Monday, April 30, 2012

Số phận con lai sau 30 tháng 4 năm 1975


Sau 30/4/1975, cuộc sống của nhân dân miền Nam thay đổi. Chính quyền cũ đương nhiên bị giải tán, chính quyền Quân quản Cách mạng được thiết lập với cơ cấu hoàn toàn mới từ miền Bắc đưa vào. Sĩ quan và nhiều công chức chính quyền cũ phải đi “học tập cải tạo”. Binh lính sau khi học tập 10 ngày về tham gia vào đội quân thất nghiệp. Sinh viên đại học không phải làm đồ án cuối khóa được cấp bằng tốt nghiệp khóa cuối cùng của Nền Cộng hòa.

Bài trừ văn hóa cũ xây dựng Văn hóa mới

Cuộc cách mạng vì thế không thể không ảnh hưởng đến trẻ em. Sự ngây thơ con trẻ được phân chia thành 15 đẳng cấp theo mức độ ưu đãi của chế độ dành cho từ hạng 1/15 là con cán bộ có công với cách mạng cho đến hạng chót (15/15) là con sĩ quan hay công chức cao cấp trong chính quyền cũ(*).

Con lai, khoảng 40 ngàn người, rất dễ phân biệt bằng ngoại hình còn không được xếp vào hạng nào trong số 15 hạng trên. Vốn đã bị kỳ thị trước năm 75, con lai càng bị miệt thị, bị đối xử không công bằng hơn sau năm 75 như là một chủ trương của chế độ mới. Năm 75, con lai Mỹ không quá 9 tuổi, lý do tại sao xin độc giả tự tìm hiểu. Chúng đang ở độ tuổi đến trường đi học như bao đứa trẻ khác.

Văn hóa "đồi trụy"

Để củng cố chính quyền cách mạng, những chiến dịch mang tên “Bài trừ văn hóa đồi trụy phản động” và “Xóa bỏ tàn dư Mỹ ngụy” liên tục diễn ra. Đó là, diễu hành phô trương biểu ngữ trên đường phố; tịch thu sách và các ấn phẩm văn hóa; tổ chức đốt sách báo etc. Một hình thức khác nữa là xóa bỏ cái gọi là “Tàn dư Mỹ ngụy” được thể hiện bằng những hành vi thiếu văn hóa như là bẻ tay chân bup bê, chặt đầu búp bê rồi cho vào lửa đốt.
Văn hóa "phản động"

Trẻ lai đi học sống trong không khí đó còn bị những tác động khác từ bạn bè cùng học. Chúng bị bạn cùng học mắng đại loại như: Cút về Mỹ mà học; chúng bị bạn học chế giễu, đại loại: Mỹ lai 12 lỗ đít; và thường bị các trẻ khác vào hùa với nhau để cô lập. Hoặc bị đánh vô cớ, bị đánh hội đồng.

Những tác động đó gây ra làm phần lớn trẻ lai phải bỏ học từ rất sớm. Nhưng những đứa trẻ trực tiếp gây ra lại không có lỗi, vấn đề là người lớn đã ngầm khuyến khích, bật đèn xanh và không ngăn cản.

Đạo luật The Amerasian Home Coming Act được quốc hội Mỹ phê chuẩn năm 1988 và các tổ chức thiện nguyện tiến hành thực hiện việc xét duyệt các đối tượng là con lai có nhu cầu về quê cha. Một lần nữa, những người con lai lại trở thành đối tượng để người ta săn tìm để lợi dụng định cư bên Mỹ hợp pháp.
Chuẩn bị đi Mỹ 1992

Những đứa trẻ, lúc này đã đến tuổi trưởng thành nhưng phần lớn thất học khi không lại được một người nào đó không quen biết “tự nguyện nuôi nấng và chăm sóc” từ đây tạm gọi là Người Bảo trợ. Để được có quyền “nuôi nấng và chăm sóc” một trẻ lai, Người Bảo trợ phải bỏ tiền mua thông tin từ một số kẻ môi giới để được quyền bảo trợ, do đó mà đứa trẻ được “nuôi nấng và chăm sóc” bị canh giữ như tù vì sợ bị bỏ trốn.

Người Bảo trợ lập hồ sơ những người xin nhập cảnh Mỹ bao gồm người Con lai và một số người khác trong danh sách “bổ sung” như cha mẹ nuôi, anh chị em nuôi, vú nuôi. Nhiều người tham lam làm danh sách “bổ sung” lên đến hai chục người. Theo thống kê của Mỹ, khoảng 70% số trẻ lai đã được chấp thuận “hồi hương”, nếu tính bình quân mỗi hồ sơ kèm 3 người di dân thì đã có 70 ngàn người nhập cư lậu vào Mỹ kiểu này.

