Monday, September 26, 2011

Động thái gì sau việc ồn ào "giá xăng"

Ai cũng nhận thấy xu hướng giá xăng ở VN có 2 đặc điểm
- Số lần tăng giá nhiều hơn số lần hạ giá
- Tăng giá từ 2 đến 6 ngàn đồng, hạ giá từ 500 đến 1 ngàn đồng
Do đó mà xu hướng chắc chắn là: giá xăng luôn luôn tăng.

Theo quy luật, nếu mua vào những hàng hóa có xu hướng tăng giá chắc chắn cầm chắc lợi nhuận trong tương lai. Nhưng đối tượng có khả năng đầu cơ lại rất hẹp - chỉ những người làm việc trong ngành xăng dầu. Và Petrolimex chiếm 60% thị phần trong nước gây nên sự thèm muốn từ nhiều người, từ nhiều nhóm lợi ích.

Mấy ngày qua, báo chí cả trong lẫn ngoài lề sôi động bàn luận và bình phẩm về giá xăng. Khởi đầu bằng cuộc hội thảo Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, bộ Tài chính khẳng định: Petrolimex có lãi, nếu Petrolimex rút khỏi kinh doanh sẽ có nhiều đơn vị khác nhảy vào. Điều này cho thấy kinh doanh xăng dầu là ngành kinh doanh béo bở, ai cũng than lỗ nhưng không thấy ai đóng cửa bao giờ.

Dàn đồng ca báo chí lề phải bắt đầu hòa chung một nhịp, tố cáo Petrolimex ăn chặn tiền của Nhà nước. Báo Đất Việt khẳng định buôn xăng dầu chỉ có lãi to: Lỗ là lỗ thế nào. Báo Tuổi trẻ bóc mẽ Kinh doanh xăng dầu: Có dấu hiệu gian lận. Ông Pháp luật thành phố còn đi xa hơn: Petrolimex gian lận trong quản trị.

Một số khác đề nghị "tư vấn" với Nhà nước. Không chấp nhận Petrolimex thao túng giá bán xăng dầu, cần phải Phá thế độc quyền xăng dầu. Hoặc mạnh mẽ hơn, đòi hỏi phải Đại phẫu việc bán xăng dầu hiện tại.

Nhiều bạn đọc "trăm hoa đua nở" vạch trần những mập mờ và cách thức gian lận của giới buôn xăng. Phân tích Lỗ, lãi xăng dầu phụ thuộc… cách tính, Nhiều bất ổn từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Petrolimex lẩn tránh sự thật. Và hài lòng bằng Cú đánh vào ‘nhóm lợi ích’ xăng dầu.

Và trên mạng có phong trào thành lập Hội những người ủng hộ BT Tài chính Vương Đình Huệ. Hay cuồng hơn nữa là “Hội những người phát cuồng vì Bộ trưởng Vương Đình Huệ”. Dân chúng hoan hỉ bằng lòng rằng từ giờ đến cuối năm giá xăng đã quá cao rồi nên không thể tăng thêm nữa nữa, bất chấp việc sang năm tới có thể tiếp tục tăng giá.

Không chỉ nói suông, Bộ Tài chính kiểm tra việc kinh doanh xăng dầu tại Petrolimex, PV Oil. Bộ Công thương triệu hồi vụ phó Vụ Giá cả làm kiểm điểm. Có vẻ như Petrolimex "lâm nguy", chết tới nơi.

Phía Petrolimex biện minh giá xăng cao là cần thiết để duy trì hệ thống bản lẻ xăng dầu trên toàn quốc. Hoặc vùng vẫy để tồn tại là đề nghị chia nhỏ Petrolimex để cho mỗi đơn vị sau chia chiếm thị phần nhỏ hơn 30% thị phần.

Một nhà kinh doanh nhập khẩu xăng dầu khác mà không ai nói tới đó là Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội tên tiếng Anh là Military Petroleum Company, viết tắt là MIPECO. Hiện MIPECO chiếm một thị phần khiêm tốn là 10% thị phần nội địa. Đây là một đối trọng đáng kể so với Petrolimex, tương đương về cơ sở hạ tầng kinh doanh lại chiếm ưu thế về nhân lực.

