Cũng như ăn và uống, người ta cũng cần phải ngủ để duy trì cuộc sống. Trong thời gian ngủ, cơ thể nghỉ ngơi giảm nhịp độ làm việc và tự tu bổ, phục hồi chức năng. Ngủ đủ thời gian làm cho cơ thể sảng khoái, tinh thần minh mẫn, sáng suốt trong quyết định. Ngược lại thiếu ngủ gây ra mệt mỏi, nhầm lẫn, thiếu sáng suốt, trí nhớ kém và giảm đề kháng.
Người ta dành 1/3 thời gian sống chỉ để ngủ, tức là bình quân từ trẻ sơ sinh đến cụ già cận tử mỗi ngày cần 8 giờ để ngủ. 8 giờ mỗi ngày cũng là thời gian cần thiết để ngủ của một người trưởng thành. Ngủ đầy đủ 8 giờ để phục vụ cho việc hoạt động của 16 giờ còn lại, trong đó có làm việc, vui chơi.
Đối với trẻ, thời gian ngủ là thời gian giải phóng hormone cho sự tăng trưởng, trẻ lớn lên trong lúc ngủ. Trẻ sơ sinh ngủ hầu như suốt ngày khoảng 16-18 giờ mỗi ngày. Trẻ càng lớn thời gian ngủ giảm dần. Trẻ 5 tuổi ngủ khoảng 11 giờ sau đó nhu cầu ngủ giảm dần đến 9 giờ mỗi ngày, gần như người lớn. Nhân tố điều khiển giấc ngủ nói riêng và nhịp sinh học của cơ thể nói chung là nội tiết tố Melatonin. Đối với người lớn, nồng độ melatonin tăng lên vào khoảng 10 giờ tối gây ra buồn ngủ. Thói quen thức khuya làm việc tiết ra melatonin muộn hơn.
Đến tuổi đi học, nhu cầu ngủ của trẻ giảm dần. Đến tuổi dậy thì, do nhu cầu tăng trưởng thể chất nhiều hơn so với trẻ em và người lớn`, nhu cầu ngủ lại tăng lên từ 9 đến 10 giờ mỗi ngày. Nhu cầu ngủ sẽ trở lại ổn định khi chấm dứt tuổi dậy thì, với 19 tuổi ở nữ và 21 tuổi ở nam. Được ngủ đủ giấc, trẻ sẽ có thể chất khỏe mạnh, sáng suốt để tiếp thu. Ngược lại, trẻ thiếu ngủ gây mất tập trung trong học tập, chứng béo phì hay trầm cảm.
Đồng thời với lứa tuổi, dung lượng kiến thức cần phải học tăng lên, trẻ cần thời gian nhiều hơn cho việc học. Trên thực tế lứa tuổi này phải thức khuya để học bài và thức dậy sớm để đi học. Kết quả của sự thiếu ngủ là trẻ lơ mơ khi tiếp thu bài giảng. Để chống lại cơn buồn ngủ, trẻ hay có những hành vi quá khích, quậy phá. Một số khác lại có biểu hiện trầm cảm học hành sa sút. Khảo sát chỉ số giảm khoảng 7 điểm so với trước. Trong môi trường xấu, trẻ có thể bị nghiện ma túy.
Sự biến động hormone ở tuổi vị thành niên gây ra những biến đổi như trẻ không ngủ sớm được hoặc không thích ngủ sớm. Lứa tuổi này thường mất vài giờ trước khi ngủ vào chơi game, lướt web, đọc truyện hay xem TV. Do đó mà các bé thường ngủ sau 12 giờ đêm và chỉ ngủ được 4 đến 6 giờ. Nên trước mắt cần tránh xem TV muộn; lên giường đi ngủ theo một thời biểu nhất định; cố gắng ngủ được ít nhất 9 giờ mỗi đêm.
Những biện pháp khắc phục
1. Nhấn mạnh tầm quan trọng của giấc ngủ đúng giờ
2. Giúp trẻ học cách nghỉ ngơi thư giãn và chuẩn bị những tín hiệu thông báo cho cơ thể biết đã đến giờ đi ngủ. Đặt mọi lo lắng sang một bên để giấc ngủ mau đến.
3. Đưa các thiết bị điện tử, kể cả điện thoại di động ra khỏi phòng ngủ ít nhất 1 giờ trước khi ngủ.
4. Không uống những thức uống có chất kích thích vào buổi chiều hoặc buổi tối.
5. Khuyến khích tập luyện đều đặn, đặc biệt là tập ngoài trời vào buổi sáng. Ánh sáng mặt trời giúp thiết lập lại nhịp sinh học của cơ thể.
