Wednesday, July 27, 2011

Có nên phó thác tiền gửi cho ngân hàng?

Hưởng ứng Chủ tịch tân cử của Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn mới nhậm chức, webblog Dân làm báo có bài viết Tân Chủ tịch UB Giám sát Tài Chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn xài bằng giả.

Đại ý ông Vũ Viết Ngoạn có học vị Tiến sĩ Tài chính Đại học La Salle. La Salle, có ít nhất 2 La Salle. Đại học La Salle danh tiếng là La Salle Philadelphia lại không đào tạo hệ Tiến sĩ Tài chính.

Trong năm qua, ngành ngân hàng nước ta có tiếng là lợi nhuận lớn do lãi suất cao mang lại. Trong đó các khoản vay phi sản xuất chiếm tỷ trọng cao dẫn đến những báo động về nợ xấu của ngân hàng.

Do lãi vay cao nên nhiều doanh nghiệp hoặc phải thu hẹp sản xuất hoặc phải đóng cửa. Hàng hóa khan hiếm dẫn đến thúc đẩy lạm phát tăng cao.

Ngân hàng ngoài chức năng huy động vốn - cho vay, họ còn là tổ hợp công ty cho vay tài chính và bản thân họ còn làm chủ những tài sản loại bất động sản mà giá của loại tài sản này có xu hướng giảm. Công ty cho thuê tài chính ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn lỗ 3 ngàn tỷ đồng chỉ trong năm 2009 mới bị phanh phui gần đây.

Ngân hàng trong khi lợi nhuận cao nhưng lại luôn luôn thiếu tiền mặt. Nhiều ngân hàng phá rào bằng cách huy động lãi suất chui vượt trần được điều tra nhưng chưa phanh phui.

Đó là những mảng màu đặc trưng cho bức tranh sinh động về ngành ngân hàng.

Bên cạnh đó nhiều cán bộ ngân hàng bị bắt do chiếm dụng vốn, do sai phạm trong quản lý tín dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cả do tham ô. Dẫn chứng sẽ được chỉ ra trong phần tham khảo của bài viết này.

Tóm lại là Ngân hàng thiếu tiền mặt, nợ xấu của ngân hàng tăng, nhân viên và cán bộ ngân hàng chiếm đoạt tài sản nhiều như nấm. Hỏi có nên tiếp tục phó thác tiền gửi cho ngân hàng hay không.

Nguồn tham khảo

VVN: Kiến thức và kinh nghiệp là tài sản lớn

Ngân hàng tiếp tục lãi lớn trong năm nay

Báo động nợ xấu tại ngân hàng

Chung cư có thể giảm giá thêm 50%

Sàn BDS đóng cửa hàng loạt

30% doanh nghiệp phá sản, giải thể, đóng cửa, tạm ngừng sản xuất trong 6 tháng

BIDV Đông Đô: Cán bộ tư túi hàng trăm tỷ đồng lĩnh án chung thân,11 trường hợp bị truy tố có 7 người từng công tác trong ngành NH, gồm 2 phó GĐ BIDV Đông Đô, hai phó PGD VCB Thành Công, phó phòng dịch vụ khách hàng BIDV Đông Đô...

Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Bến Tre ngày 30-6 xác nhận đang điều tra làm rõ hai cán bộ Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) - Chi nhánh Bến Tre chiếm dụng hơn 4 tỉ đồng....

Cho một doanh nghiệp vay tiền dẫn đến dư nợ kéo dài lên đến 150 tỷ đồng nên 3 cán bộ lãnh đạo ngân hàng Vietinbank đều bị cách chức....

Bằng thủ đoạn huy động vốn để cho vay đáo hạn, nữ nhân viên 30 tuổi của một ngân hàng đã chiếm đoạt của nhiều người khoảng 20 tỷ đồng....

Vụ chiếm đoạt 120 tỷ đồng tại Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Tân Bình: Truy tố 13 bị can....

Cựu cán bộ ngân hàng lừa đảo bị bắt

Danh sách trường giả tại Mỹ

Monday, July 25, 2011

Cuộc chống bá quyền còn ở phía trước

Ông Quang A mà tôi biết là một nhà khoa học(?), một doanh nhân và một nhà nghiên cứu. Ông hay được chụp hình và nêu tên trong những cuộc tuần hành mỗi Chúa nhật như là một người có tên tuổi. Người ta hay nêu bật tên ông khi tham gia đoàn cho thêm phần trọng lượng. Những thành tích, tên tuổi của ông và những nỗ lực không mệt mỏi của ông thật đáng trân trọng.

Khác với phần lớn những người ký bản Tuyên cáo, những công chức nhà nước tại vị hay đã nghỉ hưu, ông Quang A là doanh nhân doanh nghiệp tư nhân, thành phần mà cách nay không lâu là đối tượng cần phải loại bỏ trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Những công chức được xem là cùng hội cùng thuyền với ông là các ông (bà) sau đây gọi tắt là Các Nhân sĩ bao gồm, ông tướng Nguyễn Trọng Vĩnh; ông Chu Hảo Thứ trưởng; ông Phan Đình Diệu Viện trưởng, Ủy viên Đoàn Chủ Tịch ủy ban Trung ương MTTQ VN; ông Lữ Phương Thứ trưởng bù nhìn; ông Nguyễn Xuân Diện Phó Giám đốc; ông Huỳnh Tấn Mẫm Chủ tịch Tổng hội sinh viên; ông Trần Quốc Thuận Phó chủ nhiệm thường trực văn phòng Quốc Hội; ông Huỳnh Nhật Tấn giám đốc Trường Đảng Lâm Đồng; bà Võ Thị Bạch Tuyết Giám Đốc Sở Lao Động Thương Binh Xã Hội TP.HCM và nhiều người khác.

