Nguyễn Văn Lục
Mỗi mùa thi tốt nghiệp PTTH hiện tượng phổ biến là lộ đề thi hoặc là những tin đồn về việc lộ đề thi. Phần (I) giới thiệu lịch sử các kỳ thi và kết quả không phải là cao. Xin giới thiệu phần tiếp theo bài biên khảo của tác giả Nguyễn Văn Lục về chế độ khảo thí thi cử trước 1975.
Xem phần I ở đây
Xem phần kết ở đây
Tổ chức chặt chẽ, có phương pháp, có lề nếp là yếu tố quyết định trong thi cử. Cá nhân muốn gian lận cũng khó mà gian được. Chẳng hạn chuyển đổi người địa phương đi nơi khác là yếu tố quan trọng hàng đầu. Phân biệt tổ chức Hội đồng giám thị và Hội đồng giám khảo. Không cho phép bất cứ quan chức địa phương nào, từ Tỉnh trưởng đến người quân cảnh dính dáng xa gần tới Hội đồng giám thị, Hội đồng giám khảo. Hai hội đồng ấy từ trung ương gửi xuống biệt lập với quan chức địa phương. Địa phương chỉ có bổn phận bắt buộc cung cấp phương tiện. Chánh chủ khảo đến làm việc là mọi chuyện phải được sắp xếp sẵn sàng cho họ phương tiện di chuyển như máy bay quân sự, xe cộ; lính canh gác thùng đề thi, an ninh tại các trường thi.
Chẳng hạn để tiết lộ thùng đề thi do trách nhiệm ông Tỉnh trưởng thì việc trước tiên là ông tỉnh trưởng phải đổi đi chỗ khác.
Tổ chức ấy được tiến hành như sau:
Nha Khảo Thí
Nha khảo thí là nơi đầu não làm việc suốt quanh năm nhằm mục đích tổ chức hai kỳ thi Trung học Phổ thông và 4 lần thi Tú tài 1 và Tú tài 2. Cơ quan này chia ra nhiều bộ phận riêng rẽ, biệt lập như tổ chức các Hội đồng Giám thị và Giám khảo, phân phối điều động các giám khảo, giám thị. Vì Sài Gòn là trung tâm nên nơi đây còn chia ra nhiều Hội Đồng như Hội Đồng ban B, ban C và D, Hội Đồng ban A. Các tỉnh thì có các Hội Đồng Giám khảo như Huế, NhaTrang, Cần Thơ, v.v… Hội Đồng Giám Thị thì tổ chức tại các địa phương như các tỉnh Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hội An, Quảng Trị, v.v... Khi các thí sinh thi xong thì bài thi và hồ sơ của Hội Đồng Giám Thị được chuyển tất cả về Huế.
Bộ phận quan trọng của Nha Khảo Thí là hội đồng ra đề thi. Bộ phận này nằm chót lót trên lầu 3 của Nha Khảo Thí. Người ta gọi đùa là một vương quốc thi cử. Nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Trung bình mỗi môn có hai giáo sư trung học có kinh nghiệm phụ trách. Họ có bổn phận cân nhắc kỹ lưỡng từng câu hỏi giáo khoa, từng bài thi sao cho đúng. Không có kẽ hở có thể để học trò hiểu lầm câu hỏi hay có thể có hai cách trả lời, v.v... Hoặc đề tài cần vừa trình độ học trò, không quá khó. Có nhiều năm, bài toán ra quá khó, nhiều học trò giỏi cũng ngắc ngư. Báo chí phản ứng dư luận rùm beng. Riêng đề thi ban Triết, nhiều vị không dám tự mình đề xướng ra một đề thi mới và thường chọn các đề thi có bài luận giải đáp trong sách Foulquié cho chắc ăn. Vì thế, các giáo sư cũng lấy các đề thi và bài luận trong sách này dạy cho học trò. Không có “học tủ” đâu, vì có đến 4, 5 cuốn Foulquie với hàng trăm bài mẫu.
