Wednesday, April 27, 2011

Cân đối ngân sách và tỷ giá đô la

Xem bài trước Bảo toàn vốn và vai trò của giới đầu cơ

Dòng ngoại tệ ra vào nền kinh tế VN khá phong phú. Bao gồm nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xây dựng và cả nông phẩm. Xuất khẩu hàng gia công, nông phẩm thô và nông phẩm đã qua chế biến. Một dòng tiền quan trọng đi một chiều là tiền gửi về nuôi thân nhân và tiền thu nhập từ tiền công lao động ở ngoài nước. Theo tiết lộ của ông Cao Sỹ Kiêm mặc dù hàng năm nhập siêu khoảng 10 tỷ đô nhưng ta vẫn cân đối được và có dư ngoại tệ, phải hiểu đây là nguồn thu ròng, thuần túy là đem đô la nhập cảnh. Lý giải như vậy để cho thấy việc thất quân bình lưu chuyển tiền tệ là không xảy ra.

Ngân sách hàng năm được chính phủ công bố chiếm khoảng 30% GDP từ nguồn thuế và nguồn lợi khoáng sản. Ngân sách này ngoài chi tiêu cho việc trả lương cho 7 triệu công chức còn là chi cho lễ hội và các di tích lịch sử và đầu tư vào các "nắm đấm" hay các tập đoàn quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong toàn nền kinh tế. Các khoản chi này thường là không có giới hạn và vượt ra ngoài so với khoản bội chi công bố 5-7%. Để hỗ trợ cho các khoản chi này cần dùng 2 biện pháp: một là nới rộng lưu lượng tiền tệ, hay nói cách khác là in thêm tiền; hai là lấy từ túi dân chúng.

Hàng năm chúng ta xuất dầu thô và nhập nhiên liệu với một sản lượng ổn định. Về nguyên tắc ta bán dầu giá cao thì mua xăng về giá cao, tổng đại số thu - chi của cả nền kinh tế không thay đổi mấy. Vai trò của tỷ giá bắt đầu thể hiện ở đây, khi giá đô giảm nghĩa là nguồn thu từ dầu sẽ giảm tính theo Đồng và số tiền người dân phải trả để mua xăng sẽ giảm đi, nghĩa là ngân sach bị thiệt (tính theo Đồng) và người dân được lợi. Ngược lại khi giá đô tăng lên so với Đồng, người dân phải móc hầu bao nhiều hơn cho cùng một lượng xăng đổ và số tiền tăng lên tương ứng bên ngân sách. Bài toán thâm hụt ngân sách đã được giải trong điều kiện phải hạn chế số tiền Đồng in ra.

Có thể nói việc tăng tỷ giá đô hay phá giá tiền Đồng là chủ trương, vừa là mục đích vừa là phương tiện để cân đối ngân sách.

Tuesday, April 26, 2011

Ai làm cho đô la tăng giá? Do dân giữ đô, do thương gia đầu cơ hay do chính phủ chủ động

Cái lý của các cá nhân giữ đô:

- Không có đủ tiền để đầu tư vào nhà đất
- Không có thời gian hay điều kiện để đầu tư kinh doanh
- Tin tưởng rằng đô la được lưu hành trên toàn thế giới nên mất giá ít
- Giá vàng hiện đã quá cao, không thể là phương tiện dự trữ lâu dài được.

Thương nhân dùng đô như thế nào:

Do có sự chênh lệch về lãi suất giữa nội tệ (trước đây là 14-18% nay là 20-25%) so với đô la (trước đây 6% nay là 3% và có thể giảm xuống còn 0%) mà có hiện tượng carry trade trong thị trường tín dụng. Các doanh nghiệp vay đô để nhập hàng, bán hàng thu tiền Đồng rồi dùng tiền này mua đô của ngân hàng để trả gốc và lãi cho ngân hàng hoàn tất một chu kỳ vay - trả.

Nếu tỷ giá không thay đổi thì đây là một phương án kinh doanh có lợi sau khi trừ những khoản phí phải trả cho ngân hàng, thương nhân có lợi nhuận cơ hội so với việc vay tiền Đồng ít nhất là 5% phân lời. Rủi ro của phương án kinh doanh này là mỗi khi ngân hàng nhà nước công bố tỷ giá mới - tỷ giá này luôn là đô tăng giá so với Đồng - thì thiệt hại cơ hội chính bằng tỷ lệ phá giá tiền Đồng. Nhưng trong kinh doanh có suôn sẻ như thế không, rất tiếc là không. Rủi ro không phải theo một xác suất mà là một biến cố chắc chắn xảy ra trong tương lai gần.

Ngân hàng với tư cách là người cho vay là doanh nghiệp huy động vốn của nhiều cá nhân nhỏ lẻ và cho doanh nghiệp vay một khoản lớn theo yêu cầu kinh doanh của họ. Về nguyên lý thì cho vay đô hay Đồng ngân hàng đều ăn một tỷ lệ lãi tương đương. Điểm khác biệt giữa Đồng và đô là ở chỗ tiền Đồng có thể được NHNN "hỗ trợ" bằng cách in thêm còn đô thì không.

Trong thực tế ngân hàng luôn khó khăn trong việc huy động đô la để cho khách hàng vay và NHNN khó có thể "tăng mức lưu hoạt có định lượng" được vì không được FED cho phép. Mặt khác một dòng tiền không nhỏ từ chính nước Mỹ ủy thác tại ngân hàng VN để lấy phân lời. Mặt trái của dòng tiền này là khi họ rút tiền về sẽ tạo ra mất thanh khoản cục bộ nhất là với những ngân hàng nhỏ. Để bảo vệ các ngân hàng không có cách nào tốt hơn là phá giá tiền Đồng để cho giới đầu cơ đô chốt lời tạo thanh khoản.

Vai trò của giới đầu cơ

Giới đầu cơ lâu nay bị hiểu theo nghĩa xấu: đầu cơ tích trữ rồi nâng giá hàng hóa để trục lợi. Đó là tư duy lạc hậu, khi mà nền sản xuất hàng hóa năng suất thấp không đủ cung ứng cho thị trường. Đầu cơ lại có tác dụng tích cực trong nền kinh tế sản xuất hàng hóa - nó có vai trò tích cực ở chố điều tiết hàng hóa. Nhà đầu cơ nổi tiếng xứ ta là ông Trịnh Văn Bô, nhà đầu cơ gạo trong nạn đói 1945.

Trong thị trường ngoại tệ trong nước, vai trò điều tiết thị trường của giới đầu cơ là không thể phủ nhận, giao dịch thuận tiện tại các tiệm vàng, phí giao dịch rẻ chưa tới 1%, mua bán sỉ chỉ tốn 0.2%. Đây là thị trường mua ngoại tệ mà các doanh nghiệp nhập khẩu quan tâm, dễ dàng mua thêm ngoài định lượng của ngân hàng.

Giới đầu cơ là những người có tài sản lớn không kể những thế lực trong chính quyền, họ có đội ngũ giúp việc chuyên môn. Theo đó giới chủ ngân hàng, các đầu mối kinh doanh vàng là lực lượng nòng cốt của giới đầu cơ. Trên phương tiện thông tin đại chúng người ta gọi là Nhóm Thân hữu hay Nhóm Lợi ích.

