Sunday, April 30, 2023

BMW trả lương cho nhân viên người Trung Quốc giá bao nhiêu

 Lợi nhuận của nhà đầu tư được tính bằng doanh thu trừ đi chi phí. Theo đuổi lợi nhuận bằng cách: hoặc tăng doanh thu; hoặc giảm chi phí; hoặc cả 2

Gia tăng doanh thu đồng thời cũng làm tăng chi phí. Nên làm kinh doanh phải giảm được tối đa chi phí

Yếu tố cấu thành quan trọng trong chi phí là nhân công. Đầu tư ra nước ngoài vừa làm giảm chi phí vận chuyển thành phẩm đến nơi tiêu thụ và nhất là sử dụng nhân công giá rẻ tại chỗ. BMW cũng không đi khác con đường này

Sự cố ly kem miễn phí tại Triển lãm ô tô Thượng Hải khiến Đại công ty BMW của Đức mất hơn 2 tỷ euro giá trị. Giá trị mất đi này cũng là một loại chi phí. Chi phí này phát sinh từ hai nhân viên bản địa

Người Trung Quốc được biết đến là tay lão luyện trên thương trường. Làm suy yếu hay làm thiệt hại đối thủ cạnh tranh bằng một chi phí rất nhỏ chính là NGHỆ THUẬT KINH DOANH của họ


Wednesday, March 22, 2023

KHOA HỌC THƯỜNG THỨC - XE HƠI CHẠY PIN

 






Xe hơi chạy pin có lợi thế so với xe máy nổ là động cơ điện điều khiển động lực linh động hơn. Hay nói cách khác nhà chế tạo làm ra chiếc xe điều khiển được như ý muốn và có độ trễ ngắn tới mức người lái khó nhận ra. Tài xế mê tốc độ sẽ bị mê hoặc bởi gia tốc của nó, là yếu tố mà động cơ đốt trong và hộp số phải được cải tiến mất cả trăm năm.

 

Bộ điều khiển điện tử hoạt động như thế nào thì người lái hoàn toàn không biết được. Nghĩa là bộ điều khiển có tin cậy hay không thì thời gian mới trả lời được.

 

Nguồn năng lượng của xe là bộ pin cũng là một bí hiểm nữa. Tải trung bình của xe có công suất tính bằng hàng chục kilowatt nên việc giải phóng năng lượng là một vấn đề cần lưu tâm. Do công suất lớn nên điện áp pin phải lớn. Thông thường điện áp pin các dòng xe du lịch là 350-450V, cá biệt Porche Taycan có điện áp 800V; các dòng xe tải (xe bus) là 1200-1600V.  Tuy pin nuôi bộ phận điều khiển chỉ có điện áp 12V nhưng dù sao nó vẫn nối với hệ thống cao áp kia.

 

Vì thế mà các nhà chế tạo khuyến cáo tuyệt đối không được tự sửa phần liên quan tới điện bất cứ hình thức nào, nhất thiết phải gọi cứu hộ.

 

Động lực của pin phụ thuộc vào điện trở trong của nó. Pin có điện trở trong nhỏ mới có tỷ suất công hữu ích cao mà ít bị nóng. Pin có điện trở trong càng nhỏ thì càng mắc tiền. Nhà sản xuất muốn hạ giá thành, tăng lợi nhuận thì sẽ ráp loại pin có điện trở trong cao.

Tóm tắt ý chính:

-       Điện áp của xe điện rất cao, ở mức nguy hiểm

-       Độ tin cậy của bộ điều khiển thì hên xui, phụ thuộc nhà sản xuất

-       Pin rẻ tiền thì nhiều nguy cơ khách trên xe và tài xế phải nghỉ quán cà phê hoặc ngồi ghế hoặc nằm võng

 

Chạy xe máy nổ đã phải học rồi. Chạy xe pin còn phải học nhiều hơn nữa.

Tuesday, March 21, 2023

NÔNG NGHIỆP CHƯA BỀN VỮNG

 Ngành nông nghiệp đã và đang là nguồn cung lương thực, thực phẩm cho cả tiêu dùng nội địa và cho xuất khẩu. Thực sự có đảm bảo việc cung cấp này một cách vững chắc ?

Câu trả lời là chưa và nguyên nhân là vì sao?

