Friday, April 27, 2012

Bóng đá miền Nam sau 1975

Tựa: Những ngày cuối tháng 4, ta cùng nhau ôn lại những kỷ niệm về những ngày đầu thống nhất đất nước.


Ngày 30 tháng 4 năm 1975, cùng với các ngành nghề kinh tế, chính quyền dân cử và các tổ chức xã hội ngừng hoạt động và tan rã. Mọi hoạt động thể thao trong đó có bóng đá cũng ngừng lại chờ sự cho phép của chính quyền mới. Những đội bóng đương thời Thương Khẩu, Quan Thuế, Tổng Tham Mưu, Cảnh sát Quốc gia, Việt Nam Thương tín không thể tồn tại và phải tự giải tán.

Các tuyển thủ quốc gia miền Nam tan tác mỗi người mỗi nơi. Người thì vượt biên như thủ môn Lâm Hồng Châu; người thì đi tù cải tạo như Hậu vệ Ngôn (*), Tiền đạo Mỉn; số còn lại hoặc về quê hoặc thất nghiệp.

Sau khi ổn định được chính quyền, Ủy ban Quân quản đã dần dần khôi phục và nắm quyền kiểm soát các hoạt động xã hội. Các đội bóng mới thành lập trên địa bàn Thành phố hồi đó là: Hải Quan, Cảng Sài Gòn, Xi măng Hà Tiên (sau này là Sở Công nghiệp), Hóa Chất, Bưu Điện.

Các cầu thủ phải kiếm sống bằng cách xin vào làm công nhân tại các cơ quan xí nghiệp có đội bóng, vừa lao động vừa đá bóng nuôi bản thân và gia đình. Họ phải tự cải thiện bằng cách đá thuê từng trận cho các đội phong trào hay các đội tỉnh lẻ. Thường không phải lãnh bằng tiền mặt mà là hiện vật như gạo, thịt, cá sẵn có tại địa phương.

Để chứng tỏ sự ưu việt của chế độ XHCN luôn luôn hơn hẳn chế độ Tư bản thối nát ở miền Nam, đội bóng Tổng cục Đường sắt sau chuyến đi tập huấn ở Trung Quốc về được cử làm đại diện vào Nam du đấu giao hữu với các đội địa phương. Đội của những hảo thủ Mai Đức Chung, Lê Thụy Hải, Lê Khắc Chính, Hoàng Gia ... có nhiệm vụ chứng tỏ sự hơn hẳn của thể thao XHCN và sức mạnh toàn diện của người chiến thắng.

Trong khi các đội bóng miền Nam luôn bị thiếu thông tin và bị động. Họ chỉ được biết trước lịch trận đấu trong thời gian rất ngắn nên không có sự chuẩn bị tốt nhất về thể chất. Về tinh thần thì luôn được cán bộ ưu ái thăm hỏi bất kể giờ giấc. Hoặc được vinh dự đi gặp mặt cán bộ cao cấp thành ủy; hoặc được cán bộ Trung ương xuống nói chuyện, động viên làm cầu thủ xáo trộn giờ giấc sinh hoạt, tinh thần xao động không tập trung được vào chuyên môn.

Kết quả là đội TCĐS thắng như chẻ tre: Thắng Cảng Sài Gòn và Tây Ninh cùng tỷ số 2-0; thắng Cần Thơ 3-0; thắng Đồng Tháp 3-1 và đá trận cuối cùng với Hải Quan.

Sẵn hưng phấn, đội TCĐS ghi bàn trước. 5 phút sau Cù Sinh gỡ hòa rồi làm đường chuyền cho Hồ Thanh Cang lập công ấn định tỷ số 2-1. Đây là trận đấu duy nhất một đội bóng miền Nam thắng trong loạt 5 trận đấu giao hữu của đội TCĐS. Theo lời thú nhận của Cù Sinh, dù còn nhiều thời gian nhưng các cầu thủ Hải Quan đã không dám ghi bàn thêm nữa. Trận này Cù Sinh phải trả giá bằng thẻ đỏ khiến anh bị kỷ luật, bị khai trừ khỏi đội Hải Quan.