Tín hiệu đầu tiên đã bắt đầu Phải có "Viettel xăng dầu" từ báo CAND.

MIPECO sẵn có một sức mạnh đáng gờm. Trong những ngày tới, một vài cán bộ Petrolimex hạ cánh sẽ không là chuyện lạ. Và viễn cảnh là biển hiệu ở các trạm bán xăng sẽ đổi từ màu xanh dương sang màu cam.


Xưa nay ở nước ta, sự lãnh đạo được thống nhất từ Trung ương. Sự độc quyền và qua đó là siêu lợi nhuận không tự mất đi mà nó sẽ được chuyển từ doanh nghiệp này qua doanh nghiệp khác. Xin chớ vội mừng về triển vọng giá xăng hợp lý trước những phát biểu của ngài Bộ trưởng Tài chính.

22 comments:

lvdunght said... (1)

Cháu không hiểu tại sao bài báo sau lại bị rút và cũng chưa rõ ý đồ đằng sau bài báo này: http://danviet.vn/59298p1c24/tuoi-tho-du-doi-cua-bo-truong-vuong-dinh-hue.htm
Chú Lý giải thích giúp cháu được không?

VÕ Văn tảo said... (2)

Nhận xét của Anh Lý rất xác đáng. Nhứt tiễn Hạ song điểu. Một mặt hạ nhiệt đám "nhân dân" suốt ngày đòi xoá bỏ độc quyền xăng dầu, mặt khác luân chuyển lợi nhuận từ tay này sang tay khác, nhưng vẫn chảy vào túi của thập tứ. Cao kiến!

Thành said... (3)

Dear Bác !
Bác viết bài với phong văn như là tiếng trống xung trận ấy !

Cháu nhớ là một lần Bác có nêu lên công thức tính gía xăng trong nước. Cháu hiện không tìm lại được, Bác có thể nêu lại link hay bài viết không ạ ?

Van Son said... (4)

Kính gửi Bác Lý.
Cháo có một thắc mắc. Nếu MIPECORP có hệ thống phân phối và nguồn lực mạnh như vậy thì cớ gì phải " đập " Petrolimex vậy bác? Tự nó có thể mạnh lên được mà nếu được quản trị tốt.

Lý Toét said... (5)

Dear all,

@ Dũng,
Chỉ là trục trặc kỹ thuật IT của danviet.vn thôi. Có thể xem bài ấy ở một nơi khác http://vietstock.vn/ChannelID/1351/Tin-tuc/202034-tuoi-tho-du-doi-cua-bo-truong-vuong-dinh-hue.aspx

@ SG,
Doanh thu xăng dầu đem lại khoảng 30% thuế cho nhà nước. Những đơn vị được nhà nước ủy thác thu được bộn nhờ sự ủy quyền này. Bây giờ là lúc đòi hỏi phân phối lại.

@ Thành,
Có thể tìm thấy trên mạng, đại khái là
Giá xăng = (((Giá nhập khẩu * 10% thuế NK) * 20% thuế TTDB) * 10% thuế VAT) + 1000 phí giao thông + 1000 bình ổn + 700 chi phí lưu thông + 300 lợi nhuận định mức. Trong đó thuế NK thay đổi tùy thời điểm.

@ Vân Sơn,
MIPECO có đầy đủ cơ sở hạ tầng nhưng thiếu thị trường. Riêng hệ thống bán lẻ thuộc sở hữu "toàn dân" nên đổi chủ giữa Petrolimex và MIPECO không làm thay đổi quan hệ sở hữu.

Bạn phải thấm nhuần tư tưởng rằng kinh tế nước ta dựa trên chế độ công hữu XHCN.

lvdunght said... (6)

Với cách tính giá xăng mà chú Lý đưa ra thì chỉ có sự thay đổi chủ phân phối chứ không thể hy vọng giảm giá xăng được. Bởi vì giá xăng đắt là do thuế và phí mà 2 loại này thì không thể giảm được.

lvdunght said... (7)

Cháu xin phép chú Lý copy một số bài về kinh tế của chú sang Facebook của cháu nhé. Hy vọng chú đồng ý.

