Ảnh: Phân loại hến trước khi đi bán.
Là con vật bé nhỏ nhưng hến đã nuôi trên trăm gia đình ở gần Cầu Số 2, ấp Vĩnh Lân và ấp Vĩnh Quy thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thành, thành phố Cần Thơ.
Ðến đây vào lúc 12 giờ trưa ngày nào cũng bắt gặp không khí ồn ào náo nhiệt “trên bến dưới thuyền”. Bến sông kinh số 2 (ăn thông kinh Cái Sắn trên quốc lộ 80 đi thành phố Rạch Giá, Kiên Giang) dầy đặc những chiếc ghe neo đậu. Trên bờ là bao nhiêu lò luộc hến tỏa khói nghi ngút. Hơi nóng nắng trời cùng hơi nóng lò đun trấu khiến buổi trưa oi bức càng thêm ngột ngạt nhưng đầy hào hứng của những con người biết mình sẽ có miếng ăn tương đối trong ngày.
Trong không khí nhộn nhịp ấy có một người “điềm nhiên tọa thị”. Ðó là ông Phan Hùng Mậu, 62 tuổi. Ông nằm thảnh thơi trên chiếc ghế xích đu, mắt ngắm nhìn quang cảnh bừng bừng sức sống quanh mình như hồi nhớ thời kỳ “oanh liệt” mới đây.
Vài năm trước, ông Phan Hùng Mậu (ấp Vĩnh Lân) là con người nhanh nhẹn, lúc nào cũng xốc vác mọi chuyện trong nghề làm hến của gia đình mình. Một tay ông đã gầy nên cơ nghiệp, có nhà cửa khang trang, hướng dẫn đàn con theo nghề cho đến ngày nay, khi ông “nằm một chỗ” vì căn bệnh parkinson ác nghiệt, tay chân cứ run bần bật. Dưới bến sông nhà ông ghe hến về đang hối hả với công việc. Con trai thì ngâm mình trong nước quần đảo cho rổ hến sạch bùn đất. Tưởng đơn giản nhưng thật ra công việc này nặng nề nhất. Vì, để làm cho bùn đất không còn bám trên thân hến phải có “tay nghề”: vừa quần đảo rổ hến vừa thọc tay vào đó quẫy mạnh. Sau đó chuyền rổ hến cho người khác vác lên bờ.
Tại đây, trong bóng mát cây xanh và bóng mát tấm bạt, chúng được đổ vun trên manh vải nhựa để phân loại: hến, vẹm và ốc gạo. Ðây là công việc nhẹ dành cho phái nữ và trẻ con. Sau đó, hến hoặc vẹm được cho vô chảo đụng sôi ùng ục, đậy kín nắp, 10 phút sau giở nắp, dùng thanh gỗ dài, có khi chiếc dầm khuấy đều. Trong chốc lát, hến hoặc vẹm tách khỏi vỏ, dùng vợt vớt ra. Chị Phan Thị Ngân, con ông Mậu cho biết, trung bình một giạ (20kg) hến hoặc vẹm sau khi luộc xong cho 5kg hến ruột.
Ông Phan Hùng Mậu dù bệnh tật nhưng lúc nào miệng cũng nở nụ cười. Ông cho biết gần như cả làng này đều làm hến. Trước đó dân địa phương nếu không làm mướn thì giăng lưới bắt cá. Có lẽ công việc giăng lưới không đem lại nhiều lợi nhuận, và trong quá trình kiếm sống này, trong giao tiếp, có người “phát hiện” nghề cào hến có ăn nên chuyển nghề từ khoảng 30 năm nay.
Hiện nay tại đây có chừng 10 lò, vô trong kia một chút, ở ngọn trên có khoảng 30 lò. Làm hến là việc nhà, không thuê mướn nhân công.
Gia đình ông Mậu làm nghề từ 15 năm qua với 6 chiếc ghe, tải trọng từ 30kg tới 50kg/ghe. Mỗi ghe có từ 2 tới 3 người đảm trách, khoảng 5 giờ sáng nổ máy lên đường, có khi ra đi từ lúc nửa đêm, tùy con nước hoặc đi xa. Trước kia đi cào vất vả và khá nguy hiểm vì phải ngâm mình trong nước để cào hến bằng chiếc bàn cào tre. Việc vừa đi lần dưới nước vừa lặn hụp cào những con hến ẩn mình trong bùn đất, có nhiều lúc đứt tay hoặc đứt chân khi đạp nhằm miểng kiếng, miểng chai.
Ảnh: Ghe hến về bến.
Ngâm mình trong nước lâu dẫn đến bị vọp bẻ. Nhưng đáng sợ nhất là bệnh “hậu”: cơ thể nhiễm lạnh, thấp khớp cùng một số bệnh ngoài da khác. Vì vậy người trong giới gọi đùa đây là nghề “bán thân nuôi miệng”. Có lẽ căn bệnh parkinson ông Phan Hùng Mậu đang vướng có thể cũng do nguyên nhân này? Ngày nay bàn cào đã được cải tiến. Ðó là một giàn gồm lưới và chiếc lồng sắt có nhiều chân thả chìm sát đáy sông. Ghe chạy kéo lồng sắt “cào” sâu mặt đất, hến, vẹm, ốc gạo “chui” vào lồng rồi nằm gọn trong lưới phía sau. Người đi cào ngồi trên ghe, khi nào cảm thấy hến vô đầy lưới thì kéo giàn cào lên. Ghe thường về bến vào lúc 12 giờ trưa. Sau chuyến cào, trung bình mỗi ghe của ông Mậu thu hoạch chừng 400kg hến.