Bằng cách nào đó mà những sự thay đổi tỷ giá (phá giá) của NHNN được những nhóm này chủ động "đi tắt đón đầu" hiệu quả.

Xem tiếp Cân đối ngân sách và tỷ giá đô

Friday, April 22, 2011

Tháng Tư hoa anh đào

Tháng 4 mùa hoa anh đào xứ Phù Tang. Hoa anh đào chỉ nở trong 2 tuần lễ rồi tàn. Nó không nở cùng lúc trên đất Nhật. Bắt đầu từ Okinawa rồi tới Tokyo và kết thúc trên núi Phú Sĩ.

Trong văn hóa Nhật, hoa anh đào tượng trưng cho vẻ đẹp của sự sống. Các samurai Nhật coi hoa anh đào là biểu tượng và là hình trên trang phục của họ. Nếu không kịp thưởng hoa xứ sumo, ta có thể qua Washington DC ngắm hoa muộn vậy. Tại Washington DC hoa anh đào nở là dấu hiệu mùa xuân.

Hoa anh đào đến với xứ Mẽo trong hoàn cảnh không được thuận lợi. Đầu thế kỷ 20, một phụ nữ Mỹ đến Nhật Bản và cảm nhận được vẻ đẹp của hoa anh đào. Bà đề nghị với Chính phủ về việc trồng anh đào tại thủ đô, nhưng các quan chức đã làm ngơ trước đề nghị của bà. Bà thỉnh cầu suốt 20 năm mà không được đáp ứng. Rồi một viên chức ngành nông nghiệp sang Nhật và cũng rất thích vẻ đẹp của hoa anh đào nên đã mang về Mỹ để trồng.

Vào khoảng 1909, bà viết thư gửi đến một phụ nữ quan trọng nhất quận Columbia (chữ DC là hàm nghĩa này), đó là phu nhân tổng thống William Howard Taft, bà Helen. Bà Helen Herron Taft đồng ý tiếp nhận 2000 cây giống được CP Nhật tặng Hoa Kỳ. Không may thay cơ quan quản lý nông nghiệp Mỹ phát hiện cây bị nhiễm dịch và ra lệnh đốt sạch 2000 gốc anh đào.

Năm 1912 Nhật gửi tăng 3000 cây anh đào khác, phu nhân Helen và vợ của Đại sứ Mỹ tại Nhật trồng hai cây đầu tiên và những cây này còn đứng đến bây giờ đó là những gốc bên bờ hồ.

Tour ngắm hoa anh đào ở Washington DC là một dịch vụ quan trọng trong ngành du lịch Mỹ. Trong hai tuần lễ ngắn ngủi, họ luôn luôn bảo trì vẻ đẹp của thắng cảnh, có một đội chuyên nghiệp để chăm sóc và cắt tỉa. Việc bẻ cành hoa để làm kỷ niệm là điều cấm ở đây. Nếu ai cũng bẻ cành thì sẽ không còn hoa để thưởng nữa, nên quí vị sẽ bị phạt vạ nếu vi phạm.

Các tấm ảnh chụp anh đào bên xứ Mỹ ta thấy lấp ló một cái cột giông giống như ống khói lò gạch Đại La phố Cát Linh nhưng thô hơn. Đó là tượng đài George Washington, vị tướng trong kháng chiến chống quân Anh, một vị tướng mà đánh trận nào thua trận ấy, chỉ biết thắng trận cuối cùng và giành độc lập cho Mỹ quốc.

Tượng đài Washington hay tháp Washington là điểm quan trọng của thủ đô Washington DC. Tháp được xây bằng gạch và có 2 màu gạch khác nhau, do công trình bị đình hoãn 20 năm do những bất đồng chính trị và thiếu kinh phí. Khi có quyết định tiếp tục xây thì màu gạch cũ đã không còn. Đây là hình ảnh tháp bị ngưng sau khi đã xây được một phần.

Thiết kế ban đầu của tháp là như thế này, tầng dưới sẽ làm nhà lưu niệm.

Do không đủ kinh phí nên dự án đã được thay đổi thành hình thù như ta đã thấy ngày nay.
Nước Mỹ đâu phải là giàu, xây mỗi cái bia tưởng niêm cho Quốc Phụ mà phải tranh cãi lên xuống để rồi rút gọn đi trở thành cây cột trơ chọi chống trời.

Thursday, April 21, 2011

Những nghề vàng son sẽ vào dĩ vãng

1. Dịch vụ điện thoại đường dài
Điện thoại đường dài có đặc điểm là vị trí địa lý càng xa thì càng đắt. Lão làng trong nghề là đại gia AT&T xứ Mẽo. Cước điện thoại quốc tế phụ thuộc quan hệ giữa các nhà nước với nhau. Cước gọi qua lại giữa các quốc gia càng không thân thiện thì rất đắt.

Ngày nay do có nhiều phương tiện liên lạc khác, quan hệ giữa các nước hòa hiếu hơn và nhất là kỹ thuật internet được phổ biến rộng rãi, doanh thu điện thoại đường dài giảm hẳn và có nguy cơ không có lãi trong tương lai gần.

Thu nhập trong ngành khai thác điện thoại đường dài giảm 55% trong 10 năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục giảm 35% trong 5 năm kế tiếp. Hiện tại và trong tương lai không xa nữa, điện thoại di động sẽ thay thế điện thoại hữu tuyến.

2. Nghề phát hành băng đĩa
Nguyên lý của nghề này là mua show riêng, quay phim hay ghi âm rồi phát hành hàng loạt. Giới thương mại gọi là Mua sỉ Bán lẻ một chương trình văn nghệ.

Ký thuật số mỗi lúc một cao, RIP một đĩa DVD trong chưa đầy 30 phút rồi phát tán lên internet là nguyên nhân gây phá sản cho nghề này. Trong 10 năm qua doanh thu nghề này sụt giảm đến 76%. Hải ngoại từ chỗ có hàng trăm trung tâm băng đĩa nhạc, đến nay số trung tâm ấy không vượt qua số lượng ngón tay trong một bàn tay.

3. Nghề in tráng phim ảnh hay kỹ thuật phòng tối
Mới 10 năm về trước máy chụp hình phim còn phổ biến, kỹ thuật in tráng tự động minilab tuy không đẹp bằng thủ công nhưng được cái nhanh - nhiều - tốt - rẻ nên đạt thịnh vượng khi ấy. Đến nay máy chụp hình digital compaq còn rẻ hơn một máy chụp phim và ai cũng có thể in được ảnh bằng máy in màu và kỹ thuật minilab cũng chuyển hệ sang digital.

Trong 10 năm qua doanh thu ngành này giảm 70% và dự kiến giảm tiếp 40% trong 5 năm nữa. Trên thực tế không ai làm buồng tối lúc này nữa

4. Nghề dựng phim
Trước kia đạo diễn quay các scene riêng biệt bằng phim nhựa tráng iodur bạc, tức là phim analog, thu lời thoại riêng. Người dựng phim sẽ trên cơ sở nguyên liệu đó thêm âm thanh vào ráp từng đoạn lại để thành một tác phẩm điện ảnh. Tác phẩm này được in sao hàng loạt mang đi phát hành tại các rạp hoặc lưu trữ ở trung tâm.