Đọc bài Công an đang quấy rầy tôi đăng trên nhật báo Anh Ba Sàm, tôi thấy lo ngại cho ông Quang A bởi những lý do sau:

Cùng với chính quyền, ông và Các Nhân sĩ nêu cao lòng yêu nước, chống chế độ bá quyền Bắc Kinh. Khác với chính quyền ta trong xử sự với chính quyền và đảng bạn một cách cương quyết nhưng khôn khéo, ông và các Nhân sĩ lại nêu khẩu hiệu đả đảo. Thế là cùng mục đích yêu nước nhưng cách thức đấu tranh ông và các Nhân sĩ với của cách thức đấu tranh Chính quyền lại như hai vector trái chiều nhau. Và sự khác biệt này có khi lại được chế độ bá quyền Bắc Kinh lợi dụng đào sâu mâu thuẫn, biến mâu thuẫn giữa nhân dân ta với chế độ bá quyền Bắc Kinh thành mâu thuẫn giữa các Nhân sĩ với Chính quyền ta.

Chính quyền đã cử cán bộ tế nhị tiếp xúc với ông hòng ngăn chặn mâu thuẫn đang bị khoét sâu. Những nhân viên an ninh là những người lính thực hiện nhiệm vụ được cấp trên của họ giao. Và ông đã hành xử với những cán bộ này như là ông đang sống trong một xã hội có dân chủ, là không cho phép nhà đương cục cản trở quyền tự do của ông. Cuối cùng thì những trở ngại cuối tuần vừa rồi ông đã vượt qua, tuy kèm theo một số khó chịu. Nói như ngôn ngữ tường thuật, là ông đang tạm dẫn bàn, chữ tạm trong sự ổn định nguy hiểm.

Tôi hay nhắc đi nhắc lại Các Nhân sĩ chung chiến tuyến với ông họ đi đâu mất mà không thấy xuất hiện để đồng hành cùng với ông. Ông tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đâu không thấy đứng ra phê bình các đồng chí công an làm sai điều lệnh. Những ông bà mang hàm thứ trưởng hay tương đương với giám đốc sở ban ngành có sát cánh với ông hay không và hành động của họ có giống như ông không. Nếu ông là thiểu số, sự thiệt thòi sẽ thuộc về ông.

Đáng tiếc là trong bài viết Công an đang quấy rầy tôi có nhiều nhận xét mang tính khích tướng rẻ tiền như là: Một trí thức ưu tú tiêu biểu cho thời đại, Lắm mưu mẹo và lỳ đòn, Bái phục và ví với Phu xích, v.v... những giọng điệu nhận xét khiêu khích, xem hành động của chính quyền là tiêu cực.

Làm trí thức phải dấn thân, tôi kính phục lòng yêu nước của ông, nhưng có nhiều cách dấn thân. Có nhiều cách ủng hộ phong trào đi bộ ngày Chúa nhật mà không nhất thiết cá nhân ông phải xuống đường. Đấu tranh chống chế độ bá quyền Bắc Kinh nhưng không gây nên những mâu thuẫn không đáng có với chính quyền. Mong ông an lành.

Saturday, July 23, 2011

Tuồng cũ, đào kép cũ, bảng phân vai mới

Đã thành lệ, cứ mỗi kỳ có bầu bán ở cấp cao như là Trung ương đảng rồi việc phân công các chức vụ trong kỳ đầu của quốc hội khóa mới, dư luận trong nước lại xôn xao bàn tán vè có danh sách nhân sự hầu như chính xác so với những gì sẽ diễn ra sau đó.

Không chỉ thế, những cơ quan truyền thông Việt ngữ ở nước ngoài cũng loan đi những bản tin như vậy. Người ta phân tích những ông nào bà nào theo phe nào, thân với những nước ngoài nào, vân vân ... qua đó suy đoán tương lai vận mệnh của đất nước.

Thử phân tích nguyên nhân của những hiện tượng đó.

Nhân dân ta không được trực tiếp bầu ra những vị lãnh đạo của mình nên họ đã cố gắng tỏ ra là người có quyền biết đến những nhân sự cấp cao.

Do bị mờ mịt thông tin hoặc chỉ được biết đến những thông tin sau khi bị làm nhiễu nên người ta có xu hướng chứng tỏ sự hiểu biết trong phân tích, sự tiếp cận những nguồn tin mật.

Thái độ làm chủ tập thể làm cho người ta có ảo tưởng rằng: Lãnh đạo đã làm hết sức mình vì dân nhưng do hạn chế trình độ nên hay có những sai sót, nói thô thiển là Dốt. Họ không có dốt đâu, mà họ diễn tuồng gì ta được xem tuồng đó mà không có sự lựa chọn.