Bị lợi dụng làm phương tiện nhập cư Mỹ, nên trẻ lai là nhân vật chính nhưng lập tức bị hắt hủi ngay sau khi hồ sơ đã được phía Mỹ duyệt hoặc sau khi ra khỏi biên giới Việt Nam. Do ít học vì hoàn cảnh khách quan, những người con lai đã phản ứng lại. Và họ bị những người ăn theo họ tạo ra dư luận hiểu xấu rằng con lai hư hỏng, bất trị và hỗn xược.

Do không được học đầy đủ, những người con lai sang đất Mỹ đến nay vẫn khó hòa nhập, nhiều người vẫn chưa có quốc tịch Mỹ. Tuy nhiên, họ vẫn còn may mắn hơn những người còn ở lại, khoảng trên 10 ngàn người.

(*) trước đây được gọi là thành phần nợ máu. Không hiểu những người như nhạc sĩ Minh Kỳ hay cầu thủ Lại Văn Ngôn có "nợ máu" gì.

30/4/2012

Saturday, April 28, 2012

Một phương pháp Đạo văn


Thời đại bùng nổ internet, đăng bài viết trên web để phổ biến kiến thức miễn phí là việc nên làm. Việc đăng bài này có thể là

Copy nguyên vẹn và ghi nguồn có thể được chấp nhận

Hoặc là ý tưởng mới, nêu lên một vấn đề. Đây là một bài viết mới chưa có trên mạng.
Hoặc dịch một bài viết của người khác từ một ngôn ngữ khác
Hoặc copy nguyên vẹn không thiếu một chữ từ một tác giả khác và ghi nguồn gốc tác phẩm, tác giả.

3 cách trên được xem như nguyên tắc đăng bài trên mạng
(nguyên gốc: 3 cách trên được xem như đạo của người viết. Sửa theo đề nghị của 2v)

Có một cách thứ tư, đó là: chép bài của người khác, xóa đi một vài đoạn văn rồi điềm nhiên tự ghi tên mình lên đó, xuất bản cho công chúng đọc.

Thí dụ :
Bài viết Thầy Trương Tham tại địa chỉ http://violet.vn/nhocbql/entry/show/entry_id/7488724 có nguồn gốc từ bài viết cùng tên tại địa chỉ http://bshohai.blogspot.com/2012/04/thay-truong-tham.html của BS Hồ Hải. Bài viết không ghi nguồn gốc nhưng lại đặt Lạc khoản Trần Quốc Thường dưới chân bài.

Đáng chú ý là đoạn văn sau:
Thầy có 4 cái đặt biệt, cái đặc biệt đầu tiên là vốn quý như ngàn vàng, là suốt đời vì sự nghiệp giáo dục vô vụ lợi, nên về hưu rồi, nhưng thầy vẫn trắng tay và ở nhờ căn phòng cuối dãy mặt tiền trường, ở tầng 3, bên tay trái. Sau này thầy được xuống đất do một số thầy cô ở nhờ đất nhà trướng chuyển đi ra ngoài. Sau khi về Trưng Vương đến nay thầy chỉ sống nhờ đất của nhà trường.

Được sửa lại thành:
Thầy có 4 cái đặt biệt, cái đặc biệt đầu tiên là vốn quý như ngàn vàng, là suốt đời vì sự nghiệp giáo dục vô vụ lợi, nên về hưu rồi, nhưng thầy vẫn trắng tay và ở nhờ căn phòng cuối dãy mặt tiền trường, ở tầng 3, bên tay trái từ 37 năm qua.

Đoạn chữ  màu xanh bị bỏ đi, đoạn chữ màu đỏ được thêm vào. Làm cách nào mà tác giả Trần Quốc Thường lại có thông tin "chính xác" như vậy?

Tương tự, bài viết TƯ DUY GIÁO DỤC TRONG CÁCH HỌC VÀ DẠY cũng được thành viên Trần Quốc Thường của website http://violet.vn/ sao chép và bỏ hẳn đoạn văn sau:

Cách dạy của TS Lê Thẩm Dương bị một số truyền thông và công dân ảo ném đá vì ông làm đúng với bậc học và đúng với tư duy giáo dục hiện đại.

Đạo văn là như thế đấy.

29/4/2012

Friday, April 27, 2012

Truyện Cái bẫy chuột của La Fontaine

Tựa:
Câu chuyện cưỡng chế ở Văn Giang Hưng Yên đang rất nóng. Nhưng trên các diễn đàn tranh luận sôi nổi về tính đúng đúng sai rất là vô trách nhiệm. Có nơi võ đoán liên hệ vụ này với quyền lợi gia đình của Thủ tướng. Kết quả là việc cưỡng chế đã thành công nhưng không tốt đẹp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các đợt cưỡng chế bằng bạo lực khác của công an sau này. Hôm qua là Tiên Lãng, hôm nay là Hưng Yên, vậy ngày mai sẽ diễn ra ở đâu. Chúng ta hãy tỏ thái độ một cách có trách nhiệm với sự kiện này.


