Monday, July 25, 2011

Cuộc chống bá quyền còn ở phía trước

Ông Quang A mà tôi biết là một nhà khoa học(?), một doanh nhân và một nhà nghiên cứu. Ông hay được chụp hình và nêu tên trong những cuộc tuần hành mỗi Chúa nhật như là một người có tên tuổi. Người ta hay nêu bật tên ông khi tham gia đoàn cho thêm phần trọng lượng. Những thành tích, tên tuổi của ông và những nỗ lực không mệt mỏi của ông thật đáng trân trọng.

Khác với phần lớn những người ký bản Tuyên cáo, những công chức nhà nước tại vị hay đã nghỉ hưu, ông Quang A là doanh nhân doanh nghiệp tư nhân, thành phần mà cách nay không lâu là đối tượng cần phải loại bỏ trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Những công chức được xem là cùng hội cùng thuyền với ông là các ông (bà) sau đây gọi tắt là Các Nhân sĩ bao gồm, ông tướng Nguyễn Trọng Vĩnh; ông Chu Hảo Thứ trưởng; ông Phan Đình Diệu Viện trưởng, Ủy viên Đoàn Chủ Tịch ủy ban Trung ương MTTQ VN; ông Lữ Phương Thứ trưởng bù nhìn; ông Nguyễn Xuân Diện Phó Giám đốc; ông Huỳnh Tấn Mẫm Chủ tịch Tổng hội sinh viên; ông Trần Quốc Thuận Phó chủ nhiệm thường trực văn phòng Quốc Hội; ông Huỳnh Nhật Tấn giám đốc Trường Đảng Lâm Đồng; bà Võ Thị Bạch Tuyết Giám Đốc Sở Lao Động Thương Binh Xã Hội TP.HCM và nhiều người khác.

Đọc bài Công an đang quấy rầy tôi đăng trên nhật báo Anh Ba Sàm, tôi thấy lo ngại cho ông Quang A bởi những lý do sau:

Cùng với chính quyền, ông và Các Nhân sĩ nêu cao lòng yêu nước, chống chế độ bá quyền Bắc Kinh. Khác với chính quyền ta trong xử sự với chính quyền và đảng bạn một cách cương quyết nhưng khôn khéo, ông và các Nhân sĩ lại nêu khẩu hiệu đả đảo. Thế là cùng mục đích yêu nước nhưng cách thức đấu tranh ông và các Nhân sĩ với của cách thức đấu tranh Chính quyền lại như hai vector trái chiều nhau. Và sự khác biệt này có khi lại được chế độ bá quyền Bắc Kinh lợi dụng đào sâu mâu thuẫn, biến mâu thuẫn giữa nhân dân ta với chế độ bá quyền Bắc Kinh thành mâu thuẫn giữa các Nhân sĩ với Chính quyền ta.

Chính quyền đã cử cán bộ tế nhị tiếp xúc với ông hòng ngăn chặn mâu thuẫn đang bị khoét sâu. Những nhân viên an ninh là những người lính thực hiện nhiệm vụ được cấp trên của họ giao. Và ông đã hành xử với những cán bộ này như là ông đang sống trong một xã hội có dân chủ, là không cho phép nhà đương cục cản trở quyền tự do của ông. Cuối cùng thì những trở ngại cuối tuần vừa rồi ông đã vượt qua, tuy kèm theo một số khó chịu. Nói như ngôn ngữ tường thuật, là ông đang tạm dẫn bàn, chữ tạm trong sự ổn định nguy hiểm.

Tôi hay nhắc đi nhắc lại Các Nhân sĩ chung chiến tuyến với ông họ đi đâu mất mà không thấy xuất hiện để đồng hành cùng với ông. Ông tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đâu không thấy đứng ra phê bình các đồng chí công an làm sai điều lệnh. Những ông bà mang hàm thứ trưởng hay tương đương với giám đốc sở ban ngành có sát cánh với ông hay không và hành động của họ có giống như ông không. Nếu ông là thiểu số, sự thiệt thòi sẽ thuộc về ông.