Ngày nay công nghệ làm phim đã khác, người ta đồng thời thu hình và tiếng, dữ liệu số ghi vào đĩa cứng và xử lý bằng phần mềm của Sony. Có thể nói ai cũng có thể tự dựng được phim bvowsi một cái PC. Dù sao cũng đòi hỏi có kiến thức về nghệ thuật điện ảnh và yêu cầu kinh nghiệm đối với người dựng phim cho ra một tác phẩm tốt.

Doanh số nghề này đã giảm 25% trong 10 năm qua và dự kiến tiếp tục giảm 12% nữa trong 5 năm kế tiếp.

5. Nghề báo in
Từ khi có sự ra đời của máy thu thanh (radio) người ta đã nghĩ tới việc một ngày nào đó sẽ không cần tới báo in nữa. Nhưng tiếp theo sự ra đời của truyền hình (TV) vẫn song song tồn tại báo in cho đến khi internet trở nên phổ biến.

Internet có khả năng thay thế tất cả các loại báo truyền thống từ báo đọc đến báo nghe và báo hình. Và đặc biệt là quảng cáo trên internet còn có hiệu quả cao hơn các loại báo còn lại.

Doanh thu của báo in giảm 25% trong 10 năm và sẽ giảm tiếp 11% trong 5 năm tới.

Wednesday, April 20, 2011

Thân phận mong manh của tài xế

Gần đây liên tiếp những vụ tự gây ra tai nạn của tài xế xe tải - hàng hóa vật tư trên thùng xe cán bẹp ca bin gây thương vong cho tài xế và người ngồi bên trong buồng lái - dân dã gọi là tự tay bóp giái. Sau đây là những vụ điển hình.

- Trụ bêtông dồn về phía trước, đè bẹp cabin, tài xê thương nặng, phụ xe chết tại chỗ. Xa lộ Hà Nội, Q9.


- Xe chở thép tấm đè bẹp ca bin, QL5


- Xe chở thép cuộn, đứt dây chằng, đè chết tài xế, ĐL Nguyễn Văn Linh


Tâm lý tài xế rất chủ quan, họ cho rằng ngồi trong ca bin nghĩa là vững chắc như ngồi trong lô cốt. Thực ra độ vững chắc của ca bin xe tải chỉ vững chắc với xe máy thôi, chứ nó rất yếu ớt so với ca bin xe đối đầu, và càng yếu hơn nữa nếu so với hàng hóa trên xe.

Nguyên lý của những tai nạn loại này là do Lực Quán Tính - giới vật lý gọi là Lực Ảo - gây ra, khối hàng càng lớn thì lực này càng lớn, tất nhiên. Và tai nạn chỉ xảy ra với xe đang chạy, vậy còn nguyên nhân tốc độ nữa. Vậy quan hệ khối lượng với tốc độ trong trường hợp này thế nào?

Khi xe chở hàng đang chạy, cơ năng của khối hàng trên xe là W=mv2/2, trong đó m là khối lượng và v là vận tốc, lưu ý yếu tố vận tốc có tỷ lệ bậc 2 nghĩa là động năng của khối hàng tỷ lệ với bình phương vận tốc. Khi hãm xe lại nghĩa là làm giảm động năng của khối hàng xuống. Lực làm giảm này là ma sát với sàn xe hoặc lực biến dạng xích neo, dây buộc - tạm gọi là Lực Hãm Nội Bộ - nó chỉ phát sinh khi phanh xe để giảm tốc độ. Nếu những lực hãm nội bộ này không đủ lớn thì cơ cấu tạo ra Nó bị phá hủy, kết quả là khối hàng lao về phía trước cán nát ca bin.

Nói dài dòng như vậy để cho thấy nguyên nhân tai nạn là do tốc độ nhiều hơn là do khối lượng.

Biện pháp an toàn:
1. Tốc độ chạy xe an toàn
2. Tăng cường cơ cấu tạo ra lực hãm nội bộ
3. Đặt ca bin phía đằng sau

2 biện pháp (1) và (2) ai cũng biết nhưng không thèm thực hiện. Với biện pháp (3) chưa có tiền lệ nên khuyến cáo tài xế xe tải ham tốc độ có thể đổi nghề sang lái tàu thủy.

Tuesday, April 19, 2011

Tờ Hoa của Nguyễn Tuân

Mục Đời sống Nghệ sĩ, báo Bắc Giang có bài viết về giai thoại có liên quan đến nhà văn Nguyễn Tuân của tác giả Ngọc Trai nguyên văn như sau:

Hồi ông Như Phong còn làm Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, việc in tập ký của Nguyễn Tuân đã đưa đến cuộc tranh cãi giữa Như Phong và Nguyễn Tuân. Như Phong đề nghị rút bài Tờ hoa ra khỏi tập ký, Nguyễn Tuân không đồng ý. Như Phong thuyết phục: "Ông không nên vì Tờ hoa mà bỏ cả tập ký". Nguyễn Tuân đối đáp lại: "Ông cũng không nên bỏ Tờ hoa mà mất cả tập ký". Ngày ấy không ai chịu ai, vì vậy tập ký Nguyễn Tuân đành gác lại một thời gian dài. Sau này "Ký" của Nguyễn Tuân đã được in ra với đầy đủ cả Tờ hoa.
Hết trích

Có vẻ như ông Như Phong (không phải Như Phong báo Công an) có quyền duyệt bài. Sự thực là nhà xuất bản chỉ thừa hành lênh của Ban Văn hóa Tư tưởng đứng đầu là đ/c Tố Hữu. Theo đề nghị của Ban phải bỏ tác phẩm Tờ Hoa khỏi tuyển tập. Ông Như Phong nể Nguyễn Tuân nên khó xử. Ông bèn đến nhà Nguyễn Tuân năn nỉ:
- Có mất gì đâu, cả cuốn Tuyển tập có giá trị, có thêm Tờ Hoa vào nó cũng chẳng thêm giá trị
- Nếu có nó mà không ảnh hưởng gì, thì để nó lại có làm sao đâu, Tuân đáp.

Tác phẩm Tờ Hoa nội dung ra sao, có điều gì nghiêm trọng vậy?
Đại ý Nguyễn Tuân quan sát thấy cả Ong lẫn Bướm cùng hút nhụy hoa nhưng chỉ duy có Ong là làm ra mật còn Bướm thì không. Học văn mà không sáng tác nổi mới đi làm phê bình.

***

Độc giả ai có bản Tờ Hoa, xin cảm ơn.

Cận cảnh đồ hiệu

Thời lạm phát ai cũng biết, Ban VHTT và Chính phủ vận động toàn dân sống chung với lạm phát, nghĩa là thắt lưng buộc bụng, ăn hàng kém phẩm chất vân vân. Báo VNExpress giới thiệu những nơi bán 240 triệu đồng cho chiếc túi Hermes Birkin, 120 triệu đồng mỗi bộ Veston. Tiếc rằng họ lại chụp cảnh xa nên nhiều độc giả không hình dung ra những món đồ ấy thế nào. Xin giới thiệu những món đồ ấy một cách cụ thể hơn.

Đây là chiếc túi xách Hermes Birkin mà Kim dùng đựng đồ thay ra sau khi tập thể dục. Túi này yết giá $15,000 đến $20,000 tùy nơi

Gym style: Kim Kardashian leaves a gym in Studio City
carrying a rather expensive kit bag

Xin giới thiệu một vài món khác
Đôi giày da sấu thượng hạng hiệu A. Testoni từ Ý đại lợi, đóng bằng công nghệ Na Uy, với lót da dê, đáy vải lanh, khuy cẩn ru bi.