Xin kể truyện Chiếc Bẫy Chuột của La Fontaine

Bác Nông dân đi chợ mua một Cái Bẫy Chuột về nhà. Trước nguy cơ bị mất mạng, Chuột cầu cứu sự giúp đỡ với các gia súc khác trong nông trại.

Chị Gà Mái đang bươi đất, dửng dưng:
Nguy cơ với anh đấy à, chân tôi dài, quyết không thể bị dính bẫy chuột.

Khá hơn một tý, anh Lơn chia sẻ:
Rất tiếc, tôi không giúp gì cho anh được. Tuy nhiên, tôi sẽ cầu nguyện cho anh không vướng vào bẫy.

Với Bò, Chuột nhận được câu trả lời:
Tôi hiểu sự lo âu của bạn, nhưng tôi biết làm gì đây.

Đơn độc, không ai chia sẻ, Chuột ta phải một mình ngày đêm cảnh giác hết sức tránh cái bẫy chuột tàn nhẫn.

Một đêm, nghe tiếng bẫy xập, vợ bác Nông dân bèn thắp đèn đi soi Chuột. Chuột đâu không thấy lại bị con Rắn mổ vào chân. Biết bị rắn độc cắn, bác trai tức tốc chở bác gái đi bệnh viện cấp cứu.

Giữa lúc giá viện phí tăng, giá thuốc còn tăng trước cả giá viện phí, bác Nông dân quyết định giết Heo rồi mổ Bò lấy tiền mua thuốc mà cũng không cứu được bác gái. Bác gái qua đời, bác trai phải giết nốt con Gà Mái làm mâm cơm cúng.

Bài học rút ra:

Cuối cùng Cái bẫy chuột lại làm thiệt mạng những con không phải là Chuột. Chúng ta đang sống trong một cộng đồng. Mọi biến cố xảy ra xung quanh chúng ta, không ít thì nhiều cũng có ảnh hưởng đến chúng ta.

Hôm nay, người dân Hưng Yên bị cưỡng chế một cách dễ dàng. Có gì bảo đảm chắc chắn rằng, nạn nhân bị cưỡng chế ngày mai không phải là Ta.

Bóng đá miền Nam sau 1975

Tựa: Những ngày cuối tháng 4, ta cùng nhau ôn lại những kỷ niệm về những ngày đầu thống nhất đất nước.


Ngày 30 tháng 4 năm 1975, cùng với các ngành nghề kinh tế, chính quyền dân cử và các tổ chức xã hội ngừng hoạt động và tan rã. Mọi hoạt động thể thao trong đó có bóng đá cũng ngừng lại chờ sự cho phép của chính quyền mới. Những đội bóng đương thời Thương Khẩu, Quan Thuế, Tổng Tham Mưu, Cảnh sát Quốc gia, Việt Nam Thương tín không thể tồn tại và phải tự giải tán.

Các tuyển thủ quốc gia miền Nam tan tác mỗi người mỗi nơi. Người thì vượt biên như thủ môn Lâm Hồng Châu; người thì đi tù cải tạo như Hậu vệ Ngôn (*), Tiền đạo Mỉn; số còn lại hoặc về quê hoặc thất nghiệp.

Sau khi ổn định được chính quyền, Ủy ban Quân quản đã dần dần khôi phục và nắm quyền kiểm soát các hoạt động xã hội. Các đội bóng mới thành lập trên địa bàn Thành phố hồi đó là: Hải Quan, Cảng Sài Gòn, Xi măng Hà Tiên (sau này là Sở Công nghiệp), Hóa Chất, Bưu Điện.

Các cầu thủ phải kiếm sống bằng cách xin vào làm công nhân tại các cơ quan xí nghiệp có đội bóng, vừa lao động vừa đá bóng nuôi bản thân và gia đình. Họ phải tự cải thiện bằng cách đá thuê từng trận cho các đội phong trào hay các đội tỉnh lẻ. Thường không phải lãnh bằng tiền mặt mà là hiện vật như gạo, thịt, cá sẵn có tại địa phương.

Để chứng tỏ sự ưu việt của chế độ XHCN luôn luôn hơn hẳn chế độ Tư bản thối nát ở miền Nam, đội bóng Tổng cục Đường sắt sau chuyến đi tập huấn ở Trung Quốc về được cử làm đại diện vào Nam du đấu giao hữu với các đội địa phương. Đội của những hảo thủ Mai Đức Chung, Lê Thụy Hải, Lê Khắc Chính, Hoàng Gia ... có nhiệm vụ chứng tỏ sự hơn hẳn của thể thao XHCN và sức mạnh toàn diện của người chiến thắng.

Trong khi các đội bóng miền Nam luôn bị thiếu thông tin và bị động. Họ chỉ được biết trước lịch trận đấu trong thời gian rất ngắn nên không có sự chuẩn bị tốt nhất về thể chất. Về tinh thần thì luôn được cán bộ ưu ái thăm hỏi bất kể giờ giấc. Hoặc được vinh dự đi gặp mặt cán bộ cao cấp thành ủy; hoặc được cán bộ Trung ương xuống nói chuyện, động viên làm cầu thủ xáo trộn giờ giấc sinh hoạt, tinh thần xao động không tập trung được vào chuyên môn.