Làm khán giả, đôi khi đến rạp không để xem tuồng mà chỉ để nhìn thấy thần tượng của mình. Làm con người mới XHCN như chúng ta cũng vậy, không quan tâm đến chính sách có đem lại cho người dân cái gì mà chỉ quan tâm đến những kẻ diễn tuồng là ai.

Vấn đề chỉ là: Tuồng cũ, đào kép cũ, bảng phân vai mới.

Bonus

Bản tin của RFA ngày 14 tháng 7 tổng hợp như sau:

Bốn vị trí cao nhất nước như đã được biết trước đây không có gì thay đổi, ông Nguyễn Phú Trọng giữ chức Tổng bí thư. Chủ tịch nước là ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội là ông Nguyễn Sinh Hùng và Thủ tướng vẫn là ông Nguyễn Tấn Dũng.

Hai phó Thủ tướng đương nhiệm tiếp tục tại chức là Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Hai phó thủ tướng mới là Vũ Văn Ninh, nguyên Bộ trưởng Tài Chánh và Nguyễn Xuân Phúc nguyên Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Những Thứ trưởng được đề cử giữ chức Bộ trưởng gồm có:

Nguyên thứ trưởng Phạm Bình Minh được đề cử chức Bộ trưởng Ngoại Giao. Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an. Nguyễn Thị Kim Tuyến, Bộ trưởng Y tế. Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Nội vụ. Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Xây dựng. Nguyễn Quân, Bộ trưởng Khoa học Công Nghệ. Nguyễn Văn Bình, Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Các bộ trưởng được chọn ở lại vị trí cũ gồm: Bộ trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh. Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng. Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát. Bộ trưởng Văn Hoá Thể Thao Du lịch Hoàng Tuấn Anh. Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường và Bộ trưởng Giáo Dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận.

Những gương mặt mới nhận các chưc vụ Bộ trưởng là ông Vương Đình Huệ, giữ chức Bộ trưởng Tài Chánh. Bộ trưởng Lao động & Thương Binh xã hội là bà Nguyễn Thị Hải Chuyền.

Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang. Bộ trưởng Giao Thông Vận tải Đinh La Thăng. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Kế Hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh.

Ba người được đề cử giữ chức phó chủ tịch Quốc Hội gồm bà Nguyễn Thị Kim Ngân, các ông Nguyễn Văn Giàu, Huỳnh Ngọc Sơn và Uông Chu Lưu.

Ngưng trích

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/viet-s-govt-07142011172443.html

Wednesday, July 20, 2011

Petrolimex không biết giấu lãi?

Một phóng sự điều tra của báo Tuổi trẻ "phanh phui" việc lãi thật nhưng cứ than lỗ.
Tức cười cái câu chuyện "tố cáo" này của báo Tuổi trẻ, cứ làm như một phát hiện tày trời như là nhân loại phát minh ra cái bánh xe.

Mỗi năm nước ta nhập khẩu 10 triệu tấn (lấy tròn) xăng dầu tương đương với 10 tỷ lít. Nếu Petrolimex chiếm 60% thị phần có nghĩa là họ hưởng lãi định mức là:
10 tỷ lít x 300 đồng x 60% = 1800 tỷ đồng.

Tinh ý đọc bài báo này sẽ thấy rất nhiều điều tích cực mà bài báo của Lê Minh Nguyên chưa nói ra. Người viết xin nêu ra những con số be bé gộp lại thì không nhỏ chút nào:

Tiền bình ổn
10 tỷ lít x 1000 đồng = 10 ngàn tỷ đồng.

Phí giao thông
10 tỷ lít x 1000 đồng = 10 ngàn tỷ đồng.

Các khoản thuế không bàn ở đây vì nó được nộp vào ngân sách, chi tiêu quốc gia. Tuy nhiên nếu doanh nghiệp điều chỉnh giảm doanh thu trên sổ sách so với thực tế, thì số thuế này doanh nghiệp được hưởng không nhỏ. Trong những khảon chi tiết cấu thành giá xăng dầu thì lợi nhuân định mức chiếm tỷ trọng bé nhất.

Mà bài "phóng sự điều tra" của bổn báo "tố cáo" Petrolimex ăn chặn của nhân dân hơn 900 tỷ bạc, một con số bằng 1/2 lãi định mức của họ.

Thực tế Petrolimex tạo ra con số "lợi nhuận" trên sổ sách đủ đẹp để cho tương lai lên sàn của họ, cớ gì báo Tuổi trẻ moi móc. Giả sử bài phóng sự này "thành công" nghĩa là khiến Petrolimex "nghĩ lại" san sẻ lợi nhuân cho dân đổ xăng, có nghĩa là họ giảm giá 150 đồng mỗi lít xăng, là họ sẽ không còn lãi nữa. Nói cách khác trên danh nghĩa Petrolimex đã làm công quả - vận chuyển xăng từ Tân Gia Ba về VN bán cho dân chúng không lấy lời.

Độc giả báo chí trong nước hễ thấy một tin tức "tố cáo" những con cá mập quốc doanh là tranh thủ bình luận về tiêu cực mà không để ý rằng sự sắp đặt của bài báo ấy đã đạt được 2 mục đích:

1. Công khai công nhận sự kinh doanh "lành mạnh" của các doanh nghiệp quốc doanh
2. Chuẩn bị một tư thế thượng phong cho Petrolimex trước kỳ IPO tới.

