Thursday, May 23, 2013

Đừng hạ thấp phát xít


Chủ nghĩa phát xít được biết đến hiện hữu ở 3 nước: Đức, Ý và Nhật. Tây Ban Nha chỉ được xem là một nước dự bị phát xít.

Những nước phát xít trước đây đều là những nước công nghiệp
hoặc có kỹ nghệ cao như nước Ý
hoặc có sản lượng cao như Nhật
hoặc có cả 2 như Đức

và sau này, họ đều là những nước giàu.

Nhà nước phát xít có đặc điểm là đảng phát xít đồng thời là chính quyền. Những nước phát xít dùng tài nguyên của nước khác để xây dựng đất nước mình.

Khi xe hơi còn là thứ xa xỉ, bình quân mỗi 50 gia đình Đức mới có một chiếc xe hơi. Một gia đình bình thường ở Đức chỉ có thể sắm được xe gắn máy.

Nhà độc tài Hitler đưa ra ý tưởng cần một chiếc xe đủ bền nhưng giá rẻ để mỗi gia đình Đức sắm được ít nhất một chiếc xe. Không doanh nghiệp tư nhân nào đủ sức để đầu tư chế tạo đáp ứng được yêu cầu đó. Và đảng phát xít đã tài trợ một nhà máy hoàn toàn mới để chế tạo chiếc xe bằng thiết kế của Porsche.

Chiếc xe Volkswagen ra đời, volkswagen trong tiếng Đức nghĩa là "Xe của Nhân dân".(1) Xe Volkswagen Con Bọ còn sử dụng đến ngày nay.

Xe Beetle được chế tạo từ thập niên 1940

Gần đây có một số người gán chính quyền XHCN (2) của ta có xu hướng phát xít. Xin đừng hạ nhục phát xít như thế.

Chú thích
(1) Nhân dân theo nghĩa đen là quần chúng. Ở Việt Nam, Nhân dân được dùng theo nghĩa bóng, là những người được hưởng dân chủ từng phần hay đầy đủ tuỳ theo phẩm trật trong bộ máy đảng. Hay nói cách khác từ "nhân dân" ở VN ám chỉ tầng lớp lãnh đạo, giai cấp được quy định trong Điều 4 Hiến pháp. Tờ báo phục vụ giai cấp "nhân dân" cũng có tên là Nhân Dân (nhật báo). Quần chúng ở VN thường hay hiểu nhầm mình là nhân dân, đây chính là bi kịch của họ.

(2)Hệ thống XHCN mạnh nhất là khối các nước Đông Âu đã tự động tan rã vào năm 1989-1991 để trở thành các nước dân chủ tham gia Cộng đồng châu Âu ngày nay.
Hai nước có tên XHCN trong quốc hiệu là Miến Điện và Lybia không phải là nước XHCN
Những được được xem là XHCN còn lại là Trung quốc, Cu ba, Triều Tiên và Việt Nam không mạnh dạn nhận là XHCN. Một số nước phấn đấu để được công nhận cái gọi là "kinh tế thị trường".

Saturday, May 18, 2013

Làm gì có phe tham nhũng và phe chống tham nhũng


Xem trước:
Làm gì có Tham nhũng tại Việt Nam
Hóng hớt

Chính trị là độc quyền của đảng. Ngay cả quyền chính trị cũng không thuộc về những đảng viên thường. Dư luận bàn về chuyện chính trị ở xứ ta thường không phù hợp với thực tế mà nó diễn ra.
Dư luận gần đây hay nhắc tới việc "thất bại" của ông TBT khi không đưa được 2 ông Trưởng ban của đảng vào BCT. Họ bình luận rằng đó là sự thất bại của phe chống tham nhũng trước phe tham nhũng hay nhóm lợi ích. Họ cho rằng 2 ông Trưởng ban kể trên là 2 nhân vật "hàng đầu chống tham nhũng".