Kết quả là đội TCĐS thắng như chẻ tre: Thắng Cảng Sài Gòn và Tây Ninh cùng tỷ số 2-0; thắng Cần Thơ 3-0; thắng Đồng Tháp 3-1 và đá trận cuối cùng với Hải Quan.

Sẵn hưng phấn, đội TCĐS ghi bàn trước. 5 phút sau Cù Sinh gỡ hòa rồi làm đường chuyền cho Hồ Thanh Cang lập công ấn định tỷ số 2-1. Đây là trận đấu duy nhất một đội bóng miền Nam thắng trong loạt 5 trận đấu giao hữu của đội TCĐS. Theo lời thú nhận của Cù Sinh, dù còn nhiều thời gian nhưng các cầu thủ Hải Quan đã không dám ghi bàn thêm nữa. Trận này Cù Sinh phải trả giá bằng thẻ đỏ khiến anh bị kỷ luật, bị khai trừ khỏi đội Hải Quan.

(*) Đây là Hữu biên Lại Văn Ngôn (gọi là Ngôn II) để phân biệt với Tả biên Nguyễn Văn Ngôn (Ngôn I) sau 1975 đá cho Cảng Sài Gòn.

Tuesday, April 17, 2012

Loạn thật rồi


Tuần nay, sau chuyến công du Tây bán cầu trở về, trên mạng nơi nơi chửi bác Tổng bí thơ như hát hay. Từ phân tích bằng lý lẽ như thầy Địa lý Thanh Giang; ẩn dụ như nhà báo Trương Duy Nhất; nhắc khéo như nhạc sĩ Tô Hải (Khoai Lang), châm biếm như  Đinh Tấn Lực đến cách nói huỵch toẹt không úp mở của tay viết  tục tĩu Phọt Phẹt, tất cả đều đồng thanh bôi nhọ đồng chí TBT đáng kính.

Đường đường là nguyên thủ quốc gia mà dân mạng ra sức dùng ngòi bút của mình một cách không e dè, ra sức vẽ nên chân dung của lãnh tụ như là một anh hề. Hiện tượng này có thể gọi là cơ hội chính trị được hay không.

Xin cảnh báo quý vị, ngoài chức vụ Tổng bí thư của đảng duy nhất nước Việt, ngài Tổng còn là một đại biểu quốc hội được tín nhiệm cao. Mà cuốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, vuốt mặt phải nể mũi; sỉ nhục Tổng bí thư phải nể đảng cầm quyền.

Chuyện thứ hai, báo chí lề phải đồng loạt tấn công Dân biểu quốc hội Hoàng Yến đòi xét lại tư cách của bà này. Với những lý do như khai man lý lịch, hồ sơ hôn nhân bất nhất, và tiêu chuẩn của đại biểu nhân dân, báo chí đã coi bà này như là một kẻ gian dối, không xứng đáng để ngồi vào ghế của những đại diện "cơ quan quyền lực cao nhất".

Đại biểu quốc hội xứ ta có tính cơ cấu, là một khối thống nhất các thành phần trong nước từ chị lao công, anh Binh Nhì đến ông Bộ trưởng, ngài Tổng Bí thư. Bà Yến ứng cử với tư cách doanh nhântrúng cử đại biểu quốc hội bằng đa số phiếu bầu của cử tri.

Quốc hội không phải cái chợ, người ta vào bằng tiêu chuẩn nào thì người ta ra bằng tiêu chuẩn ấy. Là doanh nhân bà Yến đã nộp thuế đầy đủ để có được khối tài sản khổng lồ như bây giờ. Để xét lại tư cách đại biểu của bà này phải căn cứ theo điều kiện:

hoặc là, là một doanh nhân bà ấy trốn thuế
hoặc là, bà ấy không còn được sự tín nhiệm của cử tri

Đàng này, cả hai điều kiện đều không có: cơ quan thuế chấp thuận sự đóng góp của bà và cử tri chưa có ý kiến, tức là còn nguyên sự tín nhiệm.

Loạn thế làm sao xây dựng được nhà nước pháp quyền.

Sunday, April 15, 2012

Tín dụng nới; Ba Tây hủy và Bắc Hàn bại

Giá ơi

Ngân hàng nhà nước nới lỏng chế độ tín dụng;
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hủy bỏ chuyến thăm chính thức Ba Tây vào giờ chót;
và Thử nghiệm phóng hỏa tiễn 3 tầng của Bắc Hàn thất bại
là những tin nổi bật trong tuần lễ thứ hai của tháng 4

Sau một năm thắt chặt tín dụng đồng bộ với việc quản lý ngoại hối, chuẩn bị quản lý kim loại quý dưới ánh sáng của nghị quyết 11 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã khống chế được tăng trưởng tín dụng dưới mức 15% trong năm 2011. Giảm đầu tư lập tức phải trả giá - tăng trưởng kinh tế Việt Nam  sụt giảm bất ngờ - xuống 4% trong quí I năm 2012, với biểu hiện là hàng tồn kho cao trong hoàn cảnh sản xuất đình đốn.