Đáng tiếc là trong bài viết Công an đang quấy rầy tôi có nhiều nhận xét mang tính khích tướng rẻ tiền như là: Một trí thức ưu tú tiêu biểu cho thời đại, Lắm mưu mẹo và lỳ đòn, Bái phục và ví với Phu xích, v.v... những giọng điệu nhận xét khiêu khích, xem hành động của chính quyền là tiêu cực.

Làm trí thức phải dấn thân, tôi kính phục lòng yêu nước của ông, nhưng có nhiều cách dấn thân. Có nhiều cách ủng hộ phong trào đi bộ ngày Chúa nhật mà không nhất thiết cá nhân ông phải xuống đường. Đấu tranh chống chế độ bá quyền Bắc Kinh nhưng không gây nên những mâu thuẫn không đáng có với chính quyền. Mong ông an lành.

6 comments:

tualua said...

Bài viết quan ngại của bác Toét về an nguy dành cho bác Quang A là hoàn toàn có lý. Tuy nhiên đã làm người thì tự mỗi người sẽ có một lý tưởng, một mục tiêu riêng.
Cuộc sống thật nhỏ nhoi và ích kỷ nếu thiếu những người sống không có lý tưởng cho riêng mình. Bác Quang A là một trong số đó..

Lý Toét said...

@ Từa Lưa,
Tớ biết ông Quang A từ rất sớm, trước cả khi ông ấy thành lập công ty 3C. Ông ấy là một doanh nhân thực thụ, và sức mạnh của ông ấy nằm ở chỗ này.

Việc xuống đường và nhất là việc va chạm hình sự lại là sở đoản của ông ấy. Ông ấy đồng hành với chính quyền để bảo vệ biển đảo tại sao lại mang một hình thức ngược lại với động thái của chính quyền, đây là vấn đề.

Tại sao những người có sức mạnh hơn ông ấy, những vị tướng, những vị quan chức cũ sao không mạnh dạn lên tiếng mà lại co vòi.

Nếu doanh nghiệp của ông sập bẫy vì những lý do vớ vẩn như trốn thuế hay sai sót về mặt sổ sách sẽ là rất đáng tiếc.

Bạn hiểu ý chứ.

Saigonesevn said...

Nghe qua cũng thấy lo cho Bác TS Quang A. Cũng có thể là các Bác kia lớn tuổi nên không tiện đi chăng ???

tualua said...

@bac Toét
Tôi hiểu ý bác. Thay vì mỗi sáng chúa nhật bỏ thời gian đi dạo bộ với lớp trẻ, bác Quang A nên tạo một cái bờlốc viết về những kiến thức kinh tế xã hội cho các hậu bối học hỏi thì hay hơn hìhì..
"phát huy sở trường, tránh sở đoản" Đem sở đoản của mình mà đối chọi với sở trường của người ta thì nguy, không biết phải vậy không pac Lý?!

Lý Toét said...

Xuống đường là hành động tốt cho cả sức khỏe và xã hội. Nhưng ở đây đã có sự hiểu lầm giữa nhà cầm quyền với ông Quang A. Họ cho rằng ông QA chống họ, nhưng vô tình hành động của ông ấy lại làm cho họ hiểu nhầm thật.

Vậy việc nên làm không hẳn là viết blog, mà là tạm hoãn xuống đường hôm ấy, tìm lại sự cảm thông với nhà cầm quyền. Như chúng ta cùng thảo luận ở đây, có phải là đã hiểu ý với nhau ngay từ ban đầu đâu.

Ta có thể thay đổi khẩu hiệu xuống đường, thay vì Đả đảo, ta dùng chữ Ủng hộ. Làm như vậy sẽ không làm sâu thêm mâu thuẫn giữa ta với nhà cầm quyền.

Việc đấu tranh với nhà cầm quyền hãy nhường cho những người đã từng cầm quyền, Đó cũng là sự phân công trong đấu tranh vậy.

Sở trường, sở đoản là ở chỗ ấy vậy.

Cô Cấn said...

Bác A là em bác B.Ông già em học cùng bác B.
Bác A là quan võ nhìn dáng người và đôi mày xếch rất oai.Cụ thân của bác A là ANH HÙNG liệt sỹ chống Pháp.