Saturday, December 31, 2011

Biện pháp thu phí lưu hành xe máy


Tờ trình số 8868 của Bộ GTVT do đích thân Bộ trưởng Đinh La Thăng ký có nội dung chính như sau:

1. Thu phí đối với tất cả ô tô được phép vào trung tâm nội đô giờ cao điểm, miễn phí cho xe buýt và xe biển xanh. Mức phí đề nghị 30-50 ngàn đồng mỗi lượt, cụ thể do chính quyền địa phương ban hành.

2. Thu phí lưu hành hàng năm với các phương tiện giao thông cá nhân từ 9 chỗ trở xuống
- Xe ô tô là 50, 30 và 20 triệu đồng tương ứng cho xe trên 3.0, xe 3.0 đến 2.0 và xe dưới 2.0
- Xe gắn máy là 1 triệu và 500 ngàn đồng tương ứng với xe trên 175cc và xe dưới 175cc

Theo bản tin trên trang web của bộ GTVT chỉ ghi phương thức thực hiện việc thu phí vào trung tâm nội đô giờ cao điểm mà không trình bày cách thức thực hiện việc thu phí lưu hành hàng năm, có thể nói đây là điểm thiếu sót chính của văn bản này.

Xin đóng góp cách thức thực hiện việc thu phí lưu hành để hoàn thiện văn bản đề nghị của Bộ GTVT.

Việc thu phí lưu hành đối với ô tô là không khó bởi số lượng xe con lưu hành ở ta không nhiều, chủ sở hữu xe ít nhiều cũng có địa vị về chính trị hay kinh tế trong xã hội. Việc thu phí càng không có khó khăn khi có thể kết hợp với kiểm tra kỹ thuật định kỳ bắt buộc gọi tắt là đăng kiểm. Hay nói cách khác người chủ xe không có cách tránh né việc đóng phí lưu hành khi hết thời hạn chứng nhận đăng kiểm còn hiệu lực.

Đối với xe máy, việc thu phí lưu hành không thể thực hiện được như đối với ô tô trừ khi nhà nước ban hành chính sách đăng kiểm bắt buộc đối với xe máy. Và việc lập ra chốt chặn trên đường để kiểm tra các xe lưu thông là phương pháp lỗi thời, tốn kém, hiệu quả không cao và tạo điều kiện cho người kiểm tra mất phẩm chất.

Đây là một loại phí hành chính nên cách thu cũng cần hành chính hóa.

Nhân thân mọi cá nhân hiện nay được quản lý chặt chẽ bởi các cơ quan cấp phường (xã) và được giám sát từ cấp tổ dân phố. Việc thu phí lưu hành đối với xe gắn máy cũng nên được thực hiện tại cấp phường.

Phương án thu phí sau đây được áp dụng cho xe dưới 175cc mức phí 500 ngàn đồng mỗi năm, loại xe chiếm trên 97% tổng số xe gắn máy 2 bánh đang lưu hành, xe trên 175cc có thể nội suy gấp 2 lần.

Không phải chủ xe nào cũng sẵn có 500 ngàn đồng để đóng phí nên sẽ có 2 lựa chọn:
- một là, đóng hàng tháng mỗi tháng 50 ngàn đồng, tổng cộng 12 tháng thu được 600 ngàn đồng, hoặc
- hai là, đóng một lần 500 ngàn đồng, chủ xe tiết kiệm được 100 ngàn đồng so với đóng hàng tháng.

UBND phường (xã) sẽ lập danh sách số lượng cụ thể và chi tiết các xe gắn máy trên địa bàn. Số liệu này được lưu tại trung tâm dữ liệu cấp Nhà nước và được cập nhật hàng tháng. Cán bộ thực hiện công tác này sẽ được ban thưởng xứng đáng nếu cập nhật số liệu kịp thời và chính xác.