6. Ngày cuối tuần không ngủ nướng quá 2 giờ so với ngày trong tuần.
7. Tự tạo khung cảnh bình minh như mở đèn hay mở cửa sổ trước khi dậy.
Nguồn tham khảo:
Teens and Sleep
Teenagers and Sleep
How much sleep do I need?
Teenagers school Workshops
11 comments:
Bài của Bác Lý khiến tôi nhớ lại câu:
Cuộc đời ví một gang tay
Ai hay ngủ ngày chỉ còn lại nửa gang.
Tuy nhiên, ngủ đủ 08 giờ khi ở tuổi thành niên quả ko dễ. Chắc thường ít hơn chút?
Đúng rồi, ngủ ngày thì không có cơm ăn. Chính vì vậy mà các nước vĩ độ cao mới có chế độ giờ mùa hè để tăng thời gian làm việc và tiêu tiền.
Ngay cả VN chỉ cần đổi GMT+7 thành GMT+8 là khác liền, có thêm 1 giờ sinh hoạt ban ngày.
Đối với trẻ vị thành niên, ngủ đủ giờ không dễ như bài đã phân tích. Tuy nhiên không phải là không làm được.
Tổng thống Obam,bác Thảo chủ tịch HN nhà ta ngủ rất ít.
Con nhà em ngủ rất say ,vừa ngủ vừa ăn sữa,sáng dậy ngay rất tươi tỉnh.Bố cháu ngủ kém vì lo thất nghiệp.
Những người dễ ngủ thường béo.Bác Lý có vẻ hơi gầy.
Haha. Giấc ngủ là quà của Thượng đế đấy.
Ai nói Obama với Thảo ngủ ít, nghe lá cải nói mà tin à.
Bác Lý cho em hỏi nhát:
Theo đánh giá của Bác thì giá nhà chung cư trong tương lai gần (nay tới cuối năm) biến động ra sao? Em tính mua cái, mà ko biết tính mua ngay hay chờ mấy tháng.
Mặc dù ai cũng khẳng định Bê sẽ cứu thị trường BĐS.
Dear Hieu,
B cứu BDS chắc rồi, vì tài sản của B nằm cả ở đó. Muốn cứu nó thì toàn dân mỗi người móc hầu bao một ít, theo thuật ngữ chuyên môn gọi là lạm phát. Dự báo cuối năm lạm phát phi mã.
Chung cư là sự lựa chọn trong ngắn hạn, để ở ngay thuận tiện đi làm, đi học, gửi con ... Chỉ nên mua nhà chung cư với điều kiện trả một lần, có nghĩa là giá không quá cao và thuận tiện trong sinh hoạt.
Xu hướng bây giờ là người ta tháo chạy khỏi việc đầu tư nhà chung cư trung cấp trở lên (loại này lượng cung lớn nhất) nên loại này xu hướng sẽ hạ giá. Còn nhà nhỏ giá phổ thông vẫn dễ bán.
Thanks Bác Lý!
Rất nhiều bạn Sinh viên (Sv) thường thức khuya làm bài, ban ngày ngủ bù. Vì ban ngày ồn ào do ở nhà trọ hay ký túc xá. Trong khi Sv nóng vội muốn có nhiều kiến thức, nên họ học thêm tối. Ngày nào cũng thế, rồi thành một thói quen.
Trong khi mỗi buổi sáng thức dậy sớm sẽ giúp con người cảm thấy thoải mái, ngược lại với ngủ ngày là mệt mỏi.
@ Võ Thiện,
Đối với sinh viên, nhu cầu ngủ trở lại bình thường của một người trưởng thành, tức là không bị thiếu ngủ như tuổi dậy thì. Người ta hay có thói quen làm việc khuya và nghĩ rằng hiệu suất cao hơn ban ngày. Đó là sự hiểu lầm, về khuya thường im lặng và dễ tập trung hơn. Và nhịp sinh học cũng tự điều chỉnh để thích nghi, kết quả là buộc phải dậy muộn.
Muốn cho trí óc minh mẫn, ngoài việc ngủ đủ giấc, còn phải duy trì được một cơ thể mạnh khỏe.
@ Hieu,
Người ta đang chuẩn bị dư luận để "giải cứu" thị trường BDS đang đóng băng. Theo đó đầu tư vào BDS theo đúng quy trình sản xuất, tức là mua nguyên liệu (đất), phụ liệu (VLXD) rồi gia công (thi công xây lắp). Nhà chung cư cao tầng nguy ngập lắm rồi.
Post a Comment