Tình thế thay đổi, Chính phủ nhận thức được rằng không thể tiếp tục lộ trình thực hiện nghị quyết 11. Ngân hàng nhà nước đã có quyết định quay 180 độ so với trước đó - nới lỏng tín dụng, cho vay vô hạn đối với tiêu xài cá nhân và nhất là đối với vay tiền để mua BĐS bất kể mục đích để ở hay để đầu cơ.

Cùng với quyết định tăng lương tối thiểu bắt đầu từ tháng 5 tới, đồng nghĩa với mở rộng quỹ lương, báo trước một thời kỳ lạm phát sung mãn do Cầu kéo.

 
Dự báo một năm tín dụng tăng trưởng ngoạn mục

Thứ hai, tin tức được dân mạng đồ đoán từ nghiêm túc cho đến châm biếm là tin phái đoàn hùng hậu của TBT Nguyễn Phú Trọng khước từ lời mời của Tổng thống nhà nước Ba Tây vùng Nam Mỹ tuy giàu có mà hoang dã.

Nguyên nhân hủy chuyến công du được dự đoán bởi những lý do sau:

một là, do không tương thích - nguyên thủ không tiếp một TBT
hai là, ở nhà có biến, TBT phải về gấp để lo hậu sự
ba là, phía chủ nhà - cánh tả Ba Tây, sợ TBT phát biểu bậy bạ ảnh hưởng đến uy tín của họ đối với dân chúng.

Show hay Hủy

Tuy nhiên, không có lý do kể trên nào đúng cả. Tất cả các tin dự kiến về chuyến thăm Ba Tây của TBT Nguyễn Phú Trọng đều xuất phát từ các website Việt Nam cả bản tiếng Việt lẫn tiếng Anh và không có bản tiếng Anh từ các hãng tin nước ngoài trừ tời biểu chương trình làm việc của bộ Ngoại giao Ba Tây viết bằng tiếng Bồ Đào Nha - ngôn ngữ ít phổ biến - yết trên website của Bộ nọ.

BBC tiếng Việt thì nói theo như là một cái loa của TTXVN.

Thông lệ, trước đây những chuyến công du của ông Nông Đức Mạnh đều được các hãng tin phương Tây loan tải. Lần này - chuyến thăm ảo đi Ba Tây - thì không, vì họ không kiểm chứng được.
Vậy có thể kết luận để phản bác những lời đồn nhảm mà không sợ sai rằng chuyến đi Ba Tây của ông Tổng Bí thư chưa hề được "dự kiến".

Chuyện thứ ba: Bắc Hàn phóng hỏa tiễn ba tầng thất bại nhưng không thảm hại.

Tuy là tin trà dư tửu hậu không liên quan đến đời sống của nhân dân trong nước, nhưng do báo chí trong nước tỏ ra "am hiểu" về quá trình phát triển và cuộc phóng thất bại, nền cần phải nói cho rõ.

Bắc Hàn tuyên bố với thế giới rằng: cuộc phóng hỏa tiễn mang theo vệ tinh của họ đã thất bại. Nguyên nhân thất bại thật sự chỉ có Bắc Hàn biết nhưng họ lại không nói. Còn những người không biết tại VN lại đoán già đoán non về nguyên nhân:

một là, nhiên liệu giả;
hai là, trục trặc ở bộ phận ghép nối;
ba là, thân hỏa tiễn mua của Nga quá cũ nên gặp rủi ro kỹ thuật.

Bắc Hàn có thể chưa làm chủ công nghệ phóng hỏa tiễn - chưa hoàn thiện nên mới phải thử nghiệm - ngay cả Pháp mỗi lần phóng thành công Arian đều reo mừng thắng lợi từ TT Sạc cô zi đến bọn thanh niên nhập cư thất nghiệp phá làng phá xóm. Nhưng công nghệ theo dõi thì Bắc Hàn có thừa - là cơ sở để giữ vững chế độ cho đến ngày nay, nên chỉ có người Bắc Hàn biết chuyện gì đã xảy ra và ngậm cười khi thiên hạ đoán mò.

Ngôi sao chế độ được hàn cẩu thả

Lại nữa, báo chí còn tường thuật rằng hải quân các nước Cờ Hoa, Nam Hàn và Nhật bản ráo riết tìm các mảnh vỡ rớt xuống biển để tìm hiểu công nghệ Bắc Hàn.