(*) Đây là Hữu biên Lại Văn Ngôn (gọi là Ngôn II) để phân biệt với Tả biên Nguyễn Văn Ngôn (Ngôn I) sau 1975 đá cho Cảng Sài Gòn.

18 comments:

Anonymous said...

Hà hà, hay, nhớ hồi đó muốn xem các đội về đá ở sân Tự do (huế) là phải đi từ rất sớm xếp hàng rồng rắn để được vào sân.

Lý Toét said...

Sân Hàng Đẫy ở Hà Nội, sân Cộng Hòa ở Sài Gòn cũng vậy, trận đấu nào cũng đầy ắp người xem, vé chợ đen không cao lắm.

Hồi đó cầu thủ lương thấp, bồi dưỡng cao nên ít có chuyện bán độ, nếu có thì cũng không vì tiền mà chỉ là theo chỉ đạo của cấp trên.

Hồi đó bóng đá là nghiệp dư tuy cầu thủ chuyên nghiệp. Ngoài Bắc mạnh nhất là bộ 3 Thể Công - CA Hà Nội và Tổng cục Đường sắt. Thể Công kỵ CA Hà Nội; CA Hà Nội kỵ Tổng cục Đường sắt và Tổng cục Đường sắt kỵ Thể Công.

Khán giả Hà Nội được xem là fair nhất: thường cổ vũ cho đội thua. Chẳng phải công bằng gì, chỉ là người ta hâm mộ cả 3 đội ấy .

Anonymous said...

- Ngày 30/4 phải gọi đầy đủ là "Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước", gọi như kiểu Lý Toét là cách gọi sai, không thể hiện được bản chất của cuộc chiến tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân và đưa đất nước tiến lên trên con đường đúng đắn mà nhân dân ta đã chọn lựa, đó là con đường tiến thằng lên CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN .v.v. và .v.v. Xin mời đọc thêm các bài báo của Đảng thời đó và sắp tới ngày 30/4 sẽ viết, bài phát biểu của đ/c TBT Trọng "sáng láng" đã nói ở Cu Ba

- Sự ưu việt (hơn hẳn) của CNXH đã được Các Mác (hình như là 2 ông rậm râu) nói và chứng minh từ hồi thế kỷ 19, vì vậy không cần phải chứng minh lại, việc đá bóng mà miền Bắc thắng miền Nam chỉ có ý nghĩa khẳng định thể lực và ý chí của con người miền Bắc hơn hẳn miền Nam, việc nghĩ rằng những trận đá bóng thể hiện tính ưu việt của CNXH (so với CNTB) rõ ràng là bị ảnh hưởng bởi bộ phim của Hoa Kỳ (1 nước TBCN đầu sỏ) về cuộc thi đấu thể thao trong trại tập trung của Đức Quốc Xã (cũng là 1 nước TBCN) giữa lính Đức Quốc Xã và các tù binh đông minh Anh-Pháp-Mỹ (là những nước TBCN). Do đó nói "Để chứng tỏ sự ưu việt của chế độ XHCN luôn luôn hơn hẳn chế độ Tư bản thối nát ở miền Nam ..blah blah..." là nói sai, CNXH hơn hẳn CNTB là hiển nhiên, Lý Toét cần rút kinh nghiệm thật nghiêm túc

- Nền bóng đá của tụi Ngụy quân Ngụy quyền thực sự yếu kém, ngoài 1 lần vô địch Seagame, 1 lần đoạt cúp Merdeka thì hoàn toàn không hề có thành tích gì nổi bật, thường xuyên thua các đội châu Á khác như Hàn, Nhật, Đài, Hướng Cỏn .v.v. nói chung là thua tất cả các nước trừ những nước trong khối SEATO - tiền thân của khối ASEAN - vì vậy không thể là đội mạnh, trong khi đội của miền Bắc XHCN thường xuyên luyện tập với các nước Đông Âu, Trung Quốc, thường xuyên thi đấu cọ sát nên kinh nghiệm hơn hẳn, việc thắng 4 trận là đương nhiên, trận thứ 5 thua (như trong bài của Lý Toét) có nhiều khả năng là may rủi hoặc cầu thủ miền Bắc mệt mỏi vì thi đấu nhiều, không loại trừ khả năng đội miền Nam chơi xấu đúng như bản chất Ngụy quân Ngụy quyền của bọn miền Nam (chứng minh rõ ràng bằng thẻ đỏ cho tên cầu thủ phản động)