Một số bình luận gia hải ngoại còn ấu trĩ hơn nữa. Họ cho rằng phe bảo thủ (hàm ý ông TBT) thất bại trước phe cấp tiến. Làm gì có phe nào bảo thủ hay cấp tiến mà chỉ có phe nào nắm quyền và trục lợi từ việc cầm quyền. Họ còn thêm rằng đảng ta đang xa rời chủ nghĩa Mác. CN Mác chẳng tử tế gì nhưng ngay cả CN Mác, đảng ta đã bao giờ thực hiện.

Báo chí là độc quyền của đảng. Và dư luận cũng do báo chí (của đảng) tạo ra. Khó có thể nói hệ thống báo chí của đảng tiết lộ thông tin khách quan. (1)

Thành tích "chống tham nhũng" của 2 ông trưởng ban kể trên có gì nổi bật.(2)

Chính quyền này về mặt danh nghĩa do Quốc hội "bầu ra". Quốc hội thì do Mặt trận cơ cấu thành phần đại biểu, mà Mặt trận là một công cụ cai trị của đảng. Bầu cử do đảng kiểm soát, kết quả thắng cử do đảng kiểm phiếu và công bố. Hay nói cách khác, đảng ta là người nắm toàn diện mọi sinh hoạt đời sống xã hội.

Người viết bài này đã nhiều lần lập luận rằng, đảng làm ra luật để cai trị thì vì lẽ gì đảng phải vi phạm luật do chính mình tạo ra. Và như thế thì làm gì có cái gọi là "tham nhũng".(3)

Thất bại của ông TBT (nếu có) thì cũng chỉ là do ông ấy không nắm quyền "kiểm phiếu" mà thôi.

Đối với các phe nhóm trong đảng, chúng ta muốn chống ai cũng không được; chúng ta muốn ủng hộ ai cũng không thể. Họ chỉ tranh quyền với với nhau và việc tranh quyền đó không vì quần chúng cần lao.

Ghi chú:
(1) Nội dung cơ bản của Luật Báo chí là: không cho phép báo chí tư nhân

(2) Ông Trưởng ban Nội chính nguyên là BT Đà Nẵng. Thành tích nổi bật của ông là hạ bệ và làm nhục một ông tướng công an nguyên là Giám đốc công an dưới quyền.
Ông cựu giám đốc công an ra toà trong tình trạng thế này

Ông Trưởng ban Kinh tế nguyên là BT Tài chính, nguyên là Tổng Kiểm toán nhà nước. Ông có gây chút ồn ào khi mới lên làm BT Tài chính rồi sau đó im bặt. Thời ông làm Tổng kiểm toán là lúc Nhà nước đầu tư vào Vinashin ồ ạt nhất.

(3)
Của cải được tạo ra từ những con dấu cũ kỹ thế này

Wednesday, May 15, 2013

Giải pháp cứu dự án bauxyt khỏi lỗ

Thường vụ Quốc hội đánh giá dấu hiệu suy giảm kinh tế ngày càng rõ và nhận định tình hình kinh tế đã nguy ngập lắm rồi, có nguy cơ gãy gánh trên nửa con đường tiến lên CNXH.

Mọi nguồn tài nguyên đã được khai thác hết room, chỉ còn nguồn tài nguyên cuối cùng chưa khai thác là bauxyt thì lại bị gièm pha. Hết công nghệ lạc hậu, thiếu hiệu quả đến bùn đỏ tàn phá môi trường. Gần đây nhất là những nguỵ biện về dự án bauxyt sẽ lỗ trong ngắn hạn.

Mổ xẻ những cái lỗ lã ấy là gì, xin đơn cử dự án Tân Rai Lâm Đồng. Đó là, tiền thuế nộp cho ngân sách hàng năm 422 tỷ đồng. Đó là tiền thuế xuất khẩu 752 tỷ đồng mỗi năm (lấy thuế suất tối thiểu 15% trong thang bậc 15-40%). Nhưng những khoản khấu trừ đó thực ra chưa gây ra lỗ lã cho dự án bauxyt.

Từ Tây Nguyên không có đường thuỷ thuận tiện xuống đồng bằng. Đường xe lửa thì chưa kịp đầu tư. Vận chuyển alumina từ nhà máy chế biến tại mỏ ra cảng biển bằng ô tô trên đường bộ là cách duy nhất vào lúc này. Thủ phạm được xem là đã chiếm chi phí cao trong giá thành xuất khẩu chính là vận chuyển đường bộ.