Đôi giày A. Testoni giá $38,000

Chiế áo sơ mi hiệu Eton Thụy Điển, làm từ bông Ai Cập, măng set nạm kim cương giá 23 ngàn bảng

Monday, April 18, 2011

Học tiếng Anh qua Tam Thiên Tự

Thành viên Le^Nam bên ếch cà sưu tầm ở đâu đó bài vè Tam Thiên Tự
Xin cảm ơn tác giả Vô Danh và bạn Le^Nam

Long dài, short ngắn, tall cao
Here đây, there đó, which nào, where đâu
Sentence có nghĩa là câu
Lesson bài học, rainbow cầu vồng

Husband là đức ông chồng
Daddy cha bố, please don't xin đừng
Darling tiếng gọi em cưng
Merry vui thích, cái sừng là horn

Rách rồi xài đỡ chữ torn
To sing là hát, a song một bài
Nói sai sự thật to lie
Go đi, come đến, một vài là some

Đứng stand, look ngó, lie nằm
Five năm, four bốn, hold cầm, play chơi
One life là một cuộc đời
Happy sung sướng, laugh cười, cry kêu

Lover tạm dịch người yêu
Charming duyên dáng, mỹ miều graceful
Mặt trăng là chữ the moon
World là thế giới, sớm soon, lake hồ

Dao knife, spoon muỗng, cuốc hoe
Đêm night, dark tối, khổng lồ giant
Fun vui, die chết, near gần
Sorry xin lỗi, dull đần, wise khôn

Bury có nghĩa là chôn
Our souls tạm dịch linh hồn chúng ta
Xe hơi du lịch là car
Sir ngài, Lord đức, thưa bà Madam

Thousand là đúng... mười trăm
Ngày day, tuần week, year năm, hour giờ
Wait there đứng đó đợi chờ
Nightmare ác mộng, dream mơ, pray cầu

Trừ ra except, deep sâu
Daughter con gái, bridge cầu, pond ao
Enter tạm dịch đi vào
Thêm for tham dự lẽ nào lại sai

Shoulder cứ dịch là vai
Writer văn sĩ, cái đài radio
A bowl là một cái tô
Chữ tear nước mắt, tomb mồ, miss cô

May khâu dùng tạm chữ sew
Kẻ thù dịch đại là foe chẳng lầm
Shelter tạm dịch là hầm
Chữ shout là hét, nói thầm whisper

What time là hỏi mấy giờ
Clear trong, clean sạch, mờ mờ là dim
Gặp ông ta dịch see him
Swim bơi, wade lội, drown chìm chết trôi

Mountain là núi, hill đồi
Valley thung lũng, cây sồi oak tree
Tiền xin đóng học school fee
Yêu tôi dùng chữ love me chẳng lầm

To steal tạm dịch cầm nhầm
Tẩy chay boycott, gia cầm poultry
Cattle gia súc, ong bee
Something to eat chút gì để ăn

Lip môi, tongue lưỡi, teeth răng
Exam thi cử, cái bằng licence...
Lovely có nghĩa dễ thương
Pretty xinh đẹp, thường thường so so

Bingo là chơi lô tô
Nấu ăn là cook, wash clothes giặt đồ
Push thì có nghĩa đẩy, xô
Wedding đám cưới, single độc thân

Foot thì có nghĩa bàn chân
Far là xa cách còn gần là near
Spoon có nghĩa cái thìa
Toán trừ subtract, toán chia divide

Dream thì có nghĩa giấc mơ
Month thì là tháng, thời giờ là time
Job thì có nghĩa việc làm
Lady phái nữ, phái nam gentleman

Close friend có nghĩa bạn thân
Leaf là chiếc lá, còn sun mặt trời
Fall down có nghĩa là rơi
Welcome chào đón, mời là invite

Short là ngắn, long là dài
Mũ thì là hat, chiếc hài là shoe
Autumn có nghĩa mùa thu
Summer mùa hạ, cái tù là jail

Duck là vịt, pig là heo
Rich là giàu có, còn nghèo là poor
Crab thì có nghĩa con cua
Church nhà thờ đó, còn chùa temple

Aunt có nghĩa dì, cô
Chair là cái ghế, cái hồ là pool
Late là muộn, sớm là soon
Hospital bệnh viện, còn school là trường

Dew thì có nghĩa là sương
Happy vui vẻ, mệt nhoài weary
Exam có nghĩa kỳ thi
Nervous lo lắng, Mommy mẹ hiền.

Region có nghĩa là miền,
Interupted gián đoạn, còn liền next to.
Coins chỉ những đồng xu,
Còn đồng tiền giấy paper money.

Here để chỉ tại đây,
A moment một lát, ngay giờ right now.
Brothers-in- law đồng hao.
Farm-work làm ruộng, đồng bào fellow-countryman

Narrow-minded nhỏ nhen,
Open-handed hào phóng, còn hèn là mean.
Vẫn còn thì dùng chữ still,
Kỹ năng là cái chữ skill khó gì!

Munia tên gọi chim ri
Kestrel chim cắt có gì khó đâu.
Migrant kite là chú diều hâu
Warbler chim chích, hải âu petrel.

Stupid có nghĩa là khờ,
Đảo lên đảo xuống, là stir nhiều nhiều.
How many có nghĩa bao nhiêu.
Too much nhiều quá, a few một vài

Right là đúng, wrong là sai,
Chinese Chess cờ tướng, đánh bài play cards.
Flower có nghĩa là hoa
Hair là mái tóc, da thì là skin.

Buổi sáng thì là morning,
Kings là vua chúa, còn Queen nữ hoàng
Wander có nghĩa lang thang
Màu đỏ là red, màu vàng yellow.

Yes là đúng, không là no
Fast là nhanh chóng, còn slow chậm rì.
Sleep là ngủ, go là đi
Weakly ốm yếu, healthy mạnh lành.

White là trắng, green là xanh
Hard là chăm chỉ , học hành study
Ngọt là sweet, kẹo candy
Butterfly bướm, còn bee là ong

River có nghĩa dòng sông
Wait for có nghĩa ngóng trông đợi chờ
Dirty có nghĩa là dơ
Bánh mì là bread, bơ là butter.

Bác sĩ thì là doctor
Y tá là nurse, teacher giáo viên
Mad dùng chỉ những kẻ điên,
Everywhere có nghĩa mọi miền gần xa.

A song chỉ một bài ca.
Ngôi sao dùng cái chữ star, có liền!
Firstly có nghĩa trước tiên
Silver là bạc, còn tiền money

Cookie thì là bánh quy,
Can là có thể, với please vui lòng.
Winter có nghĩa mùa đông,
Iron là sắt còn đồng copper.

Kẻ giết người là killer
Cảnh sát police, lawyer luật sư
Emigrate là di cư
Bưu điện post office, thư từ là mail

Follow có nghĩa đi theo
Shopping mua sắm còn sell bán hàng
Space có nghĩa không gian
Hàng trăm hundreds, hàng ngàn thousands.

Stupid có nghĩa ngu đần
Thông minh là smart, equation phương trình.
Television truyền hình
Băng ghi âm là tape, chương trình program.

