Sau 30/4/1975, cuộc sống của nhân dân miền Nam thay đổi. Chính quyền cũ đương nhiên bị giải tán, chính quyền Quân quản Cách mạng được thiết lập với cơ cấu hoàn toàn mới từ miền Bắc đưa vào. Sĩ quan và nhiều công chức chính quyền cũ phải đi “học tập cải tạo”. Binh lính sau khi học tập 10 ngày về tham gia vào đội quân thất nghiệp. Sinh viên đại học không phải làm đồ án cuối khóa được cấp bằng tốt nghiệp khóa cuối cùng của Nền Cộng hòa.
Bài trừ văn hóa cũ xây dựng Văn hóa mới
Cuộc cách mạng vì thế không thể không ảnh hưởng đến trẻ em. Sự ngây thơ con trẻ được phân chia thành 15 đẳng cấp theo mức độ ưu đãi của chế độ dành cho từ hạng 1/15 là con cán bộ có công với cách mạng cho đến hạng chót (15/15) là con sĩ quan hay công chức cao cấp trong chính quyền cũ(*).
Con lai, khoảng 40 ngàn người, rất dễ phân biệt bằng ngoại hình còn không được xếp vào hạng nào trong số 15 hạng trên. Vốn đã bị kỳ thị trước năm 75, con lai càng bị miệt thị, bị đối xử không công bằng hơn sau năm 75 như là một chủ trương của chế độ mới. Năm 75, con lai Mỹ không quá 9 tuổi, lý do tại sao xin độc giả tự tìm hiểu. Chúng đang ở độ tuổi đến trường đi học như bao đứa trẻ khác.
Văn hóa "đồi trụy"
Để củng cố chính quyền cách mạng, những chiến dịch mang tên “Bài trừ văn hóa đồi trụy phản động” và “Xóa bỏ tàn dư Mỹ ngụy” liên tục diễn ra. Đó là, diễu hành phô trương biểu ngữ trên đường phố; tịch thu sách và các ấn phẩm văn hóa; tổ chức đốt sách báo etc. Một hình thức khác nữa là xóa bỏ cái gọi là “Tàn dư Mỹ ngụy” được thể hiện bằng những hành vi thiếu văn hóa như là bẻ tay chân bup bê, chặt đầu búp bê rồi cho vào lửa đốt.
Văn hóa "phản động"
Trẻ lai đi học sống trong không khí đó còn bị những tác động khác từ bạn bè cùng học. Chúng bị bạn cùng học mắng đại loại như: Cút về Mỹ mà học; chúng bị bạn học chế giễu, đại loại: Mỹ lai 12 lỗ đít; và thường bị các trẻ khác vào hùa với nhau để cô lập. Hoặc bị đánh vô cớ, bị đánh hội đồng.
Những tác động đó gây ra làm phần lớn trẻ lai phải bỏ học từ rất sớm. Nhưng những đứa trẻ trực tiếp gây ra lại không có lỗi, vấn đề là người lớn đã ngầm khuyến khích, bật đèn xanh và không ngăn cản.
Đạo luật The Amerasian Home Coming Act được quốc hội Mỹ phê chuẩn năm 1988 và các tổ chức thiện nguyện tiến hành thực hiện việc xét duyệt các đối tượng là con lai có nhu cầu về quê cha. Một lần nữa, những người con lai lại trở thành đối tượng để người ta săn tìm để lợi dụng định cư bên Mỹ hợp pháp.
Chuẩn bị đi Mỹ 1992
Những đứa trẻ, lúc này đã đến tuổi trưởng thành nhưng phần lớn thất học khi không lại được một người nào đó không quen biết “tự nguyện nuôi nấng và chăm sóc” từ đây tạm gọi là Người Bảo trợ. Để được có quyền “nuôi nấng và chăm sóc” một trẻ lai, Người Bảo trợ phải bỏ tiền mua thông tin từ một số kẻ môi giới để được quyền bảo trợ, do đó mà đứa trẻ được “nuôi nấng và chăm sóc” bị canh giữ như tù vì sợ bị bỏ trốn.
Người Bảo trợ lập hồ sơ những người xin nhập cảnh Mỹ bao gồm người Con lai và một số người khác trong danh sách “bổ sung” như cha mẹ nuôi, anh chị em nuôi, vú nuôi. Nhiều người tham lam làm danh sách “bổ sung” lên đến hai chục người. Theo thống kê của Mỹ, khoảng 70% số trẻ lai đã được chấp thuận “hồi hương”, nếu tính bình quân mỗi hồ sơ kèm 3 người di dân thì đã có 70 ngàn người nhập cư lậu vào Mỹ kiểu này.
Bị lợi dụng làm phương tiện nhập cư Mỹ, nên trẻ lai là nhân vật chính nhưng lập tức bị hắt hủi ngay sau khi hồ sơ đã được phía Mỹ duyệt hoặc sau khi ra khỏi biên giới Việt Nam. Do ít học vì hoàn cảnh khách quan, những người con lai đã phản ứng lại. Và họ bị những người ăn theo họ tạo ra dư luận hiểu xấu rằng con lai hư hỏng, bất trị và hỗn xược.
Do không được học đầy đủ, những người con lai sang đất Mỹ đến nay vẫn khó hòa nhập, nhiều người vẫn chưa có quốc tịch Mỹ. Tuy nhiên, họ vẫn còn may mắn hơn những người còn ở lại, khoảng trên 10 ngàn người.
(*) trước đây được gọi là thành phần nợ máu. Không hiểu những người như nhạc sĩ Minh Kỳ hay cầu thủ Lại Văn Ngôn có "nợ máu" gì.
30/4/2012