Thưa với các bác rằng, so với tiền bình ổn 1000 đồng mỗi lít, hoặc so với tiền chênh lệch mỗi lần tăng giá xăng - bình quân 2000 đồng mỗi lít xăng mỗi lần tăng giá, tiền lợi nhuận định mức của Petrolimex chỉ chiếm 1/10 (một phần mười) so với hai khoản trên. Lẽ ra Petrolimex cảm ơn bài phóng sự của báo Tuổi trẻ để qua đó cho người dân thấy rằng Petrolimex là một doanh nghiệp nhà nước vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN lấy mục tiêu chính phục vụ nhân dân.

Phụ lục:

Ai đó sẽ đặt câu hỏi rằng cái tít bài có "vẽ đường cho hươu chạy" không? Xin thưa hươu nó chạy lên vũ trụ rồi.

Trong kinh doanh xăng dầu, lãi từ chi phí lưu thông lớn hơn lãi định mức. Cái này mới quan trọng mỗi khi có sự thay đổi giá bất luận lên hay xuống hoặc việc hạch toán có liên quan đến quỹ bình ổn, chỉ cần chế biến số tồn kho là những người làm sổ sách còn kiếm tiền nhiều hơn tích trữ đô la sau một đêm thay đổi tỷ giá.

Cái này người ta gọi là "lợi ích", là cái mà khi đàm phán gia nhập WTO, Chính phủ Việt Nam kiên định lập trường tuyệt đối không cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia phân phối xăng dầu vô thời hạn. Quả là "giặc ngoài" không (ăn của mình nhiều) bằng "thù trong".

Saturday, July 16, 2011

Lý do thực sự News of the World đóng cửa


Báo chí trong nước đưa tin tờ báo Anh lâu đời New of the World đóng cửa do bê bối nghe lén điện thoại. Thực hư ra sao, ngoài những thông tin mà bài báo đã đăng, xin nói lại cho độc giả rõ về phương thức lấy tin của tờ báo này.

Tờ báo này thuộc thể loại lá cải theo tiêu chuẩn Anh, nghĩa là đưa tin giật gân để câu khách mà không dựa trên một quan điểm chính trị nào. Những tin tức mà tờ báo này loan tải là những tin trên khắp thế giới. Đặc biệt tin trong nước (Vương quốc Anh) báo đưa những tin (có thật, tất nhiên) nhưng bê bối liên quan đến chính trị gia, những người nổi tiếng, tới hoàng gia Anh và ly nước làm tràn ly là những tin tức liên quan đến con nít. Xin nhắc lại, trong luật pháp Anh, trẻ em là đối tượng tuyệt đối được bảo vệ.

Thế nó có gì khác những tờ báo lá cải khác mà buộc lòng tài phiệt Rupert Mudoch phải tuyên bố kết thúc nó để bảo vệ danh dự. Báo chí trong nước mập mờ đưa tin, cách thức lấy tin của tờ bào này là nghe lén điện thoại. Thực hư thế nào, có dễ dàng "nghe lén" không?

Điện thoại ngày nay được số hóa, là phương tiện thông tin bảo mật hiện nay, có nghĩa là một người không thuộc công ty cung cấp dịch vụ điện thoại ấy không thể biết những cuộc gọi diễn ra khi nào và nội dung cuộc gọi ra sao. Muốn có được những thông tin ấy buộc phải làm hoặc 2 điều:

1. Đột nhập vào phòng thông tin của công ty và ghi chép dữ liệu
2. Hack những thông tin đó trên mạng

Rõ ràng 2 hành vi trên không phải dễ dàng thực hiện nhưng lại rất dễ bị phát hiện ra.

Cũng nên biết rằng công ty điện thoại không có nghĩa vụ trao những thông tin mà họ có cho nhà chức trách bởi vì đây là luật bảo vệ bí mật thư tín cá nhân.

Quay trở lại với số phận của tờ báo New of the World, tờ báo ra đời khi mà chữ quốc ngữ chưa được phổ biến ở Việt Nam. Sự việc bắt họ phải vui lòng đóng cửa sau hơn một thế kỷ rưỡi tồn tại là ở cách thức lấy tin bất hợp pháp của họ liên quan đến những viên cảnh sát biến chất.

Họ mua tin tức từ cảnh sát, từ phòng hỏi cung, từ hiện trường mà cảnh sát thu thập. Mà về nguyên tắc những thông tin thuộc về cá nhân những nghi can không được tiết lộ ra bên ngoài. Do đó mà New of the World có lợi thế hơn những tờ báo khác về tin giật gân liên quan đến đời tư của công dân Anh.

Sống chung với Luật pháp Anh khó khăn thật.

Hết entry

Bonus

Xưa
O du kích nhỏ giương cao súng
Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu

Nay
Chiến sĩ Hải quân gái đón tiếp quân xâm lược Mỹ

Friday, July 15, 2011

Gửi vàng lấy lãi

Bản tin mới nhất về lượng vàng được dân chúng gửi trong ngân hàng là vào ngày 25 tháng 10 năm 2010, tức cách đây 9 tháng. Theo số liệu này ngân hàng đang nhận ký thác của khách hàng gửi vàng một lượng khoảng 90 tấn tương đương 2.4 triệu lượng. Giá vàng khi đó yết trên kitco là $1350/oz và giá trong nước chưa đến 33 triệu đồng mỗi lượng.

