Nguyễn Văn Lục
Bài trước giới thiệu cho độc giả về phương thức Khảo thí mộc mạc đơn sơ của 4 kỳ thi Tú tài trong hoàn cảnh thời chiến. Là con người không tránh khỏi những sai lầm và đã xảy ra những vụ bê bối. Xin giới thiệu phần cuối trong bài bài biên khảo của tác giả Nguyễn Văn Lục về chế độ thi cử trước 1975.
Xem phần I ở đây
Xem phần II ở đây
Những vụ bê bối trong thi cử ở miền Nam
Tôi nêu ra đây một vài vụ việc, nêu cả danh tánh, trong đó có những người tôi cũng biết. Nêu ra để chứng tỏ một thứ trong sáng, transparency, cần thiết mà không có một chút ác ý cỏn con nào. Câu chuyện nay đã vào quá khứ, nói ra như một bằng chứng cần phải nói thôi. Và xin lưu ý, cả hai vụ nêu ra đây đều xảy ra thời Đệ Nhị Cộng Hòa của miền Nam Việt Nam. Lúc đó kỷ cương, kỷ luật học đường ‒ do chiến tranh một phần, nhưng do những người lãnh đạo miền Nam lúc đó phẩm chất đạo đức yếu kém, sự có mặt của người Mỹ tạo ra những xáo trộn xã hội không tránh khỏi, thêm nhiều nhố nhăng chạy theo đồng tiền ‒ Và chuyên gì đã xảy ra thì phải xảy ra thôi. Có nhiều trường hợp chỉ là tin đồn thì chúng tôi không xét đến như có đường giây nọ, giây kia ở tỉnh Biên Hòa.
– Vụ thứ nhất liên quan đến hai giám khảo Nguyễn Hữu Lễ và Phạm Kiều Tùng. Việc này xảy ra ở Vĩnh Long do có lộ đề thi trước và giám thị đã bắt được và truy ra manh mối từ hai vị giám khảo trên. Hồ sơ nội vụ đã được phúc trình về bộ giáo dục dưới thời bác sĩ Nguyễn Lưu Viên và Nguyễn Danh Đàn. Hồ sơ được chuyển cho Thanh tra đặc biệt. Vụ này có liên quan đến một người cháu của ông Trần Văn Văn và vì thế bà Trần Văn Văn có can thiệp, gọi điện thoại cho vị thanh tra, nhưng vị thanh tra cứ thẳng mà làm. Và cho biết rằng không có bổn phận trả lời bà. Kết quả là hai vị giám khảo bị vi phạm kỷ luật trường thi, bị đổi đi nơi khác. Vụ này thật ra chỉ là do tình cảm cá nhân như liên hệ bà con họ hàng chứ không phải là làm tiền hay tham nhũng. Ảnh hưởng xấu có giới hạn rõ ràng và có thể giảm khinh được theo cái lối xử sự của người mình.
– Vụ thứ hai liên quan đến một giáo sư toán dạy Petrus Trương Vĩnh Ký, ông Cam Duy Lễ, sau về làm trong nhóm ra đề thi. Gia đình một phụ huynh học sinh đã bỏ một số tiền ra mua đề thi của ông giáo sư này. Đề thi chắc để bảo mật chỉ giao cho thí sinh này trước vài tiếng. Nhưng thí sinh này tham muốn gỡ lại số tiền đã bỏ ra bèn bán đề thi. Chẳng mấy chốc mà đề thi được tiết lộ cho nhiều người. Ông giáo sư này bị điều tra, bị hoàn trả về sở nhân viên và để làm gương cho những người khác, ông bị đưa ra tòa.
Dù sao, việc này đã gây một tiếng xấu trong ngành giáo dục không ít.
Cá nhân tôi xin thú thật thì tôi cũng đã làm nhiều việc bê bối thời trẻ. “Tôi hư trong bụng tôi biết.” Ôi tuổi trẻ sao mà mệt thế! Chuyện gì cũng dám làm. Vậy mà đụng đến thi cử là bàn tay như rụt lại, không dám xé rào thò tay vào. Điều gì đã làm cho người tuổi trẻ biết tôn trọng, biết giữ gìn “nhân cách” của mình, một cái nhân cách mà so với một Hoàng Cơ Nghị là thua một trời một vực?