Kết luận: 1 bài ngắn mà có quá nhiều lỗi cơ bản, thuộc về vấn đề bản chất, Lý Toét rất cần phải đọc lại báo Nhân dân, nghị quyết TW để có cái nhìn đúng đắn và viết được những bài viết không theo những gì báo đã viết nhưng vẫn phải có tính Đảng, tính giai cấp

Hỏi ngoài lề: có ai biết cuốn sách ĂN MÀY DĨ VÃNG là của nhà văn nào và bán ở đâu không? Cảm ơn trước

Tiny said...

Lý thuyết "Sự ưu việt của CNXH theo ý Các Mác" mà bác CKCC lặp lại hình như chỉ áp dụng trong những trường hợp cụ thể thì phải, chứ hiện nay em có thấy nước theo CNXH nào vào top đâu, ngay cả top trong khu vực.
Anh cả đỏ Trung Hoa là một ví dụ: hiện đang có GDP hàng thứ 2 thế giới thì phải nhưng mãi mới vào đc giải thế giới 1 lần. Trước đó thì anh cả LX mãi cũng chỉ có được 1 giải EURO, và nhớ bà con bình lựn mấy trận cầu của LX hồi đó mà hài "thằng đó (cầu thủ) không dám đá, sợ trách nhiệm..."
Một thời gian dài sau 1975, các đội bóng miền nam thua vì lý do gì thì báo không (dám) nói chứ dân nó luận đầy đường đó. Lúc đó chắc chỉ có mấy em nhỏ còn đeo khăn đỏ mới bị lừa thui.
Đọc còm này để giải trí một chút và nhớ lại thủa nào cũng vui hahaha!

Lý Toét said...

Gúc trên mạng: ĂN MÀY DĨ VÃNG Chu Lai 1991
online: bnlib.do.am/EBook/Anmaydivang.pdf

Chúc may mắn

Thành Lợi said...

Sự xuất hiện của Bác Chuẩn Cần Phải Chỉnh làm cho ngôi nhà của Chú Lý thêm phần náo nhiệt. Bác Cần Chỉnh và Chú Lý có những phản biện rất khôi hài và thú vị. Haha
Xin Cảm ơn hai bác đã cho độc giả có một cái nhìn mới qua những phản biện của 2 bác.

Lý Toét said...

Cảm ơn Thành Lợi đã động viên,
Tớ bổ sung thêm những ý mà Cần Chỉnh viết còn thiếu.

Đó là, các ông Mai Đức Chung, Nguyễn Thụy Hải kể lại TCĐS dựa trên lối đá rát, áp sát và thể lực, cộng với cầu thủ miền Nam rất sợ bị đi "cải tao" nên đã dễ dàng khắc chế đội Cảng SG. Sau này, Cảng SG luôn luôn thua Nghệ An trên sân Nghệ xác nhận điều các ông ấy nói đúng. Còn trường hợp Cù Sinh bị thẻ đỏ ra sao, hỏi ông Lê Khắc Chính thì biết.

Trong bài tớ có viết, tuy thắng 2-1 mà các cầu thủ Hải Quan run cầm cập.

DINKITA said...

Tên gián điệp cần chỉnh aka mm nài thâm hiểm thật.Cần chỉn và bác Toét đúng là một cặp đôi hoàn hảo.hehe

Trình tôi kém nên chưa hiểu thông điệp trong bài nài của bác lý.Mong bác giải thích giùm?

Lý Toét said...

Welcome Tinh Hoa,

Bài viết có nội dung chính kể về chuyến du đấu miền Nam của đội bóng đá Tổng cục Đường sắt. Kết quả các trận giao hữu như đã trình bày: Thắng 4 trận và thua 1 trận.