Hear là nghe, watch là xem,
Electric là điện còn lamp bóng đèn.
Praise có nghĩa ngợi khen
Crowd đông đúc, lấn chen hustle.

Capital thủ đô
City thành phố, local địa phương
Country có nghĩa quê hương
Field là đồng ruộng còn vườn garden.

Chốc lát là chữ moment
Fish là con cá, chicken gà tơ
Naive có nghĩa ngây thơ
Poet thi sĩ, great writer văn hào

Tall thì có nghĩa là cao
Short là thấp ngắn, còn chào hello
Come on có nghĩa mời vô,
Go away hãy cút, còn vồ là pounce.

28 gờ-ram là 1 ounce,
Sail ho! Tàu đó! Shore-bound vô bờ.
Poem có nghĩa bài thơ,
Strong là khoẻ mạnh, mệt phờ dog-tired.

Bầu trời thường gọi là sky,
Life là sự sống còn die lìa đời
Shed tears có nghĩa lệ rơi
Frequent lui tới, lạc đời drift, stray.

Ở lại thì dùng chữ stay,
Đứng lên stand up, nằm dài là lie.
Tomorrow có nghĩa ngày mai
Hoa sen lotus, hoa lài jasmine.

Madman có nghĩa người điên
Private có nghĩa là riêng của mình
Cảm giác là chữ feeling
Camera máy ảnh, hình là photo.

Động vật là animal
Big là to lớn, little nhỏ nhoi
Elephant là con voi
Goby cá bống, cá mòi sardine

Mỏng mảnh thì là chữ thin
Cổ là chữ neck, còn chin cái cằm
Visit có nghĩa viếng thăm
Lie down có nghĩa là nằm nghỉ ngơi

Mouse con chuột, bat con dơi
Separate có nghĩa tách rời, chia ra
Gift thì có nghĩa món quà
Guest thì là khách, chủ nhà homeowner

Bệnh ung thư là cancer
Lối ra exit, entrance lối vào
Up lên, còn xuống là down
Beside bên cạnh, about khoảng chừng.

Stop có nghĩa là ngừng
Ocean là biển, rừng là jungle
Silly là kẻ dại khờ,
Khôn ngoan là smart, đù đờ là slow.

Cửa sổ là chữ window
Special đặc biệt normal thường thôi

Lazy... làm biếng quá rồi
Ngồi mà viết tiếp một hồi... die soon
Ai hứng cứ việc go on,
Còn không thì stop, ta còn nghỉ ngơi!

Sunday, April 17, 2011

Điểm tin và biện pháp giảm lạm phát

1. Lãi suất giảm, giao dịch USD tại ngân hàng ảm đạm
2. Vì sao cán cân thanh khoản ngoại tệ liên tục nhiều năm của VN luôn dương, nhưng ngoại tệ vẫn khan hiếm
3. Giá sữa nhập khẩu tiếp tục tăng
4. Khuyến mãi ồ ạt, điện máy vẫn ế ẩm
5. Những tin ruồi bu khác: tăng giá điện, tăng giá xăng

Có thể nói dự trữ đô la của NHNN ta chưa khá, nếu khá đã la toáng lên rồi. Giao dịch US đô la ảm đạm nói lên điều gì? Nghĩa đen là ít người ra người vô, nghĩa bóng là người bán đô không có mà cũng không có mấy người đủ tiêu chuẩn để mua.

Bác Kiêm nay đã nghỉ hưu tiết lộ, hồi đô la chưa bị cấm tuy nhập siêu nhưng đô vô nhiều ra ít, mà thực tế đô không rẻ. Riêng tiền mặt gửi về ngót nghét 10 tỷ đô mỗi năm. Nay cấm, ngả đô vào ít nhiều suy giảm.

Các báo nói chung tuyệt không nhắc tới chuyện trả nợ nước ngoài 4 tỷ đô chưa tính đến nợ của doanh nghiệp và càng không nhắc đến việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết 11. Và càng không nhắc tới chuyện tại sao GDP tăng mà chi tiêu người dân lại eo hẹp, hoặc là ngân hàng lãi lớn năm trước sang năm nay lại thiếu tiền, quả là quần chúng đói thông tin. Chủ yếu động viên quần chúng có tiền đô nay đang có lãi thấp, một là đổi ra tiền việt - gửi bank lấy lãi, hai là đầu tư sang BĐS - có lợi hơn là giữ đô.

Tin sữa tăng giá bán chạy và hàng điện máy khuyến mãi không ai mua nói lên mấy điều sau:
- Sữa nhập tăng để "đón đầu" xu hướng tăng giá đô ở thị trường VN.
- Tầng lớp thượng lưu (số ít) không bị ảnh hưởng bởi tình trạng lạm phát.
- Hàng điện máy giảm doanh thu cho thấy đầu tư đã giảm, mà đây lại là mấu chốt của vấn đề.

Thời gian qua đô la thị trường trong nước giảm, giá vàng giảm nhiều do với giá thế giới, đây là djp nhập khẩu hàng hóa bàng đô la và vàng theo đường tiểu ngạch, tình trạng win-win của thương lái cả trong và ngoài nước. Thương nhân nước ngoài có cơ hội mua vàng giá rẻ, thương nhân trong nước nhập hàng rẻ hơn trước tạo ra một dự trữ nhất định. Hàng hóa dồi dào cộng với giảm chi tiêu của dân chúng, tình trạng hiện tại là Cung vượt Cầu - lạm phát giảm.

Mặt khác chi phí vay vốn lớn làm giảm xu hướng đầu tư vào sản xuất, hoặc là giá thành hàng hóa cao hoặc làm giảm sản lượng hàng hóa. Thời gian không xa nữa Cung sẽ giảm và không đáp ứng nổi Cầu.

Thực trạng như vậy, còn ách tắc thật sự ở đâu, có phải do dân giữ đô giữ vàng mà ra không hay là vì lý do khác. Ai có vốn mà muốn nó thành vốn chết, nhưng thà không sinh lời con hơn cụt vốn, đó là lý do giữ vàng giữ đô. Ách tắc mà không ai dám nhắc đến đó là:
1. Phải tăng thêm nguồn thu để trả nợ
2. Vốn nó đang ở trong BĐS ấy, phải tháo ra tuy làm sụt giảm GDP trước mắt nhưng kích thích đầu tư vào sản xuất hàng hóa.

Biện pháp:
1. Tăng giá xăng, tăng giá điện, mà tăng thực sự đừng tăng kiểu ruồi bu cò kè công thức hãy thăng 1 lần cho kê hoạch 5 năm.
Chẳng hạn xăng tăng lên 30,000; điện tăng lên 2,500. Các doanh nghiệp xăng dầu và điện là DNNN tính đủ chi phí và lãi định mức còn lại là thuế. Khi có ngân sách dồi dào có tiền trợ cấp tiền điện cho hộ nghèo, họ không xài điện thì họ được hưởng tiền. Loại bỏ được sự làm dụng của những dự án lấy giá điện rẻ làm phương tiện sinh lời như các DN cán thép, nung xi măng.

2. Đánh thuế BĐS, sẽ tạo ra một nguồn thu đáng kể vừa giải tỏa được những món nợ gói trong nợ cho ngân hàng. Mặt khác mở rộng được thị trường, thu hút nguồn ngoại tệ lớn.