Thời điểm hôm nay, trung tuần thàng 7 năm 2011, giá vàng thế giới là $1580/oz (tăng khoảng 17%) và giá bán trong nước là 39 triệu đồng mỗi lượng (tăng khoảng 18%).

Nguyên lý kinh doanh vàng - tiền, của ngân hàng là họ nhận ký thác vàng từ khách hàng với lãi suất 1-2% (thực tế bây giờ gửi vàng không có lãi) rồi bán lấy tiền mặt. Tiền mặt dùng để cho vay với lãi suất trên dưới 20%, đến khi đáo hạn thì mua vàng để trả lại cho khách gửi vàng, chấm dứt một chu kỳ kinh doanh.

Về phía người gửi vàng, theo suy nghĩ của họ, lợi cả đôi đường. Vừa được ngân hàng giúp giữ an toàn không mất mát, vừa được phân lời tuy nhỏ nhưng là lời thật chứ không lời danh nghĩa.

Nhẩm sơ qua sẽ thấy rằng trong 9 tháng qua tiền lời tuy cắt cổ nhưng cũng không theo kịp với tốc độ tăng giá của vàng. Vậy nếu ngân hàng phải mua vàng trên thị trường để trả lại cho người gửi họ sẽ lỗ nặng trong điều kiện tất cả những khoản cho vay của họ là là nợ tốt, không có nợ xấu.

Có người sẽ nói Ngân hàng chỉ lỗ trong khoản huy động vàng, còn khoản huy động tiền mặt sẽ có lãi để bù vào.

Vâng, ai tin thì tin. Tôi không lo cho ngân hàng, tôi chỉ lo cho vàng của người gửi trong số 90 tấn nêu ở trên có bảo toàn hay không.

Nguồn tham khảo

Vàng huy động trong dân (SGTT)
Số liệu về lượng vàng huy động

Kinh doanh vàng vật chất
Số liệu về xuất khẩu vàng

Giá vàng tháng 10/2010

Giá vàng hiện nay

Thursday, July 7, 2011

Ép giá nông phẩm

Làm nông cũng như những ngành sản xuất khác, ai cũng mong nông phẩm thu hoạch bán chạy và được giá cao. Nhưng nông phẩm có đặc tính là không tồn trữ được hoặc tồn trữ được trong thời gian ngắn và với chi phí rất cao. Do đặc thù đó mà người nông dân không thể chủ động về thời gian bán sản phẩm của họ và người mua lợi dụng để mua với giá rẻ mạt.

Người mua nông phẩm là các công ty, tập đoàn có giấy phép độc quyền xuất khẩu hoặc gần như độc quyền như là các doanh nghiệp chế biến. Với danh nghĩa an ninh lương thực, an ninh thực phẩm, một số Tập đoàn được nhà nước bảo đảm thu mua nông phẩm để xuất khẩu. Họ nắm rõ tổng khối lượng cần thu mua để đáp ứng hợp đồng xuất khẩu, nhưng không bao giờ hợp đồng với nông dân mà để chủ động ép giá. Khi nào cần hạ giá mua vào, họ ngưng thu mua, nông dân phải bán tháo.

Đến lượt nhà đầu cơ mua gom với giá rẻ để trữ hàng. Nhà đầu cơ là những người có chung lợi ích với những tập đoàn độc quyền được kể ra trên kia.

Tuy hoàn toàn lệ thuộc vào người mua nhưng nông dân không bao giờ ký hợp đồng với người bán trước khi đầu tư canh tác. Giá nông phẩm đầu ra vào mùa thu hoạch hoàn toàn do "thị trường" của những nhà đầu cơ chi phối.

Năm nào cũng vậy, được mùa có nghĩa là giá rớt thê thảm, thương lái hoặc dìm giá hoặc trả chậm hoặc cả hai. Người nông dân làm ra sản phẩm nhưng không có quyền ra giá hay ra điều kiện mua bán. Người mua luôn tạo ra trạng thái "ế thừa". Do đó mà trong quan hệ người mua luôn nắm vai trò chủ động, nông dân luôn ở thế bị động.

Khi có người mua thứ ba từ bên kia biên giới xuất hiện thì tình hình sẽ khác, trạng thái "ế thừa" nông phẩm biến mất, tác dụng có lợi cho nông dân. Lúc này người mua truyền thống sẽ la làng lên nào là Thương nhân nước ngoài mua vét, Thương nhân nước ngoài tận thu, Thương nhân nước ngoài săn lùng nông phẩm, Chiêu phá giá của Thương nhân nước ngoài , Doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh với Thương nhân nước ngoài và nhiều giọng điệu khác nữa.

Các doanh nghiệp thu mua trong nước mất thế chủ động dìm giá nông phẩm đưa ra những luận điệu phi thị trường như là Thương nhân nước ngoài tận thu làm nguồn cung thiếu trầm trọng, Thương nhân nước ngoài săn hàng đẩy giá lên cao, Doanh nghiệp lao đao với Thương nhân nước ngoài, Thương nhân nước ngoài mua vét làm cạn kiệt nguyên liệu, Chiêu kích giá của thương nhân nước ngoài làm kẻ đầu cơ trong nước lỡ đà mua hớ ...