Tiếng là hến nhưng thật ra họ cào tất cả những con vật nhuyễn thể sống dưới đáy sông như ốc gạo, vẹm (chem chép). “Làng” này có 2-3 vựa chuyên thu mua thịt và vỏ hến, vẹm. Ruột hến hoặc vẹm sau khi luộc bán được 6,000 đồng-7,000 đồng/kg, còn vỏ thì 2,000 đồng một cần xé. Vựa đến mua, tự cân, tự xúc rồi tự đem về.
Trước kia, vỏ hến, vẹm chỉ dùng trải đường đi trong ấp tránh lầy lội. Ngày nay chúng được xay làm thức ăn giàu calci cho cá tôm hoặc gà vịt… Ruột hến, vẹm vựa chuyển đi. Một số người đoán chúng được bán cho các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, thậm chí có người còn quả quyết chúng được bán cho mấy hãng sản xuất mì ăn liền. Gì chứ chất ngọt của loài nhuyễn thể này là một gia vị độc đáo rẻ tiền như “thức ăn nhanh giá bèo nhứt xứ” này là mì gói. Riêng ốc gạo họ không luộc mà bán ngay, giá khoảng 5,000 đồng/kg. Người ta mua về làm gì họ cũng chẳng biết.
Làm hến quần quật vậy mà chỉ mong đủ ăn là mừng. Bên kia kinh, ấp Vĩnh Quy, có tới hàng trăm gia đình làm hến. Số người cào hến nhiều như vậy nên cào được những con hến, con vẹm, con ốc gạo mới vừa lớn là quý lắm rồi. Nhưng muốn có được chúng phải đi xa. Anh Phan Thanh Long, 40 tuổi, ở ấp Vĩnh Quy, có 1 miệng lò, hoạt động 10 năm nay, cho biết vậy. Anh cùng vợ là chị Nguyễn Kim Hạnh, 39 tuổi, tự thân chạy ghe đi cào. Muốn cào trúng phải biết bãi và mùa vụ. Tháng Bảy, Tháng Tám cào gần. Tháng Mười, Mười Một cào xa: Thốt Nốt, Ô Môn (Cần Thơ), Long Xuyên (An Giang). Anh tâm sự có khi phải đi tới Vĩnh Thạnh Trung, Bình Long, Vịnh Tre (Châu Phú, An Giang). Ở hai địa phương này, thời điểm nhiều hến nhất là Tháng Bảy Âm lịch, đặc biệt những khi con nước lên. Chị Hạnh nhanh tay đảo chảo nấu hến bằng chiếc đũa lớn. Bọt xám trào đầy miệng chảo tỏa mùi thơm đặc trưng của hến. Trong chốc lát chị dùng vợt hớt ruột hến nổi mặt nước rồi vớt vỏ hến nằm sâu đáy chảo. Anh Long tâm sự mỗi ngày vợ chồng anh kiếm được cả trăm ngàn đồng từ hến, sau khi trừ xăng dầu ghe cộ còn chừng 60,000 đồng.
Ảnh: Chị Nguyễn Kim Hạnh nấu hến bên con gái và chồng phía sau.
Năm nay hến thất. Cô bé Phan Minh Hằng, 15 tuổi, luôn tay cho lò “ăn” trấu. Cô nói trấu chở ghe tới bán, 3,000đ-4,000đ/bao, tùy thời điểm. Chị Hạnh kể: hến, vẹm, ốc gạo bán cho lái. Lái bán chợ cho người ta mua nuôi lươn, tôm, cá lóc… Ðặc biệt lái Ðồng Tháp sang mua nhiều. Rồi chị cười như mếu: “Mình làm quần quật nuôi miệng được là mừng. Chỉ có lái mới giàu”. Chính vì vậy mà con gái chị, Phan Minh Hằng phải nghỉ ở nhà phụ giúp cha mẹ khi học tới lớp 9!
Khoảng 4-5 giờ chiều, “làng hến” Vĩnh Trinh vắng quạnh cho tới 12 giờ trưa hôm sau. Dù có thu nhập cả triệu đồng như nhà ông Phan Hùng Mậu, nhưng nếu chia cho “tập đoàn” con dâu rể cháu, thu nhập bình quân mỗi người chẳng là bao. Chính vì vậy mà “làng hến” khá bệ rạc. Còn một lý do nữa. Hến, vẹm hoặc ốc gạo là những sản vật nước ngọt rất ngon khi trở thành món ăn như: luộc cuốn bánh tráng chấm nước mắm tỏi ớt, nấu ngót, xào hẹ, làm bánh xèo…
Chúng còn là những con vật giàu kẽm, khoáng chất thiết yếu cho hệ cơ, hệ miễn dịch. Nhưng để hân thưởng các món ăn trứ danh và bổ ích này người ta cần những con hến, con vẹm hoặc ốc gạo lớn. Ðằng này các con vật sống dưới bùn đất đáy sông mà họ đánh bắt được phần lớn nhỏ bé, chỉ “xứng” xay nghiến làm thức ăn gia súc, nên chẳng có giá trị thương phẩm! Nhớ lời than của chị Nguyễn Kim Hạnh: “Mình làm quần quật nuôi miệng được là mừng. Chỉ có lái mới giàu”, chợt nghĩ tại sao không ai chịu làm giàu khi mở nhà máy bột hến ngay tại hai ấp này?
Cát Tường (báo Người Việt)
Source http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=101826&z=2
No comments:
Post a Comment