Monday, February 25, 2013

Tin đồn và tin chính thống, tin ai

Dân gian Việt Nam có truyện cười

Một anh sờ lên cổ áo, thấy con rận, sợ có người cười, vội hất nó xuống đất và nói:
- Tưởng là con rận, hóa ra không phải.
Có người cúi xuống đất, cố tình tìm được con rận nhặt lên:
- Tưởng là không phải, hóa ra con rận.


Hàm ý của câu chuyện là, muốn che giấu một sự thật nhưng lại phô ra những cái khác cần che giấu.

Sự kiện tin đồn ông Trần Bắc Hà, đương kim Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bị bắt, cũng chỉ là chuyện bình thường trong một xã hội mà mọi thông tin sống còn đối với dân chúng đều bị bưng bít. Đáng nói là toàn bộ hệ thống truyền thông của chế độ được huy động chỉ để khẳng định tin ông Bắc Hà bị bắt chỉ là tin đồn. Họ cố gắng chứng minh tình trạng ngoại phạm của ông Hà một cách không cần thiết (*).  Bên cạnh đó, truyền thông có xu hướng đổ lỗi cho thiệt hại của TTCK và của BIDV là do tin đồn. Nếu quả thật như vậy thì đã có nghề Tung tin đồn.

Truyền thông Việt Nam có đặc điểm là:
- tuy không có phóng viên tại chỗ nhưng đưa tin rất nhanh từ bất kỳ ngóc ngách nào trên thế giới,
- tin tức trong nước thì đưa rất chậm hoặc không đưa tin.

Ở xứ ta, có những loại tin đồn nhưng tuyệt đối chính xác. Đó là Cơ cấu nhân sự lãnh đạo cao cấp nhất của đảng trước khi được bầu. Vì thế, người dân phải dựa vào tin đồn để định hướng.

Người dân Việt sống trong cái bẫy vi phạm pháp luật một cách hồn nhiên. Đi đường không mang theo Chứng minh nhân dân là phạm pháp. Cho đến nay chưa có văn bản nào cho phép dân được giữ vàng hay đô cả. Việc một đại gia hay một quan chức nào đó bị bắt không quá bất ngờ. Chỉ là thanh trừng nội bộ mà thôi.

Chú thích: 
(*) Không thể đột ngột bắt giữ một quan chức đảng viên một cách đường đột như vậy. Thông thường, bắt giữ một người thuộc diện này phải trải qua một chuỗi các thủ tục không được ghi trong Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trước hết, phải có công văn yêu cầu ủy ban kiểm tra của đảng bộ sở tại xác minh. Sau khi UBKT xác định đúng đối tượng, đúng vụ việc mới tiến hành thủ tục bắt giữ. Nếu không, cơ quan điều tra phải rẽ sang hướng khác.
Khi Đảng bộ cấp trên đồng ý cho bắt giữ đảng viên của mình thì trước hết phải khai trừ đảng viên này. Sự kiện bị khai trừ là tín hiệu chắc chắn cho biết cán bộ đảng viên này sẽ bị bắt nay mai.
Theo tiêu chuẩn đó, một quan chức cỡ bự như ông Trần Bắc Hà không thể bị bắt như tin đồn.
Cho đến nay mới chỉ có một ngoại lệ là ông Dương Chí Dũng bị bắt mà chưa qua thủ tục khai trừ đảng.

Tham khảo:
- Bắt ngay cán bộ ngân hàng tư lợi (TP)
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/609064/Ong-Nguyen-Ba-Thanh-tuyen-bo-bat-ngay-can-bo-ngan-hang-tu-loi-tpol.html
- Ban Nội chính Trung ương hoạt động từ 1 tháng 2 (VNE)
http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2013/01/ban-noi-chinh-trung-uong-hoat-dong-tu-1-2/
- Thanh Hóa: Bắt vụ vận chuyển 19kg vàng (LĐ)
http://laodong.com.vn/Phap-luat/Bat-vu-van-chuyen-19kg-vang/72037.bld
- Bắt giữ vụ mua bán trái phép gần 400 ngàn USD (HNM)
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phap-luat/468967/bat-giu-vu-mua-ban-trai-phep-gan-400-ngan-usd

Thursday, February 21, 2013

Phá giá để hỗ trợ xuất khẩu, lợi cho ai

Đọc thêm: Cân đối ngân sách và tỷ giá đô la

Năm nay 2013, được biết như là một năm tái cấu trúc. Có thể sẽ "tái cấu trúc" về mặt tiền tệ theo xu hướng phá giá tiền đồng. Trên thực tế, báo chí đang được chỉ đạo để thăm dò dư luận. Và có vẻ như dư luận đã sẵn sàng đón nhận. Tiếp theo đây sẽ trình bày tác động kinh tế của việc thay đổi tỷ giá đối với ngành khai thác dầu thô và người tiêu thụ xăng dầu.