Căn cứ số liệu này, UBND sẽ lập ra Ban Thu phí tiến hành tiếp nhận tiền đóng phí của nhân dân trên địa bàn, hàng tháng nộp tiền vào kho bạc và lập báo cáo trước Chủ tịch UBND phường và cơ quan cấp Quận. Tiếp tục cấp Quận báo cáo hàng quí lên cấp Tỉnh Thành, và cấp Tỉnh báo cáo hàng năm lên Trung ương.

Để thực hiện việc thu phí đầy đủ và đúng hạn, UBND phường cần có sự hỗ trợ tích cực của 2 cơ sở:

- Các Tổ dân phố tích cực vận động từng gia đình chấp hành tốt pháp luật về nghĩa vụ công dân. Nhắc nhở trước cuộc họp Tổ dân phố những người chậm đóng phí và khen thưởng những cá nhân đóng sớm. Đề xuất Gương Tiêu biểu những người vận động thành công người khác có chuyển biến tích cực trong việc đóng phí.

- Công an phường tác động gián tiếp đến những người không chấp hành việc đóng phí lưu hành xe bằng các biện pháp: không xác nhận tạm trú tạm vắng; không xác nhận đơn cớ mất; và đặc biệt là không xác nhận lý lịch Tư pháp cho đối tượng không đóng phí.

Nguồn tham khảo:
Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ về phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân ở Việt Nam và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.

Saturday, December 17, 2011

Thông điệp xe máy cháy

Xe khủng cũng cháy

Kể từ vụ cháy nổ xe máy được đăng báo lần đầu đến nay, liên tục báo chí đăng tải những vụ xe máy tự bốc cháy. Xe máy được phổ biến ở xứ ta đã 20 năm cũng có nghĩa là những vụ cháy nổ xe máy cùng đồng hành với quá trình phát triển công nghệ xe máy Việt Nam. Nhưng dân chúng được biết tới cảnh cháy xe máy như là một hiện tượng thường xuyên thì chỉ mới xảy ra cách nay nửa tháng.

Các ban ngành có vẻ rất lúng túng, cụ thể là vụ nổ chiếc xe Honda Super Dream đang còn trong thời hạn bảo hành làm thiệt mạng 2 mẹ con cho đến giờ này chưa rõ nguyên nhân của vụ nổ từ phía cơ quan chức năng. Tiếp theo vụ nổ vừa kể, báo chí liên tục đăng những bài viết về các vụ cháy xe nhãn hiệu phổ thông nhất VN đó là Honda. Sự chậm trễ của cơ quan điều tra đã gây ra những tin đồn rằng đây là những đòn cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ của Honda.

Có vẻ như có sự quá đà, không công bằng với Honda, các báo tiếp tục liệt kê những vụ cháy xe của các nhãn hiệu khác ngoài Honda và cả những chiếc xe bị cháy có nguồn gốc xuất xứ nhập khẩu từ nước ngoài. Và thổi bùng lên nỗi lo mang tên Cháy nổ xe gắn máy. Nhiều người lạc quan tếu lại cho rằng, có thể đây là chiến dịch báo chí tuyên truyền nhằm chống xe máy để đi đến cấm hoàn toàn xe máy trong nội thành, nhằm phát triển giao thông công cộng, tiến tới văn minh như ở nước bạn Trung Quốc.

Người viết bài này lại không cho là như vậy. Xe máy đang là con gà đẻ trứng vàng cho ngân sách và cho các doanh nghiệp đầu mối phân phối xăng dầu thông qua Thuế xăng dầuQuỹ bình ổn. Tuy nhiên, ngoài việc đóng góp trực tiếp cho ngân sách thông qua việc đổ xăng, người đi xe máy còn là đối tượng tiềm năng đem lại doanh thu và huê lợi cho một số doanh nghiệp.