Trời ạ, Ba Tư tóm được cả chiếc máy bay công nghệ mới Sentinel còn nguyên vẹn đã nhiều tháng nay mà việc tìm hiểu công nghệ còn chưa tới đâu. Chẳng qua Mỹ - Nhật - Hàn muốn hù dọa dân chúng về mối đe dọa Bắc Hàn đặng xin thêm ngân sách quốc phòng.

Một giả thuyết dễ thuyết phục nhất đó là: Bắc Hàn khuếch trương quảng cáo ầm ĩ cho vụ phóng lần này nhưng lại là hỏa tiễn giả. Vấn đề thiết thực và cốt lõi là kinh phí dành cho nghiên cứu kỹ thuật tên lửa rất là đáng kể tương đương với cả chục triệu tấn lương thực. Tên lửa đã phóng, tiền đã tiêu.

Ở các nước xã hội chủ nghĩa, không có cái gì là không thể.

Chú thích:
Lạm phát do Cầu kéo: Mỗi đợt tăng lương, mọi người lĩnh lương đều cố gắng mua sắm thêm những vật dụng ngoài kế hoạch chi tiêu hàng tháng trong khi năng suất lao động không có tăng, dẫn đến lượng Cung hàng hóa trở nên thiếu hụt. Giá thị trường sẽ tự động tăng do tác động của quy luật cung cầu. Tương tự là quan lại "trúng quả" chi tiêu hoang phí cũng dẫn đến lạm phát.

Nguồn tham khảo:
Tăng trưởng tín dụng năm 2011 là 15%
Các nguồn từ internet khác.

Thursday, April 12, 2012

Đến lúc phải nới lỏng tín dụng


Nghị quyết 11 nhằm kềm chế lạm phát đã phát huy tác dụng. Chỉ số CPI tháng 3 năm 2012 giảm còn 13.71% so với 15.99% của tháng 2 và 17.27 của tháng 1. Đặc biệt CPI tháng 3 đã giảm so với 17.51% của tháng 3 năm 2011. Có thể nói là Nghị quyết 11 đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị là kềm chế lạm phát, nền kinh tế được “uống thuốc đúng liều chỉ định”.

Tuy nhiên, không phải là không có tác dụng phụ của NQ11. Đó là, lạm phát giảm do nguyên nhân từ sản xuất đình đốn, thu nhập của người dân giảm dẫn tới hàng ế không bán được, lượng tồn kho cao.

Tác dụng của tăng lãi suất và siết chặt tiền tệ làm giảm thu nhập doanh nghiệp dẫn tới giảm đầu tư của doanh nghiệp; hoặc thậm chí hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa do kinh doanh không có lãi.

Các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa làm giảm thu nhập của người lao động. Người lao động hưởng lương không toàn thời, phải giảm chi tiêu tuy giá cả hàng hóa không tăng.

Theo báo cáo hiện trạng tháng 11 năm 2011 của Ngân hàng Nhà nước. Một là, dư nợ cho vay BĐS khoảng 200 ngàn tỷ đồng, chiếm 10% dư nợ toàn hệ thống. Hai là, nợ xấu chiếm 3.4% tổng số nợ đã cho vay, về giá trị là 68 ngàn tỷ đồng. Theo FITCH, nợ xấu thực tế khoảng 4 lần con số trên. Để tiện so sánh, khoản sai phạm (chứ không phải thất thoát) của tập đoàn dầu khí mới chỉ ở mức 18 ngàn tỷ đồng.

Đầu năm 2012, thị trường ảm đạm khiến giá BĐS sụt giảm. Điều này có thể khiến việc định giá BĐS thế chấp có thể thấp hơn khoản vay, người vay sẵn sàng tài sản thế chấp thành tài sản của ngân hàng để thanh lý khế ước vay với ngân hàng. Hợp đồng vay vô hiệu, tài sản của ngân hàng sẽ tăng do được gộp thêm các BĐS bị tịch biên nhưng bản thân ngân hàng lại mất thanh khoản.

Nới lỏng tín dụng sẽ giải quyết bài toán nan giải trên đây của các ngân hàng. Quyết định của Ngân hàng Nhà nước không phải nhằm cứu thị trường BĐS mà nhằm vào cứu các ngân hàng thương mại.

Nguồn tham khảo:
- Đà Nẵng: 27% doanh nghiệp đình trệ, phá sản (Tuổi trẻ)
- 12 ngàn DN phá sản hoặc ngừng hoạt động chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm (Diễn đàn Kinh tế VN)
- Gần 1/3 doanh nghiệp toàn quốc bị phá sản (Gafin)
- Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore. (Người lao động)
- Hàng tồn chất cao như núi! (Pháp luật TP HCM)
- Tìm đâu ra 200 nghìn tỷ đồng để cứu doanh nghiệp bất động sản? (Cafef)
- Quyết định nới lỏng tiền tệ của Thống đốc ngân hàng NN (Diễn đàn Kinh tế VN)

Monday, April 9, 2012

Sai phạm tài chính của các tập đoàn: Tội hay Công?