Thế là đã rõ, khi có sự xuất hiện của người mua thứ ba , người mua "truyền thống" mất thế độc quyền để ép giá, người nông dân bán nông phẩm được lợi nhờ sự cạnh tranh. Lúc này bài ca Hài hòa giữa lợi ích Nhà nước - Doanh nghiệp - Nông dân lại được cất lên.

Tuy không phải lúc nào nông dân cũng bán được giá cao nhưng thực tế cho thấy ký hợp đồng mua bán trước khi đầu tư nuôi trồng thì sự thịnh vượng được thấy rõ.
Điều này lại ngoài ý muốn của các doanh nghiệp thu mua nông phẩm độc quyền.

Tuesday, July 5, 2011

Báo chí Úc nói gì về in tiền pô li me cho Việt Nam


Cảnh sát Liên bang Úc vừa truy tố 6 cựu quan chức thuộc 2 công ty con trực thuộc Nhân hàng trữ kim Liên bang Úc RBA liên quan đến việc hối lộ nhiều triệu đô la cho các quan chức chính phủ Nam Dương, Mã lai và Việt Nam để giành hợp đồng in tiền.

CEO Myles Curtis của Securency và CEO John Leckenby của Sở in bạc Úc (Note Printing Australia) đối diện với mức án 10 năm liên quan đến cáo buộc 10 triệu đô tiền hối lộ từ 1999 đến 2005. Ông Curtis CEO 1996-2010 3 lần hối lộ Indonesia, Việt Nam và Malaysia. Leckenby CEO 1994-20042 lần lại quả Indonesia và Malaysia.

4 người còn lại là Cựu giám đốc tài chính Securency Mitchell Anderson với hai tội danh hối lộ. Cựu giám đốc tài chính NPA Peter Hutchinson, cựu Giám đốc bán hàng Securency châu Á Ron Marchant và cựu quản lý bán hàng NPA Barry Brady mỗi người đối diện 1 tội danh.

Cựu trợ lý của Thống đốc ngân hàng trung ương Malaysia Daud Mohamad Dol Moin đang phải đối mặt đến 20 năm tù sau khi bị buộc tội dành lại quả từ các công ty thuộc RBA qua trung gian đại lý Abdul Kayum, tại Kuala Lumpur vào cuối năm 2004 và đầu năm 2005.

Theo lời khai, đương sự nhận hối lộ là các ông:

■ Herman Joseph Susmanto cựu trưởng ban tiền tệ ngân hàng trung ương Indonesia và phó của ông ta, Mardiyo bị cáo buộc đã nhận 4.9 triệu đô từ Securency và NPA qua trung gian Radius Christanto tại Jakarta.

■ Cựu thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Đức Thúy, nhận hối lộ của Securency vào năm 2003 bằng học phí của con trai tại Đại học Durham Anh quốc.

■ Một số quan chức cấp cao của Malaysia, nhận của Securency và NPA 4.2 triệu đô.

Chính quyền Indonesia và Malaysia được cho là đã miễn cưỡng đồng ý hợp tác trong điều tra quốc tế, trong khi Việt Nam từ chối hỗ trợ.

Scandal này tạo ra cơn đau đầu lớn cho chính phủ liên bang Úc, làm lung lay uy tín của một quốc gia có tiếng là làm ăn minh bạch.

Nguồn tham khảo

Banknotes and bribes: more arrests to come

Dirty Money

Sex, bribes in banknote deals

Inquiry into banknote deals

Reserve Bank ignores bribery alarm bell

Bất động sản góp phần tăng trưởng

Thị trường bất động sản (BDS) trầm lắng cả năm nay, có nhiều nguyên nhân trong đó có những nguyên nhân như tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, thay đổi cơ cấu cho vay, hạn chế cho vay BDS, xem đầu tư BDS là phi sản xuất, và nhất là do báo chí định hướng nhà đầu tư rời bỏ thị trường. Tất cả những yếu tố đó có nguy cơ làm suy thoái TT BDS.

Những nguyên nhân tích cực được xem là biện pháp của chính phủ nhằm ổn định vĩ mô, đem lại sự tin tưởng cho nhà đầu tư. Mặt khác, những thông tin tiêu cực từ báo chí lại có vấn đề, làm u ám thực trạng kinh tế, có nguy cơ xóa sạch thành quả tăng trưởng mà toàn bộ hệ thống chính trị ra sức cổ vũ. Những thông tin đó là 70% người mua nhà là đầu cơ, hay là thị trường BDS đóng băng sàn đóng cửa, hay là nhà đầu tư mắc kẹt với BDS và nhiều tin khác, những thông tin từ xấu đến rất xấu làm nản lòng nhà đầu tư.

Trong giai đoạn điều chỉnh theo chu kỳ của thị trường BDS, bộ Xây dựng có sáng kiến đề xuất với ngân hàng nhà nước Tăng hạn ngạch cho vay đối với người mua nhà. Không hiểu sao qua báo chí lại bị chế biến thành Chuyển nợ từ nhà đầu tư sang người mua nhà. Tiêu đề bài báo tiêu cực trên trở thành đề tài châm chích của báo chí, đó là Cứu thị trường BDS bằng cách đẩy khó khăn cho dân. Bộ XD chỉ đề nghị NHNN cho người mua vay tiền để mua nhà, người mua nhà có quyền chọn vay hay không vay sao cho có lợi, sao lại bảo là "đẩy khó khăn cho dân".