Trước tiên, phải kể đến người ngồi trên xe gắn máy bị cưỡng bách tiêu thụ Mũ bảo hiểm không nhất thiết để bảo vệ đầu mà chủ yếu để nhằm đối phó với việc bị phạt. Đến nay nhu cầu tiêu thụ mũ bảo hiểm đã đạt đến ngưỡng bão hòa, bình quan mỗi người có ít nhất 2 mũ.

Mũ này để đối phó chứ không nhằm bảo vệ

Để bảo đảm an toàn vận hành xe gắn máy, ông Đỗ Hữu Đức đại diện Đăng kiểm Việt Nam đề nghị biện pháp kiểm tra định kỳ xe gắn máy giống như đối với xe hơi. Chủ xe ngoài việc phải đóng phí kiểm định theo quy định sẽ phải mất thời gian chờ kiểm định hoặc tốn tiền để thuê người đem xe đi kiểm định.

Kiểm định kỹ thuật định kỳ bắt buộc

Tiềm năng tiếp theo của người đi xe gắn máy là gì nếu không phải là trực tiếp phòng chống nguy cơ cháy nổ xe máy. Đã có quan chức đề nghị được dấu tên đưa ra ý tưởng Bắt buộc mỗi xe gắn máy phải được trang bị một bình chữa cháy mini.

Nguồn tham khảo
Những vụ cháy nổ xe máy Honda
Cháy nổ xe máy: nguyên nhân thiếu đăng kiểm
Liên tục xe máy cháy nổ

Friday, December 16, 2011

Diễn tập

Trực thăng cứu hộ, như là ước mơ hay chỉ có trong diễn tập

Vụ cháy tòa nhà EVN đang xây dở là một cuộc diễn tập. Điện cấp cho công trường tòa nhà được cắt, giao thông tại các tuyến phố lân cận được phong tỏa. Hồi 4 giờ chiều đám cháy có thể trông thấy từ cầu Thăng Long, được tính là thời điểm đám cháy được phát hiện.

90 phút sau khi đám cháy được phát hiện, công nhân làm việc trên các tầng lầu vẫn chưa thoát ra được. Trước nguy cơ bị ngạt, một số công nhân đã đập vỡ kính để thông với môi trường bên ngoài, đây là một cố gắng đáng khen.

2 giờ sau khi phát hiện, đám cháy ở tầng hầm mới được dập nhưng chưa tắt hoàn toàn nên nửa giờ sau đó khói còn bốc lên từ tầng hầm

Sau 2 giờ 30 phút kể từ khi phát hiện, huy động thêm khoảng 30 lính đặc công, 3 xe thang, 14 xe cứu hỏa cùng cả trăm cảnh sát chữa cháy tới hiện trường để giải cứu các công nhân đang bị mắc kẹt.

1 giờ 30 phút sau khi bổ sung lực lượng, tức là 4 giờ sau khi phát hiện ra cháy những công nhân đầu tiên bị mắc kẹt trong công trường cháy được đưa ra ngoài.

5 giờ 30 phút sau khi được phát hiện cháy, công cuộc cứu hộ hoàn tất. Theo công bố của công an, 40 người (lấy tròn) được cứu, không có thiệt hại về người(?)

Một người bị nạn may mắn được cứu ra ngoài (Hình trên mạng internet)

Trong thời gian chờ đợi được cứu hộ, ta phải làm gì. Bị nạn trong đám cháy, cái cần nhất là không khí để thở.

Thứ nhất, tìm mọi cách liên lạc với người thân, nhờ người thân tiếp cận hiện trường cháy để có thể nắm thông tin về đám cháy. Chủ yếu là để biết khu vực nào đang cháy tỏa ra khói để di chuyển tránh khói.

Thứ hai, khi chưa có thông tin về đám cháy, tránh chạy lung tung không rõ mục tiêu làm mất sức, có thể bị nạn trong đám khói. Tìm trú tại những nơi thông thoáng hay cố gắng tạo ra sự thông thoáng.

Thứ ba, nếu không tránh được đám khói thì phải cố tồn tại bằng cách nhúng vải ướt đắp lên mặt.