Nhưng dù gì thì cũng vẫn là con người. Việc gian lận thi cử cũng vẫn xảy ra ‒ thời nào cũng có- và điều đó không có gì lạ.
Nếu đời hết tham lam thì biết đâu chúng ta đã có cơ hội ngồi chung bàn với Phật? Và có dịp bắt tay ông Thánh Phêrô lừng lững vào Thiên Đàng?
Trong truyện đời xưa, ông Trương Vĩnh Ký kể truyện đút sáp vào đít hối lộ cho cọp ăn cũng kể là thâm thúy.(Ý của Vương Hồng Sển). Trong Hồi ký Nguyễn Hiến Lê viết:
“Năm đó, tôi thi xong môn chính tả buổi sáng tin chắc là rất ít lỗi mà qua được môn đó, tôi sẽ đậu. Buổi chiều, bỗng có tin là đầu bài bị tiết lộ nên bỏ, sáng hôm sau thi lại. Nghe nói kẻ tiết lộ đầu bài là một học sinh ban tú tài bản xứ trường Bưởi được thống xứ Bác Kỳ yêu vì giỏi Pháp Văn.
(Trích Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, trang 144)
Việc thi cử như trên dù có sơ xuất cũng chỉ thu gọn vào phạm vi cá nhân mà không có tính cách “đại trà” như hiện nay ở Việt Nam.
(Hết)
Phụ lục: Tú tài I và Tú tài II
Danh từ Tú tài I và Tú tài II lần đầu tiên được dùng ở Việt Nam vào thời Pháp thuộc. Tháng Tám năm 1928 Nha học chính Đông Dương mở kỳ thi Tú tài I đầu tiên. Sang năm sau vào Tháng Chín 1929 thì tổ chức kỳ thi Tú tài II. Lúc bấy giờ bằng Tú tài I và II lấy mẫu từ bằng Baccalauréat Première Partie và Deuxième Partie của Pháp, dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ, tiếng Việt chỉ là ngôn ngữ phụ trong trường học. Năm 1945 vua Bảo Đại ra đạo dụ dùng chữ Quốc ngữ trong kỳ thi Tú tài nhưng phải đợi đến thời Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam tiếng Việt mới được đưa vào làm ngôn ngữ chính.
Khi đất nước Việt Nam chia đôi thành Việt Nam Cộng hòa ở phía nam vĩ tuyến 17 và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở phía bắc thì danh từ Tú tài bị bỏ hẳn ở ngoài Bắc, thay vào đó là tên "bằng tốt nghiệp cấp III". Ở Miền Nam thì tiếp tục dùng Tú tài I và II là hai đợt thi tuyển quan trọng ở bậc trung học.
Học sinh sắp xong lớp 11 phải thi Tú tài I (còn gọi là Tú tài bán phần) để lên lớp 12. Kỳ thi Tú tài I có phần viết và phần vấn đáp. Phần vấn đáp bị loại bỏ năm 1968. Văn bằng Tú tài I còn được dùng để tuyển nhân sự cho một số học viện như Học viện Cảnh sát Quốc gia, hoặc trường cao đẳng như Trường Cao đẳng Công chánh. Việc thi cử thường tổ chức thành hai đợt để ai hỏng đợt 1 có thể dự thi đợt 2. Nam giới ai hỏng thi Tú tài I phải trình diện nhập ngũ quân đội đi quân dịch hai năm hoặc vào trường hạ sĩ quan Đồng Đế ở Nha Trang; đậu thì vào Trường Bộ binh Thủ Đức.
Tú tài II thi vào cuối năm lớp 12. Tú tài II, tức Tú tài toàn phần cũng có hai phần: phần viết và phần vấn đáp như Tú tài I. Sinh viên tuyển vào bậc đại học phải hội đủ điều kiện là đậu được bằng Tú tài II.
Tú Tài I.B.M.