Thành quả đạt được từ khi đổi mới đến nay đó là thành tích tăng trưởng GDP với tỷ lệ hàng năm trên dưới 10%. Ai cũng biết công thức tính GDP bao gồm Chi tiêu + Đầu tư + Xuất khẩu - Nhập khẩu. Trong đó nhập siêu năm sau nhiều hơn năm trước; chi tiêu chính phủ thì không phải là không có giới hạn, khống chế bội chi không quá 5%; chi tiêu của dân chúng mỗi năm mỗi giảm do lạm phát, thu nhập thực tế năm sau ít hơn năm trước. Vậy tăng trưởng GDP với tốc độ cao nằm ở đâu, nằm ở Đầu tư chứ đâu, nêu bật bản chất tiết kiệm chi tiêu phục vụ nhu cầu cá nhân của dân ta, tất cả cho Đầu tư. Xứ ta danh bất hư truyền với chỉ số ICOR cao thuộc hàng top của thế giới.

Những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc về chi tiêu chính phủ nên không tính vào khoản đầu tư. Mà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực sản xuất không có tăng đột biến, thậm chí còn giảm như là chuyển từ gia công lắp ráp sang nhập khẩu nguyên chiếc. Và cuối cùng lĩnh vực đầu tư tư nhân quan trọng nhất và góp phần chiếm tỷ trọng lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế chính là đầu tư vào BDS. Hay nói cách khác sự tăng trưởng của TT BDS tạo ra sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.

Bao năm nay nhà nước không đánh thuế BDS với chủ đích là để dân chúng dồn hết vốn liếng vào thị trường này với danh nghĩa đầu tư. Với sự tấn công dồn dập của báo chí mang tính định hướng dư luận có nguy cơ gây đổ vỡ thị trường BDS, tạo điều kiện cho suy thoái kinh tế, gây mất ổn định chính trị.

Những tòa nhà chọc trời mọc lên như nấm sau mưa, đã chứng tỏ một nền kinh tế phồn vinh tuy có phần giả tạo, đã hình thành nên một thị trường BDS có sức sống, góp phần tỷ trọng cao vào tăng trưởng GDP. Thực là bất công với những đóng góp của TT BDS vào sự phát triển của đất nước.

Saturday, July 2, 2011

Lạm phát - In tiền

Nghị quyết chống lạm phát đã đi được chặng đường 6 tháng, và vẫn còn con đường thênh thang phía trước. Thủ phạm gây ra lạm phát lần lượt được phát hiện và phát lệnh truy nã.

Đầu tiên phải kể đến vàng và đô la, được xác định là do ta nhập khẩu lạm phát từ đất nước của đồng đô là là nước Mỹ. Lệnh cấm lưu hành vàng và đô la ngấm ngầm hay công khai lần lượt được tung ra. Chiến dịch có những lúc tưởng chừng như tới hồi quyết liệt đỉnh điểm là vụ tạm giữ và niêm phong 400 ngàn đô. Cộng với việc kết hối một phần ngoại tệ trong tài khoản một số doanh nghiệp, kết quả khả quan là đã phát hành nội tệ để mua đô tăng dự trữ lên một lượng 3 tỷ đô.

Đồng thời giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ, tăng lãi suất tiền Việt đã huy động được một lượng vốn lớn chảy vào ngân hàng. Trong 2 tháng Petrolimex mua được từ các NHTM 1.3 tỷ đô phục vụ nhập khẩu.

Tưởng chừng như lạm phát được loại trừ, cỗ xe GDP quốc gia tiếp tục trên con đường hoan lộ. Nhưng không, không phải như vậy. Vàng hay đô là là nơi trú ẩn bảo toàn vốn khi không có cách nào khác trong hoàn cảnh lạm phát phi mã như hôm nay.

Người ta khám phá ra rằng đầu tư vào địa ốc, BDS là lãnh vực sinh lời nhanh nhất. Số tài sản của người dân Việt bây giờ không phải là bao nhiêu triệu đô la hay bao nhiêu ngàn lượng vàng mà là có bao nhiêu lô đất nền, có bao nhiêu ngôi biệt thự chưa hoàn thiện, có bao nhiêu căn chung cư. Không ngoài quy luật đó, các ngân hàng trong năm 2010 và những năm trước đó có lợi nhuận mỗi năm vài ngàn tỷ đồng, cũng dồn vốn liếng vào địa ốc để gấp bội lợi nhuận.

Ngày trước Tất cả cho tiền tuyến thì ngày nay Tất cả cho BDS. Đến nỗi thu hút hết nguồn lực cho sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất nông nghiệp. Cung Hàng hóa giảm trầm trọng dẫn tới giá cả tăng vọt. Người dân phải tăng dự trữ tiền mặt dành cho nhu cầu mua lương thực thực phẩm và những mặt hàng thiết yếu khác. Dẫn đến tình trạng càng lạm phát càng thiếu tiền mặt. Bài toán thiếu tiền mặt được Ngân hàng Nhà nước giải dễ dàng bằng lý giải của một vị Đại biểu Quốc hội, Tiền đồng chúng ta in được. Phát biểu này nổi tiếng đến mức ai cũng biết nhưng không thể tìm thấy link trên mạng internet.