Phí vận chuyển đường bộ cao là do 2 yếu tố: thuế đánh vào xe tải và thuế đánh vào nhiên liệu. Hiện thuế suất nhập khẩu xe tải từ 50 đến 80%, thuế chiếm khoảng 40% giá xăng dầu. Giải quyết được 2 khoản chi này góp phần đáng kể giảm chi phí vận chuyển, nâng cao hiệu quả của dự án khai thác bauxyt.

Giải pháp được đặt ra là dùng xe tải chuyên dùng loại "tạm nhập - tái xuất" hoặc loại "hàng quà biếu". Đồng thời miễn thuế nhập khẩu xăng dầu cho riêng dự án bauxyt. Có thể cho phép tập đoàn TKV thành lập công ty xăng dầu riêng để tiện việc hạch toán.

Ghi chú:

Có ý kiến cho rằng, miễn thuế nhập khẩu xăng dầu như thế sẽ làm thất thu ngân sách nhà nước.

Ở đây ta phải tách bạch ra 2 loại xăng dầu. Một loại bán cho dân để di chuyển thì phải chịu thuế 7,500 đồng cho mỗi lít xăng là đúng. Còn loại kia phục vụ cho riêng dự án bauxyt. Nếu không thực hiện dự án bauxyt thì cũng không phát sinh khoản xăng dầu phải nhập thêm này. Cho nên nói dự án bauxyt gây "thất thu thuế xăng dầu" là lối nói lấy được và duy ý chí.

Monday, May 6, 2013

Hóng hớt


Xem trước:
Không có tham nhũng tại Việt Nam

Thành ngữ Việt Nam có câu
"Trong nhà chưa tỏ,
Ngoài ngõ đã thông"
Hàm ý nói Người trong cuộc chưa biết mà người ngoài đã biết hết.

Hội Nghị BCH Trung ương đảng CSVN lần thứ 7 khóa 12 (gọi tắt là HNTW7) là Hội nghị giữa nhiệm kỳ có nhiệm vụ sắp xếp lại nhân sự lãnh đạo.

Những thông tin trên Báo đảng không chỉ hoàn toàn dối trá, mà về góc độ tin tức chính trị thì nó lại là nguồn tin đáng tin cậy nhất mà không cần kiểm chứng. Bằng chứng là báo chí Việt ngữ của phương Tây đều lấy tin chính trị từ báo chí trong nước chịu sự quản lý của Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương.

Trong khi báo chí chưa đăng tải thì bên ngoài, từ quán chè chén đến các diễn đàn internet đã đưa thông tin bầu bán nhân sự và bàn tán sôi nổi. Ai cũng tỏ ra mình thông thạo tin tức và bình luận cứ như là họ là những người tham gia biểu quyết trong HNTW7.

Về mặt hình thức, nhũng tin đồn ấy khá chính xác so với thực tế nhưng chẳng có tác dụng gì ngoài việc thể hiện người đưa tin là người hiểu biết mà thực ra chả biết cái gì cả.

Thiên hạ đồn rằng,
Cả 2 anh Trưởng ban Nội chính và Kinh tế TƯ đảng đều không vào BCT như dự kiến mà thay vào đó là
một vị Phó Thủ tướng khác (nhấn mạnh "học ở Havard")
một Thống đốc NHNN
và một viên tướng quân đội
hai vị sau có lẽ có học vị không thấp hơn Tiến sĩ.

Thiên hạ bình rằng, sở dĩ anh Trưởng ban Nội chính bị rớt đài kỳ này là vì anh ấy
được điều ra Hà Nội để "chống tham nhũng"
nhưng anh ấy vừa xốc nổi lại vừa cảm tính
anh ấy giống như một nhà quân sự hơn là chính khách
Người ta bình luận rằng nếu anh ấy vào BCT thì "tham nhũng không có đất sống" nên các đối thủ "tham nhũng" hạ bệ anh ta.