Lý Toét said... (8)

Dear Dũng,

Tớ không giữ bản quyền, cứ phát tán ở những nơi nào có thể. Cảm ơn bạn đã hỏi.

Vấn đề là nếu giá dù cao nhưng cố định lại không đem lại lợi ích cho DN xăng dầu, vì khi đó họ chỉ co kéo trong khoản 700 phí lưu thông + 300 lợi nhuận định mức.

Lợi ích chỉ khi giá cả có biến đổi, dù tăng giá hay giảm giá họ đều có thể trục lợi được thông qua "chế biến" số liệu tồn kho. Đó là lý do tại sao giá xăng "tăng nhanh giảm chậm". Bao nhiêu tiền trong cái gọi là "quỹ bình ổn" họ ngốn sạch.

khoai tay said... (9)

cảm ơn Bác Lý đang mong có diễn giải phép thử xăng dầu của Bác hải, chưa có thì bác Lý đã có. Được ôn lại cả định lý bảo toàn năng lượng!

Cô Cấn said... (10)

Bên bác Hiệu Minh có bài xăng dầu ở Mẽo.

Nhà phố bên Mẽo không cần khóa.Bên ta mà thả nổi xăng dầu sẽ thế nào hả bác.
Hình như buôn xăng phải có NH quốc tế uy tín bảo lãnh vì toàn hợp đồng tương lai.Bác cũng nên bênh Chính phủ một chút!

Tổ chức chứng nhận VietCert said... (11)

Dear Chú Lý,
Công thức giá xăng Chú đưa ra chưa chính xác,đúng thì phải như thế này:
1) Nếu gọi giá xăng = a

2) Giá xăng sau thuế nhập khẩu (10%) = a + a*10% = a(1+10%) =a*110% = b

3) Giá xăng sau thuế Tiêu thụ đặc biệt (20%) = b+b*20% = a*110% + a*110%*20% = a*110%*(1+20%) = a*110%*120% = c

4) Giá xăng sau thuế VAT (10%) = c + c*10% = (a*110%*120%) + (a*110%*120%)*10% = (a*110%*120%)(1+10%) = a*110%*120%*110% = Giá xăng*110% thuế NK * 120% thuế TTĐB *110% thuế VAT

5) Phí giao thông = 1.000 đồng; Phí bình ổn giá = 1.000 đồng; Phí lưu thông = 700 đồng; Lợi nhuận định mức = 300 đồng

=> Giá xăng = Giá xăng*110% thuế NK * 120% thuế TTĐB *110% thuế VAT + 1.000 đ phí giao thông + 1.000 đ phí bình ổn + 700 đ phí lưu thông + 300 đ lợi nhuận định mức

Thân chào!

Lý Toét said... (12)

Cảm ơn Cát Việt,

Xin nhận khuyết điểm. Trong công thức của tớ thiếu mất 100% của mỗi món.

Day-dreaming said... (13)

Có khi nào, sau khi xong xuôi người mới, rượu cũ vẫn thế, nhưng họ làm theo kế sách của Bác là đành hy sinh .... đưa giá tăng vọt hẳn lên một lần như bài trước của Bác để cứu vãn nền kinh tế không nhỉ

Lý Toét said... (14)

Giá xăng hiện nay đã đem về hơn 1/3 tiền thuế rồi. Không có số liệu, nhưng tớ phỏng đoán thu từ xăng chiếm phần đáng kể trong ngân sách.

Giá trong nước hiện đắt gấp 2 Thái lan. Chuyên "xuất xăng kiếm lời" chỉ là huyền thoại.

Quan điểm về giá xăng của tớ hoàn toàn khác. Tớ sẽ lấy tiền lãi xăng để bù cho người không dùng xăng, tạo cơ hội phát triển giao thông công cộng, hội nhập với thế giới văn minh.