Friday, April 15, 2011

Giải nghĩa vụ lỗ 3000 tỷ của Agribank

Gần đây báo chí làm ầm ĩ những vụ việc thuộc hàng không đáng kể, để độc giả không chú ý đến những vụ việc to lớn hơn. Như là thổi phồng công an mang kính đen vi phạm điều lệnh (đã lạc hậu) để che đi những cái chết mờ ám của những đối tượng đi "làm việc" với công an. Trong kinh tế họ cố ý làm to chuyện khoản lỗ của Công ty Cho thuê Tài chính Agribank hòng che đậy những khoản thất thoát hàng trăm ngàn tỷ đồng hay bạc tỷ đô la. Và việc hạn chế mỗi người xuất cảnh được phép mang theo không quá $5000 che đậy việc chuyển $800K sang TQ một cách dễ dàng.

TTCK xuống thê thảm thế này, Cty Quản lý vốn NN (SCIC) lỗ số tiền không nhỏ.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất phát sinh hết tỷ đô này đến tỷ đô khác, chỉ tính thiệt hại cơ hội mỗi năm cũng bạc trăm triệu đô. Chưa kể sản lượng không bao nhiêu mà nay hỏng mai hư, lại đến kỳ bảo trì thay thế phụ tùng ngốn cả trăm triệu đô nữa.
Điện lực tuy không lỗ về điện nhưng lỗ trong lĩnh vực ngoài ngành kinh doanh chính như là BĐS và viễn thông với số tiền cả chục ngàn tỷ.
Vinashine không biết bao nhiêu
Vinalines lai rai nộp phạt
và hàng ngàn doanh nghiệp quốc doanh khác nữa.

Số lỗ của Agribank chỉ tương đương với một cty chứng khoán. Nhưng lại bị thổi phồng ở những chi tiết vặt vãnh, tỷ như kê giá 65 tỷ cho chiếc cần cẩu giá 32 tỷ. Kê giá gấp đôi là chuyện nhỏ xứ ta. cách nay không lâu một nhà cung cấp (tên Lâm) cho VNPT đã kê giá gấp hàng trăm lần.

Trong Binh pháp có kế Du Long Chuyển Phượng nghĩa là biến Rồng thành Phượng. Con Phượng tuy hoành tráng nhưng so với Rồng không là gì cả. Chuyện lỗ lã của Agribank so với các Tập đoàn kinh tế khác chỉ được ví như con tem dán lên đít voi.

Vụ Vinalines thế nào?

Vinalines đã phải trả một khoản tiền phạt rất là ất ơ. Nội vụ nhiều uẩn khúc, thủ trưởng trình bày nặng chuyên môn. Người đọc báo chỉ đặt câu hỏi: Vinalines có sai không? Nếu không tại sao phải nộp phạt?

Theo ngài TGĐ Vinalines thuật lại đại ý: Ông Vinalines cho ông Bảy Chà thuê một phòng trọ theo hợp đồng mỗi tháng đóng tiến một lần. Ông Bảy Chà cho ông Ba Bựa thuê phòng đó để chứa hàng trong một thời gian ngắn ổng sẽ chuyển đi nơi khác. Tới tháng ông Bảy Chà không trả số tiền trong hợp đồng cho ông Vinalines. Ông Vinalines bèn siết số hàng của ông Ba Bựa mà ông không biết là của ai đang bảo quản trong phòng, mà căn phòng ấy về mặt lý lúc đó thuộc quyền sử dụng của ông Bảy Chà. Ông Ba Bựa lấy cớ bể hợp đồng lỡ việc của ông ấy mới ra Phường thưa đòi ông Vinalines một triệu tám (1.800.000) ông Vinalines năn nỉ và ông Ba Bựa đồng ý tám trăm (800.000). Quan Phường được ông Ba nuôi và dạy dỗ từ bé.

Kết luận:
1. Đừng đi buôn với Đức ông.
2. Mang quá $5000 ra khỏi biên giới phải khai báo nếu không có nguy cơ bị tịch thu hay ít ra là bị phạt. Sao vụ này chuyển đi $800,000 dễ dàng vậy?

"Nhà phố" hiện đại

Xem bài trước "Nhà" ở Hà Nội

Kinh tộc ta vốn xuất thân miền biển, di cư bằng Tàu, quen sống nơi thấp, không quen chỗ cao, tụ tập nhau về sống ở miệt đồng bằng châu thổ. Đặc điểm vùng châu thổ là mùa lũ ngập trắng, mùa cạn chỗ ngập nhiều hơn chỗ khô. Hà Nội ngày nay vốn là một nơi có địa hình như thế.

Đất Hà Nội vốn là một thành nhỏ, được Tiết Độ Sứ Cao Biền hoàn thiện như một kinh đô (thời Bắc Thuộc chức vụ Tiết độ sứ đúng đầu cõi An Nam, nên phủ Sứ giống như kinh thành vậy). Thời Ngô Vương đóng ở Cổ Loa, thời Đinh - Lê kinh đô ở Hoa Lư. Khi Lý Công Uẩn đoạt ngôi nhà Lê mới dời đô về trở lại Đại La và đổi tên thành Thăng Long.

Thời phong kiến người ta đắp nền bằng cách lấy đât chỗ thấp để đắp lên những chỗ cao để tạo nên Hoàng Thành và vùng lân cận dịch vụ cho nó. Cho đến khi thực dân Tây sang xâm lược vào nửa cuối thế kỷ 19 và áp đặt chế độ bảo hộ, Hà Nội chỉ là khu Hoàng Thành và phụ cận tức khu phố cổ hiện nay, dân số không quá 100,000 người (Một trăm ngàn). Ngoài những vùng đầm thấp ở xa Hoàng Thành, ngay trong Hoàng Thành và vùng phụ cận, diện tích ao hồ chiếm phân nửa tổng diện tích. Và đây là phương án xử lý thoát nước bền vững mà ta sẽ bàn đến nó vào một dịp khác.

Do mong muốn biến Hà Nội thành trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa, trung tâm kinh tế và nhiều thứ "trung tâm" khác Hà Nội đã phải dùng cát để san lấp các ao hồ, vùng đầm lầy và xóa sổ cả những bãi tha ma để làm nhà và nhà ở. Những khu Mỹ Đình, Hào Nam, Hoàng Cầu ra đời.
Để có lượng diện tích lớn nhất trên một tổng mặt bằng giới hạn, không có cách bố trí nào tốt hơn phân lô nhà phố liền kề. Và với diện tích hữu hạn ở mỗi lô người ta chỉ có thể ... vươn lên trời cao.

Căn nhà 5 tầng trên phố Trần Quang Diệu (khu Hoàng Cầu) hiện tách nghiêng khỏi nhà bên cạnh chừng 20-30 cm.

Nhà cao đòi hỏi móng vững, móng vững đòi hỏi phải sâu, móng sâu lại không thích hợp với nhà nhỏ trước khi có phương pháp ép cừ bê tông. Tự bao giờ, người ta có quan niệm rằng "Nhà lún cũng không sao, miễn lún đều, đừng lún lệch". Loại móng mà người ta tin rằng bền vững nhất đó là Móng Bè, nghĩa toàn bộ diện tích căn nhà đặt trên một tấm bê tôn có diện tích bằng với diện tích sàn tẫng trệt. Điều đó không sai, với nhà biệt lập và thấp tầng, với nhà ống cao tầng thì đây có thể là nguyên nhân gây nên ... bể bong bóng bất động sản.