Việc đầu tư không đúng thời điểm dẫn đến lỗ hay mất thanh khoản được Thanh tra Chính phủ gọi là Sai phạm. Cho tới nay Thanh tra Chính phủ chưa xác định được những cá nhân biển thủ vốn nhà nước mà chỉ là Đầu tư ngoài ngành.

Cái gọi là "đầu tư ngoài ngành" đối với Tập đoàn Sông Đà chỉ là đầu tư vào nguồn nguyên liệu như Nhà máy Xi măng Đồng Bành; ngoài ra đầu tư được Thanh tra Chính phủ kết luận là ngoài ngành đó là lãnh vực bất động sản. Những năm trước đây, Tập đoàn đã đầu tư mạnh vào BĐS không phải vì nó là thời thượng mà vì đó là nơi đầu tư hấp dẫn: bỏ vốn ít, thu lợi nhuận cao, thu hồi vốn nhanh. Cho đến nay, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đã rút khỏi những dự án BĐS. Cộng với lãi suất cao dưới ánh sáng của Nghị quyết 11, việc đầu tư vào BĐS không hiệu quả bằng ký thác tiền gửi trong ngân hàng, đã làm mất đi động lực đầu tư từ trong nước.

Kết quả là, vốn của Tập đoàn bỏ vào BĐS đã không thu hồi được. Thay vào đó là Tập đoàn sở hữu hàng núi BĐS kém thanh khoản. Thực tế vốn trên sổ sách của Tập đoàn rất lớn, và tiếp tục là Quả đấm thép của kinh tế quốc doanh khi thị trường BĐS phục hồi.

Kỷ lục "Sai phạm" số vốn hơn 10 ngàn tỷ đồng của Tập đoàn Sông Đà nhanh chóng bị phá bằng "sai phạm" khác của Tập đoàn Dầu khí số vốn nhiều gần bằng 2 lần như thế là 18 ngàn tỷ đồng. Chỉ tính riêng 2 Tập đoàn vừa kể, số sai phạm được Thanh tra chính phủ kết luận có giá trị bằng 3 lần đường Cao tốc Sài Gòn - Trung Lương.

Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt nam - Vietnampetro hay PVN - cũng không phải thất thoát vốn mà chỉ là đầu tư nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị lâu dài - tiếp tục là ngành giữ tỷ trọng GDP lớn nhất trong nền kinh tế quốc dân. "Sai phạm" của PVN được Thanh tra Chính phủ vạch ra là ở 3 hạng mục chủ yếu:
1. Cấp vốn thành lập công ty con là Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP) 11 ngàn 800 tỷ đồng
2. Góp vốn vào công ty Liên doanh Rusvietpetro 1 ngàn 400 tỷ đồng
3. Mua nợ của Rusvietpetro 2 ngàn 360 tỷ đồng
Tổng cộng 15 ngàn 600 tỷ đồng

Khoản (1) là đầu tư chuyên sâu ngành dầu khí góp phần tiến tới làm chủ công nghệ dò tìm và khai thác dầu khí
Khoản (2) và (3) thực chất là khoản lót tay cho phía Nga để làm cầu nối cho hợp đồng với Đại công ty quốc doanh Gazprom của Nga quyền thăm dò và khai thác dầu khí trên Biển Đông. Từ nay trở không còn lo bị "cắt cáp". Chi phí để Cáo (VN) mượn oai Hùm (Nga) chống lại sự uy hiếp của Chó sói (Trung hoa) như thế không phải là đắt đỏ.

Kết luận: Cho đến nay Lãnh đạo các Tập đoàn có Công nhiều hơn Tội.

Nguồn tham khảo:
Nhiều sai phạm tại Tập đoàn Sông Đà (Thanh niên)
Đầu tư của PVN (Sài Gòn Tiếp thị)
Gazprom tham gia dự án dầu khí Biển Đông (báo Công an ND)

Tuesday, April 3, 2012

Phôi tượng Thánh Gióng bị phá và những hiểu lầm

Khác với tượng đài Điện Biên Phủ, tượng Thánh Gióng
chưa thấy có dấu hiệu xuống cấp sau 2 năm nghiệm thu

Báo Tiền phong loan một tin giật gân Bản gốc tượng đài Thánh Dóng bị phá nát (báo viết sai tên, đúng ra phải viết là Thánh Gióng). Theo lời tác giả bức tượng Thánh Gióng - ông Nguyễn Kim Xuân, Trưởng khoa điêu khắc, Hội Mỹ thuật Hà Nội - nguyên văn "một công ty đã huy động cần cẩu và người đến phá dỡ mẫu tượng đài Thánh Dóng của tôi đặt tại bãi đúc Tượng đài ở chân núi Sóc Sơn" ngưng trích.

Ngoài đề mục báo giật gân, báo này đã giật tít Mất gốcCố ý phá hoại tượng đài. Bản tin này đã gây bức xúc dư luận, rằng ai đó đã ác tâm phá hỏng "bản gốc" Thánh Gióng.