Sau khi đã quyết định chọn được đề thi rồi, các vị ấy phải tự mình đánh máy, tự mình quay ronéo, tự mình để vào các phong bì rồi niêm phong lại. Phong bì đóng khằn bằng xi. Phòng đề thi được bảo mật, có người canh gác, có hệ thống an toàn riêng để tránh sự đột nhập của người lạ. Tất cả tổ chức khắt khe như vậy chỉ nhằm mục đích bảo đảm an toàn cho việc thi cử được bảo mật tối đa, giữ được công bằng.Tuy nhiên tổ chức bảo mật khắt khe đến đâu đi nữa vẫn có yếu tố con người. Vì thế, vấn đề còn lại vẫn là cá nhân, tư cách người thầy. Điều đó chính là rường cột của một nền giáo dục chân chính.
Các Hội Đồng Thi
Phần này viêt theo trí nhớ, có thể có một hai tiểu tiết thiếu sót, xin được thông cảm.
Để bảo đảm cho các kỳ thi đạt được kết quả mong muốn. Nguyên tắc của bộ (Quốc gia) giáo dục miền Nam là điều động các giám khảo từ địa phương này sang địa phương khác. Giám khảo ở Huế thì vào Nha Trang và ngược lại. Các giám khảo các tỉnh lẻ cũng bị điều động đi nơi khác. Mặc dầu tốn kém và khó khăn di chuyển. Nhiều địa phương mất an ninh, bắt buộc phải dùng phương tiện máy bay và lúc đó phải nhờ bên quân đội đảm trách việc di chuyển các giám khảo. Nguyên tắc di chuyển giám khảo ra khỏi địa phương của họ đã được duy trì từ năm 1955 đến 1975 và đem lại kết quả khá mỹ mãn.
Có các vị giáo sư lão thành cho hay hồi 1955-1956, số thí sinh còn ít, bài thi rọc phách rồi giám khảo được phép mang về nhà chấm. Vậy mà đâu có chuyện gì xảy ra?
Việc coi thi và chấm thi là hai bộ phận riêng biệt.
Các giáo sư trung học phải đảm trách hai nhiệm vụ một lúc: Vừa là giám thị vừa là giám khảo. Từ đó phân chia ra hai hội đồng: Hội đồng giám thị để coi thi, hội đồng giám khảo để chấm thi.
1. Hội Đồng Giám Thị
Công việc của Hội Đồng Giám Thị là tổ chức các kỳ thi viết tại các tỉnh nhỏ như Phan Thiết, Đà Lạt, Lâm Đồng, Vũng Tàu, Di Linh, Quảng Ngãi, Long Xuyên, Rạch Giá, v.v... Nghĩa là học sinh ở đâu thi tại đó. Báo chí trong nước hiện nay cho tin, các học sinh phải thuê nhà trọ để ứng thi chẳng khác gì các sĩ tử thời Nho Học là bao nhiêu. Trên thế giới chắc chỉ có Việt Nam hiện nay làm như vậy.
Ban Chủ tịch Hội Đồng thường có ba người: Một chủ tịch hội đồng, một phó chủ tịch và một thư ký. Các chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch thường do các hiệu trưởng hay các giáo sư có thâm niên trong nghề đảm trách. Tại địa phương, các ông phó tỉnh Trưởng, trưởng ty tiểu học ‒ Không có Hiệu Trưởng, vì hiệu trưởng, cũng được điều động đi nơi khác ‒ giúp sắp xếp lo liệu về hành chánh, điều động an ninh quân đội hay cảnh sát nếu có canh gác thì phải ở ngoài khuôn viên nhà trường. Các ông giám thị, tổng giám thị lo liệu sắp xếp chỗ ngồi theo số báo danh.
Đề thi đã được gửi tới tòa Tỉnh trưởng và Tòa tỉnh trách nhiệm cho người canh gác hòm bài thi, nếu cần. Cho dù có gan trời, các ông ấy cũng không dám đụng đậy vào các bao bì đề bài thi này.
Đến ngày thi, ông chủ tịch hoặc ông phó chủ tịch Hội đồng thi đến tòa tỉnh làm biên bản nhận bao bì bài thi. Tòa tỉnh cho xe quân cảnh hộ tống xe của Hội Đồng thi đến các hội đồng thi giao bài.
