Saturday, May 21, 2011

Hưởng ứng bầu cử


Ngày mai là ngày bầu cử, Quốc hội hay hội đồng nhân dân, khóa mấy không quan trọng, ai là ứng cử viên cũng không quan trọng, quan trọng là dứt khoát phải nô nức đi bầu.

Luật pháp công nhận công dân VN từ 18 tuổi có quyền (lưu ý chữ quyền) đi bầu cử. Băng rôn cổ động bầu cử giống như động viên nộp thuế đều có chung một khẩu hiệu: Bầu cử là quyền lợi và nghĩa vụ công dân hay câu chữ đại ý như vậy.

Việc đi bỏ phiếu bầu là việc gạch đi một hoặc vài tên người ghi trong phiếu. Thực ra trong danh sách đó - gọi là ứng cử viên - ta bầu ai cũng được hay nói cách khác là ai cũng xứng đáng cả vì hầu hết cử tri không có biết những người này. Các ứng viên này không qua giai đoạn xin chữ ký cử tri, không nộp đơn xin ứng cử mà được mặt trân tổ quốc lựa chọn. Mặt trận có quyền to thế cơ à, tất nhiên là không phải rồi, có những ban bệ hay cá nhân to hơn mặt trận quyết định những việc này. Mặt trận chỉ là người thực hiện việc yết tên các ứng viên.

Nếu bầu ai cũng thế vậy tại sao ta phải đi bầu cho mất thì giờ. Việc cử tri đi bầu không phải thể hiện ý chí hay nguyện vọng của họ mà chỉ thể hiện tinh thần phục tùng đến đâu mà thôi. Cho nên yếu tố quyết định thành công của cuộc bầu cử không phải công bằng hay dân chủ mà là tỷ lệ cử tri tham dự. Và chưa đi bầu cũng biết chắc chắn rằng tỷ lệ cử tri đi bầu chiếm xem như 100% cử tri. Viết 100% để nói lên rằng tỷ lệ cử tri đi bầu còn cao hơn cả hàm lượng vàng trong vàng lá Thụy Sỹ.

Kinh phí cuộc bầu cử kỳ tới được công bố là 700 tỷ đồng cho 91 ngàn khu vực bỏ phiếu và huy động 300 ngàn cán bộ phục vụ công tác bầu cử. Chia bình quân số cán bộ trên khu vực bầu cử là 3.3 người, thực tế số lượng người hiện diện tại phòng phiếu gấp 5 lần số này, nếu tính cả những người có liên quan ít nhất 10 lần con số này. Tốn phí thực tế là con số không công bố nhưng sẽ lớn gấp 3 lần con số này, đó là chi phí tiền lương, chi phí tiền điện và những chi phí khác do doanh nghiệp chi để cổ động bầu cử. Chí phí này chỉ bàn đến chi công mà không tính đến hao phí cá nhân như tiền xăng xe của cử tri đi bầu cử.

Để bảo đảm việc thực hiện tỷ lệ 100%, công tác bầu cử đã trở nên khuôn mẫu. Khi rời phòng phiếu cử tri sẽ được đóng dấu son ĐÃ ĐI BẦU vào thẻ cử tri đánh dấu việc hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời là một dấu mark vào bản danh sách cử tri. Đến 11 giờ, tại khu vực bầu cử sẽ soát lại số cử tri chưa bầu và nhất quyết tổ bầu cử không bỏ qua số người này. Điều kiện lý tưởng là khu vực bầu cử công bố: đến 12 giờ trưa 100% cử tri đã đi bầu, thành công tốt đẹp.

Bước thứ nhất, tổ trưởng hoặc phó dân phố sẽ đến nhà cử tri để mời, không nhất thiết phải vào nhà, có thể gióng ở ngoài của hay cổng.

Sau bước thứ nhất, cử tri có tên vẫn chưa đến phòng phiếu, tổ dân phố sẽ có thêm người hỗ trợ, lần này có thể là dân phòng hay hội phụ nữ, đến nhà tận trong nhà để mời. Nếu xác định cử tri không đi được do ốm đau bệnh tật, Tổ sẽ mang hòm phiếu tới tận nhà như những người khuyết tật khác để cử tri tự tay gạch phiếu, tự tay bỏ vào hòm phiếu.

Bước thứ ba dành cho những kẻ cố gắng thực hiện Hiến pháp - thể hiện quyền đi bầu bằng cách cố ý không đi bầu, đó là đoàn công tác bao gồm cán bộ phường xã, công an tổng số khoảng trên dưới 10 người đến nhà cử tri để thuyết phục. Thông thường bước thứ ba này ít khi phải sử dụng đến.

Thực hiện bước thứ ba nghĩa là cử tri này được xếp vào loại ngoan cố và được vinh dự ghi vào sổ, sau này sẽ gặp khó khăn trong hành chính và hộ tịch, nói chung là sẽ khó sống. Tuy nhiên bước thứ tư vẫn được thực hiện, đó là tên cử tri đó vẫn được đánh dấu bầu rồi và tất nhiên là có phiếu bầu bỏ vào hòm.

Cử tri biết việc đi bầu là tốn xăng tốn thời gian nên đã không đối phó mà phó mặc. Họ tiết kiệm thì giờ và tiền xăng bằng cách một người bầu cho cả họ. Tuy nhiên đó là cách thể hiện tiêu cực vì không phản ánh được ý chí và nguyện vọng của mình vào trong lá phiếu. Cách làm tích cực như thế nào, ông bà ta đã thể hiện trong truyện Thừa Giấy Vẽ Voi.

5 comments:

Cô Cấn said...

Thú thật với bác em chưa đi bầu lần nào.Ông già em bầu hộ cả nhà.Lúc vui bảo là cứ gạch bên trên,còn bà con thì gạch bên dưới.
Bên Tàu có vụ diệt chim sẻ chắc cũng để thử xem dân có nghe lời Mao Chủ Tịch không và để đổ tội cho chim sẻ gây ra nạn đói chết hơn 50 triệu người.
Ơ ta có vụ toàn dân đội nón bảo hiểm chắc cũng vậy,vừa thử lòng dân lại thu được tiền.

BS Hồ Hải said...

Do công việc, nên tớ lúc nào cũng phải ra khỏi nhà sớm để đi đến chỗ làm. Hôm nào trễ nhất là 6h30 AM. Sáng nay vợ chồng tớ ra điểm bầu cử gần quán ốc mà tụi mình hay nhậu xin bỏ phiếu sớm để đi làm. Nhưng tổ bầu cử không cho phép bầu trước 7hAM. Nên kỳ này vợ chồng tớ mất quyền và nghĩa vụ đi bầu. Huhuhu.

Lý Toét said...

Bác có thể ghi danh sách cử tri bổ sung tại điểm bầu cử gần nơi làm việc. Giờ này 4:15 còn là giờ làm việc của tổ bầu cử.

Meo Luoi said...

Mèo cũng quán triệt tinh thần tiết kiệm nên nhờ bố mẹ đi bỏ hộ. Nhưng vẫn đảm bảo thể hiện ý chí của mình bằng cách bố mẹ gạch hết cho con.

Lý Toét said...

Tớ đã nói, ông Phạm Quang Nghị có một câu nói bất hủ: Dân ta bây giờ ỉ lại nhà nước quá. Đến việc tỏ thái độ qua lá phiếu nặc danh cũng không có, sẵn sàng phó thác cho đảng và nhà nước.

Nhẽ in lêN tờ bạc cụ Hồ dòng chữ: IN VC PARTY WE TRUTH