Mặt bằng được "giải phóng"

Lập tức ông Phạm Quang Long, GĐ sở Văn hóa Hà Nội lên báo đính chính. Ông Long không phủ nhận việc "tượng" bị phá, nhưng ông đã trấn an dư luận rằng đã có sự hiểu lầm. Theo ông, bản gốc không bị phá, bản gốc chỉ có một bản duy nhất hiện đang tọa lạc trên đỉnh núi Đá Chồng. Ngoài ra, ông có ý trách tác giả Nguyễn Kim Xuân phát biểu vô trách nhiệm

Hãy bắt đầu với quy trình làm tượng đài.

Bản điêu khắc mà tác giả mang đi dự thi có kích thước bằng 1/5 tượng đài dự định sẽ được xây dựng sau này. Hay nói chính xác hơn là, nếu được Ban tổ chức chấm thắng giải trong cuộc thi, tượng sẽ được làm với kích thước gấp 5 lần phiên bản này. Phiên bản này gọi là Bản Thảo.

Sau khi được chọn, tác giả sẽ xây dựng một bản có kích thước phóng đại 5 lần bản thảo để Chủ đầu tư nghiệm thu tác phẩm điêu khắc, làm căn cứ ra quyết định thi công tượng đài. Phiên bản được nghiệm thu sẽ được dùng để làm khuôn đúc tượng. Phiên bản này được gọi là Bản Phôi.

Tượng đài sau khi thi công, được nghiệm thu gọi là Bản Chính. Bản chính chỉ có một. Những bản sau này giống như bản chính được gọi là Bản Sao. Thông lệ, Bản Sao sẽ nhỏ hơn bản chính. Thí dụ: Tượng Nữ Thần Tự do ở Nữu Ước là bản chính, còn bức tượng Bà Đầm Xòe ở Hà Nội - đã bị cách mạng giật sập - là bản sao. Ông Long gọi bản chính là bản gốc là sai, cái sai không tha thứ được đối với một người làm lãnh đạo ngành văn hóa.

Tượng Thần Tự do New York - bản chính

Tượng Bà Đầm Xòe ở vườn hoa Paul Bert(*) (Hà Nội)

Bản sao tượng Thần tự do bên Pháp quốc

"Bức tượng gốc" bị phá trong trường hợp này mà ngài Giám đốc gọi là bản trung gian chính là Bản phôi.

Theo luật Tác quyền, tùy theo tác phẩm là gì mà tác giả có được giữ bản thảo hay không. Quyền định đoạt Một bức tranh thắng giải sẽ thuộc về ban tổ chức cuộc thi. Một bức họa của van Gogh không thuộc quyền của van Gogh mà thuộc về một nhà sưu tập nào đó. Bức Mona Lisa không thuộc về de Vinci mà thuộc về Bảo tàng Le Louvre. Cũng vậy, tượng David không thuộc về Michelangelo mà thuộc về Giáo đường Thánh Phê rô (St. Peter hay St. Pierre) ở La Mã.

Quay trở lại với bức tượng Thánh Gióng, bản thảo bức tượng thuộc về tác giả - nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân - nếu ban tổ chức không có yêu cầu giữ lại, tác giả có thể đem về chưng ở nhà như một vật lưu niệm.

Cũng như bản thảo, sau khi nghiệm thu tượng đài, nếu không còn dùng đến nữa, Chủ đầu tư có thể đồng ý cho tác giả mang phôi bức tượng về nhà. Xin mở ngoặc ở đây, quyền định đoạt phôi tượng thuộc về Chủ đầu tư chứ không thuộc về tác giả.

Bài báo nêu lên sự kiện phôi tượng bị phá từ ngày 16 tháng Giêng mà vài ngày gần đây tác giả Xuân mới biết, tức là sau hơn 2 tháng - thời gian đủ lâu để tượng thạch cao hóa bùn. Nếu xem phôi tượng là đứa con tinh thần của mình thì tác giả phải quan tâm đến và đề nghị được rước "tượng" về tư gia ngay sau khi khánh thành tượng đài.

Chú thích:
(*) vườn hoa Paul Bert sau đổi thành vườn hoa Chí Linh, rồi có thời gọi là Indira Gandhi, nay gọi là Công viên Lý Thái Tổ. Đến cái tên cũng tùy thời kỳ, giai đoạn. Không biết sau Lý Thái Tổ đến cái gì.

Nguồn tham khảo:
Bản gốc tượng đài Thánh Dóng bị phá nát (Tiền phong)
Không chuẩn xác, khiến dư luận hiểu lầm (Hà Nội mới)
Phá hoại mẫu gốc tượng đài Thánh Gióng (Thanh niên)
Chủ đầu tư phá nát bản gốc Tượng đài Thánh Gióng (Thanh tra)
Tác quyền
Khánh thành tượng đài Thánh Gióng (Lao động)