Phần thư ký hội đồng có bổn phận sắp xếp các giám thị địa phương là các giáo viên tiểu học kèm theo một giáo sư từ chỗ khác đến. Nghĩa là mỗi phòng thi gồm hai giám thị. Giám thị 1 là giáo sư trung học, giám thị 2 là giáo viên tiểu học. Bên ngoài, mỗi hành lang có thêm một giám thị hành lang là một giáo sư để kiểm soát chung cả hành lang.
Trước giờ thi các giám thị xem bảng sắp xếp đi về phòng thi đã được chỉ định kèm theo một hồ sơ các giấy tờ cần thiết cho mỗi phòng như biên bản. Đúng giờ thi, các giám thị hành lang sẽ mang phong bì đề thi được gián kín giao cho các giám thị mỗi phòng.
Tổ chức rất chặt chẽ, nhiệm vụ được phân chia rõ ràng. Bao nhiêu năm vẫn thế, ít có sự thay đổi. Vai trò các giám thị là giáo viên địa phương có hơi tế nhị như gặp thí sinh quen biết hoăc họ hàng. Nhưng thật sự không có vấn đề, vì còn có giám thị 1 có nhiệm vụ kiểm soát tất cả. Chưa kể còn giám thị hành lang.
Tờ giấy thi phát cho thí sinh làm có chữ ký của hai giám thị. Không có chữ ký của họ là bất hợp lệ. Cho nên tráo bài thi là truyện khó có thể xảy ra.
Hết giờ thi, nhiệm vụ của giám thị là thu bài xếp theo thứ tự vần, đánh số mật mã ở ô vuông trên mỗi bài thi. Phía ngoài ghi số thí sinh có mặt. Số đó là mật mã của sấp bài. Bài sau đó, được buộc chặt đóng thùng, gửi máy bay về Hội Đồng Giám Khảo.
Công việc của Hội Đồng Giám Thị kể là xong. Số phận học sinh nay nằm trong chính những xâp bài mà họ đã làm và nhất là trong tay các vị giám khảo.
2. Hội đồng giám khảo
Đây là công việc quan trọng nhất, quyết định số phận học trò. Công việc chấm thi, cộng điểm, lên danh sách kéo dài cả tháng trời. Rất thận trọng, rà soát lại từng thí sinh một.
Bài thi được rọc phách. Thường ông Phó chủ khảo đánh số mật mã. Mật mã trên phần phách phía trên và mật mã trên phần bài thi. Sau này chấm xong, ráp hai phần đó có số mật mã giống nhau là được.
Mỗi bộ môn có chừng độ 7, 8 giám khảo. Chấm lâu và mất nhiều thì giờ nhất là môn Triết. Có một trưởng ban cho mỗi môn. Mỗi giám khảo chấm bài nhận xấp bài đã ghi mã số bên ngoài bìa như xấp 25 bài, sẽ ghi xấp 25. Trước khi chấm phải họp lập thang điểm để thống nhất việc cho điểm. Bài cho điểm cao, bắt buộc phải đưa cho một giám khảo khác chấm lần thứ hai, sau đó cộng lại cho trung bình. Rất tiếc, đáng nhẽ bài cho điểm thấp quá cũng cần có chấm lại lần thứ hai cho công bằng.
Sau khi các giám khảo chấm xong. Vấn đề còn lại có tính cách hành chánh như là ráp phách, cộng điểm. Ngay việc cộng điểm cũng cần hai người, đọc điểm lên, rồi cộng, rồi so sánh, rà soát lại để tránh cộng sai. Công việc tổ chức khá là chặt chẽ.
Công lao khó nhọc cả năm trời quyết đinh trong mấy tiếng đồng hồ, kéo dài trong mấy ngày. Phù du như ảo ảnh. Đôi mắt tuổi trẻ nay ánh lên nỗi niềm lo âu và tin tưởng. Sự mong đợi và sự hy sinh vô bờ bến của bậc làm cha mẹ. Làm sao nói hết cho ra lời. Họ chỉ mong con cái thi đậu.