Cho đến lúc này, người viết không nắm chắc được việc thí nghiệm thi trắc nghiệm, còn gọi là tú tài IBM là do khuyến cáo của Mỹ hay do các vị đi du học ở Mỹ về đề nghị. Điều chắc chắn là thử nghiệm tú tài IBM đã bị một số viên chức và báo chí lên tiếng phản đối. Sự phản đối này hiểu được vì bất cứ cải cách nào về phương diện gíáo dục đều gây phản ứng trái ngược. Nhưng xem ra phản ứng của dư luận có phần yếu ớt và cuộc thi trắc nghiệm bậc tú tài vẫn được tiến hành cho đến 1975.
Có thể các câu hỏi trắc nghiệm lúc đầu chưa hoàn chỉnh. Báo chí mang các câu hỏi đó ra bình phẩm và chê trách. Nhưng cái xu hướng thi trắc nghiệm là điều không thể không làm.
Cái lợi thứ nhất là tránh cho học sinh khỏi bị rơi vào cái bẫy may rủi với chỉ một bài toán hay chỉ một bài luận duy nhất. Các câu hỏi dàn trải suốt cả chương trình không cho phép học sinh “học tủ.” Các câu hỏi đòi hỏi trí nhớ nhưng cũng đòi hỏi trí thông minh tránh tình trạng “học gạo.”
Áp dụng thi trắc nghiệm chỉ là làm những điều mà các nước tân tiến đã thi hành từ lâu rồi.
Bên cạnh đó vẫn còn duy trì bài luận để học sinh vẫn có thể vận dụng óc suy luận tổng hợp, khả năng trình bày biện chứng, v.v...
Cái lợi trước mắt là học trò thi trắc nghiệm nay có thể được điểm cao. Tỉ số đậu có khá hơn và các học sinh đậu bình hay bình thứ là thường.
Câu chuyện thi trắc nghiểm kể như mới đi những bước đầu dọ dẫm thì miền Nam bị rơi vào tay một chế độ không biết gì về phương pháp thi trắc nghiệm nên dẹp bỏ luôn.
Chế độ giáo dục mới giống loài tôm lúc nào cũng cựa quậy, nhưng là đi những bước lùi, giống như loài tôm hùm luôn luôn đi lùi. Ý tưởng mà tôi lấy lại của Umberto Eco trong cuốn sách của ông: À reculons, comme une écrevisse. Giật lùi giống như loài tôm hùm.
Tôi đã có kinh nghiệm chấm thi trong cả hai chế độ. Khoảng tháng chín 1975, tôi được điều động đi chấm thi tuyển vào lớp 10. Chấm xong là hết. Từ đó, tôi không còn biết số phận các bài chấm đó ra sao nữa?
Đấy sự khác biệt nó từ chỗ ấy. Ôi những con tôm hùm giáo dục của người cộng sản. Con tôm hùm giáo dục nó tiến lên bằng những bước đi lùi.
Đối với con tôm hùm, tiến có nghĩa là lùi. Tuổi trẻ bây giờ trả giá cho những chính sách sai lầm trong giáo dục từ đó đến nay. Vậy mà họ dám viết như thế này:
“Sài Gòn ‒ Thành phố Hồ Chí Minh với những kinh nghiệm giáo dục sâu sắc, cả thành tựu lần thất bại, chắc sẽ trở thành môi trường thuận lợi nhất cho một nền giáo dục và đào tạo con người vừa có nhân cách vững vàng, vừa có chuyên nghiệp, khoa học tiên tiến.”
(Trích Giáo Dục ở Sài Gòn, trong Địa chí văn hóa, trang 748).
3 comments:
Câu chuyện bác kể làm cho độc giả liên tưởng bây giờ loạn hơn thời đệ nhị cộng hòa.
Nhưng chất lượng dạy học Miền Nam hiện tại vẫn hơn Miền Bắc.
Em họ em đamg vào Sài Gòn dự thi một phần đậu rễ hơn nhưng quan trọng là nạn "xin"điểm ít hơn.
Ai lại nói thế bao giờ. Xã hội phải tiến lên chứ ai lại thụt lùi. Mượn lời ông Nguyễn Văn Lục: tiến như con tôm.
Post a Comment