng ta phải biết được giai cấp thống trị đang nghĩ gì để giữ gìn tài sản của chúng ta.

Hieu said... (8)

Bác Lý,

Sinh sống ở xứ ta thì cái gì mà chẳng là bi kịch, đâu riêng gì giá xe hơi, giá nhà.

Có con số thống kê nào về đóng góp của TT BĐS vào GDP ko Bác?

Chứ hạ thuế thì CP chi tiêu bằng cái gì. Các nước phát triển thì thuế chủ yếu là gián thu, chứ các loại thuế trực thu rất thấp.
Xứ ta thì ngược lại. Khoảng 1% trên tổng số tiền thuế thu được là thuế trực thu (mà lại đánh vào người nước ngoài làm việc tại VN có thu nhập cao)

Lý Toét said... (9)

Bạn Hiếu hiểu sai về thuế gián thu và thuế trực thu.

Để biết cái gì đóng góp vào GDP chỉ cần biết GDP được cấu thành từ cái gì. Trong bài đã phân tích rồi mà.

Nếu muốn tìm số thống kê về đầu tư bất động sản, xem dư nợ ngân hàng, tín dụng, nợ xấu ... lai rai người ta có con số.

Tìm thống kê giá nhà sẽ thấy giá nhà tăng hơn GDP mà các lãnh vực đầu tư khác không tăng, chứng minh BDS đóng góp vào GDP.

Hieu said... (10)

Sry, Đồng ý, viết lộn cái còm ý thứ nhất:
Đính chính lại là:
Các nước phát triển thì thuế chủ yếu là trực thu...

Còn sai ko Bác?

tualua said... (11)

Theo tôi thấy bác Lý nói "Tất nhiên là quy luật kinh tế rất khắc nghiệt, nó sẽ cuốn phăng tất cả những trở ngại trái quy luật." cái này đúng, càng ra tay cứu BDS thì càng phải in tiền, hay nói cách khác là ra chính sách có lợi để cứu thân thì càng nhanh đi hơn mà thôi. hehe..

Cô Cấn said... (12)

Chính phủ luôn đúng đấy.Phải vá cái săm trước,sau mới bảo dưỡng lại cái xe.
Ngân hàng NN không bơm tiền thì đồng nghĩa mấy bác nghỉ luôn trong kì họp tới(bác CAO Sỹ KHIÊM là thí dụ).

Ở ta Tiền của doanh nghiệp NN không được xếp vào vốn (TÀI NGUYÊN)mà lại xếp vào ngân sách để tiêu pha cho sướng.Cho nên nếu thả ra Chính phủ sẽ nghèo nhất thế giới.(Bác Lý sui dại)

Lý Toét said... (13)

Một bạn có nick name thiếu tế nhị, tớ đã đưa vô spam box, đã góp ý kiến như sau:

nói một từ thôi nhé : Nhiệt tình + ngu dốt = phá hoại

Bong bóng kinh tế luôn là nguy cơ của bất kể nền kinh tế nào, học lại kiến thức kinh tế vĩ mô nhé
. Hết còm

Bạn nói như sách, xin cảm ơn.
Chúng ta cần phải động viên nền kinh tế phồn vinh giả tạo, cố lên cố lên , quả bóng BDS chưa đủ căng.

Lý Toét said... (14)

Hôm nay tớ rất vui.
Bài viết được dẫn link ở hàng đầu mục Kinh tế của nhật báo Ba Sàm.

Bạn có tên thiếu tế nhị, tớ bạch hóa luôn có nich mocxi aka baocaosu được biết trên mạng với nick Cô Năm Lét hay Năm Băm. Bạn ấy đăng lại bài viết này sau câu bình: ngu thế này mà cũng viết bài : Bất động sản góp phần tăng trưởng (Lý Toét) hết trích. Dù sao cũng cảm ơn bạn BCS.

Cơ khổ, viết bài kinh tế giống như đánh võ Nhu đạo, ta phải dựa vào lực của đối phương để hạ đối phương.