Quan niệm trên còn "đứng vững" với những căn nhà phố do việc tuy các căn nhà được thi công riêng rẽ nhưng vẫn dựa vào lẫn nhau và tổng thể mỗi block nhà vẫn là một khối thống nhất có chiều cao không lớn so với chiều rộng trừ những căn ngoài cùng.

Theo nhiều người dân, chiều 31/3, tiệm bánh đang chuẩn bị khai trương này bắt đầu bị nghiêng về phía ngõ 49.

Những căn ngoài (còn gọi là lô góc, lô đầu hồi) có đơn giá cao nhất vì ngoài mặt tiền, gia chủ có thể làm bao lơn hay thậm chí cơi phòng ở rộng thêm ra so với tầng trệt. Dĩ nhiên là phía được cơi nới này tiếp xúc với mặt đường là phía mà độ ổn định nền đất khác hẳn với phía đối diện tiếp xúc với móng nhà bên cạnh. Theo thời gian, nền đất bên dưới móng bè phía tiếp xúc với mặt đường xẹp dần, xẹp dần theo xu hướng tự ổn định của đất mượn. Và căn bìa sẽ nghiêng dần nghiêng dần cho đến khi ta có cảm giác rằng nó sắp đổ.

Tiệm bánh sắp khai trương, giờ chỉ còn là đống đổ nát.

Wednesday, April 13, 2011

Trường viết văn Nguyễn Du

Hẳn những người đam mê văn học đã từng nghe đến Trường Viết văn Nguyễn Du, và nếu không biết sẽ đoán già đoán non cho rằng ngôi trường này dạy người chưa biết viết trở thành biết viết, người viết chưa thạo trở nên viết thạo, nghĩa là đào tạo những người chưa từng viết văn trở thành nhà văn. Sự thực lại không phải như vậy.

Trường Viết văn Nguyễn Du là những cua ngắn hạn từ 2 đến 4 tuần lễ, triệu tập các nhà văn tập trung tại đây mỗi người viết mỗi đề cương rồi đưa ra thảo luận ở tổ để góp ý rồi hoàn chỉnh. Đề tài ở đây là ca ngợi Đảng Bác, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, con người mới XHCN, vân vân ... Trường nằm trong khuôn viên trường Đại học Văn hóa ngày nay. Tiêu chuẩn ăn uống ở đây cao gấp đôi so với suất ăn tập thể bình thường nên những nhà văn nào được đưa đến đây để được "bồi dưỡng" là một vinh dự tương ứng với câu "một miếng giữa làng hơn sàng xó bếp". Điều kiện cần để gia nhập Hội Nhà văn dứt khoat phải "tốt nghiệp" trường này.

Hiệu trưởng đầu tiên của trường là nhà văn Đồ Phồn, tên thật là Bùi Huy Phồn (có bà con với Bùi Bằng Đoàn, Bùi Kỷ). Trong một giờ nghỉ giữa bài giảng của ông, giữa bảng đen trịnh trọng hai câu:

Khi vui đọc truyện Đồ Phồn
Khi buồn lại giở xxx xxx ra xem

Mọi người cùng nhau lăn cả ra cười. Thấy thế nhà thơ Quang Dũng mới nói: Trời ơi văn nghệ mà tục tĩu quá, rồi sửa lại là:

Khi vui đọc truyện Đồ Phồn
Khi buồn lại giở lọ cồn ra xem

Một trong những "giảng viên" ở đó là nhà văn Vũ Thị Thường (mẹ của nhà văn Phan Thị Vàng Anh) cũng được phong thánh tại đây, trên mặt bảng đen:

Mới từ Hom giỏ chui ra
Đã toan Gánh vác sơn hà chị ơi

Số là từ một cô bé ở Tỉnh hội phụ nữ Thái Bình được nhà văn Chế Lan Viên chấm Giải nhất tác phẩm Chiếc Hom Giỏ, đưa về Hội Nhà văn rồi lấy làm vợ. Cao hứng Vũ Thị Thường viết tiếp tác phẩm Gánh vác để cổ vũ cho phong trào Phụ nữ ba đảm đang. Cả 2 "tác phẩm" này đến nay không còn được ai nhăc đến nữa. Sau vụ việc đó nhà văn Vũ Thị Thường không dám tiếp tục lên lớp các nhà văn nữa.

Saturday, April 9, 2011

Chống vào đâu?

Ngôi nhà nghiêng bắt đầu được sửa chữa. Việc đầu tiên mà nhà thầu tiến hành đó là chống đỡ để cho nhà được ổn định, khỏi nghiêng thêm. Theo góc độ ảnh chụp, người ta đặt điểm tựa chống vào đáy công son của phần ban công kín thuộc nhịp giữa, bên hông ngôi nhà. Thực chất diện tích ban công kín này là một phần diện tích bên trong nhà.

Cặp công son này có vai trò chịu trọng lực toàn bộ phần nhô ra khỏi cột chịu lực từ tầng 1 (miền Bắc gọi là tầng 2) đến nóc. Nguyên lý làm việc của cặp công son này là mô ment âm, chịu lực từ trên xuống.

Biện pháp thi công của nhà thầu là chống vào đáy công son ở vị trí đầu mút, rồi lực được đẩy từ dưới lên. Không sao cả nếu lực này không vượt quá trọng lượng của ban công kín đặt lên công son. Nếu độ nghiêng của nhà lớn lực để chống phải tăng lên và dễ dàng vượt qua trọng lượng kia để có nguy cơ phá hủy kết cấu công son. Và nếu như khi thiết kế, kỹ sư đã tính trước sự cố này nên đã bố trí thép chịu lực hai chiều thì cái Nếu kia sẽ không cần đặt ra nữa.

Tụi Tây thối nát nó bảo: với những cái nếu, có thể bỏ Ba Lê trong cái chai xì dầu.

Tuesday, April 5, 2011

"Nhà" ở Hà Nội

Do đất nội thành đắt đỏ nên phần lớn nhà ở Hà Nội thường nhỏ và diện tích xây dựng là toàn bộ diện tích khuôn viên. Một block phố được phân chia thành các lô liền kề đấu lưng vào nhau. Các tường hông nhà tựa vào nhau và chỉ có 1 mặt hường ra ngoài đường. Nhà kiểu này được gọi là "nhà ống".

Một phố buôn bán ở Hà Nội đầu TK20

Không phải khi người khôn của khó mới có nhà ống. Nhà ống có từ thời Tây bảo hộ, có nguyên do là chính quyền thực dân - phong kiến đánh thuế nhà theo sự tiếp xúc với không gian của căn nhà. Do vậy mà chỉ có Tây mới ở villa còn dân buôn bán ở nhà ống.


Nhà ống thời Tây xây không cao, lấy lề đường làm mặt tiền, mỗi vài ba căn chừa một lối đi rộng khoảng 1 mét làm lối đi vận chuyển vệ sinh. Cho nên nhà ống kiểu cũ hay còn gọi là Phố Cổ chỉ có bất tiện về kiến trúc chứ không có trở ngại về kết cấu.