Không khí trong đám cháy luôn chứa khói độc

Nguồn tham khảo: các báo trong nước.

Saturday, December 10, 2011

Vụ hợp nhất ba ngân hàng, báo chí "trấn an" dân chúng quá mức cần thiết


Tin kinh tế nổi bật trong tuần là 3 ngân hàng sáp nhập hay hợp nhất, cũng chỉ là tin tức bình thường trong một nền kinh tế thị trường. Đây không những không phải là tin xấu mà còn là tin tốt cho khách hàng là người gửi tiền.

Trái với các ngân hàng phá sản, khách hàng gửi tiền kỳ vọng vào khoản tiền mặt còn lại trong quỹ và vào bảo hiểm tiền gửi. Các ngân hàng hợp nhất có nghĩa là chúng vẫn còn tồn tại dưới một cái tên chung, tài khoản người gửi sẽ tiếp tục được duy trì. Tùy theo, khách có thể tiếp tục ký thác tiền gửi cho ngân hàng hưởng lãi hoặc rút vốn khỏi ngân hàng.

Thế mà không hiểu Ban Văn hóa tư tưởng chỉ đạo thế nào mà báo chí đồng loạt viết bài trấn an dân chúng. Nào là Ngân hàng hợp nhất cam kết trả đủ tiền cho khách, hay Quyền lợi người gửi tiền vẫn được bảo đảm; nào là nói thay cho khách hàng như là Khách hàng tin tưởng vào các ngân hàng hợp nhất hay nói thay cho giới chủ ngân hàng SÁP NHẬP, HỢP NHẤT NGÂN HÀNG LÀ XU HƯỚNG TẤT YẾU.

Sự tuyên truyền thái quá này có thể làm người gửi tiền nghi ngờ. Vì những ngân hàng này chắc chắn phải có vấn đề mới cần sáp nhập để nương tựa lẫn nhau. Thay vì tuyên truyền suông, báo chí nên nêu ra cơ sở của sự bền vững như là: như là được Ngân hàng nhà nước hỗ trợ vốn, hay là Ngân hàng hợp nhất được quốc hữu hóa một phần do ngân hàng Đầu tư phát triển BIDV làm đại diện của nhà nước; hay là Các cổ đông chủ chốt bỏ tiền mặt ra mua cổ phiếu để tăng tỷ lệ nắm giữ v.v... tức là những kênh cụ thể rót vốn bằng tiền vào cho ngân hàng hợp nhất.

Thursday, December 8, 2011

Những bất cập trong quy định "CSGT TP HCM không được mang quá 100.000 đồng"


Công an TP HCM vừa mới ra văn bản số 346 quy định Cảnh sát giao thông TP HCM không được mang quá 100.000 (một trăm ngàn) đồng. Đây là một quy định mang tính nội bộ trong phạm vi lực lượng CSGT TP HCM trong khi làm nhiệm vụ.

Cơ sở để ra quy định này là CSGT trong khi làm nhiệm vụ thì không cần phải tiêu tiền và để ngăn ngừa cảnh sát viên nhận tiền chung chi của phương tiện vi phạm luật lệ giao thông.

Việc công an viên giao thông nhận tiền mãi lộ của giới vận tải cũng có mặt tích cực của nó, một là những phương tiện không sẵn sàng nộp tiền mãi lộ sẽ không dám vi phạm quy định về pháp luật giao thông; hai là trong những năm qua công an viên giao thông đã mẫn cán làm việc công bất kể giờ giấc đêm cũng như ngày.

Với một người làm công ăn lương kiếm sống bằng cách di chuyển ngoài đường, 100 ngàn đồng tương đương với 5 lít xăng hoặc 3 tô phở loại thường hoặc 1 ly cafe với 1 lát bánh ngọt tại Cafe Highland hoặc 1/10 tô phở bò kobe. Thực tế người ta không chỉ tiêu tiền cho duy nhất một món mà nhịn các món khác hoặc không bao giờ người ta tiêu hết sạch số tiền trong túi. Một công an viên giao thông cũng thi hành công vụ trên đường nhưng lại tuyệt đối không tiêu đến tiền.