Nhận thức được Lạm phát gia tăng và Chống lạm phát trở thành nhiệm vụ chính trị. Để hạn chế đòn bẩy đầu tư, NHNN quyết định nâng lãi suất cơ bản. Lãi vay cao làm cho doanh nghiệp sản xuất hạn chế quy mô trong phạm vi vốn tự có, càng làm cho cung hàng hóa càng giảm dẫn đến giá cả tăng.

Mặt khác lãi suất cao đẩy những doanh nghiệp sử dụng nhiều vốn vay vào cảnh lãi ít hoặc thua lỗ. Việc thua lỗ làm tăng các khoản nợ xấu. Ngân hàng lãi cao nhưng kém thanh khoản, thậm chí mất khả năng chi trả (default) trong thực tế.

NHNN ra tay cứu các NHTM default bằng cách in tiền như Tái cấp vốn 70 ngàn tỷ đồng, tung tiền đồng mua 3 tỷ đô, Trái phiếu đáo hạn 40 ngàn tỷ.

Rốt cuộc là chống Lạm phát bằng cách In tiền.

Friday, July 1, 2011

CPI ảnh hưởng thế nào

Một định hướng đang nổi cộm hiện nay là việc Chính phủ trình "Quốc Hội" về việc nới chỉ số CPI từ 11.75% lên 17% sau khi điều chỉnh thành 15% từ tháng trước. Kỳ trước chúng tôi đã đăng bài Chỉ số CPI, giá cả tăng và thu nhập thực tế. Kỳ này sẽ bàn về sự thay đổi chỉ tiêu ấy để làm gì, và nó ảnh hưởng ra sao đến với mỗi công dân nước CH XHCN Việt Nam.

Theo số liệu được chính thức công bố, CPI tháng tháng 6/2011 là 1.09% có nghĩa là CPI năm đã là 20.82%. Xin nói lại cho rõ CPI tháng được người ta thống kê hàng tháng, CPI năm được nội suy bằng cách lấy tích số của 12 kỳ CPI tháng liên tiếp. Người ta cần biết chỉ số CPI năm để so sánh với lãi suất tiền gửi xem có nên ký thác tiền mặt cho ngân hàng hay không.

Vậy chỉ số CPI có quan trọng với chúng ta không và mức độ cám dỗ của nó như thế nào mà phải vận dụng cả hệ thống chính trị để lèo lái và làm méo nó.

Đối với doanh nhân, CPI tăng đem lại lợi nhuận tăng so với trước. Lý do là sự tăng giá của nguyên liệu (đầu vào) luôn có độ trễ so với sự tăng của giá hàng bán, do việc luôn có một lượng tồn kho. Trích từ báo đảng Công ty Xi măng Hoàng Thạch và Công ty Xi măng Hoàng Mai tăng giá bán từ 163.000 - 171.000 đồng/tấn, tương đương 18,2 - 18,9%, trong khi ảnh hưởng tăng của các yếu tố chi phí đầu vào chỉ tăng 14,1 - 16,3% so với giá thành năm 2010. Công ty CP Việt Pháp cũng đã tăng giá bán thức ăn gia súc khoảng 8,25%, trong khi đó chi phí sản xuất bình quân chỉ tăng 6,49%. Hết trích

Đối với người tiêu dùng, xảy ra 2 tình huống. Một là, giữ nguyên tổng số tiền phải chi (tức là tiêu hết số lương được lãnh), hoặc giảm lượng, hoặc giảm phẩm vật chất được hưởng thụ. Cụ thể là phải dùng ít đi, ăn ít hơn hoặc ăn thực phẩm kém phẩm chất.

Hai là, phải tăng số tiền chi cho cùng số lượng tiêu thụ như cũ hay đơn giản là tiêu nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, điều lý thú ở đây là người tiêu nhiều tiền hơn lại phải chi thêm ít hơn người tiêu tiền ít hơn. Hay nói cách khác người giàu phải móc thêm hầu bao ít hơn là người kém giàu.

Báo Sài Gòn Tiếp thị thống kê từ doanh thu của siêu thị doanh số thực phẩm chiếm 34.3% tổng doanh số. Theo Vneconomy.com chi phí cho lương thực thực phẩm chiếm 56% tổng thu nhập. Theo Ngân hàng thế giới mà báo An ninh thế giới dẫn nguồn, chi tiêu cho thực phẩm chiếm tới 70% tổng thu nhập. Còn theo kinh nghiệm của một gia đình sống ở TP HCM, năm 2008 chi tiêu cho ăn uống chiếm 40% thu nhập của cả gia đình thì nay con số đó là 70%.

Với những người chi tiêu bạc tỷ mỗi tháng thì lại khác, thí dụ như Cường đô la. Những thứ tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn của anh ta như xe hơi thì không lên giá, còn thực phẩm mà anh ta dùng hàng tháng không chiếm tới 1% thu nhập.

Vậy chi tiêu thật nhiều tiền là cách làm vô hiệu hóa chỉ số CPI.