Nỗi niềm đó kéo theo tâm sự của cả miền Nam mỗi khi đến mùa thi.
Bầu khí đó nói lên tầm quan trọng của mùa thi. Nhất là cuối thập niên 1960, sau tết Mậu Thân. Tương lai tuổi trẻ như thế nào có thể đổi khác khi những mảnh giấy in ronéo được dán lên. Thi cử và tương lai tuổi trẻ gắn liền vào một. Đó là cái ý nghĩa nhất trong mùa thi cử.
Nhưng cho dù tổ chức thi cử có chặt chẽ thế nào đi nữa, người ta vẫn có thể gian lận. Tôi không chối cãi điều đó. Nhưng điều mà tôi nghĩ rằng, tổ chức thi cử ở miền Nam được tốt đẹp không hẳn ở tổ chức chặt chẽ.
Thi cử chặt chẽ, tốt đẹp và đàng hoàng là do con người của nhà giáo.
Tôi đã nhìn lại một số bậc đàn anh để thấy rằng nơi những người thầy ấy không có chỗ cho điều xấu có chỗ cư ngụ. Nhân cách họ bày tỏ một sự trong sáng không tì vết. Nhìn họ, nhìn con người họ nhìn phong cách họ, không một ai dám mở lời xin xỏ hay hối lộ.
Xin vinh danh họ. Những người đã đào tạo nên những thế hệ học sinh sau này thành người.
Tổ chức thi cử nghiêm chỉnh và nhân cách người giám khảo là hai yếu tố tạo cho các kỳ thi ở miền Nam trước 1975 đã đạt được sự công bằng cho mọi thí sinh.
Mặc dầu sống thanh bạch, các thầy giáo miền Nam, trung và tiểu học, nhất là tiểu học có quyền ngửng đầu để thấy rằng thi cử cũng như giáo dục là điều còn lại duy nhất giúp cho người miền Nam thấy hơn miền Bắc.
Miền Nam có thể thua miền Bắc do để mất miền Nam. Nhưng nền giáo dục ở miền Nam dù còn chập chững thiếu sót mà thực tế ngày nay cho thấy vượt trội rất xa miền Bắc cộng sản cả về chất lượng đào tạo và phẩm chất đạo đức.
Vậy mà họ dám viết phê phán nền giáo dục của VNCH như sau:
“Mỹ và chính quyền Sài Gòn cố gắng kết hợp mọi Triết học cũ xưa với Triết học mới nhất nhồi nhét những thế hệ thanh thiếu niên “lý tưởng quốc gia” giả hiệu, “thế giới tự do”, làm cho họ chạy theo lối sống thực dụng, hoặc sợ hãi sức mạnh nước ngoài, rồi bi quan, yếm thế, an phận.”
(Trích Địa chí văn hóa... trang 768).
Tất cả những ai đã đỗ đạt ở miền Nam vì thế đều có quyền tự hào là mình đã xứng đáng đỗ như thế. Và chỉ cần nhìn những người Việt Nam ở hải ngoại đã có thể học lại, có thể đỗ đạt ở nước ngoài không thua bất cứ di dân nào. Và tất cả chúng ta đều có quyền hãnh diện với chính mình và hãnh diện vì đã được đào tạo trong một môi trường giáo dục lành mạnh, nhân bản và đạo đức ở miền Nam Việt Nam.
Cụ thể là có khoảng 2800 dược sĩ hiện nay đang hành nghề tại hải ngoại. (Trích Danh sách dược sĩ Việt Nam trên thế giới Tự Do, xuất bản năm 1997).
Và có khoảng 2600 bác sĩ đủ loại cũng đang hành nghề khắp nơi trên thế giới. (Trích Danh sách Y sĩ Việt Nam trên thế giới Tự Do, 1997).
Còn lại biết bao nhiêu kỹ sư, giáo sư, Quốc Gia Hành Chánh cũng đã tạo được chỗ đứng cho họ ở xứ người.