Quê Hương said... (15)

Bác Lý:
Đồng ý với bác về cách dùng tiền lãi xăng.

Một điều tôi không được rõ là ngân sách hàng năm của Việt Nam có được công bố cho quốc dân không?

Lý Toét said... (16)

Có lẽ Quê Hương sống ở nước ngoài,

Mặc dù có điều chỉnh theo tháng, quý nhất là về cuối năm, Ngân sách quốc gia khá là rõ ràng như số liệu ở đây http://www.chinhphu.vn/cttdtcp/vi/cpchxhcnvn/solieungansach/2011/dutoan02.html

Tuy nhiên, quyền tối cao về phân bổ ngân sách đó lại thuộc về Trung ương đảng. Mặt khác biện pháp khắc phục bội chi ngân sách là in tiền chứ không phải là chính phủ đi vay nợ.

Một điều khác với thiên hạ nữa là, trong điều lệ đảng CSVN có ghi rõ "Tài chính của Đảng gồm đảng phí do đảng viên đóng, từ ngân sách nhà nước và các khoản thu khác." hết trích.

Nói tóm lại, dân chỉ phải đóng thuế gián thu nên cảm thấy thuế ít, còn tiêu tiền thuế ấy như thế nào thì do lãnh tụ quyết định.

Củ Chuối Tây said... (17)

CSĐ tuyệt vời nhất, so với cả Mỹ thì vẫn không thể bằng được.
Có ai đi nhận làm đầy tớ của nhân dân, rồi phục vụ nhân dân tận tình. Khắp nơi treo các khẩu hiệu: tận tình phục vụ, lương y như từ mẫu, mỗi ngày đến trường là 1 ngày vui. CSĐ còn thường xuyên tổ chức các lễ hội, hội nghị để giúp nhân dân có chỗ vui chơi giải trí (đỡ đem tiền tiêu xài vào xòng bạc ở Las vegas như Mỹ), rút kinh nghiệm chỉ đạo để sát dân hơn. Thậm chí nếu cần tổ chức cả hội nghị về tổ chức hội nghị. Hề hề. Vậy mà, giờ CSĐ mới yêu cần dân chúng đóng thêm một chút tiền để phục vụ dân chúng được tận tình, chu đáo hơn mà dân đã kêu oai oái là sao?
Làm gì có kiểu đầy tớ mong làm tốt mà ông chủ lại kêu thế?

Lý Toét said... (18)

Củ Chuối có tư tưởng rất chi là tiêu cực,

Chế độ ta là chế độ huy động mọi tầng lớp quần chúng để thực hiện một mục tiêu duy nhất đó là: Phục vụ Nhân Dân.

Ta muốn được ưu đãi, ta muốn được phục vụ, ta muốn được chiếm đoạt, việc ta cần làm là ta hãy trở thành Nhân dân.

Bạn có biết Nhân dân là gì không? Gợi ý: Tờ báo Nhân dân đại diện cho ai vậy?

Củ Chuối Tây said... (19)

Mong chú Lý kiến giải thêm, cháu chưa hiểu mấy về câu hỏi của chú. Cảm ơn chú Lý nhiều.

Lý Toét said... (20)

Tớ xin nhắc lại câu hỏi Tờ báo Nhân dân đại diện cho ai vậy?

Củ Chuối Tây said... (21)

Cháy nghĩ là tên nó là vậy mà chưa chắc nó đã đại diện cho nhân dân. Như câu tưởng vậy mà không phải vậy.

Củ Chuối Tây said... (22)

Báo cáo chú Lý: Cháu tìm thấy câu trả lời "Báo Nhân dân Điện tử: Cơ quan trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng, nhà nước và Nhân dân Việt Nam"
http://nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/quocte/tinchung/chi-n-s-ac-li-t-t-i-hai-thanh-tri-cu-i-cung-c-a-l-c-l-ng-trung-thanh-v-i-ong-ca-a-phi-1.314226?mode=print#ffNHEwiRfoEv
Hì hì. Đã lờ mờ hiểu ý của chú. Cảm ơn chú Lý một lần nữa.