1 - Nông dân đang trở thành con nghiện trong việc sử dụng hóa nông. Họ đang bị mất lòng tin với khoa học kỹ thuật, với cán bộ nông nghiệp và các doanh nghiệp nông nghiệp

-      Sử dụng phân hóa học thì nhanh, hiệu quả và tiện lợi hơn sử dụng phân bón hữu cơ;

-      Áp dụng thuốc bảo vệ thực vật tổng hợp thì ít tốn công và hiệu quả trông thấy được sau 1-2 ngày: hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn;

-      Trong thực tế, sự cố gắng hết sức trong việc bón phân, phun thuốc BVTV nhưng không thể làm cây phát triển, sâu bịnh không thể trừ được.

2 - Người nông dân sở hữu diện tích đất ngày càng nhỏ dần. Bởi đất nông nghiệp bị xẻ nhỏ cho nhiều mục đích phi nông nghiệp và phần lớn nằm trong tay các nhóm lợi ích, sân sau

-      Những mảnh vườn, thửa ruộng ven lộ trở thành nhà phố

-      Những khu đất nông nghiệp “bờ xôi ruộng mật” có vị trí thuận lợi  giao thông thì trở thành khu công nghiệp

3 - Tỉ lệ lợi nhuận lớn nhứt nằm trong tay thương buôn mà không phải là người trực tiếp tạo ra nông sản là nông dân

Theo điều tra của các nhà khoa học lần theo chuỗi giá trị: nông dân trực tiếp trồng lúa hưởng trên 70% lợi nhuận của chuỗi. Tỷ lệ lợi nhuận dành cho thương lái, doanh nghiệp thu mua và nhà máy xay xát lần lượt là 15%, 7% và 6%. Giả định tính theo đơn vị thì số lượng nông hộ tính bằng triệu; thương lái tính bằng vạn; nhà máy tính bằng ngàn và doanh nghiệp tính bằng trăm. Lợi nhuận tuyệt đối mỗi đơn vị nông hộ, thương lái, nhà máy xay và doanh nghiệp lần lượt là 70, 1500, 7000 và 60 ngàn.

4 - Ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp còn ở mức thấp, dừng lại ở việc cải tiến công cụ, thiết bị mà chưa có các nghiên cứu sáng tạo, giải pháp công nghệ cao để hỗ trợ ngành nông nghiệp

-      Máy móc thiết bị nông nghiệp hiện đại là hàng nhập khẩu, có thiết kế và chế tạo từ nước ngoài nên chưa thể tương thích hoàn toàn với nông phẩm trồng ở Việt Nam;

-      Phụ tùng thay thế chính hãng thì đắt đỏ, nhập từ nguồn rẻ hơn thì hoặc là mất năng suất, hoặc tăng tỷ lệ thất thoát khi thu hoạch hay chế biến;

-      Nhu cầu chế biến nông phẩm là tối thiểu, là những việc không thể không làm

5 - Vùng nguyên liệu bị xé nát. Bỏ qua công thức căn cơ “đất nào cây đó”, mùa nào trái đó

-      Thấy nông sản nào có giá cao hiện tại trên thị trường thì chặt bỏ cây cũ đầu tư vào cây mới. Đem lại lãng phí kép: triệt tiêu giá trị của cây cũ trong vườn, chi nhiều tiền mặt để đầu tư cây mới;

-      Kết quả là mỗi loại cây vùng nào cũng có: vải Hưng Yên trồng trên Tây Nguyên; Cao Lãnh chặt xoài trồng mít; vùng đất ẩm như Long An và Tiền Giao đầu tư trồng thanh long; và vùng nào cũng đầu tư trồng mới sầu riêng bất chấp thổ nhưỡng không phù hợp

6 - Ngành giáo dục chưa có sự liên kết với ngành nông nghiệp trong việc đào tạo đội ngũ kỹ thuật ứng dụng đáp ứng cho ngành nông nghiệp. Mà chủ yếu đào tạo ra nhân viên bán hàng, tiếp thị cho các hãng hóa nông. Bao nhiêu nhà khoa học quan tâm đến sức khỏe, chất lượng đất canh tác thay cho việc biết hoạt chất nào trị bịnh gì, phun mấy lần, sản phẩm của hãng nào trị được các sâu bịnh đó. Tại sao, không có nhà nông học nào hướng tới giải pháp canh tác thuận theo tự nhiên, ít lệ thuộc hóa nông, chăm lo cho sức khỏe đất canh tác. Bởi khi và chỉ khi đất khỏe thì cây mới khỏe, nông dân sẽ khỏe và người ăn nông sản khi đó mới khỏe

Không kể các trường đại học của các tỉnh, các trung tâm đào tạo kỹ sư nông nghiệp có uy tín trong cả nước là:


-      Học viện Nông nghiệp Việt Nam

-      Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh

-      Đại học Cần Thơ

-      Đại học Nông Lâm Huế

-      Đại học Nông lâm Thái Nguyên

-      và Đại học Trà Vinh

Kỹ sư nông nghiệp sẽ làm ở các đơn vị kinh tế sau:

-      Phần lớn làm tư vấn phương pháp canh tác cho các nông hộ. Công việc chính của họ là hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân: cây chậm lớn thì bón phân gì; cây có hiện tượng này thì phun thuốc gì để điều trị; cây chuẩn bị thu hoạch thì phun cái gì để hãm, phun cái gì để kích thích, bón phân gì để đạt năng suất;

-      Một số nhỏ điều hành sản xuất ở các trang trại của doanh nghiệp nông nghiệp. Số này cũng làm nội dung giống như giới “tư vấn” trên kia nhưng họ áp dụng phân hóa học và chất BVTV tổng hợp có tính toán chặt chẽ hơn, sát với chăm sóc hơn, đem lại hiệu quả đầu tư tốt hơn cho doanh nghiệp của họ;

-      Số rất ít làm nông nghiệp gia đình;

-      Phần đông, nếu không nói tuyệt đối chủ các trang trại nông nghiệp không phải chuyên gia nông nghiệp mà là nhà đầu tư. Các trang trại có sản lượng cao, có ưu thể thị trường hơn là các nông hộ nhỏ. Các trang trại chỉ cần tính toán đầu tư có hiệu quả chi phí – năng suất và chứng chỉ “an toàn thực phẩm” là đủ; 

Không ai dám nói là bền vững cả.

Tuesday, March 14, 2023

Lúa


 Cây lúa là gì

Cây Lúa là một loại cỏ có hạt ăn được. Hạt lúa là một loại ngũ cốc dừng làm lương thực cơ bản. Mỗi văn hóa dùng những loại hạt lúa khác nhau làm lương thực. Người Lào ăn nếp; người Miên và người Việt ăn gạo; người Âu ăn lúa mỳ; người Mỹ latin ăn bắp. Người Việt mỗi năm sản xuất trên 40 triệu tấn.


Lúa để làm gì

Lúa gạo là cây lương thực chính. Gạo để nấu ra cơm và làm các loại bánh và thương phẩm có nguồn gộc từ bột gạo. Gạo còn được dùng để xuất khẩu, với số lượng trên 3 triệu tấn hàng năm. Trong đó 40% lượng gạo xuất khẩu cho thị trường Philippines. Giá gạo xuất khẩu là 500 đô la mỗi tấn hoặc trên số đó chút đỉnh, không đáng kể.


Người Việt trồng lúa ra sao

Trong một thời gian dài chúng ta chỉ có một vụ lúa mùa. Lúa mùa làm đòng đúng vào tiết thu phân và trổ bông quãng Rằm tháng Một. Lúa chín sau trổ quãng một tháng và gặt xong là ăn Tết nguyên đán. Lịch sử sau đó có giống lúa có nguồn gốc Chiêm thành nên được gọi là lúa chiêm. Lúa chiêm chịu được lạnh nên được cấy vào dịp cận Tết, cấy xong nghỉ ăn Tết. 

Cách làm lúa truyền thống hoàn toàn dựa vào thiên nhiên, không cần bón phân. Kết quả là cho ra năng suất thấp (theo định nghĩa ngày nay), cả thế giới thiếu lương thực. Việt Nam chỉ thiếu lương thực cục bộ, tức là có vùng thừa vùng thiếu. Nếu phân bổ toàn quốc thì có thể thừa một ít.

Theo trào lưu "Cách mạng xanh" của thế giới, các nhà khoa học nông nghiệp của Việt Nam đã tạo ra giống lúa Thần nông, cải thiện năng suất đáng kể. Giống lúa Thần nông đầu tiên được tạo ra vào năm 1966 tại Viện Lúa gạo thế giới IRRI(1) đóng ở Philippines được đặt tên là Thần nông 8. "Cách mạng" ở đây là Thần nông 8(2) mang lại năng suất vượt trội bằng việc áp dụng chặt chẽ công thức phân bón hóa học và thuốc trừ sâu tổng hợp. Đặc điểm của cơm nấu từ gạo loại này ăn rất dở. Bây giờ người ta không gọi là lúa Thần nông nữa mà gọi là IR-504XX. Gạo này rẻ nhất thị trường và được dùng để xuất khẩu.