Trong suốt thời gian thực hiện nhiệm vụ, cảnh sát viên cỡi xe công vụ, xăng đủ dùng trong suốt hành trình và nếu có hư hỏng đột xuất thì gọi cứu hộ chứ cảnh sát không bao giờ phải tự dắt xe đi sửa. Trong điều lệnh cũng cấm cảnh sát ăn quà vặt hay ghé hàng quán trong thời gian làm nhiệm vụ. Về lý thuyết, trong giờ làm việc cảnh sát viên không cần phải tiêu tiền do đó giới hạn 100 ngàn đồng được xem là hợp lý.

Một chi tiết thừa trong quy định đó là trường hợp cảnh sát viên phải chi tiêu một số tiền lớn hơn 100 ngàn đồng thì phải niêm phong và báo cáo lãnh đạo. Vì cảnh sát viên đi xe riêng từ nhà tới đội, cất tiền trong tủ cá nhân, rồi mới từ đội cỡi xe công vụ đi tuần tra hay bám chốt. Hết ca làm việc, lái xe công vụ trở lại đội, lấy tiền đi lo việc riêng. Việc niêm phong và cáo cáo lãnh đạo trở nên thừa.

Cơ sở lý luận tương đối hoàn hảo. Tuy nhiên biện pháp thực hiện lại phát sinh nhiều vấn đề

Thứ nhất, phải thành lập một lực lượng để thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện quy định này. Lực lượng kiểm tra điều lệnh vốn đã bận rộn trước khi có quy định này nên không thể nhận thêm công tác mới. Còn nếu lấy một phần lực lượng CSGT để làm nhiệm vụ mới sẽ làm cho lực lượng CSGT vốn đã mỏng nay còn mỏng hơn, khó duy trì được trật tự giao thông.

Thứ hai, thực hiện bằng cách ngụy trang thành dân thường theo dõi, thấy có dấu hiệu thì ập vào để kiểm tra, hay nói cách khác sử dụng nghiệp vụ công an mật. Cảnh sát giao thông là công an, họ cũng được đào tạo nghiệp vụ an ninh, kể cả nghiệp vụ bí mật nên họ cũng theo dõi hoạt động khả nghi của lực lượng thanh tra. Việc theo dõi lẫn nhau này tuy tạo điều kiện nâng cao nghiệp vụ an ninh nhưng lại làm sao nhãng nhiệm vụ giữ trật tự giao thông.

Thứ ba, việc bắt quả tang và khám xét tang vật lại đụng đến riêng tư và có những điều bất tiện. Nếu cảnh sát viên giấu tiền trong người thì phải khám xét những chỗ kín. Như trên đã nói, cảnh sát viên cũng có nghiệp vụ để phát hiện người theo dõi mình, và khi biết được thì họ sẽ động tác giả để đánh lừa thanh tra. Nếu khám xét chỗ kín mà không thấy cất tiền thì sao, thanh tra CSGT có phạm tội lạm dụng chức quyền không.

Thứ tư, thanh tra CSGT có quyền yêu cầu công an viên giao thông và người tham gia giao thông có liên quan về công an phường gần nhất để viết tường trình và kiểm tra hành chính. Xin nói rõ quy định 346 là văn bản nội bộ của công an địa phương TP HCM mà biện pháp thực hiện của nó lại ảnh hưởng bất lợi đến sinh hoạt của người tham gia giao thông.

Thứ năm, lực lượng thanh tra này cũng là công an nên có đầy đủ đặc tính của công an nhân dân như công an giao thông. Vậy ai sẽ kiểm tra lực lượng thanh tra CSGT để bảo đảm chính họ không mang quá 100 ngàn đồng trong người.