Thực trạng kinh tế VN hiện nay: ngoài đô la và vàng được cất trữ, các tài sản của dân ta qua bao năm tháng tăng trưởng hiện đang nằm phần lớn trong BDS, chính vì vậy mà bong bóng BDS không thể bể được trong lúc này. Cần phải động viên, tích cực đầu tư vào BDS hơn nữa để sự việc được ngã ngũ, đưa BDS trở về đúng giá trị của nó tức là không trực tiếp tạo ra giá trị.

Cô Cấn said... (15)

Bác Lý.
Đồ quý hiếm người ta mới đấu giá,cũng như nghệ thuật không chỉ để trong viện bảo tàng.

Meo Luoi said... (16)

Đôi khi bác Lý cũng phải hạ cố nói rõ ý mình.
Không nhiều người có thể hiểu ẩn ý của bác.
Buồn thay.

Lý Toét said... (17)

Viết mà người ta không hiểu ý là lỗi của mình. Phải cố gắng vậy.

Nguyễn Quang said... (18)

Hay là bạn Bao cao su có ý là BĐS là chủ đạo trong tăng trưởng hả bác lí.
cần phải xem xét, thật đó bác.

Lý Toét said... (19)

Té ra Nguyễn Quang không có thì giờ đọc, để tớ giải thích lại.

Bài viết của tớ đang phê bình báo chí định hướng làm chùn bước nhà đầu tư trong hoàn cảnh thị trường BDS đang nguội lạnh. Tớ phân tích rằng nòng cốt của việc tăng trưởng GDP của VN bao năm qua là nhờ sự tăng trưởng cả bề rộng (số lượng) lẫn bề sâu (giá cả BDS) của TT BDS. Chúng ta, những nhà đầu tư nửa vời, phải giúp nhà nước thúc đây tiếp tục việc tăng trưởng TT BDS bằng cách kêu gọi đổ hết vốn liếng vào BDS nhất là nhà chung cư, nếu thiếu tiền sẽ được ngân hàng cho vay ... với giá cắt cổ. Đó là cơ hội cho nhà đầu tư gốc thoái vốn, đầu tư vào các dự án BDS ... bên Mỹ.

Còn bạn BCS lại bảo tớ dốt, không hiểu lý thuyết kinh tế, vì TT BDS đang bong bóng, xúi như thế có nghĩa là làm bong bóng vỡ, hại chết nền kinh tế.

Người bình thường có ai vô hóa chất (ke mô) làm chi, nhưng người bệnh ung thư thì PHẢI.

Hang said... (20)

Chào Bác Lý,

Tôi hay vào trang của bác, để đọc, để suy ngẫm và lắng nghe mọi người bàn luận. Lần này tôi mới dám còm một phát vì những gì bác nói trong bài thật là chí lý. Trích: “vàng và đô la nằm trong tay mình còn chưa chắc đã là của mình”, “Luật pháp do giai cấp thống trị đặt ra để bảo đảm lợi ích và quyền cai trị của giai cấp thống trị. Tất cả các biện pháp điều chỉnh kinh tế lâu nay đểu nhằm việc giữ gìn tài sản của giai cấp thống trị.” Hết trích. Huhu, bác Lý ơi, chắc là sắp in thêm tiền nữa rồi. Theo bác thì chúng ta phải làm sao để bảo toàn đồng tiền tiết kiệm còm cõi của mình, để xoay xở chi tiêu với đồng lương ít ỏi khi mà lạm phát đang gia tăng hàng ngày hả bác? Em sợ quá, lỡ ý kiến đề nghị của Bộ XD được chấp thuận thì saooo đââây…

Nguyễn Quang said... (21)

èo èo như nhau cả thôi bác lí ợ, tớ hiểu í của bác.