Ngày nay những khu dân cư (KDC) trong các khu đô thị mới ra đời, người ta chia KDC ra thành các ô như bàn cờ và ranh giới là đường nội bộ. Mỗi ô block gồm nhiều lô liền kề đấu lưng nhau như đã kể ở trên.

Một "dự án" khu dân cư

Sau khi xin được quy hoạch phân lô được duyệt theo các diện tích nhà phố 100 đến 150 m2, biệt thự 300 đến 500 m2, chủ đầu tư đền bù giải tỏa, san lấp mặt bằng rồi làm cơ sở hạ tầng và làm đường chia thành các block. Chủ đầu tư gọi các đầu nậu bán toàn bộ để thu hồi vốn và chốt lời làm dự án khác.

Bản vẽ thi công

Phân lô đúng quy hoạch như kể trên lại khó bán do ít người mua, do giá trị mỗi lô cao và nhất là giá trị càng lớn thì tính thanh khoản càng kém. Giới đầu nậu nhà đất giải quyết bài toán bằng cách phân lô nhỏ hơn, chỉ còn 80m2, 60m2, 40m2 và thậm chí dưới chuẩn tức là chỉ còn 30m2 mỗi lô. Hiệu quả thấy rõ là sau vài thủ thuật thị trường, họ đẩy giá nền 30m2 lên đến giá còn cao hơn lô 150m2 mà họ dự định bán lúc đầu.

Đất phân lô được mua đi bán lại

Thị trường đã điều chỉnh thiết kế, một khu dân cư được chia ra thành nhiều block hơn, nhiều đường hơn và đường hẹp hơn để đáp ứng nhu cầu lô đất có diện tích nhỏ. Và thực tế nhà ở Hà Nội có diện tích đât trên dưới 30m2 có chiều ngang nhỏ hơn 3m không chỉ là không hiếm mà còn rất phổ biến như hình dưới đây.

Một căn 1 trệt 5 lầu trên diện tích 30m2

Đa số nền nhà được ký gửi trên thị trường hoặc tồn tại dưới dạng tài sản của chủ sở hữu. Ở VN người giàu người ta không nói có bao nhiêu triệu đô hay có bao nhiêu ngàn cây vàng mà là có bao nhiêu cái nhà hay nền nhà hay căn hộ chung cư. Tuy nhiên một phần nhỏ trong số ấy được đưa vào sử dụng, cụ thể là xây nhà để ở hoặc để cho thuê làm cơ sở thương mại.

Người sử dụng khắc phục nhược điểm diện tích nhỏ bằng cách xây nhà cao, và cao hơn nữa, phía trên lô gia ban công thậm chí diện tích nội thất cố gắng cơi nới hết khả năng có thể. Căn nhà 2 mặt tiền dưới đây thể hiện khả năng "sáng tạo" tạo ra diện tích của dân mình.

Cơi nới hết khả năng

Xem tiếp "Nhà phố" hiện đại

Monday, April 4, 2011

Phân tích thị trường

Những thứ tăng:
- Thực phẩm
- Cước vận tải
- Giá vật liệu xây dựng
- Lãi suất ngân hàng, LS liên NH lên 23%/năm
- Tăng chi hỗ trợ người thu nhập thấp
- Giá dầu

Những thứ giảm:
- Giá vàng
- Giá Đô la
-Tổng dự trữ vàng trong dân - xuất khẩu 100 tấn trong 2 năm

Tạm thời các cty, tập đoàn tư nhân bị kẹt vốn VND, đảo nợ không được, họ phải bán vàng, đô ra tạm lấp vào lổ hổng thanh khoản. Một số DNNN bị kết hối ngoại tệ ($370M, số dư $1.65B). Ngoại tệ về Ngân sách tăng do giá dầu tăng. Lợi cho ngân sách không bù được thiệt hại của người tiêu thụ do giá xăng tăng.

Do giá hàng hóa lên, giá nhiên liệu lên làm cho dự trữ bằng tiền đồng mau cạn, phải bán vàng, đô ra để chi tiêu hàng ngày.

Kết quả là trong đoản kỳ SỐ CUNG vàng, đô khá đáp ứng nhu cầu nhập khẩu.

Mặt khác không tăng đầu tư, hạn chế mua hàng ngoại nhập về bán, vì sợ giá cao khó bán. Trong ngắn hạn SỐ CẦU giảm, tổng thể nền KT co lại.

Hết lượng hàng tồn kho, không có hàng bán do hậu quả của việc giảm đầu tư, giảm nhập khẩu. VẬT GIÁ tăng phi mã.

***
Dân ta đang thấm đòn bão giá.
Thực tế dân ta đang trữ vàng để dành sau này, làm gì có "sàn" vì ai bảo hiểm rủi ro.

Friday, April 1, 2011

Những thông điệp Cá Tháng Tư

1. 3 khó khăn khi Nhà nước tích trữ vàng thay dân
2. Tiền nhàn rỗi không biết đầu tư vào đâu
3. Lãi suất tiết kiệm đạt 17% một năm
4. Nhà thu nhập thấp được rao bán gấp đôi giá gốc

Thông điệp 1: dân ta dạo này ỷ lại vào nhà nước quá, có mấy lá vàng mà giữ cũng không xong. Nhà nước phen này phải đầu tư lớn vào hệ thống két sắt thật chắc chắn để giữ an toàn cho dân.

Thông điệp 2: dân ta quá giàu với lợi tức trên trời rơi xuống. Các kênh đầu tư sẵn có đã quá chật chội rồi. Quá thừa vàng lá thể hiện ở thông điệp 1. Đô la thì mỗi ngày mỗi mất giá, gửi đô vào ngân hàng thương mại có lãi suất thấp hơn nhiều so với tiền đồng. Một giải pháp khả tín là xem xét nội dung thông điệp 3.

Thông điệp 3: lãi suất ký thác hiện được ngân hàng thương mại trả rất cao, thậm chí cao hơn cả cổ tức chứng khoán. Với điều kiện tiền đồng không mất giá, lãi suất này sống phẻ. Tuy nhiên các cụ tổ hưu đầu tư theo cách này thì có lý, nhưng người trẻ lại bị xem là thụ động và bất tiện với sĩ diện của mình. Vậy hãy xem qua thông điệp 4.

Thông điệp 4: đầu tư vào bất động sản luôn luôn là lĩnh vực hấp dẫn bởi lợi nhuận khủng kèm theo rất ít rủi ro của nó. Cùng với nguồn cung cấp phong phú sẵn sàng cho mọi đối tượng với nhiều mức giá và mọi lúc mọi nơi.

"Bạn đời ơi bạn có nghe chăng ..." (Bài ca xây dựng). Tại sao không, nhỉ?

Cá Tháng Tư năm 2011.
***
Sập mỏ đá 10 người chết dự tính 30 người nữa có nguy cơ thiệt mạng

Huy động cả trăm cảnh sát cứu người leo trụ điện

Hàng trăm người thiệt mạng trong khi làm việc vì không bảo đảm an toàn lao động.
Một người trèo trụ điện, trèo cao cách mấy cũng không thể tới trời, cớ sao lại tốn nhiều nhân công vậy. Lẽ nào lâu nay không có ai bị cháy, sở chữa cháy hết "việc làm", nên muốn thể hiện sự tồn tại của họ.