Đội TCĐS có thể lực sung mãn sau đợt tập huấn nước ngoài về trong khi các cầu thủ MN vừa thiếu ăn, vừa lo sợ trược chính quyền mới.

Các đội bóng MN mới được thành lập nên tập thể rời rạc chứ không được tập luyện cùng nhau nhiều năm ăn ý như TCDS.

Về lịch đấu, TCDS chủ động nên chuẩn bị kỹ lưỡng về thể chất, còn các đội MN chỉ được báo trước trong thời gian rất ngắn. Chú ý: thời 75-76 còn giới nghiêm, báo trước ít thời gian để đề phòng các cầu thủ TCDS bị "ám sát".

Ngược lại các đội MN trước trận đấu luôn được cán bộ "ưu ái" thăm hỏi bất kể giờ giấc. Hoặc được vinh dự đi gặp mặt cán bộ cao cấp thành ủy; hoặc được cán bộ Trung ương xuống nói chuyện, động viên làm cầu thủ xáo trộn giờ giấc sinh hoạt. "Động viên" kiểu ấy khác gì khủng bố.

Tiền bối kể lại nhiều mà tớ chỉ nhớ được từng ấy.

Củ Chuối Tây said...

Mong là chú Lý sẽ còn ghi lại nhiều truyện đã được kể lại bởi các bậc tiền bối. Thật hân hạnh và cảm ơn về những điều chú Lý Toét có kể dù không được ghi trong sử sách và hy vọng nó không bị thất truyền và mai một như sử thi hay văn hóa chiềng cồng gì gì đó.
Nếu được xin chú Lý có thể biên lại thành tập hoặc chí ít kể theo dạng ghi âm để đời sau được biết thêm nhiều điều lí thú. Có thất thố gì mong chú bỏ qua cho.

BS Hồ Hải said...

Hehehe, bây giờ mới đọc mặc dù hồi sáng giờ mở ra để đó. Chú lúc nào cũng thâm. Cheer,

Lý Toét said...

He he

Thành Lợi said...

Xin góp ý Chú Lý chỗ này. Chữ cải tạo thay bằng thẻ đỏ trong ngoặc kép cho phù hợp với bàn luận về bóng đá. Còn Chú muốn độc giả dễ hiểu nữa thì viết là cầu thủ miền nam rất sợ bị đi " lao động công ích ". Ở 1 đất nước mà dân chủ gấp vạn lần thì không có khái niệm " Cải tạo". Vài dòng góp ý với chú.

Lý Toét said...

Dear Thành Lợi,

Từ "cải tạo" là từ chính thức và hợp pháp được dùng ở nước CN XHCN VN. Nghĩa thực sự của nó là "tù không án".

Không thể dùng "thẻ đỏ" hay "lao động công ích" để thay thế cho từ "cải tạo" được vì nghĩa khác rất xa.

Thẻ đỏ là hình thức phạt hành chính, còn lao động công ích là nghĩa vụ công dân.

Cô Cấn said...

Dân Bắc chơi bẩn thật à.Hiện nay chơi thế nào hả bác?

Lý Toét said...

Trong thể thao, ai mà không chơi bẩn khi có cơ hội nên không có chuyện Bắc - Nam ở đây. Vấn đề là ở chỗ người chơi cùng nhau tạo ra luật lệ cho công bằng.

Trong bài, khâu tổ chức nó thế chứ không do cầu thủ. Ở VN các giải bóng đá trẻ, chính các quan đầu tỉnh ra lệnh làm giấy khai sinh ngụy tạo cho các cầu thủ lớn tuổi để đá với cầu thủ trẻ địa phương bạn.

Tiny said...

Vu ở Hưng Yên đang sốt xình xịch ở ngoài kia mà Chú viết về Bóng đá.
Người ta nói Bóng đá là một bộ mặt XH, một thể hiện của lề thói ứng xử chung.

Trong bài, Chú dùng hình ảnh "bạo lực" bóng đá (chơi xấu, chơi đểu) để thắng.
Nhưng cuối cùng lại vẫn thua.
(và gần nhất là AVG cũng phải thua VPF)
Đó là quy luật mà Chú muốn nói???

Lý Toét said...

Xin đọc bài mới của tớ.