Em rất kết câu cuối của bác. dạo này báo chí có vẻ thỏa thê bổ đất chắc do mấy cụ trên cao đã tẩu được BDS rồi nên mới bạo tay mà không sợ mất hàng ghế của mình.

Lý Toét said... (22)

@ Hang,
Với mức lãi suất như hiện nay thì ký thác tiền gửi trong ngân hàng là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên rủi ro xảy ra trong hai trường hợp:

1. Nhà nước phá giá đồng bạc. Thiệt hại có giới hạn và có dấu hiệu nhận biết trước. Dấu hiệu đó là, một là khan hiếm đô, hai là khan hiếm xăng.

2. Ngân hàng phá sản, mất khả năng trả nợ. Thiệt hại nặng, do chỉ nhận được bảo hiểm tiền gửi ít ỏi. Tuy nhiên NH là của các ông lớn nên mặc nhiên được cứu. Nhưng vẫn có khả năng xảy ra, người ta dồn nợ xấu của nhiều NH vào 1 NH và tuyên bố phá sản nó.

Khả năng NHNN tán thành đề nghị của bộ XD là rất thấp vì

1. Làm phức tạp các khoản vay, mỗi cá nhân là một người vay ngân hàng

2. Nếu đông người vay gây lạm phát nặng, nhưng nếu quá ít người vay thì đây lại là một cú hớ của bộ XD, và nhà nước lại ra văn bản để cứu.

Lý Toét said... (23)

Nicecowboy, một nickname tích cực đã nhận xét bài viết này như sau, xin trích:
Một căn nhà xiêu vẹo, có những người cố gắng sửa chữa để dần dần nó ổn định lại và tốt hơn. Nhưng cũng có nhiều người không tin tưởng vào việc trùng tu mãi, hư rồi sửa mãi, mà muốn phá bỏ căn nhà sắp sụp đổ đó đi để xây dựng lại mới hoàn toàn. Cao bồi không dám đánh giá là làm cách nào thì đúng đắn hơn, hiệu quả hơn, nên làm hơn… vì đây là chuyện quá lớn. Nhưng cách bác Lý toét trong bài này chính là chọn cách thứ hai đấy. Ngưng trích

Chi tiết tại đây.

Cảm ơn Nicecowboy.

Đồng ý said... (24)

Cảm ơn Lý Toét, BĐS là một tài sản của mỗi người, mỗi gia đình,của một đất nước, khi BĐS lên gia thì tài sản của mỗi người cũng như của đất nước tăng. Tôi nhớ cách đây 20 năm bán 200m2 đất khôn mua được một xe máy của Nhật, bây giờ có thể mua được 20 xe máy. Nhưng bây giờ bán một suất ở một tỉnh hay huyện nào đó có thể không mua nổi một ô tô của Nhật rõ ràng đất của ta còn rất rẻ nếu chia đều giá trên đất toàn quốc, cần phải làm cho BĐS tăng gía trên toàn quốc, cả vùng nông thôn, đất rừng, đất ruộng, thì GDP sẽ còn tăng hơn nữa, tuyệt đối không để BĐS đóng băng, d dây là tài sản của nhân dân, của đất nước.

Lý Toét said... (25)

Đúng rồi, cái gì ở VN cũng đều có giá. Mỗi chiếc ô tô ở VN mua được 3 chiếc như thế ở Mỹ.

Ở VN đất đai là sở hữu toàn dân, vì thế mà BDS càng lên giá, "toàn dân" càng có nhiều lợi lộc.

Thích Bảo Hiểm said... (26)

Bác Lý cho cháu hỏi việc đầu tư vào thị trường chứng khoán niêm yết có là yếu tố tăng GDP không vậy?

Lý Toét said... (27)

Tiền đầu tư vào Thị trường Sơ cấp thì Có; vào Thị trường Thứ cấp thì Không.
Tuy nhiên, tăng trưởng GDP không bền vững không có ý nghĩa với chúng ta, với tư cách là những người ăn lương; hoặc những nhà kinh doanh tư nhân.