Phá giá nội tệ hay tăng tỷ giá ngoại tệ là biện pháp hành chính ở các nền kinh tế mà tiền tệ không được tự do chuyển đổi. Phá giá tiền đồng sẽ đem lại lợi ích nhiều hơn cho nhà xuất khẩu. Mặt khác, đồng tiền mất giá sẽ làm thêm cạn túi cho người tiêu dùng hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu hay còn gọi là lạm phát do nhập khẩu.

Chiếm tỷ trọng lớn của Kinh tế Việt Nam liên quan đến dầu mỏ.  Doanh thu của ngành dầu khí chiếm đến 40% GDP. Mỗi năm VN nhập khẩu khoảng 15 tỷ đô xăng dầu, chiếm khoảng 15% GDP. Dầu thô xuất khẩu thì rất ít người được chạm đến, còn mua xăng dầu để chạy xe cá nhân thì ai cũng phải trả tiền hàng ngày.

Sản lượng theo báo cáo của PVN năm 2012 là 16 triệu tấn tương đương 112 triệu thùng dầu thô. Nếu tính cả khí qui đổi thì gấp 2.3 lần con số trên. Doanh thu chỉ riêng từ dầu thô năm rồi khoảng 10 tỷ đô la (tính bình quân $90 một thùng dầu)

Theo con số trên, cứ mỗi 1000 đồng tăng giá của đồng đô la sẽ đem lại doanh thu tăng lên của PVN là 10 ngàn tỷ đồng và người sản xuất và tiêu dùng mua xăng dầu phải trả thêm 15 ngàn tỷ đồng. Xin nhắc lại, doanh thu dầu thô chỉ chiếm 45% doanh thu dầu khí của PVN.

Ngoài ra, biết trước được thời điểm ngân hàng nhà nước công bố thay đổi tỷ giá, mỗi đồng đô la sẽ đem lại lợi nhuận cơ hội 1000 đồng cho người giữ nó.

Tham khảo:
- Vì sao USD ‘chợ đen’ tăng giá? (TP)
http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/614565/Vi-sao-USD-cho-den-tang-gia-tpp.html

- Dự trữ ngoại hối tăng gấp đôi so với đầu năm
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121224/du-tru-ngoai-hoi-tang-gap-doi-so-voi-dau-nam.aspx

Saturday, February 9, 2013

Xu hướng đầu tư năm con Rắn

Tết đến, như thông lệ, dân tình hỏi thăm nhau tình hình và xu hướng làm ăn

Năm qua, tăng trưởng kinh tế đạt 5.03%. Con số này thấp so với cùng kỳ năm trước nhưng cao hơn đáng kể so với những nước công nghiệp như Nhật Bản.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong điều kiện: không bị thất thu ngân sách, giá nông phẩm giảm trong khi sản lượng không tăng, ô tô xe máy một năm không lỗ là may hàng quán ế ẩm, lạm phát 7% trong khi thưởng Tết giảm 10%, phòng trọ cho thuê dư cung, lương nhân công ngành tài chính ngân hàng giảm, ngưng đào tạo thêm và tổng thể là sức mua sụt giảm trầm trọng.

Tuy đồng thời giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và hầu như không thu được nguồn thu thuế sử dụng đất, nhưng ngành thuế không chỉ đạt mà còn vượt chỉ tiêu. Một lượng chi cho tiêu dùng đã chảy qua thuế.

Xuất khẩu có tăng trưởng nhưng lại thuộc về khu vực Đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Còn xuất khẩu từ nguồn lực trong nước chỉ là nông phẩm. Mà Kim ngạch xuất khẩu càng tăng thì lợi tức của nông dân càng giảm.

Đến lúc này, kinh tế Việt nam càng không thể trông chờ vào tiêu thụ ở trong nước. Thay vì xuất khẩu nông phẩm như truyền thống, xu hướng mới là xuất khẩu tư bản, sản xuất nông phẩm tại bản địa cung cấp cho thị trường tại chỗ. Thay vì nuôi cá basa xuất khẩu sang Mỹ, ta nên mang vốn đầu tư trực tiếp để nuôi cá basa ngay trên đất Mỹ. Hoặc xây dựng các dự án chung cư cao cấp trên lãnh thổ Mỹ để cung ứng đến tận nơi cho công dân Mỹ hay Việt kiều Mỹ. Và nhiều ngành công nghiệp khác.