Từ Hiệp đinh Geneva 1954, người dân miền Nam Việt Nam lo ổn định cuộc sống, trẻ em nô nức đến trường, phụ huynh ước mong con em học hành thành đạt để thoát khỏi cảnh nghèo dốt. Có sự bùng nổ của ngành Quốc gia Giáo dục, với phương tiện eo hẹp, chính quyền VNCH đã cố gắng đáp ứng nhu cầu học tập của giới trẻ. Buổi đầu ưu tiên tiểu học và trung học. Về sau bậc trung học tác động mạnh lên đại học.
Ngoài số thanh niên tốt nghiệp trung học mặc chiến y, một số khác được hoãn dịch vì lý do học vấn tiếp tục học lên đại học.
Một miền đất nước với gần 20 triệu dân trong hoàn cảnh chiến tranh triền miên dữ dội mà xây dựng được một hệ thống giáo dục như thế, đào tạo được một đội ngũ trí thức tài giỏi là một điểm son của chính thể VNCH.
(Còn tiếp)
5 comments:
Học như vậy thì bao giờ nông thôn bao vây được thành thị.
Dear anh Lý,
Thế hệ trước họ đã thực hiện đúng lý lẽ để phát triển dân tộc. Em nghĩ xem ra cũng dễ làm, thầy dạy thật, trò học thật và bộ máy chính quyền tổ chức thi cử thật - là xong. Em cũng hiểu được đại ý trong bài, nó có phần tương tự với nhật lý của Vương Trí Nhàn mà em trích sau đây (anh xem qua):
Như tôi đã viết đây đó, trước 1975, ở Thư viện quân đội, tôi đã được đọc một ít sách báo miền Nam, thường xuyên nhất là các tạp chí Bách Khoa, Văn, Khởi Hành, Thời Tập, Vấn đề… Trong số những ý tưởng mà tôi đọc được trong các tờ tạp chí đó, có cái câu sau đây của anh Cao Huy Khanh mà tôi cứ nhớ mãi. Nhân có một cuộc trao đổi gì đó với anh em Hà Nội, CHK viết trên Khởi hành, đại ý bảo các anh đừng tưởng chỉ các anh mới là Việt Nam, chúng tôi cũng là Việt Nam. Và trong những năm qua, con người trên mảnh đất này vẫn có điều tự hào là chúng tôi biết học.
Tôi không nhớ nguyên văn nhưng tinh thần cam đoan là thế (hết trích).
Em nghĩ rằng, có như vậy những con người đó mới bước ra xã hội làm thật được. Vài lời chia xẻ cùng anh.
TrinhCTSC
Các bạn hiểu hoàn cảnh lịch sử thế này, khác với miền Bắc, miền Nam luôn trong tình trạng chiến tranh. Do đó mà ông Tỉnh trưởng là người có quyền lực tối cao, lại là người toàn tâm phục vụ ban Khảo thí.
Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn xoen xét rằng Lấy học trò làm trung tâm. Nhưng thực tế họ bắt học trò (số đông, không có kinh nghiệm, không được chính quyền sở tại hỗ trọ trên thực tế) phải di chuyển mỗi mùa thi.
Mỗi mùa thi, ông thầy tôi phải di chuyển, ổng không chịu ràng seat-belt, đến nỗi phi công phải xuống thuyết phục rằng, ở đây pilot cũng phải ràng, thầy ạ.
Nhớ thầy Nguyễn Trung Trực. Lúc dạy chúng tôi thầy chỉ có bằng kỹ sư, chưa làm luận án thạc sĩ, nhưng thầy đã viết sách và được mời dạy ở vài trường đại học. Thầy nổi tiếng dạy giỏi và cũng nổi tiếng vì đánh rớt học trò môn của thầy. Sau khi tốt nghiệp vài năm, về thăm thầy, thầy kể: học trò các khóa sau học không bằng mấy khóa trước, nhưng thầy phải cho điểm cao và không khắt khe như trước nữa.
Xín quý bạn giúp cho một vài thông tin về thi tú tài bán,tú tài toàn trước 1975: môn chính mỗi ban là môn nào, hệ số mấy, các môn còn lại có hệ số khác nhau không, nếu hệ số khác thì hệ số các môn như thế nào, sinh ngữ chính hệ số mấy?
Post a Comment