Xin thưa, làm gì có tham nhũng ở Việt Nam để mà chống. Đảng ta sáng suốt tạo ra các văn bản Luật và Dưới luật nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho sự thống trị của đảng và chế tài quần chúng lớp dưới. Những văn bản ấy tạo lợi thế trong hoạt động kinh doanh cho giai cấp lãnh đạo. Trong quá trình hoạt động kinh tế, nếu luật lệ đó có chuyển biến bất lợi thì sẽ có văn bản khác thay thế để chuyển bất lợi thành lợi thế.

Thiên hạ tiện tay nhận định luôn: Cơ cấu nhân sự BCT mới là người của đồng chí X. Làm chính trị là tạo ra phe cánh để ủng hộ và ban thưởng quyền lợi cho phe cánh. Nếu quyền lợi ban thưởng không tương xứng, những kẻ thuộc cấp sẽ đi tìm minh chủ khác. Tại sao nhiều người ủng hộ đồng chí X mà các đồng chí khác không có. Hỏi tức là trả lời.

Thứ nhất, đảng ta thống nhất lãnh đạo như Hiến pháp do đảng đặt ra mà không thông qua Trưng cầu dân ý (thực tế có "trưng cầu" thì kết quả cũng chỉ đến thế thôi vì đảng ta vẫn kiểm soát việc kiểm phiếu). Việc bình luận này là việc nội bộ trong các Đảng ủy các cấp, không phải là việc của những đảng viên không nắm quyền lãnh đạo và càng không phải là việc của những quần chúng ngoài đảng.

Thứ hai, tin tức trong Hội nghị "rò rỉ" ra ngoài được là vì Hội nghị muốn thế. Vì nếu Hội nghị giữ bí mật thì không thể có tin tức lọt được ra ngoài. Những loại tin có tính bảo mật thấp hơn như tin về thay đổi thuế suất, thay đổi lãi suất và thay đổi giá xăng còn không bao giờ lọt được ra ngoài.

Những người hóng hớt được những "tin mật" từ HNTW7 không phải vì chỉ có họ mới sở hữu nguồn tin mà chỉ để chứng tỏ ta đây hiểu biết hơn người. Rất tiếc, sự hiểu biết đó chỉ vui bên chén trà, điếu thuốc chứ không giúp gì được cho dân sinh và cho chính bản thân những người đi Hóng hớt.

Wednesday, May 1, 2013

Làm thế nào để chuyển ngoại tệ ra nước ngoài

Xem trước:
- Vấn đề nổi bật năm 2012
- Xu hướng đầu tư năm con Rắn
Cần đánh thuế ngoại tệ chuyển ra nước ngoài

Chuyển ngoại tệ ra nước ngoài rất đơn giản, chỉ cần đáp ứng một trong các mục đích sau:

- Chi phí học tập, chữa bệnh cho bản thân hoặc thân nhân.
- Thanh toán các khoản phí cho nước ngoài (phí chữa bệnh, phí hội viên, lệ phí các loại..).
- Trợ cấp cho thân nhân ở nước ngoài.
- Chuyển tiền thừa kế cho người thụ hưởng thừa kế ở nước ngoài.
- Công tác, du lịch, thăm thân nhân ở nước ngoài.
- Định cư ở nước ngoài

Kinh tế trong nước đã kiệt quệ sức mua từ lâu nên xu hướng chủ đạo hiện nay là mang tiền ra nước ngoài đầu tư hay gọi là Tẩu tán tài sản cũng được.

Chuyển ngoại tệ ra nước ngoài bằng những lý do trên có số lượng rất hữu hạn và đòi hỏi phải có chứng từ chứng minh. Trên thực tế, nhiều đại gia khoe khoang cơ ngơi ở nước ngoài là những căn biệt thự triệu đô ở những khu phố hạng sang bên Mỹ quốc. Họ không thể chuyển tiền theo lối kể trên.