Trên thực tế, đầu tư trực tiếp vào Mỹ dưới dạng mua nhà đã diễn ra từ nhiều năm nay. Nhưng trên truyền thông đại chúng, hôm nay đã có Cà phê Trung Nguyên như là người đi đầu trong việc đầu tư FDI vào thị trường Mỹ. Hy vọng, cà phê Trung Nguyên hạ gục thương hiệu Starbuck, được mệnh danh là thứ nước đường có lẫn mùi cà phê, ngay trên quê hương của Starbuck.

Mang tư bản trong nước ra nước ngoài đầu tư trực tiếp vào thị trường bản địa sẽ là xu hướng trong năm mới. Năm con rắn, đầu tư phải như rắn mới sống được.

Friday, February 1, 2013

Cần đánh thuế ngoại tệ chuyển ra nước ngoài


Mỗi năm nước ta có khoảng 10 tỷ đô kiều hối gửi về. Song song với nó, một lượng tương đương ngoại tệ ròng được chuyển ra nước ngoài bằng con đường chính thức.

Theo ước tính của các hãng du lịch, bình quân mỗi du khách ra nước ngoài mang ra khỏi nước 1 ngàn đô. Tổng số 3.5 triệu lượt khách sẽ mang ra nước ngoài khoảng 3.5 tỷ đô.

Ngành y tế làm thủ tục cho bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh, tính toán rằng 40 ngàn bệnh nhân ra nước ngoài mỗi năm phải trả cho các bệnh viện ở nước ngoài tổng số tiền 2 tỷ đô.

Bộ Giáo dục thống kê số du sinh mỗi năm mỗi tăng và hiện nay là 106 ngàn em. Học ước lượng  mỗi em phải chi tối thiểu 15 ngàn đô mỗi năm (*). Mỗi năm, phụ huynh phải gửi cho các em tối thiểu 1.5 tỷ đô.

Chỉ 3 khoản Y tế, Giáo dục và Du lịch đã có ít nhất 7 tỷ đô la ròng được chuyển ra nước ngoài (số tiền thực tế có thể gấp 1.5 đến 2 lần). Số tiền này tương đương khoảng 7% GDP hay 1/4 ngân sách hàng năm hay 1/3 chi tiêu của dân chúng. Giả định, tất cả số tiền này là thu nhập sau thuế của công dân VN.

Số tiền này nếu được tiêu xài ở trong nước sẽ thu về cho ngân sách ít nhất 14 ngàn tỷ đồng (700 triệu đô la) nếu chỉ bao gồm tiền thuế VAT. Nếu dùng ngoại tệ đó nhập khẩu hàng hóa  thuế nhập khẩu và thuế TTĐB mà Nhà nước thu được còn cao hơn nữa. Đây là số tiền không nhỏ, tiền thu được trong 5-7 năm có thể mua hoàn toàn "nợ xấu" cứu thị trường BĐS (**).

Mặt trái của việc mang tiền ra nước ngoài tiêu xài là làm giảm sức mua của thị trường trong nước, làm thiệt hại cho các nhà kinh doanh trong nước và ngân sách. Sự trì trệ của kinh tế Việt Nam trong vài năm qua trong đó có nguyên nhân chuyển ngoại tệ ra nước ngoài góp phần không nhỏ.

Đề nghị Nhà nước đánh thuế ngoại tệ xuất ra nước ngoài, tăng nguồn thu cho đất nước. Việc này không phải không có tiền lệ. Ở nhiều nước, tài sản thừa kế cũng phải chịu thuế.

Thuế suất đề nghị là 10% (***).

Chú thích:
(*) thực tế nhiều em được gia đình mua nhà ở nước ngoài nên không phải trả tiền thuê nhà.
(**) Nhà nước có kế hoạch dùng 100 ngàn tỷ đồng vốn ngân sách để  mua "nợ xấu"
(***) Hiện nay vàng trong nước xuất khẩu chịu thuế 10%.

Tham khảo:
Du khách Việt mang 3,5 tỉ USD ra nước ngoài
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130129/du-khach-viet-mang-3-5-ti-usd-ra-nuoc-ngoai.aspx

Người Việt tốn 2 tỉ USD/năm để ra nước ngoài chữa bệnh
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130126/nguoi-viet-ton-2-ti-usd-nam-de-ra-nuoc-ngoai-chua-benh.aspx

Ít nhất 1.5 tỷ đô cho du học
http://nld.com.vn/20130120103823576p0c1017/15-ti-usd-va-hon-nua.htm