Lợi tức trồng lúa như thế nào

Theo điều tra của các nhà khoa học lần theo chuỗi giá trị: nông dân trực tiếp trồng lúa hưởng trên 70% lợi nhuận của chuỗi. Tỷ lệ lợi nhuận dành cho thương lái, doanh nghiệp thu mua và nhà máy xay xát lần lượt là 15%, 7% và 6%. Tính theo đơn vị thì nông hộ tính bằng triệu; thương lái tính bằng vạn; nhà máy tính bằng ngàn và doanh nghiệp tính bằng trăm. Lợi nhuận tuyệt đối nằm ở đâu thì độc giả dễ dàng tính ra.


Hiện tại của ngành trồng lúa gạo

Nông dân canh tác các giống lúa lai hoặc giống nhập theo nhu cầu thị trường.

Đất đồng bằng sông Hồng có diện tích tập trung nhưng sở hữu manh mún, lại ưu tiên phát triển công nghiệp sản xuất, chế tạo và xây dựng gia cư. Nên hiện nay đồng bằng Bác bộ không còn trồng lúa do không hiệu quả. Nông nghiệp miền Bắc chỉ còn trồng rau màu và cây ăn trái.

Đất lúa miền Trung thì nhỏ, quy mô mỗi hộ sản xuất nông nghiệp tính bằng sào Trung bộ (cải tiến) tương đương 1/20 ha hay 500m2(3). Thu hoạch bằng máy và phơi nắng thủ công rồi cất trữ trong nhà. Lúa miền Trung để tự tiêu trong gia đình hoặc lưu thông trong vùng.

Sản lượng lúa quốc gia tập trung nhiều nhất ở Tây Nam bộ. Quy mô canh tác lúa ở đây tính bằng công(3). Một nông hộ ở đây canh tác từ 20 công trở lên dù đất thuê hay đất của chủ sở hữu. Canh tác bằng máy và nhân công thuê mướn nên 1 người có thể lãnh trên 100 công hay 15ha. Nông dân trồng lúa nhưng không giữ lúa trong nhà. Tới vụ thu hoạch sẽ có cò lúa làm môi giới cho thương nhân tới mua lúa tươi và trả tiền tại ruộng. Những năm trước, giá lúa ngang trên dưới 6 ngàn đồng 1 kg lúa tươi.

Các công đoạn sau thu hoạch do thương nhân phối hợp với doanh nghiệp và nhà máy xay xát. Sấy khô lúa tại nhà máy. Năng lượng sấy lấy từ đốt trấu.

Nông dân trực tiếp trồng lúa chịu chi phí vốn sản suất trong suốt vụ. Chi phí vốn của hệ thống thương lái - nhà máy - doanh nghiệp bán gạo bình quân chỉ 1 tháng. Chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong 1-2 năm gần đây tăng gấp 2 làm lợi tức của nông hộ giảm. Vụ Đông - Xuân 2022-2023 giá lúa ngang tăng lên 6,500-7,000 đồng/kg lúa tươi do cầu tăng.


Tương lai của ngành trồng lúa gạo

Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao đã tạo ra giới hạn của "cách mạng xanh" - sản xuất lúa với mục tiêu năng suất bất chấp chất lượng. Xu hướng không thể đảo ngược là thay thế phân bón hóa học và thuốc BVTV tổng hợp bằng canh tác hữu cơ và phòng ngừa sâu bệnh bằng các chế phẩm sinh học. Tài nguyên đa dạng thực vật và số lượng chất thải nông nghiệp dồi dào cho phép sản xuất vật liệu vật tư nông nghiệp với giá rẻ hơn vật liệu hóa học và tổng hợp mà năng suất không thua kém.


Chú thích:

(1) Viện Lúa lẽ ra đóng ở Việt Nam nhưng vì tình trạng chiến tranh thời đó nên được dời qua Manila xứ Phi.

(2) Sau 75 ở miền Bắc cũng có giống lúa được đặt tên là Nông nghiệp 8, không biết có liên hệ gì không.

(3) Từ khi người Pháp (Tây) sang khai hóa, họ dùng đơn vị thước tây (mét) để chuẩn hóa đơn vị đo ruộng đất. Thước đo là cây tầm dài 3 mét. Sào Bắc bộ là 40 tầm vuông; sào Trung bộ là 60 tầm vuông; công Nam bộ tương đương diện tích hình vuông có cạnh là 12 tầm. Theo đó sào BB có diện tích 360m2; sào TB 540m2 và công 1,296m2. Thực tế, công cày, công sạ, công rải phân thuốc và công cắt lúa tính 1ha cho 7 công