Ở trong nước không thể gom đô tiền giấy để gửi ra nước ngoài được vì:
- Việc mua đô ở ngoài thị trường tự do là bất hợp pháp và mua đến hàng triệu đô thì chắc chắn sẽ bị cảnh sát kinh tế bắt quả tang
- Không thể gửi đô giấy ra nước ngoài bằng kiện hàng bưu phẩm hay xách tay vì vừa kém tin cậy lại vừa bất hợp pháp. Cách này nếu được thì cũng chỉ đạt được số lượng rất nhỏ.

Về danh nghĩa giao dịch ngoại tệ ngoài thị trường tự do bị cấm nhưng giao dịch vàng thì không, cá nhân có thể mua hàng tấn vàng một cách hợp lệ. Nhưng không thể mua đô la từ ngân hàng ngoài những mục đích được kể ra ở trên.

Mỗi năm, những người Việt định cư ở nước ngoài (VK) gửi về cho thân nhân trong nước (BN) để tiêu xài lên đến trên 10 tỷ đô. VK chỉ việc mang đô la tới Dịch vụ chuyển tiền tại Mỹ (DVM) một số tiền mặt và địa chỉ để uỷ thác cho dịch vụ gửi đến tận tay người thụ hưởng là thân nhân của họ (BN).

Ở một đường dây khác ở trong nước, Đại gia muốn chuyển tiền để đầu tư ra nước ngoài chỉ cần mua vàng từ các Tiệm vàng (TV) ở VN, giao vàng cho Dịch vụ chuyển tiền tại Việt Nam (DVV) uỷ thác giao đô cho thân nhân bên Mỹ (ĐT). DVV chỉ nhận vàng SJC.

DVV dùng vàng mua đô từ NHNN hoặc qua trung gian là TV. DVV giao tiền đô cho BN, DVM giao đô nhận từ VK cho ĐT.

BN không thể tiêu xài trong lãnh thổ VN bằng tiền đô mà phải bán đô lấy tiền Đồng. Bình quân thuế chiếm 30% doanh số bán lẻ. Thuế này lại không đến tay người dân, hay nói cách khác người dân không được hưởng gì từ thuế.

Các hoạt động giao dịch trên được khái quát qua sơ đồ sau:

Đường liền: Giao dịch tiền trao cháo múc; Đường đứt: Giao dịch Kế toán


Vàng "có giá" và không thể mất giá vì nó là phương tiện thanh toán thực sự thay thế cho đô. Giá vàng cao hơn giá thế giới thể hiện giá trị thật của đô la lâu nay không được tự do chuyển đổi và bị NHNN áp đặt tỷ giá. Cảnh báo để mọi người chớ có dại mà short vàng để kiếm lãi sau 30/6 với kỳ vọng giá vàng sẽ hạ.

Chú thích:
Từ nhiều năm nay, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới sau khi đã áp thuế khoảng 4-5 triệu đồng/lượng, cá biệt có lúc cao điểm lên đến 6-7 triệu đồng/lượng.

Lập luận được cho là "có tính thuyết phục" đó là các ngân hàng đã bán số vàng huy động được bằng  lãi suất 1-3% để lấy tiền cho vay với lãi suất có lúc lên đến 25%, bình quân là 20%. Theo đó cho dù giá vàng có tăng 10% khi mua lại để trả cho khách gửi vàng thì ngân hàng vẫn có lãi 7-9%. Các ngân hàng buộc phải mua lại vàng trên thị trường bằng mọi giá để kịp tất toán vàng vào thời điểm 30/6 tới. Cầu về vàng đã vượt quá số cung nên giá vàng SJC cao hơn giá thế giới. Theo quan điểm này, giá vàng trong nước sẽ "cân bằng" với giá thế giới sau ngày 30/6 tới đây.

Lập luận trên mới nghe thì thấy có lý đối với dân chúng không có vàng nhưng không có lý đối với giới ngân hàng. Vì cái gọi là "Tất toán vàng" không phải là hành động thực tế mà chỉ là khẩu hiệu để hô cho có khí thế cách mạng. Trước đó đã có 4 lần gia hạn tất toán vàng:

Ngày 30/6/2010
Ngày 31/7/2010
Ngày 30/6/2011
và ngày 30/6/2013 là thời hạn tất toán vàng lần thứ 4, không có gì bảo đảm đây là lần cuối.